Không dễ tìm được mỹ phẩm phù hợp cho nam giới

(SGTT) – Xu hướng làm đẹp nói chung tại Việt Nam thời gian gần đây đang trên đà gia tăng, nhất là ở nam giới. Họ đã không đơn thuần chỉ chọn sản phẩm tắm gội bình thường mà còn mong mỏi chăm chút nhiều hơn từ nước hoa, khử mùi cho đến kem dưỡng.

  • Ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc sa sút vì Covid
  • Bí quyết hạn chế mụn vào mùa lạnh
  • Ansan Cosmetics: mỹ phẩm chính hãng chưa chắc giá cao

Xu hướng dùng mỹ phẩm tại Việt Nam

Theo khảo sát “Xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam năm 2020” của Q&Me, thị trường mỹ phẩm đang tăng trưởng nhờ vào nhu cầu ngày càng đa dạng đối với các sản phẩm làm đẹp.

Đặc biệt là ở Việt Nam với dân số trẻ chiếm đa số và luôn cởi mở với xu hướng làm đẹp trên thế giới. Khảo sát được thực hiện với 458 phụ nữ từ 16 tuổi trở lên và được thực hiện vào tháng 1-2020.

Theo Q&Me, son môi và sửa rữa mặt (bao gồm tẩy trang) là hai sản phẩm được sử dụng nhiều nhất trong nhóm các sản phẩm trang điểm và dưỡng da. Ảnh: Q&Me

Thói quen sử dụng mỹ phẩm khác biệt theo từng độ tuổi. Hơn một nửa số người từ 23 tuổi trở lên trang điểm thường xuyên khi đi làm/đi học, đi chơi hoặc tham dự các buổi tiệc.

Các sản phẩm chăm sóc da được dùng thường xuyên hơn, 60% những người trong độ tuổi này sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da hàng ngày.

Chi tiêu cho mỹ phẩm tăng 10% trong nhóm những người sử dụng mỹ phẩm thường xuyên.

Các cửa hàng trong trung tâm thương mại và các cửa hàng bên ngoài của thương hiệu là nơi mua sắm mỹ phẩm phổ biến nhất. Bên cạnh đó, các trang thương mại điện tử cũng dần trở thành một kênh quan trọng với 73% đã từng mua sắm mỹ phẩm tại đây.

Đa phần các cửa hàng đều có bán mỹ phẩm cho nam, nhưng chỉ là những sản phẩm cơ bản. Ảnh: Dung Trần

Mỹ phẩm chuyên biệt cho nam, tìm mua ở đâu?

Dù thị trường mỹ phẩm Việt phong phú, đa dạng và rộng khắp nhưng để chọn một sản phẩm đúng, phù hợp nhu cầu chuyên biệt cho cánh mày râu thì không dễ chút nào?

Anh Thanh Tâm (quận 3, TPHCM) được nhân viên một cửa hàng mỹ phẩm tư vấn về một loại kem dưỡng thể cho nam rất chi tiết và tỉ mĩ. Nhưng trong dịp tình cờ trao đổi cùng với bác sĩ chuyên chăm về da, anh phát hiện mình đã sử dụng sản phẩm dành cho nữ.

Còn chị Thu Hoài (quận 6, TPHCM) cũng mệt mỏi không kém khi chọn sản phẩm chăm sóc da cho chồng. Chị lê la khá nhiều cửa hàng để chọn mua loại sản phẩm giúp hạn chế bong tróc, sờn bóng cho ông xã. Sau quá trình tốn nhiều thời gian, công sức chị mới chọn một hộp dưỡng da được nhập khẩu từ Nhật Bản, nhưng là loại dành cho nữ, nam có thể sử dụng được.

Anh Tâm, chị Hoài chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp gặp khó khi chọn mua sản thực sự phù hợp với nhu cầu của nam giới. Thị trường mỹ phẩm rộng lớn, tuy nhiên mua ở đâu, chọn loại nào là công việc “tốn” nhiều thứ, đã “tốn” cũng chưa chắc là phù hợp.

Thực tế ghi nhận tại các cửa hàng ở chợ, siêu thị, hay tại một cửa hàng mỹ phẩm nào đó cho thấy, chúng ta dễ dàng để chọn một sản phẩm chăm sóc tóc, khử mùi, nước hoa, sữa rửa mặt… cho nam. Tuy nhiên, để chọn một loại kem dưỡng, mỹ phẩm chuyên về mụn, chăm sóc da chuyên biệt cho nam thì không phải chuyện dễ.

Tại một số hệ thống bán sản phẩm tiêu dùng khá quen thuộc như cửa hàng Guardian, Circle K (quận 3, TPHCM) không khó chọn mua dòng sản phẩm quen thuộc như dầu gội, khử mùi… chăm sóc, tạo nếp tóc. Còn những dòng chuyên biệt khác như dưỡng da mặt, trị mụn cho nam thì chưa được lên kệ.

Tìm đến cửa hàng mỹ phẩm quen thuộc khác như Hasaki (quận Tân Bình, TPHCM), mọi người có đa dạng sự lựa chọn hơn dành cho nam giới. Những sản phẩm cơ bản cho đến loại mỹ phẩm chuyên biệt như chống nắng, chăm sóc da mụn, dưỡng da dành cho thanh thiếu niên hay quý ông trung niên.

Đa phần nguồn sản phẩm này sẽ có xuất xứ nhập khẩu và giá thì không phải ai cũng sẵn sàng móc hầu bao. Với nhu cầu cụ thể như chọn sản phẩm chăm sóc da mụn cho nam đang tuổi dậy thì, theo tư vấn viên tại cửa hàng người dùng có thể chọn một tip 40ml với giá tầm 300 ngàn đồng. Nếu muốn loại tốt hơn vẫn có nhiều sản phẩm khác, đều được nhập khẩu từ Pháp, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Chỉ với 0,43 giây mọi người nhận ngay 230 triệu kết quả cho từ khoá “mỹ phẩm cho nam” từ Google. Ảnh: Dung Trần

Trong khi đó, chỉ cần lên “sư phụ google” hỏi đúng cụm từ đơn giản “mỹ phẩm cho nam”, chưa đầy một giây mọi người nhận ngay 230 triệu kết quả. Hàng loạt trang web bán hàng đủ chủng loại, xuất xứ giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng hiện lên dày đặc.

Phương pháp này cảm tính có vẻ dễ dàng chọn sản phẩm cho nam từ mẫu mã, chủng loại và cả khối hàng dài dòng, chi chít thành phần, công dụng. Thế nhưng mọi người có đủ “thuốc trợ tim” cho sản phẩm mới nghe lần đâu, mới nhất trên thị trường hay đơn hàng được mua từ nơi cách xa tít mù khơi hoặc nhà phân phối sản phẩm này có đúng như lời họ tự giới thiệu để chăm sóc và điều trị mụn cho da.

Không ít trường hợp người tiêu dùng dở khóc dở cười từ việc mua hàng trên mạng gây nên. Một số ít người dùng nhận hướng dẫn tận tình và sự phục vụ dành cho “thượng đế”. Đa phần còn lại chấp nhận “tiền mất chỉ cần không mang tật”.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu càng cao của cánh mày râu, một bộ phận người dùng sẽ chấp nhận dùng đến phấn trang điểm, son môi hay tạo khối với những dòng quen thuộc dành cho nữ giới như: Thefaceshop, Skinfood… và một vài lựa chọn cho nam giới từ thương hiệu Innisfree.

Thị trường mỹ phẩm rộng lớn nhưng nam giới khó tìm đúng loại mình cần. Ảnh: Dung Trần

Đặc điểm làn da nam giới

Theo thạc sĩ – bác sĩ Hoàng Mai Loan, Giám đốc y khoa tại FreshSkin Clinic & Spa (quận 3, TPHCM), thông thường làn da của nam giới có xu hướng tiết dầu nhiều và có lớp sừng dày hơn phụ nữ. Bên cạnh đó, da nam giới còn có chỉ số sắc tố melanin cao, độ đàn hồi da kém và độ pH da cũng tăng dần theo độ tuổi.

Đặc điểm da của mỗi người khác nhau và không có phương pháp chăm sóc da nào phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu không chắc về loại da của mình hoặc có những thắc mắc về cách chăm sóc da, hãy gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn.

Các sản phẩm chăm sóc da lựa chọn cần phù hợp với loại da của mỗi người. Đặc biệt, nếu có làn da dễ bị mụn trứng cá, nam giới hãy tìm những loại sữa rửa mặt và kem dưỡng ẩm có chữ “không nhờn (oil free)” hoặc “không sinh mụn (non-comedogenic)” do những sản phẩm này sẽ không làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da.

Nếu có làn da nhạy cảm, hãy sử dụng sản phẩm dịu nhẹ, không mùi hương (fragrance free), vì những sản phẩm có hương thơm có thể làm da bị kích ứng và khô.

Dung Trần