Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đã đi sâu vào đời sống con người, khi những giá trị thẩm mỹ ngày càng được chú trọng. Hệ thống pháp lý quốc tế và quốc gia đang chứng kiến sự mở rộng của các quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy mà tác phẩm mỹ thuật ứng dụng vừa có thể được bảo hộ quyền tác giả lẫn quyền sở hữu công nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào phân tích quyền tác giả đổi với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Cơ sở pháp lý:
– Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là gì?
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Theo Wikipedia, Mỹ thuật ứng dụng là việc áp dụng thiết kế và trang trí vào các vật dụng hàng ngày để làm cho chúng trở nên hấp dẫn về mặt thẩm mỹ. Thuật ngữ này dùng để phân biệt với mỹ thuật thông thường với mục đích tạo ra các vật dụng đẹp mắt hay thúc đẩy về mặt trí tuệ. Còn mỹ thuật ứng dụng thường được áp đụng trong các lĩnh vực thiết kế công nghiệp, thiết kế tạo hình, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, mỹ thuật trang trí và mỹ thuật chức năng.
Từ điển Oxford định nghĩa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là sự ứng dụng thiết kế, trang trí lên các đồ vật thường ngày để tạo ra các tác phẩm mang tính thẩm mỹ.
Một định nghĩa khác về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng liên quan đến những ứng dụng của thiết kế và/hoặc thẩm mỹ đối với những vật dụng có chức năng. Thuật ngữ này dùng để chỉ những khía cạnh sáng tạo của một vật dụng mang tính thiết thực (hữu dụng).Với lý do này, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đôi khi được nhắc đến như là một tác phẩm mang tính thiết thực. Những lĩnh vực của các thiết công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, nghệ thuật về mặt trang trí và về mặt ứng dụng đều được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Ngược lại những bức tượng hoặc bức tranh không có khía cạnh ứng dụng hoặc hữu ích chỉ được bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm nghệ thuật thông thường.
Trong cuốn “Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam” của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin có giải thích: “Mỹ thuật ứng dụng là các nghệ thuật áp dụng sản xuất công nghiệp để cho ra những sản phẩm mỹ thuật phục vụ đời sống hay mỹ thuật ứng dụng là những tấm tranh, phù điêu, đường diềm, thảm,…trang trí cho một công trình hoặc ứng dụng cho một công việc cụ thế nào đó.
Xem thêm: Nhuận bút là gì? Nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao đối với các loại tác phẩm
Theo các định nghĩa trên, thuật ngư “mỹ thuật ứng dụng” được dùng để chỉ việc áp dụng các thiết kế thẩm mỹ đối với các vật dụng có chức năng có thể sử dụng được. Như vậy, hiểu theo nghĩa chung nhất, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là những tác phẩm mang tính nghệ thuật nhưng gắn liền hoặc được thể hiện trên các vật dụng, đồ vật hàng ngày.
Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã liệt kê tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Nghi định 22/2018 có đưa ra định nghĩa về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như sau: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.”
Qua những định nghĩa về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nêu trên, có thể chỉ ra các đặc trưng cơ bản của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như sau:
Một là, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mang tính thẩm mỹ (tính mỹ thuật): Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể được thể hiện bằng những yếu tố như cấu tạo của các đường nét, màu sắc thể hiện trên bề mặt một sản phẩm( tính hai chiều) hoặc hình dạng của sản phẩm (tính ba chiều) hoặc sự kết hợp của cả hai loại tính năng đó. Với tư cách là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, trước hết tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải có tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật.
Hai là, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mang tính ứng dụng hay tính hữu ích: mặc dù tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả nhưng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không chỉ được tạo ra để phục vụ nhu cầu thẩm mỹ thông thường như các tác phẩm nghệ thuật tạo hình khác. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng luôn được thiết kế gắn liền với một vật phẩm, đồ vật hưu ích, có chức năng thông thường để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Ba là, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp (sản xuất bằng máy) hay thủ công nghiệp (sản xuất bằng tay): Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể được thể hiện bằng bất kỳ cấu tạo các đường nét hoặc màu sắc hoặc bất kỳ hình thức ba chiều nào, có hoặc không kết hợp với đường nét hay màu sắc, nhưng phải đáp ứng điều kiện là cấu tạo hoặc hình thức đó có khả năng áp dụng sản xuất công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. Tác phẩm mỹ thuật ứng đụng phải có khả năng dùng làm mẫu cho sản xuất công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp. Do đó, các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm công nghiệp có tính thẩm mỹ đều có thể trở thành đối tượng bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trong Tiếng anh là “Works of applied art”.
2. Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đổi với tác phẩm bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.
Xem thêm: Dịch vụ đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, tác phẩm nhanh và uy tín
Giống như các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được pháp luật bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, là sản phẩm của hoạt động sáng tạo: tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là kết quả sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, hướng tới cái đẹp của con người. Việc tạo ra một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đòi hỏi công sức, kỹ năng, thời gian, sự khéo kéo, đặc biệt là sự nỗ lực sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, pháp luật về quyền tác giả không đặt ra yêu cầu, điều kiện về chất lượng hay giá trị nghệ thuật, sáng tạo của một tác phẩm, vì vậy, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ cần là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ.
Thứ hai, được thế hiện dưới một hình thức vật chất nhất định: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc, gắn liền hoặc thể hiện trên các đồ vật hữ ích. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chủ yếu được thể hiện qua yếu tố hình ảnh, đồ họa hoặc điêu khắc, có thể được thể hiện trên bất kỳ vật liệu, chất liệu nào gắn liền với các sản phẩm (đồ vật). Khác với tác phẩm tạo hình thông thường chỉ mang tính “thẩm mỹ”, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mang bản chất kép, bao gồm cả tính “ứng dụng”, vì vậy tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thể định hình trên bất kỳ sản phẩm nào phục vụ cho nhu cầu đời sống.
Thứ ba, mang tính nguyên gốc: Điều kiện này đòi hỏi tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải được sáng tạo ra một cách độc lập, không sao chép hoàn toàn từ các tác phẩm của người khác. Tính nguyên gốc ở đây chỉ liên quan đến hình thức thể hiện chứ không liên quan đến ý tưởng hay nội dung tác phẩm. Quyền tác giả đối với một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nôi dung, hình thức, chất lượng,.. đã đăng ký hay chưa đăng ký, đã công bố hay chưa công bố. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không là căn cứ phát sinh quyền tác giả mà chỉ có giá trị như chứng cứ chứng minh của đương sự khi có tranh chấp liên quan đến tác phẩm mỹ thuật ứng dụng xảy ra.
Tác phẩm mỹ thuật ứng đụng được bảo hộ theo cơ chế bảo hộ quyền tác giả tức là bảo hộ về mặt hình thức. Điều đó có nghĩa là việc pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nhằm tránh lại sự sao chép hoàn toàn một tác phẩm đã có sẵn trước đó. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được sáng tạo sau đó có thể có sự tương đồng về mặt nội dung; cách thức trình bày thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc có thể có những điểm tương đồng với nhau, nhưng việc tạo ra tác phẩm đó phải hoàn toàn độc lập, không phải là sự sao chép thì sẽ không bị coi là xâm phạm quyền tác giả đổi với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Theo Điểm a, Khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
3. Khái quát sự giao thoa giữa cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng với bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu:
Giao thoa hay chồng lấn trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là trường hợp một đối tượng đồng thời được bảo hộ theo nhiều cơ chế khác nhau. Hiện tượng giao thoa có thể xảy ra hai tình huống điển hình sau:
– Trường hợp đồng nhất về chủ thể quyền tác giả với chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu: Đây là trường hợp một chủ thể có thể được hưởng đồng thời hai hay nhiều phạm vi quyền sở hữu trí tuệ đối với cùng một đối tượng sáng tạo khi chủ thể quyền cùng một lúc yêu cầu nhiều hơn một hình thức bảo hộ cho một đối tượng hoặc yêu cầu sự bảo hộ liên tục từ cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trị tuệ xuất pháp từ việc đối tượng sáng tạo của họ thỏa mãn đồng thời tiêu chuẩn bảo hộ của hai hay nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ. Khi một sản phẩm tạo hình được tạo ra mang tính sáng tạo nguyên gốc, thể hiện đường nét, màu sắc, hình khối,…và các điều kiện khác thì ngay lập tức sản phẩm đó được bảo hộ tự động hoặc đăng ký bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Đồng thời, chủ thể có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu như sản phẩm đó có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp; hoặc những dấu hiệu mang tính trang trí như đường nét, hình ảnh, hình khối của sản phẩm,… có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nếu đáp ứng được điều kiện có khả năng phân biệt.
Xem thêm: Đồng tác giả là gì? Quyền tác giả trong trường hợp được coi là đồng tác giả
– Trường hợp không đồng nhất về chủ thể quyền tác giả và chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu: Đây là hai trường hợp hai hay nhiều chủ thể khác nhau cùng được hưởng những phạm vi quyền sở hữu trí tuệ xuất phát từ việc đối tượng sáng tạo của họ thỏa mãn đồng thời tiêu chuẩn bảo hộ của hai hay nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ. Trong những trường hợp này, phạm vi quyền của họ có sự giao thoa, chồng lấn, khó xác định được ranh giới, phạm vi cụ thể.