Béo phì ở trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu ở các bậc phụ huynh. Không chỉ khiến bé tự ti về ngoại hình, béo phì còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, nhiều cha mẹ thường thắc mắc “Liệu đâu là cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả?”. Hãy cùng các Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Làm sao để biết trẻ béo phì?
Béo phì được định nghĩa là tình trạng mỡ thừa tích lũy trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Thông thường, để xác định mức độ béo phì, thừa cân ở trẻ, cha mẹ nên chú ý những dấu hiệu sau:
- Tăng cân quá nhanh hằng tháng.
- Có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, ngực và cằm.
- Thường mệt mỏi, đi lại khó khăn.
Khi có những biểu hiện trên, gia đình cần kiểm tra cân nặng của bé. Nếu chiều cao đạt chuẩn nhưng cân nặng vượt mức bình thường 25%, bé có nguy cơ béo phì rất cao. Hoặc nếu bé có số cân cao hơn bình thường 50% dù chiều cao đạt chuẩn, bé sẽ được chẩn đoán mắc bệnh béo phì.
Những vấn đề về sức khỏe trẻ béo phì gặp phải
Trước khi tìm hiểu cách giảm cân cho trẻ béo phì, phụ huynh cũng cần tìm hiểu những nguy hiểm mà trẻ béo phì có thể gặp phải. Những tác hại của béo phì không chỉ gây nguy hại cho trẻ em mà còn ở người lớn. Theo các bác sĩ, béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm:
Các bệnh lý trên tim mạch
Ở trẻ béo phì, lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể sẽ được chuyển vào máu. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài sẽ gây hiện tượng rối loạn lipid máu, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Đái tháo đường
Béo phì có thể khiến cơ thể đề kháng insulin và gây tiền đái tháo đường ở các bé. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến thành đái tháo đường type 2 trong tương lai.
Bệnh lý hô hấp
Lượng mỡ thừa có thể chèn lên đường thở và gây các bệnh trên hệ hô hấp. Hai biến chứng phổ biến nhất ở trẻ béo phì là hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắt nghẽn và giảm thông khí do béo phì.
Các bệnh về khớp
Cân nặng của trẻ béo phì làm tăng áp lực lên các khớp xương. Hiện tượng này khiến cho các khớp dễ bị suy yếu và gây ra các bệnh như thoái hóa khớp hoặc tăng tỷ lệ gãy xương.
Những ảnh hưởng đối với tâm lý
Trẻ béo phì thường mang tâm lý tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình. Lâu dần các bé sẽ trở nên ngại giao tiếp và tránh xa bạn bè. Nếu tình trạng này kéo dài, bé có thể mắc bệnh trầm cảm.
Cách giảm cân cho trẻ béo phì
Khi tỷ lệ béo phì ở con ngày càng tăng cao, cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Tuy béo phì có thể gây ra nhiều biến chứng có hại, tình trạng này hoàn toàn được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống. Dưới đây là một số nguyên tắc được các chuyên gia y tế đưa ra để hỗ trợ quá trình giảm cân của bé.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Nguyên nhân gây béo phì chính là do chế độ ăn kém lành mạnh. Do đó, ba mẹ nên nằm lòng những lưu ý sau đây để giúp con giảm cân đúng cách.
Chia nhỏ bữa ăn và kiểm soát khẩu phần của trẻ trong từng bữa
Phụ huynh nên khuyến khích con chỉ ăn khi đói chứ không phải vì thức ăn ngon hay buồn miệng.
Rèn thói quen ăn chậm, nhai kỹ
Ba mẹ nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ cho con để hạn chế tình trạng trẻ ăn quá nhiều. Theo các bác sĩ, thời gian tối thiểu cho mỗi bữa ăn nên là 20 phút. Ngoài ra, gia đình nên cắt bớt những thiết bị gây xao nhãng trong bữa ăn như tivi hay smartphone. Khi ấy, bé sẽ tập trung vào bữa ăn hơn và giảm được lượng thức ăn nạp vào trong mỗi bữa.
Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh
Cân nặng của bé được quyết định chủ yếu bởi thực đơn hằng ngày. Do đó, chế độ ăn uống là một phần không thể thiếu trong cách giảm cân cho trẻ béo phì.
Đây là những món ăn nên được bổ sung hoặc hạn chế trong chế độ ăn của trẻ:
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh,…
- Cắt giảm lượng tinh bột trong khẩu phần ăn của bé. Phụ huynh có thể thay tinh bột bình thường thành tinh bột nguyên cám như gạo nâu, ngũ cốc,…
- Nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Ba mẹ có thể bổ sung thêm vitamin, chất khoáng cho bé.
- Hạn chế những món ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc đường hóa học như bánh, kẹo, nước ngọt,…
- Ba mẹ nên cố gắng nấu ăn tại nhà thay vì cho bé ăn ở ngoài.
Phụ huynh nên tạo niềm vui trong mỗi bữa ăn bằng cách cho bé ăn cùng gia đình. Ngoài ra, bạn không nên để nhiều đồ ăn vặt ở nhà do đây dễ khiến bé tăng cân nhanh chóng.
Tăng cường tập thể dục
Các hoạt động thể lực không chỉ giúp giảm cân mà còn có lợi cho sự phát triển của con. Do đó, đây là cách giảm cân cho trẻ béo phì được nhiều bác sĩ khuyến nghị. Ba mẹ nên động viên bé tham gia những môn thể thao yêu thích như đá banh, bơi lội,…
Gia đình cần tạo điều kiện cho trẻ vận động nhiều hơn. Thay vì cho trẻ xem tivi, ba mẹ nên nhờ con làm việc nhà, đi chợ hoặc tưới cây để giúp bé tiêu hao năng lượng dư thừa.
Đặt mục tiêu giảm cân phù hợp với bé
Giảm cân là một quá trình khó khăn và cần rất nhiều nỗ lực từ bé. Do đó, ba mẹ nên đặt mục tiêu giảm cân phù hợp với khả năng của con. Nếu con đạt được mục tiêu đề ra, gia đình có thể thưởng cho con để động viên con tiếp tục cố gắng.
Bạn có thể dán biểu đồ theo dõi cân nặng trong phòng của bé. Đây là cách giúp tạo thêm động lực cho con để theo đuổi nhiệm vụ khó khăn này. Phụ huynh đồng thời nên theo dõi chỉ số béo phì của trẻ, giúp trẻ có động lực tiếp tục giảm cân.
Khi nào con cần gặp bác sĩ?
Nếu số cân của con không giảm nhiều sau thời gian dài áp dụng những cách giảm cân cho trẻ béo phì, bạn nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn những phương pháp khác. Trong quá trình giảm cân, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Béo phì ở trẻ em có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Do đó, giảm cân đúng cách cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Hi vọng qua bài viết dưới đây, bạn đọc đã biết được những cách giảm cân cho trẻ béo phì để giúp con kiểm soát cân nặng.