Các kỹ thuật tạo hình thu gọn môi bé

Tạo hình môi âm hộ là gì?

Tạo hình môi âm hộ hay trẻ hóa vùng kín, là một quy trình phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện trên môi âm hộ. Quy trình phẫu thuật này có thể chỉnh sửa môi lớn (môi ngoài), môi bé (môi trong) hoặc cả hai nhưng do chủ yếu được thực hiện để sửa môi bé nên còn được gọi là tạo hình môi bé. Mục đích là để chỉnh sửa lại môi bé không cân hoặc giảm kích thước trong những trường hợp môi âm hộ quá lớn. Đây là thủ thuật dành cho những phụ nữ đang muốn cải thiện vẻ ngoài của vùng kín, khắc phục tình trạng khó chịu khi quan hệ tình dục do môi bé quá lớn, cải thiện vệ sinh hoặc để giảm đau và kích ứng.

Lý do

Có nhiều lý do tại sao một số phụ nữ tìm đến phẫu thuật tạo hình môi bé nhưng chủ yếu là do không hài lòng với kích thước, hình dạng của bộ phận này. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp cho tình trạng môi bé quá lớn và bị kích ứng trong các hoạt động hàng ngày, khó giữ vệ sinh hoặc bị đau khi quan hệ tình dục. Nhìn chung, tạo hình môi bé được thực hiện vì một số lý do phổ biến như:

  • Chỉnh sửa hình dáng môi bé
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục do môi bé quá lớn và bị kéo giật
  • Môi bé thường xuyên bị cọ xát vào quần
  • Khó vệ sinh do mô thừa ở môi bé
  • Khó chịu trong các hoạt động thường ngày, ví dụ như đi xe đạp, đi xe máy, đi bộ do môi bé lớn
  • Đã từng phẫu thuật tạo hình môi bé trước đây nhưng không ưng ý và muốn sửa lại

Để tiến hành quy trình phẫu thuật này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện như:

  • Tình trạng sức khỏe tốt
  • Không hút thuốc
  • Trước phẫu thuật, khách hàng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có vấn đề gì gây cản trở và ảnh hưởng đến tính an toàn của ca phẫu thuật.

Lợi ích

Quyết định phẫu thuật tạo hình môi bé là một lựa chọn cá nhân của mỗi người.Tuy nhiên, quy trình phẫu thuật này đem lại một số lợi ích như:

  • Giảm đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Giảm kích ứng trong các hoạt động thường ngày
  • Trẻ hóa môi bé sau khi giảm cân, lão hóa hoặc sinh nở
  • Thu gọn môi bé quá lớn
  • Khôi phục sự tự tin

Tạo hình môi bé không hoàn toàn chỉ đem lại lợi ích về mặt thẩm mỹ. Nhiều phụ nữ phải chịu đựng tình trạng đau đớn và khó chịu hàng ngày do môi bé không đều hoặc có kích thước quá lớn. Sự tự ti về hình dạng, kích thước của cơ quan này còn làm giảm khoái cảm khi “thân mật”. Phương pháp tạo hình môi bé là giải pháp khắc phục những vấn đề này.

Vai trò của công nghệ mô phỏng hình ảnh 3D trong tạo hình môi bé

Hiện nay, công nghệ mô phỏng hình ảnh ba chiều (3D) đã được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ để lên kế hoạch trước phẫu thuật cũng như là để so sánh hình ảnh trước và sau khi chỉnh sửa. Công nghệ này giúp hiểu rõ hơn về đặc điểm giải phẫu của cơ quan sinh dục cả trước và sau khi can thiệp, cho phép phân tích kỹ lưỡng những thay đổi có thể thực hiện và giúp bác sĩ cùng khách hàng đánh giá được kết quả hoàn thiện.

Cấu tạo giải phẫu âm hộ

Âm hộ phụ nữ có hai cặp “môi”. Môi lớn hay môi ngoài âm hộ là hai gò mô dày nằm sát cạnh bẹn, bao ở bên ngoài cơ quan sinh dục nữ. Chiều rộng môi lớn âm hộ của mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng thường là khoảng 2 cm. Môi lớn dày và gần như nằm cố định, không thể chuyển động linh hoạt. Môi bé, hay môi trong âm hộ mỏng hơn nhiều so với môi lớn. Chúng là hai vạt mô dẹt nằm bên trong môi lớn và ở hai bên của cửa âm đạo (Hình 1).

Môi bé âm hộ được tạo nên từ ba lớp mô. Lớp ngoài cùng là lớp biểu bì. Lớp bên trong cùng là lớp niêm mạc còn lớp mô nằm giữa hai lớp này là mô xơ liên kết (không có mỡ) dày chỉ vài mm. Lớp mô này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của quy trình phẫu thuật tạo hình môi bé. Chiều rộng của môi bé (tính từ cửa âm đạo đến mép môi) ở mỗi phụ nữ là khác nhau, có thể lên đến 4 hoặc 5cm và thậm chí ở một số phụ nữ còn lớn hơn thế.

Ở hầu hết phụ nữ, khi đứng, mép môi bé thường ngang bằng với môi lớn hoặc ẩn ở bên trong và không nhìn thấy được. Tuy nhiên, ở một số người thì môi bé lớn hơn bình thường và nhô ra bên ngoài môi lớn, đôi khi còn “rủ” xuống. Đa số chị em phụ nữ đều muốn môi bé nằm gọn ở bên trong môi lớn. Đây là một trong những mục tiêu của quy trình phẫu thuật tạo hình môi bé.

Vấn đề thực tế

Hình minh họa là một cặp môi bé lớn hơn bình thường. Có thể kéo giãn môi bé theo cả chiều ngang (từ cửa âm đạo về phía đùi) và theo chiều dọc (từ vị trí mà đỉnh của hai môi bé gặp nhau xuống phía đáy chậu – vùng nằm giữa âm đạo và hậu môn). Mô thừa cần được loại bỏ sao cho thu gọn cả về chiều ngang và chiều dọc. Nếu không thì kết quả sẽ rất không đẹp. Mũ âm vật lớn là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt nhưng có thể được giải quyết đồng thời trong qua trình tạo hình môi bé.

Lựa chọn phương pháp vô cảm

Quy trình phẫu thuật tạo hình môi bé có thể được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ kết hợp thuốc an thần.

Gây tê tại chỗ là một lựa chọn phù hợp cho những người không thể gây mê toàn thân hoặc không ngại việc còn tỉnh táo trong quá trình làm phẫu thuật. Khách hàng thường chỉ thấy đau trong 10 – 15 giây tiêm thuốc gây tê. Thuốc an thần sẽ giúp khách hàng thư giãn, thoải mái và giảm cảm giác đau khi tiêm. Sau khi gây tê tại chỗ, khách hàng sẽ hoàn toàn không còn cảm nhận thấy gì nữa.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 75 – 90 phút. Sau khi loại bỏ mô thừa, các mép đường cắt được đóng lại bằng chỉ khâu tự tiêu nên không cần phải cắt chỉ. Nếu gây tê tại chỗ thì khách hàng có thể ra về chỉ sau 15 phút còn nếu gây mê toàn thân thì cần chờ khoảng 45- 60 phút để thuốc mê hết tác dụng.

Quy trình thực hiện – Các kỹ thuật tạo hình môi bé

Quy trình phẫu thuật tạo hình môi bé có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật khác nhau. Đơn giản nhất là chỉ cắt đi phần mô thừa ở rìa môi bé, được gọi là kỹ thuật trim hay cắt dọc rìa môi bé. Bên cạnh đó cũng có những kỹ thuật phức tạp hơn như cắt hình chữ V và kỹ thuật cắt hình thang. Dưới đây là mô tả chi tiết về các kỹ thuật này.

Kỹ thuật cắt dọc rìa môi bé (trimming technique)

Hình 2: Phần mô thừa cần cắt bỏ được đánh dấu dọc theo môi bé âm hộ.

Hình 3: Mô thừa đã được cắt bỏ và mép đường cắt được khâu lại. Đây là kết quả hoàn thiện.

Đây là kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất và cũng là kỹ thuật đơn giản nhất vì chỉ cần cắt đi phần mô thừa dọc theo rìa của môi bé. Ưu điểm của kỹ thuật này là dễ hiểu và dễ thực hiện nhưng nhược điểm là không giải quyết được vấn đề ở mũ âm vật. Một nhược điểm nữa của kỹ thuật cắt dọc là phần mép ngoài tự nhiên của môi bé bị loại bỏ và một mép mới được hình thành khi ba lớp mô (lớp niêm mạc, lớp da và mô liên kết ở giữa) liền lại với nhau, cho kết quả không được tự nhiên.

Đôi khi, phần mép mới này không được đồng đều, bị lởm chởm như răng cưa khi lành lại. Điều này có thể xảy ra trong những trường hợp bị sưng nặng sau phẫu thuật và khiến cho chỉ khâu cắt xuyên qua mô. Những trường hợp như vậy có thể cần phẫu thuật lại để sửa.

Một điểm trừ nữa là kỹ thuật cắt dọc này không hiệu quả trong việc giữ cho mép môi bé nằm ở bên trong môi lớn. Như đã nói bên trên, mong muốn của đại đa số khách hàng là môi bé không bị nhô ra ngoài môi lớn. Mặc dù kỹ thuật cắt dọc sẽ làm giảm chiều rộng của môi bé nhưng lại không thay đổi được chiều dài của môi. Nếu môi bé bị lỏng lẻo theo chiều dọc thì sẽ vẫn nhô ra bên ngoài môi lớn sau phẫu thuật. Môi bé cần phải kéo căng ở một mức độ nhất định để tránh xảy ra vấn đề này. Có thể tưởng tượng môi bé giống như dây đàn guitar. Khi dây được kéo căng thì nó sẽ nằm sát vào mặt đàn nhưng nếu dây bị chùng thì sẽ nhô về phía trước.

Hai kỹ thuật bên dưới sẽ hiệu quả hơn trong việc giữ mô bé âm hộ nằm gọn bên trong môi lớn.

Mặc dù có những nhược điểm kể trên nhưng nhiều khách hàng sau khi phẫu thuật tạo hình môi bé bằng kỹ thuật cắt dọc này vẫn rất hài lòng với kết quả có được.

Kỹ thuật cắt hình chữ V (central wedge resection technique)

Hình 4: Môi bé có mô thừa theo cả chiều ngang và chiều dọc. Nếu mô thừa không được xử lý ở cả chiều dọc thì môi bé sẽ lộ ra bên ngoài môi lớn, kể cả khi đã loại bỏ mô thừa theo chiều ngang.

Trong kỹ thuật cắt bỏ mô hình chữ V, một phần mô hình tam giác được loại bỏ khỏi môi bé nhưng đường cắt ở mặt trong của môi và mặt ngoài của môi có hơi khác một chút. Ở mặt trong, đường cắt giống với hình chữ V xoay ngang trong khi ở mặt ngoài, đường cắt giống như hình chữ V lộn ngược.

Kỹ thuật tạo hình môi bé này có một số ưu điểm. Thứ nhất, mép tự nhiên của môi bé âm hộ được giữ nguyên. Thứ hai là phần đỉnh của đường cắt chữ V ở mặt ngoài có thể được kéo dài lên đến tận phần trên của mũ âm vật để loại bỏ mô thừa. Mô thừa ở bên ngoài âm vật là một vấn đề rất phổ biến nhưng mô thừa ở bên trong lại là vấn đề ít gặp hơn và có thể được giải quyết bằng cách tạo đường cắt riêng biệt.

Nếu như chỉ đơn thuần cắt bỏ dọc theo phần rìa của môi bé âm hộ (như kỹ thuật bên trên) thì phần mô thừa ở mũ âm vật sẽ không thể được xử lý và kết quả là để lại một vùng mô bùng nhùng, nhăn nheo rất không đẹp mắt ở trùm ở bên trên âm vật. Với kỹ thuật cắt hình chữ V thì mô thừa ở môi bé âm hộ sẽ được loại bỏ theo cả chiều ngang và chiều dọc.

Khi phẫu thuật với kỹ thuật cắt hình chữ V, phần mô thừa trùm trên âm vật sẽ được giải quyết sao cho mũ âm vật chuyển tiếp một cách tự nhiên đến mặt bên ngoài của môi bé và kết quả sẽ rất đẹp. Nếu mũ âm vật cần được kéo lên thì sẽ phải tạo thêm đường rạch riêng biệt (chi tiết ở bên dưới). Kết quả sau khi thu gọn môi bé bằng kỹ thuật cắt hình chữ V và thu gọn âm vật sẽ đồng bộ với nhau.

Kỹ thuật cắt hình chữ V có rất ít nhược điểm. Ví dụ, đôi khi màu sắc của phần bên trên và bên dưới vết khâu sẽ có sự chênh lệch nhưng vấn đề này thường sẽ giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, nếu vết khâu bị hở thì có thể sẽ tạo thành một lỗ nhỏ ở giữa môi bé âm hộ. Vấn đề này không phổ biến và nếu xảy ra thì cũng có thể dễ dàng sửa lại được.

Ưu điểm của kỹ thuật cắt hình chữ V là cho kết quả có tính thẩm mỹ cao và rất tự nhiên. Mô thừa ở môi bé được xử lý triệt để, giúp trẻ hóa vùng kín và không còn những vấn đề như bị kéo vào bên trong khi quan hệ tình dục hay bị kích ứng do cọ xát với quần áo.

Hình 5: Đường cắt có phần khác nhau ở mặt trong và mặt ngoài của môi bé. Trong hình này, ở mặt trong của môi bé, đường cắt giống như hình chữ V xoay ngang với phần đỉnh hướng vào cửa âm đạo (nhưng không kéo vào bên trong). Lớp niêm mạc được loại bỏ qua đường cắt này (không bao gồm lớp giữa – mô liên kết)

Hình 6: Đường cắt ở mặt ngoài của môi bé. Nếu có mô thừa ở mũ âm vật thì cũng sẽ được loại bỏ bằng cách kéo dài đỉnh của đường cắt lên phía trên. Đường cắt này chỉ loại bỏ lớp da (không loại bỏ lớp giữa – mô liên kết).

Hình 7: Bước cắt mô thừa đã hoàn tất. Tiếp theo, mép đường cắt sẽ được khâu đóng lại.

Hình 8: Trước tiên, lớp mô liên kết ở giữa được đóng lại, tiếp theo là đến lớp niêm mạc và cuối cùng là lớp da của môi bé âm hộ. Hai kỹ thuật khâu khác nhau được sử dụng để đảm bảo giữ chắc hai mép đường cắt và ngăn vết khâu bị tách ra trong quá trình lành lại. Đây là kết quả hoàn thiện cuối cùng.

Kỹ thuật cắt hình thang (custom flask resection technique)

Hình 9: Đường cắt được đánh dấu lên môi bé. Phần mô cần loại bỏ có hình thang.

Hình 10: Môi bé sau khi cắt bỏ mô và khâu. Phần mô bên trên và bên đưới đường cắt được khâu lại với nhau rồi sau đó được khâu vào mép ngoài của cửa âm đạo.

Kỹ thuật này thậm chí còn cho kết quả tốt hơn so với kỹ thuật cắt hình chữ V. Một nhược điểm là kỹ thuật cắt hình thang sẽ không giải quyết được phần mô thừa trùm trên âm vật mà cần phải tạo thêm đường rạch riêng biệt để loại bỏ phần mô này và kéo mũ âm vật lên cao (nếu cần thiết). Tuy nhiên, đây là một quy trình phẫu thuật rất đơn giản.

Kỹ thuật tạo hình môi bé này phù hợp cho những trường hợp mà khách hàng có nhiều mô thừa ở môi bé và cửa âm đạo hẹp (thường là những phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục). Nếu như sử dụng kỹ thuật cắt hình chữ V trong những trường hợp này thì sẽ cần loại bỏ đi một phần mô khá lớn ở mặt ngoài của môi bé và để làm được như vậy thì phải kéo dài đỉnh của đường cắt chữ V vào sâu trong âm đạo. Điều này sẽ khiến cho âm đạo càng bị thu hẹp lại đáng kể và gây khó khăn khi quan hệ tình dục. Kỹ thuật này cũng phù hợp cho những phụ nữ bị co thắt âm đạo và những người có môi bé quá dài.

(HÌNH ẢNH)

Cả hai trường hợp ở hình trên đều có mô thừa ở môi bé theo cả chiều ngang và chiều dọc. Tuy nhiên, hình dạng của môi bé có sự khác biệt khá lớn. Ở trường hợp bên trái thì vùng mô thừa tương đối ngắn (đánh giá theo chiều dọc) nên phù hợp với kỹ thuật cắt hình chữ V và không cần kéo dài đỉnh của đường cắt vào trong âm đạo. Ở trường hợp bên phải thì môi bé âm hộ lớn hơn rất nhiều và có mô thừa dọc theo toàn bộ chiều dài của môi. Nếu sử dụng kỹ thuật cắt hình chữ V trong trường hợp này thì sẽ phải kéo dài đỉnh của đường cắt vào âm đạo và làm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả là hẹp âm đạo. Điều này sẽ khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Kỹ thuật cắt hình thang không đòi hỏi kéo dài đỉnh đường cắt vào âm đạo nên có thể xử lý mô thừa và giữ cho môi bé căng ở một mức độ thích hợp để giữ cho môi bé nằm bên trong môi lớn mà không ảnh hưởng đến âm đạo. Quy trình thực hiện kỹ thuật này cũng đơn giản và có thể đồng thời thu gọn hay kéo mũ âm vật lên. Khi lành lại, kết quả của kỹ thuật này về cơ bản cũng giống như kỹ thuật cắt hình chữ V nhưng vết sẹo sẽ nằm ở vị trí khác và gần như không thể nhìn thấy. Tóm lại, kỹ thuật cắt hình chữ V và cắt hình thang cho kết quả tương đương nhau về mặt thẩm mỹ.

So sánh các kỹ thuật

Nhược điểm của kỹ thuật cắt dọc rìa môi bé:

  • Chỉ giải quyết được phần mô thừa theo chiều ngang của môi bé âm hộ mà không thể xử lý theo chiều dọc.
  • Mép tự nhiên của môi bé không còn, thay vào đó là hai vết sẹo.
  • Đôi khi mép môi bé bị lởm chởm, không đều sau phẫu thuật. Điều này không bao giờ xảy ra với hai kỹ thuật còn lại.
  • Môi bé được thu gọn bớt nhưng không được “trẻ hóa” giống như với hai kỹ thuật kia do còn mô thừa, khiến cho môi bé vẫn có nhiều nếp nhăn chứ không được căng.
  • Đường cắt dọc không cho phép chỉnh sửa mũ âm vật ở những trường hợp có mũ âm vật lớn, dẫn đến kết quả là có một vùng phình lên ở bên trên âm vật sau phẫu thuật.
  • Dễ bị cắt bỏ quá nhiều. Đây là một vấn đề thường gặp với kỹ thuật cắt dọc.

(HÌNH ẢNH)

Ảnh trái: Kết quả sau phẫu thuật tạo hình môi bé bằng kỹ thuật cắt dọc.

Ảnh phải: Mép môi bé không đều mà bị nhấp nhô, lởm chởm.

(HÌNH ẢNH)

Ảnh trái và giữa: Kết quả sau khi tạo hình môi bé âm hộ bằng kỹ thuật cắt dọc. Có thể thấy môi bé rất nhăn nheo do kỹ thuật này không thể kéo căng môi bé theo chiều dọc.

Ảnh phải: Kết quả sau phẫu thuật tạo hình môi bé bằng kỹ thuật cắt hình chữ V. Môi bé đã được kéo căng theo chiều dọc, tạo nên vẻ ngoài trẻ trung hơn nhiều. Khách hàng trong hình bên phải chỉ kém khách hàng bên trái 3 tuổi.

Rủi ro khi phẫu thuật tạo hình môi bé

Nói chung, tạo hình môi bé âm hộ được coi là một quy trình phẫu thuật thẩm mỹ an toàn nhưng không phải hoàn toàn không có rủi ro. Một số rủi ro có thể phát sinh gồm có:

  • Vết khâu lâu lànhh
  • Có lỗ thủng ở môi bé
  • Hai bên môi không cân
  • Mất cảm giác
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu
  • Kết quả không như mong muốn. Điều này rất hiếm khi xảy ra nếu lựa chọn đúng kỹ thuật.

Lỗ thủng ở môi bé thường hình thành do vết khâu sau phẫu thuật bị hở một phần nhỏ, thường là kết quả của do lỗi trong kỹ thuật khâu. Điều này không xảy ra với kỹ thuật cắt dọc vì không cần khâu bên trong mà chỉ cần khâu ở mép môi bé. Nếu như khâu đóng đường cắt thành 3 lớp một cách cẩn thận và sửa cả lớp giữa của môi bé (mô liên kết) cùng với lớp bên trong và bên ngoài thì sẽ tránh được sự cố này. Lỗ thủng ở môi bé là một vấn đề hiếm khi xảy ra và có thể dễ dàng sửa lại được. Đây không được coi là nhược điểm của kỹ thuật cắt hình chữ V hay cắt hình thang.

Một số trường hợp cần phẫu thuật lần hai để khắc phục vấn đề phát sinh sau ca phẫu thuật đầu tiên. Nếu được thực hiện cẩn thận và đúng kỹ thuật thì các vấn đề không mong muốn rất ít khi xảy ra sau tạo hình môi âm hộ và nếu có xảy ra thì cũng có nhiều giải pháp để khắc phục.

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật

Vào cuối ca phẫu thuật, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê tại chỗ có tác dụng kéo dài lên môi bé. Điều này giúp làm giảm đáng kể cảm giác đau đớn, khó chịu sau phẫu thuật và giúp hạn chế phải dùng đến thuốc giảm đau opioid trong những ngày tiếp theo. Sau khi phẫu thuật, khách hàng cần bôi thuốc mỡ kháng sinh vài lần một ngày lên vết khâu để ngăn ngừa nhiễm trùng và đóng vảy. Với kỹ thuật hiện đại hiện nay thì không cần băng và không cần cắt chỉ. Trong vài ngày đầu, có thể vết khâu sẽ bị rỉ máu và cần dùng băng vệ sinh. Nên chọn loại băng vệ sinh bề mặt bông mềm mại để tránh bị đau. Có thể đi vệ sinh bình thường ngay sau phẫu thuật. Môi bé sẽ bị sưng nặng nhất trong vòng vài ngày đầu và sẽ hết sau khoảng vài tuần.

Có thể tắm ngay sau khi phẫu thuật và đi làm trở lại bình thường vào ngày hôm sau nếu cảm thấy ổn. Tuy nhiên, không nên quan hệ tình dục, sử dụng tampon và không ngồi xe máy, xe đạp trong vòng 6 tuần. Khách hàng sẽ được hẹn quay lại tái khám lần đầu sau 1 – 2 ngày, tiếp đó là 3, 6 và 12 tuần sau phẫu thuật để kiểm tra. Nguy cơ xảy ra biến chứng là rất thấp. Vấn đề phổ biến nhất là một phần nhỏ của vết khâu bị tách ra nhưng thường sẽ tự liền lại. Trong thời gian đó chỉ cần bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vết khâu. Trong một số trường hợp, nếu vết khâu không tự liền thì sẽ cần phải sửa lại nhưng đây là một thủ thuật rất đơn giản và được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ.

Kết quả

Trên thực tế, tạo hình môi bé bằng kỹ thuật cắt hình chữ V và cắt hình thang đều cho kết quả với mức độ hài lòng rất cao. Cả hai kỹ thuật này đều cho phép chỉnh sửa môi bé âm hộ một cách linh hoạt hơn và cũng giải quyết được vấn đề ở mũ âm vật – điều mà kỹ thuật cắt dọc rìa môi bé không thực hiện được. Hơn nữa, cả hai kỹ thuật này đều giữ lại được phần mép tự nhiên của môi bé trong khi kỹ thuật cắt dọc sẽ để lại mô sẹo ở mép ngoài của môi.