Từ trước đến nay, nhu cầu về mỹ phẩm luôn rất lớn do làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người. Nắm bắt nhu cầu đó, việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn và tiềm năng phát triển cao cho các nhà đầu tư. Nhiều công ty của các bạn trẻ đã thành công trong lĩnh vực này, nhất là đối với các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ và thiên nhiên. Tuy nhiên, vì mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người nên đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Luật số 03/2016/QH14 quy định về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Các quy định chi tiết về điều kiện sản xuất mỹ phẩm được cụ thể hóa tại Nghị định 93/2016/NĐ-CP. Để thuận tiện cho nhu cầu tra cứu của Quý Khách hàng, Công ty Luật Việt An xin tổng hợp và gửi đến Quý Khách hàng một số thông tin như sau:
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông của công ty cổ phần;
- Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên/cổ đông là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên/cổ đông là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;
- Giấy ủy quyền cho Công ty Luật Việt An;
- Một số giấy tờ khác (trong trường hợp cần thiết).
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.
Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp
Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Bước 4: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm
Điều kiện mà cơ sở sản xuất phải đáp ứng:
Về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
Về cơ sở vật chất: Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất. Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
Về hệ thống quản lý chất lượng:
- Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
- Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
- Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;
- Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm;
- Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu.
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 ban hành kèm Nghị định 93/2016/NĐ-CP;
- Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất;
- Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất;
- Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của từng mặt hàng.
Nơi nộp hồ sơ: Sở Y tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận hoặc yêu cầu cơ sở thay đổi, khắc phục, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật về lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hướng dẫn chi tiết!