Những ngày vừa qua, cư dân mạng không khỏi hoang mang khi hàng loạt shop mỹ phẩm tưởng chừng như uy tín bị dân mạng đồng loạt “tố” bán hàng kém chất lượng. Đáng kể hơn, admin của một trang còn tiết lộ trên bài viết rằng đây chỉ là một trong số hàng trăm shop mỹ phẩm đình đám bị “bóc phốt” và có nhiều bằng chứng cụ thể kèm theo.
Hàng loạt shop mỹ phẩm bị “tố” bán hàng kém chất lượng
Sự việc bắt nguồn từ shop F., là một cửa hàng mỹ phẩm khá có tiếng được nhiều người tin tưởng trước đó. Theo đó, shop F. đã bất ngờ bị khách hàng “tố” rằng cửa hàng này bán một loại kem body nhái của nước ngoài. Tuy nhiên, khi liên hệ với shop này thì lại nhận được phản hồi một cách rất “vô tâm”. Đáng chú ý, nhiều người nhanh chóng phát hiện chủ shop chính là mẹ của một nữ blogger nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.
Cũng nhân sự việc này, hàng loạt cửa hàng mỹ phẩm khác đã bất ngờ bị cộng đồng mạng “bóc phốt” bán hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Cụ thể, trang Facebook này viết: “Các shop mỹ phẩm lớn dính nghi án trộn fake. Chương 1: S, M.C, C và hàng trăm shop mỹ phẩm lớn, uy tính nghi vấn trộn fake, bán Auth…”
Trên Facebook có tên C&S (đã viết tắt) chia sẻ dòng trạng thái cho biết các shop mỹ phẩm lớn dính nghi án “trộn” fake (Ảnh chụp màn hình page: C&S)
Nếu nói đến các shop uy tín tại Hà Nội chuyên cung cấp mỹ phẩm chuẩn từ các thương hiệu nổi tiếng thì không thể không nhắc đến S. shop. Nhưng gần đây, shop này cũng không ít lần bị dân mạng tố cáo, phanh phui về nghi án sản phẩm không rõ nguồn gốc.
(Ảnh page: C&S)
Một số khách hàng lên tiếng “tố” S. shop bán mỹ phẩm fake. (Ảnh chụp từ trang C&S)
Theo đó, một số bình luận của các khách hàng cho thấy shop mỹ phẩm này đã dính nghi án bán mỹ phẩm fake từ trước đó khá lâu. Tài khoản T.T.H.T cho biết, trước đây bạn thường mua tại S. shop bởi giá cả hợp lý hơn những nơi khác, nhưng sau khi sử dụng một loại mỹ phẩm mua tại shop mặt bạn bỗng nổi mụn và mẩn đỏ, và bạn đã phát hiện loại mình mua là hàng fake.
Bên cạnh đó, bạn A.N cũng kể lại một lần chứng kiến M.shop im lặng khi khách hàng đặt nghi vấn sản phẩm có vấn đề trên fanpage của shop.
Ngoài S. shop, M. C cũng là cái tên bị đặt trong “diện nghi vấn”. Tài khoản B.B cho biết: “Mình mua 1 lọ tẩy da chết ở M.C nhưng khi bóp ra tay thì chất gel lỏng toẹt như nước, chỉ cần dốc ngược một cái là rời hẳn xuống khuỷu tay. Đã vậy bôi lên mặt kỳ mãi không thấy ra ghét. Mình liền mang ra cửa hàng và họ xác nhận đấy là hàng đểu và đổi cho mình một lọ tẩy da chết khác. Khi đó, mình có thử trên mặt thì vẫn thấy da chết bóc ra. Tuy nhiên, lúc mang về thì kì mãi không ra da chết, thậm chí phải bơm 3-4 lần liên tục mới ra được da chết”.
Một bài chia sẻ khá dài về việc mua phải hàng nghi vấn fake tại M.C (Ảnh page: C&S)
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng M.C bán đắt, nhưng hàng lại không phải hàng nội địa mà lại là hàng “fake”. Điều này khiến nhiều bạn trẻ hoang mang vì một cơ sở uy tín như M.C mà vẫn bán hàng fake thì nên mua mỹ phẩm ở đâu cho tốt?
Thông tin M. C bán hàng fake khiến nhiều người hoang mang (Ảnh page: C&S)
Có một hiện thực khá phổ biến đó là nhiều shop mỹ phẩm ban đầu muốn tạo dựng thương hiệu nên làm ăn khá uy tín, tuy nhiên đến khi đã có thương hiệu và có lòng tin của khách hàng thì bắt đầu trà trộn các kem không rõ nguồn gốc, hàng nhái vào để tăng lợi nhuận và doanh thu.
C.S cũng nằm trong diện nghi vấn bán mỹ phẩm fake (Ảnh page: C&S)
C.S cũng là cái tên bị nhiều người lên tiếng phản ánh về tình trạng bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo lời chia sẻ của bạn L.T.D:”Mình mua đồ ở C.S xong về nhà kiểm tra code thì lại không có, bao bì cũng thì lởm, sau đó mình có nói với C.S là bán hàng fake, thì shop này chụp lại màn hình trang cá nhân của tớ và đăng lên facebook, nhưng sau một thời gian lại xóa bài”.
Chính những nhập nhằng về cách giải quyết khiếu nại của một số shop mỹ phẩm đã khiến nghi án mỹ phẩm giả càng được nhiều người quan tâm.
Những thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng về chất lượng sản phẩm của những shop mỹ phẩm trên bởi những cái tên được nhắc đến trong bài đều là các shop mỹ phẩm lớn, có tiếng từ nhiều năm nay và được đông đảo chị em tin dùng. Đa số người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước những thông tin được chia sẻ trên trang mạng xã hội.
Mỹ phẩm giả – Cơn ác mộng của giới làm đẹp, tái diễn năm này qua năm khác
Đã từ lâu, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đã trở thành cơn ác mộng của biết bao chị em. Những “cú phốt” bán mỹ phẩm kém chất lượng trà trộn với hàng xịn, hot girl đăng đàn bán mỹ phẩm quảng cáo là nhập từ Thái, Sing, Hàn… nhưng thực chất chỉ là kem trộn không hơn không kém, rồi những ổ nhóm làm nhái núp bóng một công ty sản xuất mỹ phẩm khá hợp tiêu chuẩn với đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận trưng lên mạng xã hội… Mỗi năm, lại xuất hiện thêm nhiều cơn sốt mỹ phẩm và bên cạnh đó là những cú bóc phốt mỹ phẩm giả, khiến chị em làm đẹp không khỏi hoang mang.
Có thể thấy chưa bao giờ bán mỹ phẩm online lại dễ như bây giờ. Chỉ cần lướt feeds, đập vào mắt sẽ là vô số những cô gái xinh như hot girl, hoặc beauty blogger tự quảng cáo sản phẩm thương hiệu của chính mình. Rất đơn giản, họ chỉ việc xuất hiện thật lộng lẫy, rồi đăng bài phân tích, đưa ra lời khuyên để tạo uy tín về một nhân vật đầy am hiểu mỹ phẩm, tất cả đều phục vụ mục đích bán hàng. Còn sau đó, bán hàng có “xịn” như họ quảng cáo hay không, lại là một câu chuyện khác.
Tất nhiên, với chị em mua hàng online thì việc đầu tiên để quyết định mua một sản phẩm làm đẹp thì shop online đó phải có “uy tín đầy mình”, phải được truyền tai nhau về độ tin cậy. Việc mua hàng với khái niệm “tin nhau là chính”, “nhìn có vẻ chất” đó, đã vô tình đẩy họ đến một hoàn cảnh khác: đó là mua phải mỹ phẩm không rõ nguồn gốc mà các chủ shop trà trộn vào.
Chỉ tới khi bị cư dân mạng “bóc phốt”, chị em mới hốt hoảng và đòi tẩy chay, lên án. Nhưng lúc đó mới giật mình thì quá muộn bởi họ cũng đã sử dụng sản phẩm giả mạo một thời gian dài. Chính vì thế, việc rơi vào cái bẫy mỹ phẩm giả của một vài shop online đã trở thành cơn ác mộng của biết bao người, và nó cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác, với những mánh khóe ngày một khác nhau.
Bác sĩ khẳng định: Sử dụng mỹ phẩm giả có thể để lại di chứng rất nguy hiểm
Để hiểu rõ hơn về tác hại của việc dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Đa khoa Phạm Hùng Kiên (hiện đang công tác tại Bệnh viện Đống Đa Hà Nội).
Bác sĩ Đa khoa Phạm Hùng Kiên (hiện đang công tác tại Bệnh viện Đống Đa Hà Nội) (Ảnh: NVCC)
Theo bác sĩ Kiên: “Mỹ phẩm giả có thể được chia làm 2 dạng giả hoàn toàn và giả một phần. Mỹ phẩm giả hoàn toàn không phải là mỹ phẩm mà chỉ là các hóa chất công nghiệp. Loại này tác hại cực kỳ lớn. Còn loại mỹ phẩm đểu, giả hàng xịn cũng có một số tác hại tùy thuộc vào thành phần của nó. Nhẹ thì kích ứng da, nổi mẩn ngứa, viêm loét da. Ví dụ như son có chì thì gây nhiễm kim loại nặng, suy gan thận”.
Cũng theo bác sĩ Kiên trong trường hợp phát hiện mỹ phẩm giả và ngưng sử dụng thì còn tùy thuộc vào tác hại nặng nhẹ để biết được nó có để lại di chứng gì không. Nhẹ thì hết, nặng như viêm loét da suy gan thận thì dù dừng sử dụng vẫn có thể để lại di chứng. “Thậm chí trong nhiều trường hợp người dùng có thể mắc bệnh ung thư da và khó có thể cứu chữa”.
Luật sư nhận định: Kinh doanh mỹ phẩm giả có thể bị phạt tù 15 năm
Để tìm hiểu rõ hơn về những thông tin xung quanh sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ với luật sư Giang Hồng Thanh (văn phòng luật sư Giang Thanh). Luật sư Thanh cho biết: “Việc kinh doanh mỹ phẩm là hàng giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy vào giá trị hàng giả. Giá trị ở đây là tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn”.
Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh (Ảnh: NVCC)
Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị áp dụng Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013, cụ thể như sau:
“Điều 11. Hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Nếu bị xử lý hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật hình sự với mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm tù.
“Còn việc kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 51 (Vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm) theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm dưới 20.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20.000.000 đồng trở lên tính theo giá bán”,Luật sư Thanh cho biết.
Hiện sự việc trên đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng đặc biệt là chị em phụ nữ, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.