Tập luyện để tăng sức đề kháng trong mùa dịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các bác sĩ đã đưa ra những lời khuyên về việc tập luyện trong mùa dịch.

* Bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM): Tập thế nào cho đúng?

Đầu tiên cần khẳng định việc tập luyện thể dục thể thao thực sự rất cần thiết trong thời điểm này. Loại virus này cũng có một số điểm tương đồng với virus gây cảm cúm nên chúng ta có thể xem việc phòng chống virus COVID cũng tương tự như đề phòng cảm cúm vậy, tức cơ thể phải có sức khỏe. Thông qua việc tập luyện và dinh dưỡng tốt, chúng ta có thể tăng sức đề kháng lên, giúp cơ thể khó mắc bệnh hơn, cũng như dễ hồi phục hơn trong trường hợp mắc bệnh. Có cơ sở để tin rằng việc tập luyện trau dồi sức khỏe sẽ có tác dụng trong việc chống dịch”.

Cái khó của người dân, đặc biệt là người Sài Gòn lúc này, là phải ở nhà để thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội. Việc tập luyện vì thế cũng chỉ bó hẹp ở nhà. Nhà nào có sân vườn rộng rãi tất nhiên quá tốt, mọi người có thể tập luyện tại đó. Nếu không, tôi vẫn khuyên mọi người nên tập thể dục thể thao ở nơi thoáng đãng như bên cạnh cửa sổ, dưới giếng trời, phòng khách…

Về hình thức tập luyện, chúng ta có thể lên mạng và tìm kiếm được rất nhiều video clip hướng dẫn các bài tập tại nhà phù hợp với từng lứa tuổi. Là một bác sĩ xương khớp, tôi khuyên mọi người cần cẩn trọng với việc tập quá sức. Chẳng hạn như chạy cầu thang – một hình thức tập nặng khá được giới trẻ ưa chuộng, nhưng không dành cho người lớn tuổi và những ai có vấn đề về khớp gối.

Từ đợt dịch đầu tiên chúng ta cũng thường xuyên thấy có nhiều runner (dân chạy bộ) chạy bộ quanh phòng với đoạn đường nhiều kilômet, thậm chí hàng chục kilômet rồi quay clip lại. Đó là một hình thức truyền cảm hứng rất tốt, nhưng chạy như vậy sẽ mệt hơn là chạy đường thẳng ngoài trời nên mọi người cũng cần thận trọng. Có thể kết hợp chạy một lúc rồi đi một lúc sẽ đỡ chóng mặt. Nói chung kiểu tập này chỉ phù hợp với người trẻ tuổi và không có các vấn đề gì về tim mạch, xương khớp.

Đối với những ai có vấn đề về xương khớp và đang phải tập vật lý trị liệu, nên xin tư vấn bác sĩ của mình về việc tập luyện như thế nào. Tôi rất sẵn lòng hướng dẫn các bệnh nhân một số bài tập phù hợp với bệnh tình của họ thông qua gọi điện trực tuyến.

* Bác sĩ Lương Văn Sinh (phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú, TP.HCM – người có nhiều năm gắn bó với thể thao VN ở các giải đấu trong nước lẫn quốc tế): Cố gắng tập bằng nhiều cách từ 15 – 30 phút mỗi ngày

Khi mọi người ở nhà chống dịch thì đương nhiên là gặp khó khăn trong việc tập luyện. Về không gian, hầu hết người dân thành thị không có không gian rộng rãi để vận động, rất dễ “ngã” vào game, máy vi tính; ăn uống cũng gặp hạn chế và thường là thiếu rau xanh. Nhiều người vì vậy có thể bị tăng cân, trở nên ù lì trong mùa dịch này.

Đối với người khỏe mạnh, ngoài việc đảm bảo khẩu phần ăn còn cần phải tập luyện thể thao và theo khuyến cáo tốt nhất là từ 15 – 30 phút mỗi ngày. Nhưng cái khó của nhiều người dân TP là không gian chật chội nên ít có chỗ cho thể thao trong nhà. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng tập bằng nhiều cách, từ các động tác tay chân bụng, đi bộ tại chỗ… tùy điều kiện mỗi người.

Đối với những người đang có bệnh tim mạch, một trong những nhóm đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công thì càng cần phải vận động. Nếu bệnh lý ổn và bác sĩ điều trị cho phép, họ nên tập 15 – 30 phút mỗi ngày, chọn hình thức vận động thể dục nhẹ nhàng, tập yoga… nhưng lưu ý là không được tập quá sức. Vì tự tập nên tình trạng quá sức là có thể xảy ra và điều này rất nguy hiểm với người mắc bệnh tim mạch.

Quan trọng nhất là mọi người cần phải đảm bảo khẩu phần ăn có nhiều rau, không ăn kiêng, hạn chế thức ăn nhanh, ăn liền và cả đồ hộp vì nó chứa lượng muối cao sẽ không tốt. Trước khi tập thể dục, mọi người cần ăn nhẹ vì nếu không ăn sẽ dễ dẫn đến hạ đường huyết. Còn nếu sau bữa ăn chính thì tốt nhất 2 giờ sau rồi mới bắt đầu tập”.