CEO Guardian Việt Nam: Chúng tôi không cạnh tranh với các nhà

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Guardian tại thị trường Việt Nam, sau 6 năm có mặt tại thị trường này?

Việt Nam là một thị trường rất cạnh tranh. Tại đây hiện đã có rất nhiều đối thủ trong ngành và thị trường vẫn đang bị chiếm lĩnh phần lớn bởi những nhà bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam có dân số trẻ và vẫn đang trên đà tăng trưởng, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam cũng đang tăng nhanh. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng vẫn còn rất nhiều tiềm năng tại thị trường này.

. Ông Pawin Sriusvagool – CEO chuỗi Guardian Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dairy Farm)

Vậy đâu là những vấn đề mà Guardian phải đối mặt tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua?

Việt Nam không phải là một thị trường đơn giản để vận hành một chuỗi bán lẻ và Hà Nội là một thị trường khá phức tạp, đặc biệt, chi phí thuê mặt bằng cao và nguồn nhân lực bị hạn chế. Mặc dù Guardian là thương hiệu khá nổi tiếng thế giới, nhưng tại Hà Nội, chúng tôi vẫn hoàn toàn mới. Vì vậy, chúng tôi cần có thời gian để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.

Những sản phẩm của Guardian có gì đặc sắc để thu hút khách hàng Việt Nam?

Xét về sản phẩm, vấn đề quan trọng nhất là mang lại cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, được ưa chuộng nhất. Những sản phẩm này có thể có xuất xứ từ nhiều nhiều nơi như: châu Âu, Anh, Nhật, Hàn Quốc.

Về mặt dịch vụ, vì đây là một thị trường còn “non trẻ” so với các thị trường bán lẻ hiện đại, nên chúng tôi cần phải không ngừng đào tạo nhân viên để mang đến một dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Guardian mở tới 39 cửa hàng tại TP.HCM, nhưng Hà Nội mới có 6 cửa hàng, vì sao lại có sự chênh lệch này?

Hiện tại, số lượng cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM đang rất chênh lệch, nhưng tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng “phủ sóng” rộng hơn tại Hà Nội.

Cả Hà Nội và TP.HCM đều có khoảng 7 triệu dân, là những thị trường rất tiềm năng. Vấn đề là chúng tôi phải tìm hiểu rõ hơn về thị trường Hà Nội để hiểu khách hàng thực sự cần gì, bởi vì thị hiếu trong Nam, ngoài Bắc rất khác nhau.

Với kế hoạch mở rộng cửa hàng của Guardian tại Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước sẽ có cơ hội gì?

Ngành bán lẻ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, với chúng tôi, đây là một trong những thị trường tiềm năng nhất.

Với những dòng sản phẩm đang kinh doanh, chúng tôi đang hỗ trợ nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, hầu hết nhân viên hiện nay của chúng tôi là người địa phương và chúng tôi không ngừng đào tạo để giúp họ phát triển hơn nữa. Chưa kể, nhiều sản phẩm ở đây có nguồn gốc trong nước được bán qua các nhà cung cấp địa phương.

Đối tượng khách hàng đến với Guardian chủ yếu là giới trẻ. Guardian mang đến cho họ trải nghiệm gì, thưa ông?

Hiện nay, người tiêu dùng thông minh sẽ không chỉ quan tâm đến giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn chú ý đến dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Đối với phụ nữ, nhu cầu làm đẹp theo từng thời điểm trong ngày. Các bước chăm sóc da buổi sáng khác với buổi tối và ngay cả các loại sữa rửa mặt cũng được dùng với mục đích riêng và dành cho các làn da khác nhau.

Có rất nhiều việc để làm, tuy nhiên, vì thị trường này còn rất mới và non trẻ, nên những bước làm đẹp của người Việt có khi vẫn ít hơn so với phụ nữ Hong Kong hay Singapore. Phụ nữ Hàn Quốc trước khi đi ngủ có thể có đến 15 bước làm đẹp, nhưng đa số phụ nữ Việt Nam chỉ có khoảng 5 bước. Đó là cơ hội của chúng tôi.

Ngoài ra chúng tôi còn mang đến những công nghệ và xu hướng chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp mới. Bên cạnh đó, muốn xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng thông qua nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Để khi lựa chọn sản phẩm tại Guardian, bạn sẽ luôn yên tâm về mọi mặt.

Guardian có bán các sản phẩm do chính mình sản xuất hay không?

Đó chính là một thế mạnh khác của Guardian, là sự đa dạng, phong phú các nhãn hàng riêng của Guardian như Guardian, Botaneco Garden, LipHop, Mediterranean, gồm các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.