Trò lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online trở lại lợi hại hơn xưa

Cảnh báo: Mạo danh CSGT “phạt nguội” để lừa đảo Hà Nội: Bác sĩ “rởm” lừa rao bán căng tin trong Bệnh viện 108 Công an TP Hà Nội cảnh báo “sập bẫy” sàn giao dịch tiền ảo Garden.BO

Tưởng kiếm thêm thu nhập nào ngờ “kiếm thêm nợ”

Gần đây báo Tuổi trẻ Thủ đô liên tục nhận được đơn thư của độc giả là sinh viên, công nhân thu nhập thấp và những người đang ở nhà nuôi con nhỏ…

Với nội dung phản ánh cho rằng họ đang bị các trang Facebook bán mỹ phẩm lừa đảo số tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng bằng hình thức “tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng online”.

Từ mong muốn có thêm thu nhập trong quá trình còn đang đi học L.P. nam sinh viên của 1 trường nghề tại TPHCM đã trở thành CTV bán hàng mỹ phẩm cho một trang Fanpage trên mạng xã hội, những tưởng kiếm thêm được thu nhập nhưng lại bị lừa trắng tay.

undefined Cung cấp địa chỉ ảo cho CTV

L.P. cho biết sau khi tình cờ đọc quảng cáo với nội dung “tuyển cộng tác viên làm online vốn 0 đồng” của Fanpage có tên “Mặt nạ mật ong Manuka” L.P. đã nhắn tin xin làm CTV và được Fanpage hướng dẫn rất tận tình qua tin nhắn của Facebook. Theo nhân viên của Fanpage hướng dẫn thì chỉ cần L.P. đăng bài quảng cáo bán sản phẩm là mặt nạ đắp mặt theo mẫu có sẵn sẽ được trả lương là 50 nghìn đồng/bài đăng, 1 ngày đăng 2 bài…tiền lương thưởng sẽ được chuyển khoản sau 15 ngày làm CTV

Ngoài ra để được trở thành CTV cho Fanpage trên thì L.P. cần cung cấp số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng…và sau khi đăng bài phải chụp màn hình gửi lại cho Fanpage để được “chấm công”:

“Khi bạn làm việc tại đây sẽ có những chính sách và thu nhập sau: Lương cơ bản 2,5 triệu/tháng. Tiền đăng bài là 50 nghìn đồng/bài (Nếu trong vòng 1 ngày không có đơn shop hỗ trợ 200 nghìn đồng). Tiền hoa hồng khi lên đơn hàng đầu tiên với shop là 500 nghìn đồng (đơn hàng từ 5 thỏi son trở lên)” – Fanpage Mặt nạ mật ong Manuka đưa ra chính sách “hời”

Bước sang ngày thứ 3 làm CTV đăng bài thì bỗng nhiên có người đàn ông gọi điện cho L.P để đặt 15 miếng mặt nạ, người này cho biết đang cần chuyển gấp về Bình Dương.

L.P. mừng rỡ vì có khách hàng nên nhắn tin báo nhập số lượng 15 miếng mặt nạ ong với giá 249 nghìn đồng/miếng mặt nạ.

undefined Chính sách hấp dẫn được các Page Facebook lừa đảo chạy quảng cáo để thu hút CTV

Chỉ trong chưa đầy 2 ngày L.P đã nhận được hàng với tổng giá trị là 3.735.000 VNĐ thông qua chuyển phát nhanh của Công ty Giao hàng tiết kiệm, trên gói hàng không có địa chỉ người gửi mà chỉ có một dãy số.

Nhận hàng xong L.P nhanh chóng gửi hàng xuống Bình Dương theo địa chỉ mà “vị khách lạ” kia cung cấp.

Đơn hàng thứ nhất vừa được chuyển đi thì tiếp tục lại có khách hàng ở quận 2 TPHCM đặt của L.P 40 chiếc mặt nạ.

Do chưa biết được đơn hàng thứ nhất bị “bom” nên L.P không mảy may nghi ngờ mà vẫn tiếp tục nhập thêm 40 chiếc mặt nạ qua Fanpage “Mặt nạ mật ong Manuka” với tổng giá trị là 9.960.000 VNĐ để bán cho khách.

Nhưng đến khi những đơn hàng được báo về là không có ai nhận thì L.P mới bắt đầu bừng tỉnh, nghĩ chắc mình đã bị lừa, P nhắn tin cho Fanpage “Mặt nạ mật ong Manuka” để gửi trả lại hàng như cam kết ban đầu thì liền bị chặn Facebook.

undefined Mẫu bài đăng cho các CTV

Cũng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tuyển CTV trên mạng xã hội, Bùi T.S sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học ở TPHCM, đã phải mất 9 triệu đồng để ôm về đống son giả thương hiệu 3CE. Số tiền nhập hàng S phải vay mượn bạn bè những tưởng có thể kinh doanh để kiếm thêm thu nhập ai ngờ phải ôm thêm nợ và đống mỹ phẩm “lởm” cho không ai lấy.

Còn rất nhiều trường hợp khác bị lừa theo hình thức tuyển CTV như chị Nguyễn Ngọc Kim G công nhân vệ sinh tại TPHCM bị lừa 3 triệu đồng, anh H.Q thợ cơ khí tại Hà Nội cũng bị lừa 6 triệu đồng…

Theo các nạn nhân, họ dễ bị rơi vào bẫy vì đây là công việc khá dễ dàng và phù hợp khi đang ở nhà.

Hơn nữa thủ đoạn của các đội tượng tinh vi hơn như chờ đến 1 – 2 ngày sau khi cộng tác viên đăng bài, đối tượng lừa đảo mới sử dụng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt hàng với các lý do: mua về sử dụng, để tặng đối tác, để kinh doanh…

Khi CTV đặt hàng tại trang page bán hàng, các đối tượng cam đoan là sẽ được hoàn trả hàng nếu giữ lại giấy bảo đảm của công ty nhưng thực tế địa chỉ nhận lại hàng hoàn toàn giả mạo.

Sau khi hàng đến tay của CTV, những người đặt mua hàng trước đó tự “bốc hơi”, không để lại dấu vết, hàng cũng không hoàn lại vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là giả.

Các CTV sẽ phải ôm một số lượng hàng hoá có giá trị thật chênh lệch từ 40-50 lần so với số tiền bỏ ra, nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Triệt phá “bẫy mạng” 6 tháng lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một nhóm hơn 10 đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau hơn 4 tháng điều tra, công an xác định ổ nhóm này nằm trong đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, với quy mô đặc biệt lớn, được hình thành từ năm 2018.

Đường dây hoạt động có tổ chức với hơn 100 đối tượng tham gia, nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP.HCM.

Ổ nhóm này lập các fanpage bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa… rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng.

undefined Đơn hàng được các page lừa đảo gửi qua Công ty Giao hàng tiết kiệm

Đầu tháng 4/2021, công an Hà Tĩnh phối hợp với đơn vị liên quan triển khai lực lượng đến 45 tỉnh, TP để thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành bắt giữ, triệu tập hơn 100 đối tượng, thu giữ 4 ô tô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động, 3,6 tỷ đồng tiền mặt và hơn 30 thùng hàng.

Công an xác định hai đối tượng cầm đầu gồm Lê Huy Nhật (SN 1993, trú Thanh Hoá) và Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1993, trú tỉnh Thái Bình).

undefined Dùng nick ảo đóng giả làm người mua hàng để CTV phải ôm đống hàng mỹ phẩm giả

Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: “Đường dây lừa đảo này đã hoạt động trong suốt một thời gian dài từ năm 2018 đến nay, với hệ thống chân rết trải rộng trên khắp địa bàn cả nước. Tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng; trong 3 tháng đầu năm 2021, các đối tượng đã lừa hơn 3.000 bị hại”.

Phòng Cảnh sát Hình sự đề nghị các đối tượng tham gia vào đường dây phạm tội này hiện đang bỏ trốn thì sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đồng thời, thông báo rộng rãi để ai là bị hại của hình thức lừa đảo này thì sớm đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Hà Tĩnh.