Đây là cảnh báo được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra ngày 11/4 trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang “đau đầu” với tình trạng lạm phát tăng cao.
Trong báo cáo, USDA cho biết giá thực phẩm đi lên là do sự gia tăng chi phí của nhiều loại thực phẩm khác nhau, chẳng hạn như gà, trứng và sữa, thay vì chỉ một hoặc một vài loại. Theo cơ quan này, mặc dù Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã quyết định tăng lãi suất cơ bản sẽ giúp giảm áp lực giá cả, căng thẳng Nga-Ukraine lại trở thành yếu tố chính thúc đẩy giá cả tăng cao.
USDA dự đoán giá lúa mì ở nông trại sẽ tăng 20%-23% trong năm nay và giá bột mì bán buôn sẽ tăng từ 12%-15%. Cũng theo báo cáo, giá thực phẩm tại nhà hàng Mỹ dự kiến thậm chí sẽ tăng cao hơn giá tại các cửa hàng tạp hóa từ 5,5% đến 6,5%, qua đó đưa giá thực phẩm tổng thể dự kiến tăng khoảng 4,5% đến 5,5%.
Một yếu tố khác gây áp lực lên thị trường thực phẩm là đợt bùng phát dịch cúm gia cầm gần đây, khiến hơn 22 triệu con gà và gà tây tại ít nhất 24 bang bị tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Báo cáo cũng cho biết giá gần như tất cả các loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây tươi và đã qua chế biến, đồ ngọt, ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì, dự kiến sẽ tăng từ 1% đến 2%, so với mức 1,5% đến 2,5% của năm 2021.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến giá cả tăng vọt với tốc độ kỷ lục khi đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,9% trong 12 tháng tính đến tháng 2 – tốc độ nhanh nhất trong 4 thập niên. Phát biểu trước báo giới ngày 11/4, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 có thể tăng đột biến trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do căng thẳng Nga-Ukraine. Bà nhận định sẽ có “sự khác biệt lớn” giữa lạm phát toàn phần và CPI “lõi”(không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng). Các nhà kinh tế còn dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm có thể lên tới gần 8,5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 1981.
Lạm phát cao vẫn là rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ, làm xói mòn năng lực chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng và khiến Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế có nhận định khác nhau về nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát leo thang, khi một số người cho rằng nguyên nhân là do giá hàng hóa, thực phẩm và khí đốt, trong khi số khác lại xác định nguyên nhân là do xung đột Nga-Ukraine.
Ông Philip Marey, chiến lược gia cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Rabobank cho biết: “Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tạo ra một ‘cú hích’ nữa đối với lạm phát trong thời gian tới, nhưng vòng xoáy giá cả tiền lương sẽ là mối đe dọa lâu dài hơn đối với sự ổn định giá cả”./.