Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm có những thành phần sau.

Talc

Thành phần Talc trong mỹ phẩm rất dễ gây kích ứng da nhạy cảm.

Đây là thành phần thường được dùng trong mỹ phẩm trang điểm khiến da mềm mịn hơn. Nếu da bạn bình thường thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu da bạn thuộc loại mẫn cảm (bệnh Rosacea), bạn không nên sử dụng mỹ phẩm có chất này vì chúng rất dễ gây kích ứng da nhạy cảm.

Retinol

Retinol vẫn là “chuẩn vàng” trong điều trị chống lão hóa, đẩy lùi tổn thương do ánh nắng và kích thích collagen. Tuy nhiên, chất này có thể gây một số phản ứng độc hiếm gặp, cũng như gây kích ứng da khó chịu.

Alcohol (Cồn)

Alcohol luôn là thành phần gây tranh cãi vì khiến làn da bị nổi mụn. Có thể bạn nghĩ chỉ những dạng cồn nhất định mới gây hại cho da vì có rất nhiều loại khác nhau. Nhưng từ alcohol denat đến ethyl alcohol, isopropyl alcohol, đều không phù hợp cho da có mụn trứng cá. Nó làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, có thể làm tăng sản xuất dầu và bã nhờn, da chết. Đối với một người bị mụn trứng cá, đây là một sự kết hợp khủng khiếp của các kích ứng.

Tuy nhiên, vẫn có các loại cồn như lauryl, cetyl, stearyl, cetearyl và oleyl alcohols không có hại cho da, và thực sự có nhiều lợi ích. Vì vậy, nếu bạn thấy thành phần có một trong những loại cồn đó, đừng quá lo lắng.

Oxybenzone

Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm thì thành phần bạn cần tránh xa đó là Oxybenzone.

Thường gặp trong nhiều loại kem chống nắng, Oxybenzone nổi tiếng là “chuyên gia gây rối” cho những ai sở hữu làn da mẫn cảm. Chất hóa học này thường gây kích ứng và làm tổn hại da.

Parfum (Chất thơm)

Chất thơm là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng da. Chất thơm không thực sự dùng để chỉ nước hoa, mà là những hợp chất hóa học khiến sản phẩm có mùi dễ chịu hơn. Hiện nay chất thơm có mặt trong rất nhiều sản phẩm. Thậm chí những sản phẩm ghi “không mùi” cũng có chất thơm để che giấu mùi thật của công thức. Những người bị dị ứng chất thơm có thể bị phù nề, ngứa và những trường hợp nặng có thể sưng húp cả mắt. Trong trường hợp này nên thay bằng sản phẩm không có chất thơm mà trên nhãn ghi rõ là “không có chất thơm”, thay vì chỉ ghi chung chung là “không mùi”.

Paraben

Mỹ phẩm chứa paraben nồng độ cao có thể gây ra viêm da tiếp xúc, hiện tượng kích ứng da.

Xuất hiện dưới tên in trên bao bì như: Isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylpar. Và thường “góp mặt” ở các sản phẩm trang điểm, kem dưỡng ẩm, gel cạo râu…

Paraben là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng paraben gây mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn sinh sản nếu sử dụng lâu dài. Mặc dù nhờ paraben mà mỹ phẩm có hạn sử dụng lâu hơn, nhưng để đánh đổi lại các hậu quả khác cho da thì đây là việc cần được cân nhắc.

Hydroquinone

Hydroquinone là hoạt chất thường có trong làm trắng da. Bởi mong muốn sở hữu nước da trắng nõn, nhiều nàng không ngại sử dụng các tinh chất, kem dưỡng trắng hoặc thường xuyên đi tắm trắng, nhưng không biết rằng đó là cuộc chơi với “tử thần” hydroquinone.

“Lạm dụng” chất làm trắng không chỉ phá hủy các tế bào da, mà còn can thiệp trực tiếp vào quá trình chuyển hóa năng lượng và gây ảnh hưởng xấu đến nội tạng. Lâu dần, sức khỏe càng suy yếu hay có nguy cơ gây ung thư cao. Chính vì những hậu quả khó lường nên thành phần độc hại trong mỹ phẩm này cần được loại bỏ khi chọn mua.

Chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT)

Methylisothiazolinone (MIT) là một chất diệt khuẩn mạnh.

Đây là một chất thường được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm rửa trôi. Nhưng theo các nghiên cứu thì chất này có khả năng gây kích ứng da cao gấp 10% so với các chất thông thường khác. Vì vậy, các bạn khi chọn mua mỹ phẩm nên tránh thành phần methylisothiazolinone, nhất là làn da nhạy cảm.

Khi bị dị ứng điều trị thế nào?

Trước tiên là phải đảm bảo an toàn. Nếu da bạn thuộc loại da nhạy cảm, hãy bôi thử một ít lên da mặt sau cánh tay trước khi dùng sản phẩm mới trên mặt hoặc trên người. Nếu không thấy da nổi mẩn hoặc da hết đỏ sau 24 giờ thì có thể sử dụng sản phẩm như dự định.

Nếu vẫn bị kích ứng, có thể bôi kem corticoid nhẹ tại chỗ hoặc uống thuốc kháng histamine để giảm sưng, đỏ và ngứa. Nếu phản ứng nặng hơn, có thể phải uống thuốc corticoid. Còn nếu bị dưng môi, lưỡi hoặc họng, khó thở hoặc nổi mề đay, thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Hồng Hạnh

(Tổng hợp)