Nốt ruồi hình thành đôi khi có thể làm ảnh hưởng lớn tới tính thẩm mỹ và sự tự tin của bản thân. Chính vì vậy, rất nhiều người thường có ý định đi tẩy nốt ruồi. Tuy nhiên, loại bỏ nốt ruồi như thế nào, cách chăm sóc sau khi tẩy nốt ruồi ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Ảnh minh họa
Các phương pháp tẩy nốt ruồi hiện nay
- Bằng tia laser: tia laser làm ‘bốc hơi” mô nốt ruồi, loại bỏ tế bào sắc tố ở lớp thượng bì đồng thời tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.
- Đốt điện: Sau vài lần điều trị, dòng điện sẽ phá hủy mô nốt ruồi nhưng cũng dễ gây tổn thương cho da lành xung quanh.
- Dùng hóa chất chấm lên nốt ruồi: Chỉ nên áp dụng với các nốt ruồi lành tính, nhỏ và nông. Tuy nhiên dễ để lại biến chứng sẹo lõm hoặc sẹo lồi vì hóa chất có khả năng ăn mòn, có thể gây bỏng da.
- Tiểu phẫu:Cách này phù hợp với những trường hợp nốt ruồi lớn và nổi gồ trên da, đậm màu hoặc ăn sâu dưới da. Trước/sau khi tiểu phẫu, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra/ xét nghiệm xem nốt ruồi có phải u ác tính hay không. Độ sâu của vết rạch và vùng da tiểu phẫu phụ thuộc vào vị trí, kích thước nốt ruồi và trình trạng nốt ruồi lành tính hay ác tính.
- Mẹo dân gian: Có nhiều cách tẩy nốt ruồi tại nhà được truyền tai nhau nhiều như dùng tỏi, mật ong, dầu thầu dầu, nước ép hành tây… Thế nhưng chưa có kết luận khoa học nào đảm bảo an toàn cho các cách này.
Cách chăm sóc da tránh sẹo sau tẩy nốt ruồi
Dù với phương pháp nào thì việc chăm sóc da cẩn thận sau khi điều trị vẫn rất cần thiết. Vùng da sau khi tẩy xóa nốt ruồi nhạy cảm hơn nhiều lần, nếu không giữ gìn kỹ dễ để lại sẹo lồi hoặc sẹo lõm, nhiễm trùng…
- Chăm sóc vùng da được tẩy nốt ruồi:
- Trước đây, thường vùng da tẩy nốt ruồi sẽ đóng vảy sau 2-3 ngày điều trị; 7-14 ngày sẽ bong vẩy và thường để lại sẹo lõm.
- Hiện nay, sau khi loại bỏ nốt ruồi bằng laser, đốt điện…; các vết thương cần được giữ ẩm bằng các loại băng hydrocolloid trong suốt giúp cho sẹo bớt lõm, thẩm mỹ hơn. Các băng này chỉ thay khi thấm ướt dịch xuất tiết từ vết thương.
- Vệ sinh vết thương: khi thay băng chỉ nên dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch polyhexanide để rửa vết thương. Không nên dùng dung dịch oxy già hoặc dung dịch chứa iod vì các dung dịch trên hiện nay đã được chứng minh ảnh hưởng đến tiến trình liền vết thương.
- Dùng thuốc bôi: chỉ sử dụng sau khi vết thương đã lành và theo chỉ định của bác sĩ.
- Cẩn thận trong ăn uống: dân gian thường kiêng cữ thịt gà, rau muống, đồ nếp, hải sản… sau khi tẩy xóa nốt ruồi để tránh gây ra sẹo lồi ở vết thương, nhưng hiện nay chưa có bằng chứng chứng tỏ các loại thức ăn trên ảnh hưởng đến việc hình thành sẹo lồi. Tuy nhiên, có thể hạn chế ăn các thức ăn trên nếu làm tăng cảm giác ngứa, khó chịu tại vết thương sau khi ăn.
Hạn chế đụng mạnh vào vết thương: Nên bảo vệ kỹ vết thương, tránh gãi, chà xát, đụng chạm mạnh vào đó, nhất là trong giai đoạn lên da non gây ngứa.
Tránh nắng, mỹ phẩm: nên tránh nắng, dùng mỹ phẩm ít nhất cho đến khi vết thương lành hẳn.
Lan Uyển (t/h)