Ở tuổi 22 tuổi, Lê Phương Oanh (TP.HCM) xinh đẹp, hoạt bát và tự tin, tham gia nhiều hoạt động tập thể, có nhiều người bạn mới. Cô trở thành nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ có câu chuyện giống mình.
Oanh không gọi bước chuyển ấy là điều kỳ diệu. Với cô, đó là thành quả của một hành trình nỗ lực không ngừng.
Cân nặng kỷ lục 105 kg và những ngày sống trong sợ hãi
Ngay từ khi còn nhỏ, Oanh đã nhận thấy sự khác biệt của mình so với các bạn đồng trang lứa bởi thân hình mũm mĩm. Lên 8 tuổi, Oanh nặng trên 50 kg, được chẩn đoán béo phì cấp độ 2. Trung bình mỗi năm, cô bé tăng thêm từ 15 đến 16 kg. Đến năm lớp 9, Oanh cao 1m55 nhưng trọng lượng đã lên đến 105 kg.
Oanh chia sẻ, việc tăng cân “chóng mặt” của cô là do chế độ ăn uống không hợp lý. Từ bé, Oanh hầu như không ăn rau, chỉ thích cơm và các món giàu đạm. Cô ăn rất nhiều tinh bột và thức ăn mỗi bữa nhưng lại ít vận động.
Tới khi bị béo phì cấp độ 2, Oanh được ba mẹ đưa tới bệnh viện khám và nhận tư vấn đều đặn mỗi tháng. Ngoài kê đơn thuốc, bác sĩ đưa cho gia đình một tờ giấy, yêu cầu viết lại thực đơn hàng ngày của con và nộp vào tháng sau.
Những buổi gặp bác sĩ ngày ấy trở thành nỗi ám ảnh cho cô bé 8 tuổi. “Vì còn nhỏ, mình chưa thể kiểm soát việc ăn uống nên mỗi lần tới khám lại bị bác sĩ mắng. Mình sợ hãi tới nỗi khi đi bệnh viện về đều khóc rất nhiều, không muốn giao tiếp với mọi người”, Oanh tâm sự.
Rất nhiều lần, cô bé hứa sẽ nhịn ăn theo lời khuyên của bác sĩ nhưng chỉ được khoảng 1 tuần, mọi chuyện lại “đâu vào đấy” vì quá thèm ăn. Xót con, sau 5 tháng điều trị, ba mẹ Oanh không đưa cô bé đi khám nữa.
Lê Phương Oanh thời điểm nặng 105 kg. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lên cấp 2, Oanh bắt đầu bị bạn bè châm chọc, chế giễu vì ngoại hình của mình. Ban đầu, chỉ là những ánh nhìn dò xét, kỳ thị, sau này, cô bé trở thành đối tượng thường xuyên bị một số bạn nam trêu ghẹo.
“Có một bạn nam ném cả thùng rác vào người mình rồi phá lên cười cùng những người xung quanh. Mình tổn thương, nhưng lại nghĩ tất cả là do mình, do mình xấu xí nên họ mới làm vậy. Suốt khoảng thời gian ấy, mình chỉ âm thầm chịu đựng, không dám chia sẻ với gia đình”, Oanh nhớ lại.
4 năm học cấp 2, Oanh hầu như không tiếp xúc với ai, chỉ quanh quẩn trong phòng. Cô sợ gặp gỡ mọi người, sợ họ nhìn mình, sợ bị miệt thị ngoại hình.
Khoảng thời gian khủng hoảng nhất với Oanh là vào mùa hè năm lớp 9, khi cô chuẩn bị thi lên Trung học phổ thông. Đối diện với việc phải mặc áo dài khi đi học, nhìn lại thân hình mũm mĩm của mình, cô bé tủi thân vô cùng.
“Bình thường mình toàn phải tìm mua những quần áo quá cỡ, nhập từ nước ngoài về mới vừa cơ thể. Nếu mặc áo dài, trông mình hẳn sẽ rất thô kệch”, Oanh chia sẻ.
Thế là, cô bé quyết định giảm cân. Suốt 4 tháng ròng rã, cô chỉ ăn trưa, bỏ bữa sáng và tối. Việc nhịn ăn liên tục trong khi phải học suốt ngày đêm để ôn thi chuyển cấp khiến cô bé mất sức trầm trọng.
Có thời điểm, Oanh thậm chí không thể đứng vững và đi lại như bình thường. Sau đợt đó, cô giảm được 10 kg, tuy nhiên cơ thể bị kiệt sức và kết quả thi cũng không được như mong đợi.
Lên cấp 3, Oanh tìm thêm nhiều cách thức giảm cân từ sách và Internet. Thời gian đầu, cô theo học các khóa aerobic, thử uống bột sữa bổ sung năng lượng thay cho tinh bột và đạm nhưng không hiệu quả. Oanh cũng đã tìm đến rất nhiều loại thuốc giảm cân nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Cô bắt đầu thử làm quen với các bài tập thể lực. Mỗi ngày, cô cố gắng nhảy dây khoảng 1.000 cái, kết hợp các bài tập cardio và hit (những động tác bật nhảy lên xuống). Khoảng 1 năm sau, Oanh giảm thêm 8 kg, duy trì ở mức 87 kg.
Cố gắng rất nhiều, gần như kiệt sức vì các bài tập nhưng cân nặng di dịch không đáng kể đã khiến Oanh rơi vào chán nản.
“Mình nhịn ăn và tập luyện liên tục nhưng ngoại hình vẫn rất mập, gần như không mấy khác biệt. Lúc ấy, mình đã nghĩ nên chấp nhận và sống chung với nỗi mặc cảm này”, Oanh tâm sự.
Hành trình chiến thắng bản thân
2 năm sau, đến khi bước vào năm 2 đại học, có một nguồn cảm hứng đặc biệt đã khiến cô gái trẻ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.
Thời điểm ấy, Oanh rất thích đọc các cuốn sách về tư duy tích cực. “Mình nhận ra rằng cần phải yêu bản thân hơn, cần thay đổi vì sức khỏe, tương lai của mình. Những cuốn sách là động lực rất lớn giúp mình quyết tâm tiếp tục thử thách”, Oanh kể.
Phương Oanh của hiện tại, nặng 54 kg, đã xinh đẹp, tự tin hơn rất nhiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần này, cô nghiên cứu các phương pháp giảm cân một cách bài bản, khoa học hơn. Oanh kết hợp bài tập cardio và hit cùng chạy bộ. Cô cũng tập thêm các bài nâng tạ, chia ra từng nhóm cơ để luyện mỗi ngày như tay, vai, mông, chân, lưng…
Oanh đề ra kế hoạch tăng cường độ của các bài tập lên từng ngày, từng tuần, tức là hôm nay phải làm tốt hơn hôm trước. Cô đều đặn dành 4 buổi trong tuần để luyện tập ở phòng gym, những ngày còn lại vận động tại nhà.
Để có thể giảm cân hiệu quả, vấn đề thay đổi chế độ ăn cũng rất quan trọng. Oanh nhận ra đây chính là thiếu sót lớn nhất khiến việc giảm cân trước đây của cô không được như mong muốn.
Tham khảo các hướng dẫn trên mạng và sách báo, cô quyết định áp dụng phương pháp Eat Clean (lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, ít qua chế biến).
Buổi sáng, cô thường ăn yến mạch kết hợp cùng trái cây bổ dưỡng. Bữa trưa, Oanh chia các món ăn thành 3 phần, trong đó rau củ chiếm 2 phần, còn lại là tinh bột và chất đạm. Buổi chiều, Oanh sử dụng thêm hoa quả để tăng chất đường hoặc dùng sữa ít béo. Sau 18h, cô ngừng việc ăn uống để đảm bảo không dư kCal.
Oanh thường tìm hiểu và ghi chép lại lượng kCal trong mỗi loại đồ ăn để lựa chọn những món vừa hợp khẩu vị, vừa có lượng kCal thấp. Cô cũng cân đo các bữa ăn sao cho lượng kCal nạp vào không được lớn hơn lượng tiêu tốn khi tập luyện.
Mỗi lúc thấy chán nản với chế độ khắt khe, cô sẽ tự cho phép mình “nghỉ ngơi” và ăn những món ưa thích với lượng vừa đủ. Khi đã thoải mái hơn, cô mới tiếp tục chế độ định sẵn.
Vì luyện tập, ăn uống rất khoa học, Oanh không còn mệt mỏi hay kiệt sức như giai đoạn trước. Trái lại, cô cảm thấy cơ thể săn chắc, khỏe mạnh hơn, nước da cũng đẹp lên trông thấy.
Đến năm 3 đại học, Oanh giảm xuống chỉ còn 54 kg. Với chiều cao 1m65, vóc dáng cô hiện rất cân đối, xinh đẹp. Sự thay đổi về ngoại hình đã đem lại cho cô gái 22 tuổi một cuộc sống mới.
Oanh tâm sự, cô đã tự tin vào bản thân nhiều hơn, thoải mái trò chuyện, kết bạn cùng mọi người. Cô thỏa sức diện các bộ trang phục đẹp mà trước đây chưa từng nghĩ rằng mình có thể mặc.
Oanh đã trở thành nguồn cảm hứng, trở thành “chuyên gia” tư vấn cho rất nhiều bạn trẻ khác có câu chuyện giống cô trong quá khứ. Những người bạn cấp 2 từng học với Oanh thậm chí còn đùa vui rằng, họ như đang nói chuyện với một người khác chứ không phải cô bé rụt rè ngày xưa.
“Hành trình của mình không phải là kỳ tích. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực, vượt qua thử thách để chiến thắng bản thân. Chỉ cần không bỏ cuộc, bạn nhất định sẽ đi được tới đích”, Oanh nói.
Nguyễn Liên