Thị trường làm đẹp tại Việt Nam ngày càng tăng trưởng với đa dạng nhu cầu của người dùng. Để cạnh tranh, tồn tại và tăng trưởng tốt hơn trong ngành này, doanh nghiệp cần hiểu biết, cập nhật và nắm bắt nhu cầu, hành vi người tiêu dùng. Vậy hành vi người tiêu dùng thị trường làm đẹp tại Việt Nam có những thay đổi gì? Những xu hướng làm đẹp nào đang “Hot” trong nước? Hãy cùng Mắt Bão khám phá trong nội dung bên dưới.
1. Tổng quan thị trường mỹ phẩm, làm đẹp tại Việt Nam
Người dùng Việt dần quan tâm hơn đến việc chăm sóc da với nhiều sản phẩm đa dạng hơn.
Dù cũng gặp những khó khăn do biến động chung trên toàn cầu, nhưng thị trường mỹ phẩm Việt Nam 2021 vẫn có những dấu hiệu khả quan. Mời bạn đọc điểm qua một số thông tin về thị trường làm đẹp được nhiều người quan tâm.
Doanh thu của thị trường mỹ phẩm Việt Nam hằng năm hiện đạt khoảng 51.000 tỷ đồng mỗi năm (khoảng 2,3 tỷ USD/năm). Đây là số liệu được đưa ra từ nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel.
Theo Kantar Worldpanel – báo cáo Insight Handbook 2021 thì so với năm 2018, các sản phẩm Makeup tăng 25%, mặt hàng chăm sóc da tăng khoảng 55%. Trong khi đó, sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 63%. Các mỹ phẩm ngoại nhập hầu hết sẽ được bày bán nhiều nhất ở các trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Son môi là điểm tập trung lớn trong thị trường mỹ phẩm của Việt Nam (Theo Kantar Worldpanel – báo cáo Insight Handbook 2021).
Tuy nhiên, mức chi của người tiêu dùng Việt đến từ độ tuổi trẻ là chủ yếu và chi tiêu chưa nhiều (Theo Nielsen).
2. Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng thị trường làm đẹp
Phong cách làm đẹp từ Hàn Quốc ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng Việt trong lĩnh vực làm đẹp.
Hành vi người tiêu dùng thị trường làm đẹp tại nước ta chịu sự ảnh hưởng khá lớn từ Hàn Quốc. Trong số những quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, Hàn Quốc chiếm gần 1/3 giá trị đóng góp cho kim ngạch nhập khẩu trong năm 2018. Các thương hiệu mỹ phẩm đến từ xứ sở kim chi được ghi nhận dẫn đầu về tăng trưởng người mua. Sự tăng trưởng này phần lớn nằm trong phân khúc mặt nạ làm đẹp và sản phẩm trang điểm.
Bên cạnh đó, danh mục mua sắm, thói quen chăm sóc da của người dùng Việt cũng chịu ảnh hưởng từ phong cách làm đẹp Hàn Quốc. Theo đó, quy trình chăm sóc da của người dùng ngày càng phức tạp hơn với giỏ hàng đa dạng dạng các sản phẩm làm đẹp. Cứ bốn người thì có một người làm đẹp với chu trình hơn 4 bước (với ít nhất 1 loại sản phẩm dùng trong mỗi bước).
Ngoài ra, người dùng cũng có xu hướng nâng cấp nhu cầu làm đẹp cơ bản. Họ sẵn lòng chi tiêu ở các bước làm đẹp cơ bản nhiều hơn chứ không chỉ riêng những sản phẩm làm đẹp cho các bước chuyên sâu. Và những sản phẩm làm đẹp cho bước cơ bản cũng có xu hướng cao cấp hóa với mong muốn cải thiện làn da đáng kể trong thời gian ngắn nhất.
3. Ứng dụng kỷ nguyên số trong thị trường làm đẹp
Người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin, mua sản phẩm trên Smartphone.
Sự phát triển của thời đại kỹ thuật số giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có thị trường làm đẹp tại Việt Nam. Điều này cũng có ảnh hưởng và làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng đáng kể. Họ có nhiều tùy chọn hơn trong việc tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm/dịch vụ, kênh mua sắm…
Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thiết bị di động thông minh để truy cập Internet. Nhờ đó, họ có thể kết tra cứu, tiếp cận những xu hướng làm đẹp mới nhất, tim kiếm sản phẩm dễ dàng hơn. Đồng thời, quá trình mua sắm cũng được đơn giản hóa, cho phép người dùng mua hàng, thanh toán chỉ với thao tác vuốt chạm trên màn hình Smartphone.
Ngày nay, người tiêu dùng cũng thận trọng và khôn ngoan hơn trong việc tìm hiểu thông tin và mua sắm. Họ đánh giá cao những thông tin về dịch vụ/sản phẩm được cung cấp từ chuyên gia có chuyên môn, kiến thức về ngành hàng. Chính vì thế, doanh nghiệp có thể tận dụng tiếng nói từ những Influencer (người ảnh hưởng), chuyên gia đáng tin cậy để quảng bá cho thương hiệu của mình. Qua đó, bạn có thể hướng người tiêu dùng tin tưởng hơn và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông xã hội góp phần lớn tạo ra sự phấn khích, quan tâm và kích thích người tiêu dùng tương tác. Nhiều khách hàng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ được khuyến khích hành vi tiêu dùng bởi các Beauty Blogger nổi tiếng. Họ thường chia sẻ các bí quyết, phương pháp làm đẹp… trên những nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Tik Tok, Instagram…
4. Top những xu hướng làm đẹp mới nhất tại Việt Nam
Người dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm tiên tiến như máy rửa mặt, Massage mặt…
Trong thị trường làm đẹp tại Việt Nam, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến thành phần từng sản phẩm nhiều hơn. Họ nhận thức cao hơn về việc chăm sóc da, kiến thức làm đẹp cũng được nâng cao, dễ dàng được chia sẻ hơn. Chính vì thế, thành phần sản phẩm, hình ảnh thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng. Đặc biệt, những sản phẩm dùng thử khá được quan tâm. Họ sẽ xem xét thành phần, nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm cẩn trọng hơn.
Xu hướng làm đẹp nổi bật khác là hướng đến các giải pháp làm đẹp tiên tiến. Người tiêu dùng tại Việt Nam hiện sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm làm đẹp. Chúng bao gồm cả các sản phẩm tác động từ bên trong (thực phẩm uống chức năng) và các sản phẩm tác động từ bên ngoài (như máy Massage mặt, rửa mặt, máy xông hơi…).
Song song với các dịch vụ/sản phẩm chăm sóc da, người tiêu dùng Việt còn quan tâm hơn đến các xu hướng làm đẹp cho cơ thể, móng tay, tóc… Điều này mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp tại Việt Nam với đa dạng hơn các dòng sản phẩm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng thị trường làm đẹp cũng có yêu cầu cao hơn về tính cá nhân hóa. Các sản phẩm cần có sự đa dạng hơn về kiểu dáng, màu sắc, tính năng, hình thức… phù hợp với từng nhóm khách hàng cụ thể hơn. Chẳng hạn, các loại kem chống nắng, kem nền hiện nay đã được sản xuất tới hơn 5 mã màu. Các dòng son môi cũng rất đa dạng về chất son, đến hàng trăm lựa chọn màu sắc để phù hợp với từng màu môi, sắc độ làn da khác nhau của người tiêu dùng.
Thị trường làm đẹp ngày càng phát triển với đa dạng sản phẩm/dịch vụ.
Nhu cầu chăm sóc cá nhân, dịch vụ/sản phẩm làm đẹp ngày càng tăng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Tuy nhiên, các thương hiệu làm đẹp cũng sẽ gặp nhiều cạnh tranh và thách thức hơn.
Để giành được sự quan tâm của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có những chiến lược phù hợp trong mọi khía cạnh từ sản phẩm, kênh phân phối, tiếp thị, chăm sóc khách hàng… Và quan trọng không kém, việc đổi mới liên tục với các ý tưởng đột phá vô cùng cần thiết, đặc biệt là để thuyết phục thế hệ người tiêu dùng trẻ đầy năng động. Việc nghiên cứu, hiểu hành vi người tiêu dùng thị trường làm đẹp sẽ giúp bạn xây dựng các chiến lược hiệu quả để phát triển doanh nghiệp tốt nhất.