Hà Nội: Mỹ phẩm Tùng Linh bày bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Tràn lan các dòng mỹ phẩm!

Thời gian gần đây, tòa soạn báo Người tiêu dùng liên tục nhận được các thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng các cơ sở bày bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ tiếng Việt.

Một cơ sở mỹ phẩm Tùng Linh ở số 42 Quang Trung – Hà Đông – Hà Nội.

Để khách quan thông tin phản ánh, PV báo Người tiêu dùng đã mục sở thị tại cơ sở mỹ phẩm Tùng Linh, tại đây theo ghi nhận của PV thì có rất nhiều loại mỹ phẩm được bày bán.

Tại thời điểm phóng viên có mặt, đến cả nơi sản xuất và gọi tên sản phẩm cũng là một điều rất khó khăn đối với người tiêu dùng khi vào mua hàng tại cơ sở này. Bên trong kệ hàng được bày bán rất nhiều dòng sản phẩm từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…, hầu hết trên bao bì sản phẩm đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Những sản phẩm này nếu không được nhân viên tư vấn trực tiếp thì người tiêu dùng không thể biết được công dụng của sản phẩm.

Khi cầm trên tay những loại sản phẩm chỉ có ngôn ngữ nước ngoài thì khách hàng khó mà phân biệt được công dụng của sản phẩm mang lại, hay là thời hạn sử dụng sản phẩm đến khi nào?

Tình trạng tràn lan rất nhiều sản phẩm ở tại mỹ phẩm Tùng Linh không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Việc hàng nhập khẩu nhưng không có thông tin cụ thể về sản phẩm gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu về nơi sản xuất, xuất xứ của sản phẩm, đồng thời còn có dấu hiệu không đảm bảo tính pháp lý của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Người ta như thế nào thì bắt buộc anh phải như thế?

PV báo Người tiêu dùng đã trực tiếp liên hệ với ông Trương Đỗ Khánh – Đại diện chủ cơ sở mỹ phẩm Tùng Linh để khách quan thông tin, ông Khánh chia sẻ: “Sản phẩm bên anh nhập ở trong nước nhưng xuất xứ ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số nước ở Đông Nam Á. Tình trạng sản phẩm không tem nhãn là toàn thị trường trên cả nước, những nơi được gọi là tin tưởng nhất như siêu thị cũng không có tem nhãn phụ.

Sản phẩm này phải chăng “nhập nhèm” nguồn gốc xuất xứ khi không có một dòng tem nhãn phụ?

Em muốn tìm cơ sở nhỏ lẻ ở bất kỳ đâu nơi thành phố này thì sẽ có tình trạng tương tự. Các em muốn làm trong sạch thị trường, vấn đề đó không chỉ giải quyết ở cửa hàng nhà anh mà ở tất cả các cửa hàng khác…Anh không phủ nhận hay không bao biện cho hành động của mình là đúng hay sai nhưng người ta như thế nào thì bắt buộc anh phải như thế”.

Ông Khánh nhấn mạnh thêm: “Anh cũng có anh em làm bên báo Kinh Tế, báo Nhân Dân…anh nói luôn là anh cũng làm bên VTV”. Điều này phải chăng đại diện chủ cơ sở đang thách thức dư luận? Để nhằm khẳng định sự phát triển của hai địa chỉ mỹ phẩm thuộc hệ thống mỹ phẩm Tùng Linh ở gần hai khu phố sầm uất là có trụ lực nào đó chống lưng đằng sau? Cơ sở này vẫn biết bày bán sản phẩm không tem nhãn phụ là sai, khiến người tiêu dùng hoài nghi chất lượng sản phẩm là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn “hiên ngang” công khai?

Quy định về hàng hóa không tem nhãn phụ bị cấm lưu thông trên thị trường

Cụ thể theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường

Liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được tình trạng trên? Cách đó không xa là trụ sở của Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội (ở 80, đường Quang Trung, P. Quang Trung, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội).

PV báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để truyền tải thông tin sự việc kịp thời đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.

Hồng Liên