Mỹ phẩm thành “thần dược” điều trị bệnh da
Vừa qua, Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh của anh N.K.S. (Thanh Xuân, Hà Nội) về việc sử dụng mỹ phẩm Bạch Hoa Hồng không an toàn. Cụ thể, anh S. cho biết, do có nhiều mụn ở vùng mặt nên anh tìm hiểu trên mạng và được một đại lý bán sản phẩm Bạch Hoa Hồng tư vấn, giới thiệu dùng sản phẩm.
“Người bán hàng giới thiệu đây là loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sau quá trình dùng sẽ mất hết mụn, các vết thâm do mụn để lại. Các vết nám tàn nhang cũng mất hẳn. Đại lý này cam kết, sau khi kết thúc liệu trình sẽ có làn da trắng mướt…”, anh S. cho biết.
Tuy nhiên, sau khi mua về dùng được 2 ngày, mặt anh S. có những dấu hiệu như đỏ ửng, bắt đầu sưng lên kèm theo ngứa rát, khó chịu. Lo lắng, anh điện đến số người bán thì được tư vấn dùng tiếp và giải thích là dấu hiệu ban đầu thuốc ngấm vào da để đào thải độc tố. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày, mặt anh S. sưng nặng hơn, bị bong các lớp da, kèm theo đỏ và ngứa. Hoảng hốt, anh S. dừng lại và đến trung tâm da liễu khám thì được bác sĩ cho biết anh “dính” rượu thuốc, da lúc này bắt đầu yếu đi nên cần dừng lại để điều trị gấp.
Theo tìm hiểu của PV, tại website https://bachhoahong.com/; https://www.bachhoahong.co/; https://www.trambachhoahong.com/; Bạch Hoa Hồng “nổ” rất nhiều công dụng, trở thành sản phẩm siêu thần thánh trị được gốc của độc tố dưới da; điều trị được tất cả các loại mụn, nám, tàn nhang. Thậm chí trang này còn khẳng định: “Chưa có sản phẩm nào trên thị trường hiện nay trị được mụn nám hay như vậy”.
Không những quảng cáo trên các website mà tại các kênh thương mại điện tử Shoppe, Tiki, Lazada, Facebook sản phẩm này cũng được bán và có điểm chung đều nói “vống” công dụng. Bạch Hoa Hồng cam kết cho người dùng khỏi tình trạng về da đang gặp phải, thậm chí khẳng định tính hiệu quả của sản phẩm lên tới 97%… nếu không hết sẽ hoàn lại tiền. Chính điều này đã dẫn đến nhiều đối tượng khách hàng “sập bẫy” bởi những lời có cánh và sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm để rồi chỉ khi gặp họa mới nhận ra tác dụng thật của sản phẩm.
Hiện nay, Công ty TNHH Thanh Bạch Kim Đồng không chỉ sản xuất sản phẩm Bạch Hoa Hồng mà có thêm những nhãn hàng khác như Bạch Thiên Tằm, Bạch Hoa Cúc. Những sản phẩm này được quảng cáo rất cần thiết để kết hợp với Mỹ phẩm Bạch Hoa Hồng cho những người điều trị mụn, nám, tàn nhang, đồi mồi, đốm nâu, vết rỗ…
Từng bị thu hồi nhiều lần
Trước đó, mỹ phẩm Bạch Hoa Hồng, Bạch Thiên Tằm, Bạch Hoa Cúc từng nhiều lần bị thu hồi do sản xuất và lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định. Những sản phẩm này bị cấm bán trên thị trường và khuyến cáo người tiêu dùng không mua sản phẩm.
Mặc dù vậy, sản phẩm Bạch Hoa Hồng vẫn tiếp tục có dấu hiệu vi phạm quảng cáo trên các trang mạng, thậm chí còn dối trá hơn khi dùng hình ảnh, câu chuyện của khách hàng để lấy niềm tin từ người tiêu dùng?
Về vấn đề này, Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ khẳng định, phương pháp trị mụn, nám bằng rượu thuốc chưa được kiểm chứng. Trong mỹ phẩm rượu có chứa cồn, có khả năng diệt khuẩn, làm sạch da nhưng cũng làm khô da, khiến da lão hóa sớm nên chỉ được phép sử dụng ở nồng độ nhất định và do người có chuyên môn pha chế. Trong khi đó, các loại mỹ phẩm rượu lại chứa cồn cao, pha chế tùy tiện sẽ rất nguy hiểm cho da.
Do chứa cồn cao nên mỹ phẩm rượu có khả năng kích đẩy nhân mụn, làm khô cồi mụn, bong tróc da, tạo cảm giác khô thoáng, bớt bóng dầu, giảm mụn nhanh, sau đó da lột dần cho đến khi lộ lớp da mịn màng, trắng hồng, căng bóng. Chính vì vậy, ban đầu, khi thoa mỹ phẩm rượu lên mặt, da sẽ bị ngứa, sưng đỏ, bong tróc như vảy mốc. Thực tế, cũng có trường hợp sau khi bôi rượu thuốc lên mặt, mụn có giảm. Tuy nhiên, khi ngưng sử dụng, mụn lại tái phát, nổi li ti trên mặt, da tiết dầu nhiều hơn, sạm hơn, dễ bắt nắng và tổn thương nặng nề hơn.
Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm thì những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể, trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.
Các nội dung quảng cáo trên có dấu hiệu vi phạm Khoản 15 Điều 6 Luật Dược: Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Tất cả những công dụng này được quảng cáo có dấu hiệu vi phạm hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm…, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.
Sản phẩm Bạch Hoa Hồng quảng cáo “nổ” so với công dụng thật nhưng lại bán với giá thành không hề rẻ khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Để bảo vệ người tiêu dùng, Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm nêu trên.
An Nguyên