Ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới hiện nay đang ngày một phát triển và đạt được nhiều thành công lớn. Không chỉ tạo ra những thương hiệu có tên tuổi mới, sự bứt phá trong bước phát triển hiện đại đã giúp nó chiếm được lòng tin của người dân.
Thành công đó đều nhờ sự giúp sức của những người cổ đại, những người đã đặt nền móng cho mỹ phẩm phát triển. Cùng Góc Skincare điểm qua đôi chút các dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành công nghiệp này nhé.
Trước công nguyên (TCN)
Mỹ phẩm là cái tên có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Kosmein mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là Cosmetics.
Từ năm 10.000 TCN, người Ai Cập đã biết dùng dầu thơm để tắm hàng ngày. Cả đàn ông và phụ nữ thời kỳ này thường dùng dầu massage toàn bộ cơ thể, vừa giúp thư giãn vừa làm mềm da.
Và lớp dầu này cũng được họ sử dụng bôi lên cơ thể như một lớp chống nắng để bảo vệ da trước thời tiết nắng gắt ở vùng sa mạc.
Bên cạnh đó, họ còn chưng cất nước hoa từ những nguyên liệu tự nhiên như dầu mè, hoa hồng, lô hội, bạc hà,… đây là một thứ không thể thiếu trong mọi nghi lễ tôn giáo nào.
Năm 4000 TCN, phụ nữ Ai Cập lại phát hiện ra khoáng vật chì sulfate cùng đá lông công malachite và sử dụng chúng để trang điểm cho khuôn mặt.
Thời kỳ này, Kohl rất thịnh hành, được người cổ đại sử dụng để vẽ mắt. Đây là một dạng phấn trang điểm mắt được chế tạo bằng cách nghiền khoáng chất stibnite (Sb2S3) tương tự như than củi và sử dụng trong mascara.
Ban đầu Kohl được dùng như một loại thuốc giúp bảo vệ đôi mắt, người xưa cũng tin rằng bóng tối xung quanh mắt sẽ bảo vệ chủ nhân tránh tia chớp của mặt trời.
Năm 3000 TCN, phụ nữ Trung Quốc đã biết đến sơn móng tay, họ sử dụng vỏ trứng và sáp ong để tạo thành hỗn hợp sơn móng. Mỗi màu sơn sẽ tượng trưng cho một tầng lớp xã hội khác nhau:
- Màu vàng, màu bạc: tượng trưng cho hoàng tộc
- Màu đỏ, màu đen: tượng trưng cho hoàng thân quốc thích
- Đối với những người lao động có địa vị thấp kém thì đây lại được xem như một điều cấm kỵ
Nhìn qua Hy Lạp, thời kỳ này họ cũng đã biết sử dụng quặng kim loại màu trắng và nghiền nát quả có màu để tạo nên một màu sơn móng tay đẹp, thậm chí họ còn dùng lông bò để làm mi giả. Thật thú vị phải không nào?
Đến năm 1500 TCN, các kiều nữ Trung Quốc và Nhật Bản đã biết dùng bột gạo để trang điểm cho khuôn mặt, tạo ra làn da trắng mịn. Thời kỳ này, họ cạo lông mày của mình ngắn lại, dùng bột lá móng để nhuộm tóc và nhuộm răng.
Ở Hy Lạp cũng phổ biến kiểu trang điểm làn da trắng sứ, họ trát phấn lên mặt hoặc sử dụng bột chì màu trắng để tạo lớp trang điểm trắng sáng.
Năm 1000 TCN, những thỏi son môi cổ đại đầu tiên đã được tìm thấy tại Hy Lạp. Tại đây, người cổ đại đã sử dụng đất sét hoàng thổ kết hợp với quặng sắt đỏ để tạo màu và độ bám trên môi.
Sau công nguyên (SCN)
Năm 100 SCN, phụ nữ Rome thường đắp mặt nạ bằng hỗn hợp bột lúa mạch và bơ để giúp làn da được ẩm mượt, mịn màng. Giai đoạn này, họ sử dụng hỗn hợp từ máu và mỡ cừu để tạo màu móng.
Họ rất yêu thích việc tắm bùn và đàn ông nơi đây rất chuộng nhuộm tóc màu vàng óng. Điều này khá giống với tình tiết trong những bộ phim cổ đại được chiếu ngày nay.
Từ năm 300 – 400, những người phụ nữ Ấn Độ biết dùng thuốc nhuộm để vẽ hình xăm. Hình xăm Henna thời đó là phương thức làm đẹp phổ biến nhất và nó cũng được áp dụng tại các quốc gia ở khu vực Bắc Phi.
Giai đoạn 1200 – 1300 là thời gian hưng thịnh của các loại nước hoa ở châu Âu. Chủ yếu các loại nước hoa này có nguồn gốc từ Trung Đông, được các kỵ sĩ trong các cuộc viễn chinh mang về làm quà tặng cho những người phụ nữ.
Đến thế kỷ 14 (từ 1301 – 1400), triều đại Elizabeth của nước Anh coi nhuộm tóc như một phong cách thời thượng, họ yêu thích làn da trắng ngần, họ sử dụng lòng trắng trứng thoa lên mặt dưỡng da và đắp những lát thịt bò tươi như một loại mặt nạ chống lão hóa.
Từ thế kỷ 15 – 16, mỹ phẩm chỉ được sử dụng cho các tầng lớp quý tộc tại châu Âu. Trong đó, Ý và Pháp là hai nước có lượng sản xuất và tiêu thụ mỹ phẩm lớn nhất thế giới.
Tại thời điểm này, người Pháp đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc chế tạo mỹ phẩm và nước hoa từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau.
Song song với đó, những loại mỹ phẩm thời kỳ này ẩn chứa rất nhiều yếu tố gây hại cho cơ thể như chì hay thạch tín. Có rất nhiều trường hợp sau khi sử dụng đã bị ngộ độc và thậm chí là tử vong.
Thế kỷ 17 – 18, mỹ phẩm đã trở nên thịnh hành hơn, ngay cả những tầng lớp nghèo trong xã hội cũng bắt đầu biết đến và sử dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, màu đỏ được tôn vinh, tượng trưng cho sự quyền lực, sức khỏe, hạnh phúc và giàu có.
Đến thế kỷ 19, Pháp đi đầu trong công cuộc làm đẹp sau khi phát mình ra nhiều chất hóa học thay thế cho các nguyên liệu từ thiên nhiên. Đây cũng là thời kỳ oxit kẽm được sử dụng trong hầu hết các loại phấn bôi mặt, thay thế cho những chất độc hại trước đó.
Dù vậy, những chất có hại cho sức khỏe vẫn tồn tại và được sử dụng trong mỹ phẩm như chì, antimony sulfit, thủy ngân sulfit,…
Mãi cho đến năm 1920, khi Mỹ vượt Pháp trở thành nước có lượt sản xuất và tiêu thụ mỹ phẩm lớn nhất thì những tiến bộ trong ngành công nghiệp mỹ phẩm mới dần hé lộ. Phụ nữ thời này đã biết cách ăn mặc và trang điểm thật rực rỡ.
Năm 1927, lần đầu tiên người ta đã chế tạo được thuốc nhuộm tóc khiến cho mái tóc bồng bềnh, vàng óng.
Năm 1930, nền công nghiệp mỹ phẩm bước sang một trang mới khi làn da trắng như tuyết không còn giữ được phong độ, nhường ngôi cho làn da nâu rám nắng khỏe khoắn. Điều này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những ngôi sao Hollywood thời đó.
Năm 1935, hãng Max Factor cho ra mắt thị trường dòng mỹ phẩm đóng bánh, thuận tiện cho việc mang đi lại.
Cho đến thập niên 50 – 60, sau khi chiến tranh kết thúc, ngành công nghiệp mỹ phẩm đã bình ổn hơn, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng tăng là nguồn cơn cho sự ra đời của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Estee Lauder, Revlon,…
Trên khắp các phương tiện truyền thông đều ngập tràn quảng cáo về các sản phẩm làm đẹp, nào nước hoa, kẻ mắt, kem chống lão hóa,… tất cả đã đến về cho toàn ngành tổng doanh thu khổng lồ 20 tỷ đô la trong thập niên 80.
Ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày nay
So với các giai đoạn trong quá khứ, ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày nay đã cải tiến hơn rất nhiều. Nếu như trước kia, những mỹ phẩm được tạo ra theo cách thủ công cùng những dụng cụ thô sơ có sẵn thì ngày nay đã được thay thế bằng những phòng thí nghiệm với những quy trình xử lý nghiêm ngặt, những máy móc, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên dày dặn kinh nghiệm.
Đây là thời kỳ bùng nổ của những loại mặt nạ, đặc biệt là mặt nạ giấy có tác dụng cấp ẩm, dưỡng trắng, trị mụn cùng những loại mặt nạ đất sét. Cùng với đó, người ta đã tìm hiểu nhiều hơn về các loại mỹ phẩm thông qua mạng xã hội.
Đặc biệt, khi Youtube mới “trình làng” Việt Nam, các video chia sẻ về dưỡng da càng nhiều hơn, mọi người biết đến nhiều loại mỹ phẩm và các hãng khác nhau. Chính vì thế, ngành mỹ phẩm cũng được đà phát triển cao hơn.
Năm 2020, năm mà đại dịch Covid bùng nổ nghiêm trọng khiến cuộc sống sinh hoạt của con người bị đảo lộn, đồng thời cũng làm thay đổi thói quen chăm sóc da của phái đẹp.
Do có nhiều thời gian hơn, các tín đồ làm đẹp bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về những thành phần mỹ phẩm, những xu hướng chăm sóc da mới. Họ còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe bên trong cơ thể.
Không chỉ vậy, phái đẹp cũng đã ý thức được tác hại của ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử lên da và mong muốn tìm những sản phẩm bảo vệ da trước tác nhân này. Hiện nay, các loại kem chống nắng có màu chính là những sản phẩm được lựa chọn cho việc chống ánh sáng xanh vì trong đó có chứa sắt oxit – được chứng minh có khả năng bảo vệ da trước tia sáng này.
Ngày càng nhiều người chú trọng vào độ pH trên da, tìm những sản phẩm giúp làm tăng độ đàn hồi và hàng rào bảo vệ da. Thay vì lựa chọn sữa rửa mặt gây cảm giác sạch bong kin kít, các tín đồ đã sử dụng những loại dịu nhẹ, có độ pH 5.5 và không gây khô da.
Xu hướng chăm sóc da bằng men vi sinh, lợi khuẩn đã không còn xa lạ với những người đam mê các sản phẩm làm đẹp. Lợi khuẩn probiotic có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe làn da, giúp cân bằng hệ vi sinh vật trên da.
Giai đoạn này, các dẫn xuất của vitamin A như retinol, tretinoin được biết đến nhiều hơn, các hãng thi nhau sản xuất nhiều loại hơn để phục vụ cho nhu cầu của người dùng. Đặc biệt là sự xuất hiện của các loại thuốc trị mụn như Differin hay Epiduo đã khiến mọi người có cái nhìn khác về việc dưỡng da.
Năm 2020 là năm thành công của các thương hiệu do người nổi tiếng đại diện, điển hình là hãng M.O.I do Hồ Ngọc Hà làm đại diện hay Emmie By Happy Skin do chị Emmi Hoàng sáng lập.
Và đặc biệt hơn, những sản phẩm làm đẹp spa đã dần được “thuần hóa”, có mặt trong tủ đồ skincare của nhiều cô nàng. Do không muốn tốn nhiều tiền cho mỗi lần đi spa nhưng vẫn muốn duy trì hiệu quả, nhiều người đã lựa chọn mua về nhà dùng vừa giúp tiết kiệm tiền mà vẫn có thể thư giãn như đang đi làm đẹp.
Trong những năm tới, có lẽ ngành công nghiệp mỹ phẩm sẽ còn bứt phá hơn nữa khi tiến bộ về khoa học công nghệ đang được ứng dụng vào trong từng sản phẩm, những sản phẩm retinol bọc hay những dưỡng chất dạng tinh thể nano siêu nhỏ sẽ làm chao đảo thị trường, trở thành cơn sốt lớn cho cộng đồng.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết liên quan tại đây:
- [KIẾN THỨC] Mỹ phẩm thuần chay là gì? 4 thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đình đám
- Mỹ phẩm Innisfree có gì nổi bật? Review 5 sản phẩm Innisfree được yêu thích nhất
- 3 bước skincare tuổi dậy thì đơn giản, tiết kiệm
Trên đây là những thông tin về ngành công nghiệp mỹ phẩm. Hy vọng bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích. Đừng quên ghé Góc Skincare để biết thêm nhiều kiến thức thú vị nhé.