17 cuốn sách văn học Mỹ hay khuyên đọc, dành cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử, tinh thần nước Mỹ.
Túp Lều Bác Tom
Ra mắt độc giả vào năm 1852, tiểu thuyết Túp Lều Bác Tom đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan điểm của những người tiến bộ trong tầng lớp da trắng cũng như nhận được sự đồng cảm sâu sắc của những người nô lệ da đen.
Thông qua nhân vật chính là bác Tom, một người nô lệ da đen trung thực phải chia lìa vợ con, phải sống cuộc sống tủi nhục, thường xuyên bị đánh đập, ngược đãi, bị bán đi bán lại như một món hàng, tác phẩm ca ngợi sự kiên quyết bảo vệ phẩm giá con người của những người nô lệ da đen, đồng thời đanh thép phê phán chế độ nô lệ tàn bạo với những điều luật bênh vực bọn chủ nô mất nhân tính, sẵn sàng vì đồng tiền mà chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những người da đen bất hạnh.
Giết Con Chim Nhại
Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội làm hại một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Hơn 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người.”
Moby Dick – Cá Voi Trắng
Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của thủy thủ lang thang Ishmael, và chuyến đi của mình trên một con tàu săn cá voi được chỉ huy bởi thuyền trưởng tên Ahab.
Ishmael sớm nhận rằng trong chuyến đi này, Ahab có một mục đích, để tìm ra một con cá voi trắng tên là Moby Dick, nó rất hung dữ và bí ẩn. Trong một cuộc gặp gỡ trước đó, con cá voi đã phá hủy thuyền Ahab và cắn cụt chân Ahab, bây giờ ông ta quyết tâm phải trả thù.
Moby Dick luôn bị tàu của thuyền trưởng Ahab theo sát và trong chuyến săn bắt cuối cùng, một cuộc quyết đấu giữa đoàn người đi săn cho Ahad dẫn đầu với Moby Dick, con cá voi này đã tấn công quyết liệt đoàn đi săn, làm lật tung chiếc tàu săn cá voi và kéo thuyền trưởng Ahab xuống biển xanh sâu thẳm. Kết cục trận chiến chỉ còn một mình Ishmael sống sót còn Moby Dick tiếp tục tự do giữa đại dương.
Trong tác phẩm “MOBY DICK – CÁ VOI TRẮNG”, Melville sử dụng biểu tượng cách điệu, ngôn ngữ, và ẩn dụ để khai mở các chủ đề phức tạp. Thông qua cuộc hành trình của nhân vật chính, các khái niệm của lớp và địa vị xã hội, thiện và ác, và sự tồn tại của Thiên Chúa là tất cả sự trải nghiệm như Ishmael phỏng đoán dựa trên niềm tin cá nhân của mình và vị trí của mình trong vũ trụ, cùng với các mô tả của ông về cuộc sống của một thủy thủ trên một tàu săn cá voi.
“MOBY DICK – CÁ VOI TRẮNG” là một tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Herman Melville và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1851, được coi là một tiểu thuyết Mỹ vĩ đại và một kho tàng văn học thế giới.
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn
Câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi với người bạn là Jim, một nô lệ đang chạy thoát. Quyển sách miêu tả những cảnh vật trên dòng sông và châm biếm những quan điểm ở miền Nam Hoa Kỳ thời tiền chiến, đặc biệt là quan điểm kỳ thị chủng tộc. Hình ảnh Huck và Jim trên chiếc bè chạy theo dòng sông, đi đến tự do, là một trong những hình ảnh bất hủ nhất trong văn học Hoa Kỳ.
Yêu Dấu
Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng – khát vọng sống và tự do – mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
Đại Gia Gatsby
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”
Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi. Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.
Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị” (như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
Chùm Nho Phẫn Nộ
Giữa thời kỳ vàng son của xã hội công nghiệp, nhà Joad cũng như bao gia đình khác bỗng nhiên bị đuổi khỏi nơi chôn rau cắt rốn vì những lợi ích của bè lũ tài phiệt. Rời khỏi Oklahoma bụi bặm mịt mù, họ đem tất cả những gì có thể chất lên xe cam nhông để hướng về miền đất hứa – xứ California đầy xanh tươi và thơ mộng.
Trên con đường thiên lý tìm kiếm giấc mơ đổi đời, nhà Joad liên tiếp vấp phải những éo le, khổ nạn, nhục mạ và cả việc mất thân nhân. Mọi sự dồn nén, uất hận, bi phẫn rồi cũng khiến giọt nước tràn ly… nhưng sau tất cả cũng chỉ còn lại những tiếng thở vãn than dài, lực bất tòng tâm!
Hành trình vô định của những kẻ khốn cùng đã vén mây lộ ánh dương, làm sáng lên một bức tranh nước Mỹ hào quang tột bậc nhưng cũng u ám tột cùng.
Ký Ức Đen – Jennifer Egan
Từ thập niên 70 cho đến thời đại tương lai, từ Châu Phi cho đến Naples rồi New York và San Francisco, từ nhà sản xuất âm nhạc đến viên tướng diệt chủng… Nhà văn Jennifer Egan đã xử lý một cách hoàn hảo tất cả những chất liệu tưởng chừng như rất tương phản nhau ấy và dung hòa chúng trong một tập tiểu thuyết dài hơn 400 trang.Mỗi chương sách là một truyện ngắn về cuộc sống của các nhân vật, tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau nhưng lại được xâu chuỗi trong một sợi dây vô hình của định mệnh. Ký ức đen đem lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc: hài hước, buồn bã, nuối tiếc, hứng khởi…
Với kết cấu 2 phần A – B và nhân vật chủ đạo là các thành viên trong một ban nhạc của thập niên 70, người đọc dường như không phải đang xem sách nữa mà đang được nghe, giai điệu cuộc đời và số phận của những con người trong xã hội Mỹ, qua một cuốn băng cát-xét mà hễ lật mặt nào cũng thấy đủ mọi hỷ nộ ái ố của đời người.
Hãy níu giữ từng khoảnh khắc của tuổi trẻ, đừng để thanh xuân trôi qua vô nghĩa, rồi có khi phải thốt lên – như bao nhân vật trong tiểu thuyết này – “Thời gian là một tên khủng bố, có phải không?”
Nắng Tháng Tám
LENA GROVE bụng mang dạ chửa đi từ Alabama đến Jefferson trong gần một tháng trời để tìm người đàn ông đã hứa hẹn với nàng là Lucas Burch, bố của thai nhi.
JOE CHRISTMAS, một người không rõ sắc chủng, có thể là nửa trắng nửa đen, nhiều lần thừa nhận mình là da đen một cách quyết liệt, ngạo mạn và cay đắng, tự tay cắt cổ người tình da trắng là Joanna Burden.
GAIL HIGHTOWER, một mục sư bị phế bỏ, có người vợ ngoại tình tự tử, sông ẩn mình xa lánh nhân gian trừ ngưòi bạn thân là Byron Bunch, một nguồi thợ độc thân ở xưởng bào.
Ba cuộc đời ấy đi theo những hướng khác biệt, nhưng trải qua mười một ngày đầy biến động của tháng Tám ở Jefferson thuộc Mississippi, dường như đời sống họ tương chiếu nhau tạo nên cái nhất quán đầy uy lực và bất ngờ của Truyện..
Bắt Trẻ Đồng Xanh
Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.
Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.
Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.
Chuông Nguyện Hồn Ai
Nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway, tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, sinh năm 1899 tại Oak Park, bang Illinois, có bố là bác sĩ và mẹ là ca sĩ. E. Hemingway học hành dang dở, chưa qua trung học đã trốn nhà trốn trường bỏ đi kiếm sống, từ làm công ở trang trại, làm túi đấm ở lò quyền Anh đến làm thông tín viên cho tờ “Kansas City Star”… Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, E. Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ ở vùng Bắc Italy và bị thương tại đó, mở đầu cho hàng trăm vết thương ông mang trên mình khi sống sót bước ra khỏi cuộc chiến.
Sau không mấy thành công với tập truyện ngắn “Trong thời đại của chúng ta” (In Our Time – 1925), E. Hemingway đã lần đầu tiên được người đọc Âu-Mỹ biết đến qua tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises – 1926). Ba năm sau, ông tung ra cuốn “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms – 1929) làm say lòng bạn đọc trẻ tuổi bởi câu chuyện tình đẹp đẽ mà bi thảm của viên sỹ quan quân đội Đồng Minh và cô nữ cứu thương. Sau đó, bảy năm liền, hầu như ông không viết gì, chỉ mê mải với những trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, săn sư tử ở châu Phi, câu cá kiếm ở Caribe…Chính là từ những “lang thang” đó, E. Hemingway đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ như “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro – 1936), “Có và không có” (To Have and Have Not – 1937), “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls – 1940), “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea – 1951). Đó chính là những cuốn tiểu thuyết làm nên cái tên Ernest Hemingway, đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý dành cho Văn học mang tên Nobel vào năm 1954. Khi đó ông đang ở một vùng chài lưới ven biển Cuba, đã không sang Thụy Điển dự lễ trao giải, chỉ gửi tới lời cảm ơn, nói rằng mình vô cùng sung sướng, vô cùng hãnh diện… rồi quần cộc, cởi trần, ông lên thuyền ra biển với bộ đồ nghề câu cá lớn. Phải, ông rất thích câu được những con cá lớn, còn mang được nó lên thuyền, chở được nó vào bờ hay không lại là chuyện ông không nghĩ tới.
Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc. Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).
Rabbit Ơi, Chạy Đi
Harry “Rabbit” Angstrom, một chàng trai hai mươi sáu tuổi, cựu ngôi sao bóng rổ nay là nhân viên bán hàng lưu động, là một nam nhi quyến rũ và một con người phức tạp. Anh hành động theo bản năng nhưng dường như chẳng phải là người không biết nghĩ. Bỏ vợ con trong một phút bốc đồng, anh vừa tìm thấy khoái lạc vừa cảm nhận ra một khoảng trống trong chính anh, khoảng trống mà anh chật vật cố lấp đầy. Loại phụ nữ nào cần đến anh và loại phụ nữ nào nguyền rủa anh? Anh đáng cho ta cảm thông hay đáng bị ta căm ghét? John Updike, bằng nghệ thuật kể chuyện và phân tích tâm lý bậc thầy, cho ta thấy lằn ranh giữa các khái niệm khác nhau về nhân cách con người là mù mờ và võ đoán ra sao.
Cuộc Đời Ngắn Ngủi Và Lạ Kỳ Của Oscar Wao
Mọi chuyện chẳng bao giờ dễ dàng đối với Oscar, một anh chàng dễ thương nhưng thừa cân kinh khủng sống ở khu người Do Thái, một người New Jersey lãng mạn với giấc mơ trở thành nhà văn J.R.R Tolkien của Dominica và trên hết là giấc mơ tìm thấy tình yêu. Thế nhưng, Oscar không bao giờ nhận được điều mình mong muốn, bởi fukú chiếu vào cung tình duyên. Đó là một lời nguyền cổ xa đeo bám gia đình Oscar suốt nhiều thế hệ, khiến họ phải chịu cảnh tù tội, tra tấn, những tai ương thảm khốc và nhất là bệnh tật. Oscar, người không ngừng mơ tưởng đến nụ hôn đầu đời chỉ là nạn nhân mới nhất của lời nguyền đó – cho đến mùa hè định mệnh ấy, Oscar quyết định sẽ trở thành nạn nhân cuối cùng của lời nguyền.
Với nguồn sinh lực và vốn hiểu biết đáng nể, tác giả Junot Diaz đưa chúng ta chìm đắm vào cuộc đời náo động của vị anh hùng Oscar, cô chị gái Lola, bà mẹ Belicia xinh đẹp dữ tợn của họ, đồng thời tham gia chuyến hành trình sử thi của gia đình đó từ Santo Domingo đến Washington Heights rồi tới Bergenline ở New Jersey, sau đó quay trở về.
Trên Đường – Jack Kerouac
Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty dựa trên những chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady, hai trong số những gương mặt quan trọng nhất của Beat Generation. Đó thực chất là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz.
Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack Kerouac đã bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bột phát” (Spontaneuos Prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao.
Bất chấp những tranh cãi dữ dội từ khi mới ra đời, Trên đường là bằng chứng sống động nhất cho một giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ, một phong trào trí thức. Cuốn sách được công nhận như một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ và thế giới.
451 Độ F
Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…
Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng
Cuốn Theo Chiều Gió
Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ tác giả Margaret Mitchell, ngay từ khi mới ra đời, năm 1936, tác phẩm văn học này đã mau chóng chiếm được tình cảm của người dân Mỹ cũng như chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới.
Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ, Cuốn Theo Chiều Gió với cốt truyện rõ ràng, logic, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O’hara cùng với Rhett Butler trở thành cặp nhân vật điển hình, thuộc loại thành công nhất trong văn học Hoa Kỳ. Cuốn Theo Chiều Gió có sức hấp dẫn mãnh liệt giới trẻ Mỹ cũng như thanh niên toàn thế giới vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Lạ kỳ thay, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ. Không chỉ có tình yêu trai gái, Cuốn Theo Chiều Gió còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái.
Ba năm sau khi tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió ra đời, bộ phim cùng tên dựng theo tác phẩm của Margaret Mitchell được công chiếu đã trở thành sự kiện lớn, thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ.
Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu
Mọi chuyện ở một trại tâm thần đầy quy tắc dường như đảo lộn khi McMurphy xuất hiện. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào viện để trốn án lao động khổ sai và không hề có ý định cứu thế.
Nhưng trong những ngày ở đó, cái phần tốt đẹp yêu tự do, thích tung hoành của hắn đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo ra mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, những trí não bị tổn thương, nhắc họ nhớ về cá tính, về chính mình hoặc về những kẻ đã-từng-là-mình.
Sự nổi loạn đó thách thức trật tự đạo đức giả mà Liên hợp áp đặt. Cuộc chiến bất cân sức bắt đầu. Và rồi đúng như cuộc đời, kẻ yếu đã không thể thắng. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn sống, nhưng Liên hợp không giết được hắn, cũng không thể bắt hắn sống theo cách nó đặt ra..