Bí quyết chăm sóc da khi bị thủy đậu

Hiện nay tình trạng thủy đậu ở người lớn rất phổ biến. Nếu như ở trẻ nhỏ sau khi bị thủy đậu da có khả năng tái tạo rất nhanh nên ít để lại sẹo. Còn với người lớn thì đúng là thảm họa. Đặc biệt bệnh này rất dễ lây lan, nên khó tránh khỏi các bạn bị một lần trong đời. Sau đây mình xin chia sẻ với các bạn vài cách chăm sóc da sau khi bị thủy đậu:

#1 Tuyệt đối không gãi, sờ và không động đến những vùng bị thủy đậu

Quy tắc này thì hầu như ai cũng biết, nhưng thực hiện nó không phải điều dễ dàng. Dịch thủy đậu thường bắt đầu khi thời tiết sang xuân, khí hậu ẩm thấp – điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn và vi rút sinh sôi. Với kiểu trời đất này, chả bị thủy đậu người còn ngứa ngáy huống hồ giờ trên người còn mọc chi chít mụn nước ngứa phát điên. Mỗi lúc ngứa quá, mình đành gãi tạm mấy vùng da xung quanh, thật nhẹ nhàng, cũng không cần chú ý lắm tới mụn nước trên cơ thể vì lúc bị mình có trót làm vỡ mấy cái mụn trên tay, chăm chỉ bôi xanh Methylen thế là lại bình thường, không lõm, không thâm gì hết trơn 🙂 Nhưng khuyên thành thật là đừng động đến mụn nước trên mặt.

#2 Hãy để vảy tự rụng

Sau khi các nốt thủy đậu se lại và đóng vảy tức là lúc cái mặt bắt đầu trở lại bình thường. Nhiều người ngứa tay cứ sờ lên nhưng như thế chỉ tạo cơ hội cho bạn có thêm vết lõm trên mặt thôi.

#3 Vệ sinh cơ thế sạch sẽ

– Nhiều người cứ nói là thủy đậu kiêng gió và nước nhưng sự thật là thủy đậu kiêng gió lạnh và nước lạnh, còn nước ấm thì ok. Chị mình bị thủy đậu bên Anh mà họ còn bắt ngày nào cũng phải tắm nữa kìa. Trong thời gian bị thủy đậu, nếu thời tiết không nóng bức làm người bệnh ra nhiều mồ hôi thì có thể lau người, nếu không thì phải tắm bằng xà phòng trung tính (có độ tẩy nhẹ) hoặc nước muối pha loãng (không khuyến khích nước lá vì chả biết có bị phun thuốc trừ sâu hay không nữa).

– Về rửa mặt (cái này thì mình đặc biệt chú trọng vì da mặt dễ bị tổn thương), sản phẩm được khuyên dùng nhiều nhất là cetaphil vì sạch và nhẹ nhàng. Hoặc nếu không có thể dùng sữa rửa mặt dạng gel, có độ tẩy nhẹ, tuyệt đối không dùng sữa tạo bọt vì độ kiềm cao. Dùng bông thấm một ít sữa rửa mặt lau nhẹ nhàng tránh các nốt thủy đậu rồi lại dùng bông thấm nước lau sạch sữa rừa mặt. Công đoạn này đòi hỏi phải thật cẩn thận và tỉ mỉ.

#4 Sau khi rụng vảy

Là lúc bạn đối diện với gương mặt đầy những chấm hồng nhạt của phần da đang lên da non. Hồi đó, vì muốn nhanh chóng làm nó bớt thâm và hết lõm mà mình hăm hở đắp nghệ lên mặt, mãi về sau mới biết nhựa trong nghệ sẽ làm da non bị thâm ( may mặt dày nên không vấn đề 😀 ). Để cẩn thận, bạn nên dùng kem nghệ bôi lên vùng da non đó. Mình dùng kem nghệ của Thái – hộp nắp tím, chất kem đặc nên đắp lên nốt thâm không bị dây nhoe nhoét ra vùng da xung quanh. Dùng hết hộp kem Thái thì mình chuyển sang kem nghệ Thái Dương (ngoài ra thấy nhiều người bảo kem nghệ của Thorakao cũng tốt), sau khoảng 2-3 ngày thì cắt nghệ tươi thành từng lát mỏng thật mỏng, đắp lên các nốt đã rụng vảy để nước nghệ thấm lên những vùng da đó. Một ngày chăm chỉ làm 3 lần: sáng, trưa, tối. Nếu ai có làn da bình thường chắc mất tầm 2 tuần là ổn. Với những nốt bị lõm thì bạn nên chăm chỉ đắp nghệ với bôi kem hơn cũng như tuyệt đối kiêng rau muống và đồ nếp.

Hi vọng mấy dòng chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho những bạn trót mắc thủy đậu lúc lớn, khi làn da có sự ổn định và khả năng tái tạo không còn cao. Khi bị thủy đậu, tốt nhất hãy quên mình đang bị bệnh và tập trung điều trị cho tốt, bạn sẽ thấy nhanh khỏi hơn và tâm trạng cũng đỡ căng thẳng nữa. Tâm có vững thì bệnh mới mau hết được :).