Nhiều người quan niệm rằng bắt đầu việc luyện tập thể thao ở tuổi trung niên là quá trễ vì cơ thể đã không còn dẻo dai, dễ dẫn đến chấn thương. Tuy nhiên, nhận định này không đúng, chúng ta vẫn luôn “trẻ đủ” để làm điều mình muốn, nhất là rèn luyện cơ thể thêm khoẻ mạnh, sống an vui.
Hãy cùng Prudential nhìn nhận lại những quan niệm sai lệch về việc tập luyện thể dục thể thao ở tuổi trung niên nhé!
1. Bắt đầu tập thể thao ở tuổi 50 là quá trễ
Không bao giờ là quá trễ cho việc luyện tập thể thao cả. Các nghiên cứu của Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoa Kỳ cho thấy dù ở bất kì độ tuổi nào thì lối sống năng động cũng sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe, sức bền và tăng khả năng nhận thức. Hơn nữa, tuổi 50 đâu đã già lão nhỉ, chỉ không nhanh nhạy, dai sức như lúc trẻ (hơn) thôi mà. Chỉ cần lựa chọn môn thể thao mình yêu thích, thiết lập chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng và tập luyện thường xuyên mà thôi.
2. Có tuổi” rồi, không nên chạy bộ
Nhiều người vẫn rỉ tai nhau rằng trên 50 tuổi chỉ nên tập các môn nhẹ nhàng, nên hạn chế chạy bộ để tránh tổn thương xương khớp. Trên thực tế, chạy bộ là một trong những cách tốt nhất để luyện tập sự dẻo dai cho cơ và các khớp đấy, cũng không lo là các cơ xương, các khớp đã cứng lại đâu. Chỉ cần trước khi chạy, hãy khởi động thật kỹ. Lúc mới bắt đầu, nên chạy chậm những quãng đường ngắn, sau đó “nâng cấp” cự ly, thời gian chạy theo thời gian và tình hình sức khỏe.
3. Chỉ đi bộ là đủ
Đi bộ mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, nhưng chỉ đi bộ thôi là chưa đủ. Những động tác chậm và đều của việc đi bộ không tạo ra sức ép cần thiết cho tim, vì thế mà việc đi bộ chưa đủ độ khó để giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhằm khắc phục điểm hạn chế này, người trên 50 tuổi có thể tập đi bộ nhanh hoặc kết hợp với chạy bộ.
4. Không nên nâng tạ
Nhiều người cho rằng việc nâng tạ quá “nguy hiểm” với sức chịu đựng của cơ thể ở tuổi trung niên. Thật ra, nếu có chế độ luyện tập phù hợp với khả năng của cơ thể và tập luyện đúng kỹ thuật, thì việc nâng tạ vẫn an toàn và hiệu quả, thậm chí còn giúp tăng cường sức mạnh và củng cố sức khỏe của xương.
5. Bị xương khớp thì không nên tập thể dục
Hãy nghĩ rằng bệnh xương khớp ở tuổi trung niên cũng giống như có tóc bạc. Đây chỉ là một phần của quá trình lão hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có những người xuất hiện dấu hiệu viêm khớp ngay cả khi họ không bị bất kì cơn đau đầu gối nào. Trong trường hợp này, tập luyện đúng cách kết hợp với kiểm soát cân nặng còn giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh nữa đấy. Nếu vẫn còn do dự, hãy có thể tham khảo bác sĩ điều trị hoặc huấn luyện viên thể dục để được tư vấn những bài tập thể dục phù hợp nhất với tình trạng xương khớp của mình.
6. Tập squat làm đau khớp gối
Chúng ta thường nghe lời khuyên rằng sau tuổi 50 thì không nên tập squat vì dễ làm đau khớp gối. Không hẳn thế đâu nhé! Nếu squat đúng kĩ thuật, thì sẽ không gây ra bất kì cơn đau hay chấn thương nào cho khớp gối cả. Do vậy, việc cần làm là tìm huấn luyện viên để điều chỉnh kỹ thuật cho việc tập luyện hiệu quả nhất.
7. Sợ bị ngã khi tập thể dục
“Nếu tôi ngã khi tập luyện thì sao?” – Rất nhiều người lớn tuổi ngại ngùng với việc tập thể thao vì nỗi ám ảnh bị ngã. Hãy bình tĩnh nào! Tất cả những điều cần làm là hãy bắt đầu từ các động tác làm tăng khả năng thăng bằng, chẳng hạn như tập luyện với bóng thăng bằng. Sau đó hãy bắt đầu nâng cao dần lên những bài tập khó hơn.
8. Bị đau lưng không thể tập thể dục được
Càng lớn tuổi, nguy cơ bị các vấn đề về đau lưng càng tăng, do việc đứng ngồi sai tư thế “tích tụ” lâu dần. Nhưng đừng “lấy cớ” đau lưng mà làm mình nản chí thể dục nhé. Tập thể dục thể thao đúng cách không làm chứng đau lưng tồi tệ hơn mà ngược lại, các bài tập căng cơ, yoga, đi bộ, bơi lội, chơi tennis sẽ giúp tình trạng đau lưng trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Tập luyện ở tuổi 50 với cường độ nào là phù hợp?
Nếu có sức khỏe tốt, khi bước vào tuổi trung niên mỗi tuần dành tối thiểu 150 phút để tập thể dục với cường độ vừa phải. Hãy duy trì việc tập luyện thường xuyên, mỗi lần 10 phút và dành 2-3 lần trong tuần cho các bài tập cơ bắp ở chân, hông, lưng, bụng và tay.
Duy trì việc tập thể dục tuổi trung niên sẽ giúp giữ được phong độ của những năm 30. Tuy nhiên, nếu gặp một số vấn đề như đau ngực, khó thở hoặc chóng mặt trong khi tập thì nên hỏi ý kiến bác sĩ và chọn một loại hình luyện tập khác thích hợp hơn. Sau khi đọc xong bài viết này thì bạn hãy “rủ rê” bố mẹ đi tập thể dục ngay nhé!
>>> Xem thêm:
-
9 thói quen mà bạn cần xây dựng khi bước vào tuổi 40
-
5 cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 50 mà bạn cần biết
-
Cần làm gì để vượt qua khủng hoảng tuổi 50?