Mới đây chị N. tiểu thương tại một khu chợ ở TP HCM đã tìm đến cái chết khi ôm số tiền vay lên tới 43 triệu đồng để mua bộ mĩ phẩm DeAura, do Công ty TNHH DeAura cung cấp. Rất may chị N. đã được người thân phát hiện kịp thời và đưa đến bệnh viện. Hiện tại chị N. đang trong quá trình hồi phục.
Cũng như trường hợp chị N., nhiều người từng rơi vào cảnh nợ nần, không lối thoát khi tham gia mua hàng củat doanh nghiệp mĩ phẩm có tên là Công ty TNHH DeAura (sau đổi thành Công ty TNHH Venesa).
Công ty DeAura từng bị phạt gần 400 triệu đồng vì kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Công ty TNHH DeAura được thành lập từ tháng 3/2016, do bà Nguyễn Quỳnh Anh làm Tổng giám đốc. Công ty có trụ sở chính tại tầng 8, Việt Tower, số 1 đường Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo công bố của DeAura chỉ sau 2 năm hoạt động, đến năm 2018 công ty này đã có hơn 23.000 khách hàng thân thiết, với 9 cơ sở tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM.
DeAura hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe, cụ thể là phân phối bộ sản phẩm DeAura D’or Mystere (gồm 10 sản phẩm), và gói liệu trình chăm sóc da hàng tháng.
Bộ sản phẩm này thường được DeAura bán với “giá khuyến mại” khoảng 43 triệu đồng.
Ngày 11/5/2018, trước những khiếu nại của người tiêu dùng, Chi cục quản lí thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đồng loạt tại 4 cơ sở của Công ty TNHH DeAura ở Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các các cơ sở kinh doanh của DeAura có các hành vi vi phạm như: Kinh doanh mĩ phẩm nhập lậu, nhãn mác không đầy đủ, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không công bố chất lượng theo quy định,…
DeAura đã bị xử phạt hành chính với số tiền lên tới 382 triệu đồng, đồng thời bị buộc phải tiêu huỷ số hàng hoá trị giá hơn 199 triệu đồng.
Gần đây nhất, tháng 3/2019, Chi cục Thuế Quận 1, TP HCM đã xử phạt một chi nhánh của DeAura ở địa chỉ 22 Lê Thánh Tôn hơn 15 triệu đồng, do các lỗi vi phạm về hóa đơn.
Đến nay, Công ty TNHH DeAura đã đổi tên thành Công ty Venesa, tiếp tục hoạt động, kinh doanh mặt hàng mĩ phẩm kể trên và bị nhiều khách hàng tố cáo là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tự tử vì mua sản phẩm của DeAura và không thể trả nợ
Vào tháng 3/2019, khi đang bán hàng tại chợ, chị N. nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng gói trải nghiệm chăm sóc da trị giá 1,5 triệu đồng. Ngày 31/3, chị N. tìm đến cơ sở của DeAura tại địa chỉ 22 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM để sử dụng dịch vụ.
Tại đây chị N. được mời chào mua bộ mĩ phẩm trị giá 43 triệu đồng, sau khi được khuyến mãi giảm từ 76 triệu đồng, theo lời nhân viên tư vấn.
Tuy nhiên, sau khi kí xong vào hợp đồng mua trả góp, chị N. quyết định trả lại hàng và huỷ hợp đồng, nhưng DeAura không cho phép. Theo DeAura , khách hàng phải có các điều kiện như: nhà có người mất, có sổ hộ nghèo hoặc sử dụng sản phẩm bị kích ứng da thì mới được quyền trả lại hàng.
Trong khi đó, trên website của mình, DeAura lại nhấn mạnh rằng: “Công ty chúng tôi luôn hướng đến người tiêu dùng, khách hàng của mình. Chính vì vậy, công ty cũng đã áp dụng chính sách đổi trả hàng cho khách hàng nếu sản phẩm vẫn còn nguyên tem mác. Chính sách này là sự khác biệt của Công ty Venesa so với các đơn vị kinh doanh mĩ phẩm khác”.
Hàng tháng những người như chị N. sẽ phải trả khoản tiền góp 2,3 – 3 triệu đồng, tuỳ thuộc vào các điều kiện vay lãi. Nếu không trả đủ sẽ bị những số điện thoại lạ nhắn tin, gọi điện khủng bố, dằn mặt.
Vào ngày 22/12 vừa qua, do bị ép đến đường cùng, không khả năng trả nợ, quá túng quẫn, chị N. đã tự cứa tay mình và uống thuốc ngủ để tự tử. May mắn, chị được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Hơn 3.000 thành viên tham gia nhóm “tẩy chay mĩ phẩm DeAura lừa đảo”
Chị N. không phải là một trường hợp cá biệt. Trên mạng xã hội có hẳn một nhóm có tên gọi “Tẩy chay mĩ phẩm DeAura lừa đảo”, với hơn 3.000 thành viên hoạt động tích cực từ đầu năm nay, đấu tranh kêu gọi quyền lợi cho những người trót ôm nợ với DeAura mà không thể hoàn trả sản phẩm.
Theo chị Đinh Lan, một quản trị viên của nhóm, chị đã đấu tranh kêu gọi và giúp đỡ cho hơn 600 trường hợp đã mua hàng của DeAura và hoàn trả thành công. Đa phần các thành viên trong nhóm đều là chị em phụ nữ có thu nhập trung bình, và không thể gánh được số tiền nợ quá lớn như thế.
Mặt khác, quá trình “hỗ trợ” khách hàng vay trả góp của DeAura cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn. Bởi khách hàng tố hãng mĩ phẩm này đã cố tình khai khống thu nhập bình quân của người mua, để được ngân hàng xét duyệt khoản vay nhanh hơn.
Trao đổi trên Tuổi Trẻ, chị Võ Thị Minh Tâm (Long An) cho biết mặc dù khẳng định thu nhập của mình chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng nhân viên DeAura vẫn ghi vào hợp đồng vay nợ là 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự với trường hợp của chị N. dù thu nhập chỉ 4 triệu đồng/tháng nhưng cũng đã bị khai khống lên 10 triệu đồng/tháng.
Cách kéo khách hàng của DeAura không mới, là sử dụng chiêu miễn phí sử dụng sản phẩm, nhiều chị em tò mò, thiếu cảnh giác đã sập bẫy khi bị mời mọc mua gói sản phẩm với sự hỗ trợ cho vay tín chấp của ngân hàng, trả góp hàng tháng. Khách hàng được các nhân viên này chèo kéo, chào mời, dễ siêu lòng, đặt bút kí mua sản phẩm.
Theo tìm hiểu, sau khi nhiều sự cố xảy ra đối với khách hàng từ cuối năm ngoái, hàng loạt các chi nhánh của DeAura đã đổi tên gọi mới, như: Công ty TNHH chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ Eros/Camellia/Feeyja/Venus/Daisy… mặc dù trên website công ty, những địa chỉ này vẫn thuộc sở hữu của DeAura.