Siết chặt, xử lý nghiêm kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu – TTV

Nhằm tiếp tục siết chặt quản lý đối với mặt hàng này, Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã ban hành Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389/TP về việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế… trên địa bàn.

Chiều 14-7, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) đã thu giữ hơn 4 tấn mỹ phẩm nhập lậu, tại cơ sở kinh doanh ở Khu tập thể đường sắt, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Số mỹ phẩm này có nhãn mác xuất xứ nước ngoài nhưng không có thông tin nào về đơn vị nhập khẩu theo quy định. Cơ quan chức năng xác định, hơn 11.500 sản phẩm mỹ phẩm các loại gồm dầu gội, thuốc nhuộm tóc, sữa rửa mặt… là hàng lậu, được vận chuyển từ bên kia biên giới về Hà Nội tiêu thụ.

Liên quan đến số mỹ phẩm này, chủ hàng khai nhận, 4 tấn mỹ phẩm này khi nhập về có trị giá khoảng 500 triệu đồng, sẽ được bán ra thị trường với mức giá gấp đôi, gấp ba, nếu tiêu thụ trót lọt sẽ trục lợi cả tỷ đồng.

Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8 Phạm Thành Trung cho biết: “Toàn bộ số hàng hóa này được các đầu nậu gom tại biên giới, đều là hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Lợi nhuận lớn, trong khi hành vi kinh doanh hàng lậu, nếu bị xử lý chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính nên chủ hàng bất chấp quy định pháp luật để vi phạm.

Đáng lo ngại, cơ quan chức năng xác định, số mỹ phẩm này chủ yếu được tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh hay spa, tiệm cắt tóc trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vụ việc này một lần nữa cảnh báo về chất lượng mỹ phẩm trong các dịch vụ làm đẹp trên thị trường hiện nay.

Trước đó, chiều tối 30-6, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) ập vào một kho chứa sản phẩm mỹ phẩm, chủ yếu là nước hoa. Kho hàng nằm tại kho số 4 trong khuôn viên Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Hà Nội, có địa chỉ tại 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, Valentino, Louis Vuitton… Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho là Hoàng Quốc Phương (sinh năm 1989, thường trú tại số 10 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của kho hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp, hàng giả…

Trên đây chỉ là hai vụ điển hình trong số hàng nghìn vụ mỹ phẩm giả, nhái đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389/TP cho thấy, trong tháng 7-2021, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 3.407 vụ hàng lậu, hàng giả; khởi tố 5 vụ đối với 14 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính là hơn 384,3 tỷ đồng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, tình trạng kinh doanh vận chuyển hàng nhập lậu trong thị trường nội địa vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong những tháng đầu năm, các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện, thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hóa nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Trước những mối nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Trần Việt Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo 389/TP đã ban hành Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389/TP về việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế… trên địa bàn. Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra về giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký lưu hành, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Từ đó, kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Hanoimoi.com.vn