Thế nhưng, xung quanh trào lưu này cũng có rất nhiều hệ lụy cần cảnh báo.
Học 3 tiếng trở thành “chuyên gia”
Các chất cấm thường xuất hiện trong mỹ phẩm tự chế như corticoid, hydroquinon, thủy ngân… Những chất này là nguyên nhân chính dẫn tới các trường hợp dị ứng, kích ứng da gây hậu quả nặng nề
N.T.H.Dung, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chủ một trang Facebook bán son handmade, không ngần ngại nói thẳng cô không hề học qua một khóa đào tạo nào về làm mỹ phẩm nhưng “có chị gái từng học làm son nên bày cho công thức”. “Chị gái chỉ là khởi nguồn để mình bắt đầu tham gia việc này thôi. Chứ bây giờ, mọi cái đơn giản lắm. Cứ lên mạng, người ta hướng dẫn làm, hướng dẫn chỗ mua nguyên liệu, làm theo là ra thôi. Vừa tiết kiệm tiền học phí mà chung quy lại, cũng giống nhau cả. Mình tới lớp làm người ta cũng dạy như vậy mà”, Dung chia sẻ. Vậy là chỉ cần ngồi tại nhà, tìm kiếm cách làm trên các trang mạng trực tuyến thì bất kỳ ai cũng dễ dàng trở thành nhà sản xuất kiêm chủ một trang bán hàng trực tuyến mỹ phẩm tự chế.
L.T.N.Lan, sinh viên tại TP.HCM, cũng đang sở hữu một “cơ sở sản xuất son handmade” tại gia, tự hào khoe đã được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp khóa làm son tại một trung tâm dạy làm mỹ phẩm nổi tiếng trên mạng. Liên hệ trực tiếp với trung tâm này, nhân viên ở đây cho biết 1 khóa học làm son có tổng thời gian là 1 buổi (3 tiếng) với học phí 450.000 đồng/học viên. Học làm kem dưỡng da thì khó hơn nên thời gian cũng dài hơn, mất 5 giờ với học phí 2,7 triệu đồng/học viên. Sau mỗi khóa học, công ty sẽ cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên. Vậy là chỉ sau 3 – 5 giờ đồng hồ, từ một người chưa biết gì về mỹ phẩm chính thức trở thành các “chuyên gia”, có thể tự sản xuất và kinh doanh độc lập các loại son, kem dưỡng, mặt nạ… “Son tự chế của Lan bán khá chạy trong giới sinh viên vì giá rẻ, chỉ vài chục ngàn mỗi sản phẩm nhưng giúp mình có tiền để thoải mái mua các loại son thương hiệu nổi tiếng”, Lan nói.
Nguyên liệu “thượng vàng hạ cám”
Từng học qua nhiều lớp về mỹ phẩm, chị Phương, hiện đang là nhân viên tư vấn tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm organic, cho biết thực tế nguyên liệu thì “thượng vàng hạ cám”. Các cơ sở uy tín, chất lượng sử dụng hàng nhập ngoại nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn đa phần mọi người đều lấy nguyên liệu giá rẻ tại các nhà phân phối. “Họ nói hàng nhập thì biết hàng ngoại chứ thực tế cũng không được kiểm định. Nhưng ngay cả nguyên liệu tốt thì rất nhiều người tự làm theo phương pháp thủ công, dụng cụ không qua vệ sinh tiệt trùng, bao bì vỏ hộp không được làm sạch nên nguy cơ gây kích ứng da là rất lớn. Đặc biệt là màu khoáng để làm son. Sử dụng màu hóa học thì lên màu đẹp hơn, tốn ít nguyên liệu hơn, lại bám lâu hơn nên có một số cơ sở vì lợi nhuận mà thường sử dụng loại nguyên liệu này”, chị Phương nói và liệt kê giá một số loại nguyên liệu như dầu dừa vàng VN 35.000 đồng/100 ml; màu khoáng Ấn Độ 180.000 đồng/100 gr; các loại tinh dầu như tinh dầu hương chanh dây, kiwi, cola 60.000 đồng/chai 10 ml… “Với nguồn nguyên liệu này, giá thành một hộp son organic khoảng 250.000 – 450.000 đồng rồi”, chị Phương khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV, có nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu làm mỹ phẩm tự chế. Đầu tiên là tại chính các trung tâm dạy làm mỹ phẩm handmade. Trung tâm nào cũng kiêm luôn bán nguyên liệu và đây chính là nguồn thu chính bên cạnh học phí từ học viên. Nguồn thứ hai là trên mạng. Rất nhiều cơ sở cung cấp sỉ – lẻ nguyên liệu mỹ phẩm tự chế quảng cáo là hàng ngoại nhập, chất lượng, uy tín.
Một bạn trẻ sau khi tới một cơ sở bán nguyên liệu mỹ phẩm tự chế “uy tín” đã chia sẻ: “Thực tế tất cả các nguyên liệu bày bán đều khác xa với quảng cáo trên mạng. Đơn cử như bột ngọc trai, bột yến mạch được quảng cáo là dạng hạt, vảy… nhưng thực tế là dạng bột, mà chị chủ cơ sở giải thích “nhập về cái là chúng tôi mang đi xay thành bột hết để tiện cho khách sử dụng”. Song chất lượng của các loại nguyên liệu này mới đáng bàn.
Mình mua bột ngọc trai về, đem khuấy trong nước thì thấy lắng dưới đáy như cát. Nhỏ vài giọt nước vào bột rồi bôi lên da, để khô tự nhiên thì không thấy công dụng như hướng dẫn, thậm chí da bị khô. Với bột yến mạch còn tệ hơn, về nhà mở gói bột ra thì bốc mùi hôi hôi, hắc hắc như mùi gián”. Vẫn theo bạn trẻ này, vì tới tận nơi mua nên mới thấy các loại nguyên liệu đều để trong mấy cái hũ nhựa cũ kỹ, nhem nhuốc.
Một nguồn cung cấp nguyên liệu giá rẻ mà nhiều người rỉ tai nhau là ngoài chợ. Theo địa chỉ Dung cho, chúng tôi ghé vào một cửa hàng chuyên cung cấp nguyên liệu làm mỹ phẩm tại chợ Kim Biên (TP.HCM). Tất cả các nguyên liệu ở đây đều không có nhãn mác, xuất xứ, được xếp chung với đủ thứ loại mặt hàng hỗn độn như xà phòng, nước rửa chén… phía dưới chồng chất những túi hộp nhựa để làm son, làm kem dưỡng da. Các loại dầu nền làm son như dầu dừa, dầu hạnh nhân đều đựng trong các can nhựa trắng dung tích 5 lít như can đựng rượu, không đề tên. Chủ cửa hàng cho biết ở đây loại gì cũng có.
Khi chúng tôi hỏi mua 100 ml dầu dừa và 100 ml dầu hạnh nhân, người bán hàng đổ từ can lớn ra từng chai nhỏ rồi dùng bút lông ghi chữ N lên nắp chai dầu hạnh nhân và chữ D lên chai dầu dừa để phân biệt. “Giá mỗi chai 30.000 đồng, đủ cho em làm 100 cây son rồi”, người này tư vấn. Trên kệ, mấy chai hương liệu, tinh dầu đủ loại vị cam, vị đào, tinh dầu hương baby… bày la liệt. Loại này được ưu ái hơn vì có in, dán nhãn để phân biệt nhưng không có bất cứ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ. Khi được hỏi về vấn đề này, chủ hàng tỏ ra vô cùng khó chịu và cảnh giác: “Mua thôi mà hỏi nguồn gốc làm gì? Ở đây không bán hàng cho khách hỏi nhiều”.
Các loại tinh dầu này có giá 20.000 đồng/10 ml; sáp ong vàng, sáp ong trắng, bơ đều đựng trong các hộp nhựa lem nhem, lấy bao nhiêu sẽ được xúc ra, gói vào túi ni lông, giá trung bình 30.000 đồng/100 gr. Màu khoáng cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi hộp nhựa có lượng màu khác nhau, xếp chồng chất trên một kệ hàng và tất nhiên cũng không hề có thông tin về chất lượng, nguồn gốc… sản phẩm; giá bán khoảng 40.000 đồng/100 gr, giá chỉ bằng 1/5 so với giá màu khoáng nhập từ Ấn Độ.
Rủi ro khôn lường
Mỹ phẩm handmade thường được quảng cáo an toàn do sử dụng 100% nguyên liệu thiên nhiên nhưng như nói trên, vì chạy theo lợi nhuận, vì thiếu kiến thức cơ bản, vì làm thủ công trong môi trường không bảo đảm… nên xảy ra không ít hệ lụy. Nhẹ thì dị ứng, nặng thì hỏng da, thậm chí còn bị biến dạng khuôn mặt. Đ.T.Hường (Hà Nội) mua cây son tự làm của một người bạn về dùng thử. Sau 3 – 4 lần sử dụng, thấy môi khô, nẻ nên Hường ngưng, cất trong hộc tủ. “2 tuần sau lôi ra tôi phát khiếp khi thấy cây son chảy nước, nổi cục li ti May mà dừng kịp thời”, Hường lắc đầu ngán ngẩm.
Còn chị Hồng (Nghệ An) chưa hết kinh hoàng nhớ lại lần đầu sử dụng kem trị nám tự chế. “Được bạn giới thiệu có người quen tự làm kem trị nám hiệu quả lắm nên cũng nghe lời mua dùng thử. Thoa kem được 1 tuần thì thấy nổi mụn li ti. Hỏi lại bên bán, họ nói chắc do da chưa quen, cứ dùng tiếp là hết. Nghe lời, tôi dùng thêm 2 tuần nữa thì không những nám không hết mà giờ còn kèm thêm cả tảng mụn sưng tấy, phồng rộp nhìn phát gớm. Vội vàng đến Bệnh viên Da liễu T.Ư khám thì nhận được kết quả viêm da dị ứng do mỹ phẩm. Thôi cạch đến già”, chị kể.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu T.Ư, khẳng định không có mỹ phẩm tự chế nào “100% thiên nhiên” như quảng cáo, vì bất cứ loại mỹ phẩm nào cũng vẫn cần chất bảo quản nên có thể gây kích ứng. Một cây son nếu không dùng chất bảo quản sẽ chỉ có hạn sử dụng không quá 1 tháng, với điều kiện nhiệt độ như trong tủ lạnh. “Thực tế, các chất cấm thường xuất hiện trong mỹ phẩm tự chế như corticoid, hydroquinon, thủy ngân… Những chất này là nguyên nhân chính dẫn tới các trường hợp dị ứng, kích ứng da gây hậu quả nặng nề”, bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho hay.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Văn Hưng, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Da liễu T.Ư, cho biết ngày càng nhiều bệnh nhân tới bệnh viện điều trị các trường hợp dị ứng do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Theo ông Hưng, có những bệnh nhân mới dùng sản phẩm được 2 lần đã sưng đỏ, nổi nốt khắp mặt. Quá trình điều trị mất rất nhiều thời gian. “Hầu hết mọi người đều ham mỹ phẩm tự nhiên nhưng không biết trong thành phần tá dược nhất định phải có chất bảo quản, thường là chất gây kích ứng cho da”, TS Hưng nói và cảnh báo: “Mọi người nên tránh xa các sản phẩm không qua kiểm nghiệm, đừng để mỹ phẩm làm mất thẩm mỹ, tiền mất tật mang”.