Bà Hà Thị Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar, Campuchia chia sẻ về cơ hội cho ngành làm đẹp tại Myanmar, Campuchia
Thông tin tại hội nghị “Campuchia và Myanmar: Thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành làm đẹp Việt Nam”, diễn ra sáng 18/5, bà Hà Thị Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar, Campuchia – cho biết: Hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm về hóa mỹ phẩm như dầu gội đầu, xà phòng, sản phẩm chống nắng, dịch vụ spa… tại các thị trường này là rất lớn. Đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập đầu tư, bán sản phẩm.
Cụ thể, Myanmar là nước đông dân (52 triệu dân) và có tỷ lệ dân số nữ cao, các khách sạn của nước này cũng đang phát triển nhiều nhưng hầu hết lại chưa có dịch vụ spa, làm đẹp… nên doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết để mở rộng kinh doanh dịch vụ spa tại Myanmar.
Tương tự, với Campuchia, hiện nay dân số nước này cũng rất “chịu chi” tiền cho việc mua sắm mỹ phẩm, làm đẹp. Ông Leong Ann Suan Jeremy, Tổng biên tập tạp chí Beauty Cosmedica châu Á – cho hay, thị trường mỹ phẩm tại Campuchia chưa có sự phong phú và đa dạng. Do đó, những người giàu có ở nước này sẵn sàng bỏ tiền mua mỹ phẩm xách tay giá cao hoặc bay qua Singapore, Pháp để mua sắm… Bên cạnh đó, Campuchia cũng có rất ít các salon làm đẹp, các trung tâm spa nên doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm đối tác để liên kết đầu tư.
Mặc dù được đánh giá là tiềm năng song với kinh nghiệm nhiều năm nay, bà Hà Thị Thanh Bình cho biết việc thâm nhập cả hai thị trường này không hề đơn giản.
Đơn cử tại Campuchia, do mấy năm trở lại đây có nhiều doanh nghiệp chú ý nên thị trường mỹ phẩm Campuchia có sự cạnh tranh rất lớn. Doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thì mới có thể chiếm lĩnh được thị trường.
Còn tại Myanmar, vì mới qua khỏi thời kỳ bị cấm vận chưa lâu nên mọi cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính vẫn còn chậm chạp. Myamar vẫn còn những công ty nhà nước độc quyền, chưa có luật chống bán phá giá, luật chống tham nhũng nên doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ Myanmar không cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào phân phối hiện đại và vận tải, doanh nghiệp muốn bán sản phẩm vào nước này buộc phải thông qua đối tác thứ 3 – đây có thể là đại lý hoặc nhà phân phối tại thị trường bản địa.
Từ những thuận lợi, khó khăn nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo: Ở thời điểm này, doanh nghiệp ngành làm đẹp muốn thâm nhập vào thị trường Campuchia hay Myanmar đều phải cân nhắc cẩn trọng từng chi tiết, doanh nghiệp phải xác định thế mạnh, tiềm lực của mình để tránh trường hợp bị thua trên đất khách.