Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ nano có thể được tìm thấy trong sản xuất mỹ phẩm như sản phẩm tạo ẩm, sản phẩm chăm sóc tóc, sản phẩm trang điểm, và sản phẩm chống nắng. Trong mỹ phẩm, hiện tại có hai ứng dụng chính sử dụng công nghệ nano.
Thứ nhất đó là sử dụng công nghệ nano để làm các chất ngăn tia cực tím. Titan oxid và kẽm oxid là hai hợp chất chính được sử dụng với mục đích này. Chúng là các chất lọc tia UV với khả năng hấp thụ tia bức xạ UV-B và UV-A và phát ra lại tia UV-A ít có khả năng gây tổn thương hơn thông qua dạng ánh sáng huỳnh quang nhìn thấy được hoặc dưới dạng nhiệt. Một công thức chống nắng lý tưởng cần phải ngăn chặn hiệu quả bức xạ UV-A/UV-B, không độc và đảm bảo thẩm mỹ. Titan oxid không được bao sẽ hấp thụ các photon ánh sáng và phát ra các electron phát xạ, sau đó sẽ được chuyển thành các gốc tự do và hấp thụ vào các lớp thuộc da, gây ra các tổn thương do oxy hóa. Để ngăn cản sự hình thành các gốc tự do và ngăn cản sự kết tụ các tiểu phân, titan oxid và kẽm oxid thường được bao bởi nhôm oxid, silicon dioxid hoặc dầu silicon. Ngoài ra, các chất hữu cơ thay thế dùng để bao gói cũng đang được tiếp tục phát triển [1].
Hình 1. Tác dụng ngăn chặn tia cực tím của kẽm oxid nano (Nguồn: Antaria Technologies)
Thứ hai là sử dụng công nghệ nano trong việc vận chuyển dưới dạng liposome hay các dạng tương tự. Các cấu trúc mới như hệ nano lipid rắn (SLN – Solid-lipid nanoparticles) và hệ chất mang lipid có cấu trúc nano (NLC – Nanostructured lipid carriers) cũng đã được phát triển. Cụ thể, các NLC được xác định là tác nhân vận chuyển mỹ phẩm thế hệ tiếp theo rất có tiềm năng trong việc tăng cường khả năng hydrat da, sinh khả dụng, độ ổn định của tác nhân. Các kỹ thuật bao gói đã được đề xuất để vận chuyển các chất có hoạt tính dùng trong mỹ phẩm. Nano tinh thể và nhũ tương nano cũng được nghiên cứu để ứng dụng trong mỹ phẩm. Một số vật liệu mới khác như fullerene cũng xuất hiện trong một vài sản phẩm làm đẹp. Dạng nano trong các công thức mỹ phẩm đã thể hiện khả năng tăng cường độ ổn định của nhiều thành phần khác nhau trong mỹ phẩm như các acid béo chưa bão hòa, các vitamin, hoặc các chất chống oxy hóa bằng cách bao gói chúng; tăng cường hiệu quả và độ dung hợp của các chất lọc tia UV trên bề mặt da; làm cho sản phẩm mang tính thẩm mỹ hơn; và tăng cường sự xâm nhập của các thành phần có hoạt tính đối với lớp biểu bì [1].
Sau đây là một số sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất mỹ phẩm, có thể tóm tắt qua bảng 1.
Bảng 1. Một số mỹ phẩm ứng dụng công nghệ nano trên thị trường [2], [3], [4]
Dạng nano
Sản phẩm
Nhà sản xuất
Nano vô cơ (Kẽm oxid và titan oxid)
Chất chống nắng (Sunforgettable corrector SPF 20, 30), chất bảo vệ da (Skin bronzer)
ColoreScience
Chất giữ ẩm chống nắng
Image skincare
Kem bôi giữ ẩm chống tia UV Olay
Procter & Gamble
Kem chống nắng Soltan
Boots
Fullerene
Defy: kem chống lão hóa
Bellapelle skin studio
Kem Dr. Brandt không vết nhăn (new lineless)
Dr. Brandt
Kem giúp tái tạo dùng buổi tối (Revitalizing night cream)
MyChelle dermaceuticals LLC
Kem fullerence C-60 buổi ngày/buổi tối Zelens
Zelens
Nhũ tương nano
Hỗn hợp giữ ẩm Coco
Chanel
Purelogy Colormax
Purelogy
Siêu vi nang
Kem làm diu, chống nắng, chống lão hóa (Soleil Instant Cooling Sun Spritz, Soleil Soft-Touch Anti-Wrinkle Sun Cream SPF 15)
Lancome, L’ Oreal
Liposome
Gel trị mụn (Trioxil Anti-Acne Gel)
DS Laboratories
Gel chống lão hóa (Viterol.A (viatrozene gel) 16%
DS Laboratories
Niosome Niosôme Lancome, L’ Oreal
Tài liệu tham khảo:
1. Kumar N., Kumbhat S. (2016), Essentials in Nanoscience and Nanotechnology, John Wiley & Sons, Inc., USA.
2. Betancourt T., et al. (2009), Controlled Release and Nanotechnology, Springer-Verlag New York, pp. 283-312.
3. Raj S., et al. (2012), “Nanotechnology in cosmetics: Opportunities and challenges”, J Pharm Bioallied Sci, 4(3), pp. 186-193.
4. Ahmad U. et al. (2018), “Strategies in Development and Delivery of Nanotechnology Based Cosmetic Products”, Drug Res (Stuttg), 68(10), pp. 545-552.
Tổng hợp: ThS. Hồ Hoàng Nhân