Hiện nay, chúng ta có xu hướng cẩn trọng hơn với những thành phần được đưa vào cơ thể vì chúng ta đang ý thức được việc chăm sóc cho sức khoẻ của bản thân hơn bao giờ hết.
Có thể dễ dàng thấy, bạn sẽ biết và cố tránh xa khỏi các thực phẩm biến đổi gen (như đậu nành GMO vốn rất phổ biến), đường tinh luyện, thực phẩm có chứa nhiều muối (muối được thêm vào trong quá trình chế biến), corn-syrup với lượng đường fructose cao ngất ngưởng,… Đó là một dấu hiệu rất tốt. Bước tiếp theo bạn cần nên làm là học cách thận trọng với những gì bạn sử dụng cả ở ngoài da vì da là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể bạn, những gì da hấp thụ dưới dạng bôi cũng hoàn toàn cần được cân nhắc một cách nghiêm túc, cho dù bạn dùng chúng dưới bất kỳ hình thức nào: từ scrub (tẩy tế bào chết dạng hạt), hoá chất làm sạch, mỹ phẩm chăm sóc dạng bôi trên da, hay dưới các hình thức khác.
“Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào lên da, đặc biệt là đối với khuôn mặt, bạn nên ý thức về bảng thành phần chi tiết mà sản phẩm đó được cấu tạo nên. Nhiều thành phần trong sản phẩm dưỡng da có khả năng phá huỷ (nhất là xét về thời gian lâu dài) còn hơn cả tác dụng tại chỗ nó mang lại”, trích lời bác sĩ da liễu Kristina Goldenberg.
Phụ thuộc vào loại da của bạn, một số thành phần sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả cao, nhưng chúng không có tác dụng với tất cả mọi người, và ngược lại, nhiều sản phẩm được người khác tin dùng lại có tác dụng ngược trên làn da của bạn.
Có thể bạn sẽ rất hoang mang trước những bảng thành phần đầy hợp chất sinh-hoá đồ sộ và không biết phải làm thế nào để kiểm chứng nguồn nguyên liệu trong sản phẩm mà bạn đang sử dụng? Không thành vấn đề, các bác sĩ da liễu đã tóm tắt và chia sẻ bảng một số các thành phần bạn nên thận trọng khi sử dụng như dưới đây:
1. Formaldehyde có trong nước hoa
Trước khi bạn chọn cho mình một loại nước hoa signature (mùi hương có khả năng trở thành thương hiệu nhận diện riêng của cá nhân bạn), hãy chắc chắn là bạn hiểu rõ những thành phần ẩn giấu đằng sau chiếc lọ xinh đẹp bắt mắt ấy. Các chất giải phóng formaldehyde là nguyên nhân chính gây ra chứng viêm da tiếp xúc và kích ứng da. Đây cũng là chất gây ung thư hàng đầu luôn được các bác sĩ khuyên tránh xa mọi lúc mọi nơi. Để tránh tên gọi formaldehyde, các hãng sản xuất nước hoa thường dùng những cái tên như sau trong bảng thành phần: quaternium-15, DMDM-hydantoin, imidazolidinyl urea hay diazolidinyl urea.
Nhiều loại nước hoa trên thị trường hiện nay có chứa formaldehyde dưới nhiều tên gọi khác nhau.
2. Các dạng kem dưỡng ban ngày/mỹ phẩm có gốc dầu Citrus (dầu họ chanh)
Dù hầu hết chúng ta đều ưa thích hương thơm tươi mát của các loại tinh dầu cam quýt, bác sĩ da liễu và là giám đốc y tế của Laserderm Ottawa, Saryn Laughlin khuyên mọi người nên cẩn trọng với các sản phẩm có chứa loại tinh dầu này khi dùng trực tiếp trên da.
Tinh dầu gốc cam, chanh, quýt ở nồng độ thấp có trong các sản phẩm dưỡng da thường không có mấy tác dụng rõ rệt, nhưng chúng hay được quảng cáo rằng có khả năng chống ôxy hoá cao và giúp làm lành vết thương nhanh chóng. Thật ra các tác dụng của nhóm tinh dầu này dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng hơn: chứng phytophotodermatitis. Chứng bệnh về da này khiến cho da bạn liên tục xuất hiện các đốm nâu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào có thể nhận biết trước (đỏ rát da, hay mụn nước).
Bạn có thể thấy tác dụng tương tự nếu da bạn tiếp xúc với nước chanh và ngay sau đó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bất kỳ loại tinh dầu cam, chanh, quýt nào cũng có khả năng gây ra chứng viêm da phytophotodermatitis giống như vậy. Vì thế bạn nên tránh xa khỏi những loại tinh dầu này, đặc biệt là trong các sản phẩm sử dụng cho ban ngày, nếu bạn không muốn trải nghiệm tàn nhang, nám, nốt ruồi, hay các vấn đề về sắc tố da nói chung.
Tinh dầu citrus được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc da.
Phản ứng của da bạn với tinh dầu chanh đôi khi không quá nghiêm trọng như khi phản ứng với nước chanh nguyên chất, nhưng tốt hơn hết là bạn nên cẩn trọng hết mức có thể, vì ngay cả khi bạn dùng chúng vào ban đêm thì kết quả mang lại cũng cho thấy có rất ít hiệu quả cải thiện đối với làn da.
Nếu bạn muốn sử dụng sản phẩm có chứa thành phần chống ôxy hoá, bác sĩ Laughlin đưa ra rất nhiều lựa chọn thay thế: curcumin, resveratrol, chiết xuất trà xanh hay các polyphenols khác trong trà, chiết xuất lựu, và generstein có trong hạt đậu nành. Tất cả những chất kể trên đều có khả năng ôxy hoá hoàn toàn tự nhiên với những lợi ích đã được công nhận là có thể sử dụng dưới dạng bôi cũng như chúng có rất ít tác dụng phụ gây hại đối với cơ thể.
3. Oxybenzone hoặc Avobenzone có trong Kem chống nắng hoá học
Mục đích của kem chống nắng là để bảo vệ làn da của bạn khỏi những tia sáng gây hại, vì vậy nếu bạn sử dụng một hàng rào bảo vệ mà chúng còn gây hại cho da bạn nhiều hơn những lợi ích mà chúng mang lại, thì tốt hơn hết bạn nên loại bỏ chúng đi và lựa chọn một sản phẩm thay thế khác. Bác sĩ Goldenberg giải thích rằng kem chống nắng hoá học thường có chứa oxybenzone hoặc avobenzone có thể gây ra kích ứng và làm khô da. Nên nếu được, hãy chuyển sang kem chống nắng vật lý vì chúng có tác dụng nhẹ nhàng hơn trên da. Thông thường kem chống nắng vật lý sẽ thay vào đó có các thành phần kẽm (zinc) và titanium.
Sự khác nhau về cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hoá học
4. Các loại tinh dầu nguyên chất (Pure essential oils)
Một số hợp chất được tìm thấy trong tinh dầu hoa hồng và tinh dầu hoa lavender (như nonoterpene alcohols) có khả năng sát trùng và kháng khuẩn. Tuy nhiên, thành phần geraniol cũng được tìm thấy trong hai loại tinh dầu này. Geraniol là chất tạo ra hương hoa ngọt ngào nên chúng được dùng trong chế tạo nước hoa, nhưng hầu hết bác sĩ da liễu đều công nhận rằng thành phần này cực kỳ dễ gây kích ứng da, thậm chí gây dị ứng nặng. Có đến 1-2% dân số thế giới được ước tính rằng sẽ mẫn cảm với thành phần geraniol gây dị ứng tiếp xúc này.
Tinh dầu nguyên chất thường được đựng trong các lọ màu để hạn chế sự tiếp xúc với ánh sáng gây biến đổi thành phần dầu nền có trong tinh dầu.
Tuy vậy, nếu bạn vẫn muốn sử dụng các sản phẩm dầu dưỡng cho da mặt, bác sĩ Laughlin khuyên rằng bạn nên cân nhắc thành phần dầu dẫn chiết xuất từ chất béo thực vật có trong tinh dầu bạn sử dụng. Dầu dẫn (carrier oils) đóng vai trò như là một dung môi hay chất nền để ướp hương cho tinh dầu thành phẩm bạn thường thấy. (Ví dụ như các nhà sản xuất tinh dầu thường ướp hương hoa vào dầu hướng dương, dầu cây rum và gọi chúng là tinh dầu hoa. Thực chất loại tinh dầu này có chứa hai nhóm thành phần chính: dầu dẫn trong vai trò là dung môi, và các hạt phân tử mùi từ hoa được phân tách đưa vào dung môi để tạo ra tổng thể hương thơm tương tự như hương thơm có trong hoa tươi cho tinh dầu).
Ở trạng thái bình thường, bản thân các loại dầu dẫn thường không có mùi hoặc có rất ít mùi. Dầu dẫn có khả năng dưỡng ẩm da tốt, chúng còn chứa nhiều vitamin có lợi cho da và chất chống ôxy hoá. Nhưng dầu nền cũng là một chất béo không bão hoà và chúng khó giữ được nguyên trạng thái đó. Một khi chúng bị biến đổi thành chất béo bão hoà, chúng sẽ không còn bất kỳ tác dụng có lợi nào cho da nữa. Vì vậy, hạn sử dụng của các sản phẩm chăm sóc da chứa tinh dầu thường khá ngắn và bảo quản chúng cũng khó khăn hơn thông thường.
Trong khi đó, các phân tử mùi được trích xuất vào trong tinh dầu thường dễ gây dị ứng. Vì vậy bạn nên chọn các loại tinh dầu có dầu nền đơn giản và mùi hương trung tính, không nên chứa quá nhiều phân tử mùi thay vì các loại tinh dầu phức tạp với bảng thành phần gây chóng mặt vì bạn sẽ không biết chắc chắn chúng có thể gây ra ảnh hưởng gì cho da bạn đâu.
5. Hydroquinone trong các loại kem làm sáng da
Hydroquinone là thành phần trong nhiều loại kem dưỡng sáng da, nhưng thực chất chúng hoạt động như một chất tẩy trắng bề mặt da.
Mối lo ngại lớn nhất khi sử dụng hydroquinone là chúng có thể gây ra tác động tẩy mạnh quá mức lên làn da, vượt khỏi mức chúng ta mong muốn hay có thể kiểm soát được. Nếu sử dụng trong thời gian dài, chúng có thể khiến da biến đổi sang sắc tố xanh hay nâu xỉn và kéo theo nhiều tác dụng phụ khác.
Trước đây, hydroquinone từng được sử dụng ồ ạt như một xu thế chung, nhưng hiện nay, chất này nằm trong bảng danh sách các thành phần bị cấm của Bộ Y tế Canada, vì lo ngại chất này có thể gây ung thư. Mặc dù vậy, thành phần này vẫn nằm trong một số các sản phẩm dưỡng da hằng ngày, nhất là tại các quốc gia đang phát triển khi không được kiểm soát chặt chẽ. Chất này thường được khách hàng ưa chuộng vì khả năng làm đẹp tức thời của nó.
Thật ra, hydroquinone rất dễ gây kích ứng da nghiêm trọng và nó có thể khiến cho da bạn trở nên cực kỳ nhạy cảm hoặc chúng thúc đẩy da bạn tạo ra một cơ chế tự sản sinh thêm sắc tố nâu để tự vệ, cân bằng lại lượng sắc tố mà hydroquinone phá huỷ. Về lâu dài, hydroquinone làm trầm trọng hoá những vấn đề da bạn đang nỗ lực điều trị. Thành phần này còn gây ra rối loạn ochronosis ở những nơi tích tụ quá nhiều hydroquinone trong da, khiến cho da bạn xuất hiện những sắc tố xanh/xám ở dạng biến chứng rất khó có thể điều trị.
Nếu bạn muốn loại bỏ những phần đốm nâu trên gương mặt, làm đều màu da và nâng tông da, có nhiều cách để bạn thực hiện với những thành phần dễ chịu hơn như glycolic acid hay kojic acid, chiết xuất cam thảo và retinol. Đối với các chất này, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh nồng độ cho phù hợp và tần suất sử dụng để đạt được hiệu quả tốt đa mà không gây hại cho da quá mức như khi sử dụng hyodroquinone.
6. Thành phần Sodium Sulfate (natri sulfate) trong dầu gội
Mặc dù còn phải cân nhắc về loại tóc cũng như phản ứng của tóc bạn đối với sản phẩm hoặc công thức sản phẩm bạn đang sử dụng, nhưng nói chung, sodium sulfate thường khiến cho tóc bạn khô và duỗi thẳng. Sodium sulfate có cơ chế hoạt động tương tự như một chất loại bỏ dầu nhờn trên bề mặt các sợi tóc. Ở mức độ vừa phải, chúng có tác dụng khá tốt nhưng rất dễ để sodium sulfate hoạt động quá mức trên tóc của bạn, gây ra khô, gãy, rụng, hư tổn và mất đi độ bóng mượt, óng ả tự nhiên.
Sodium sulfate (natri sulfate) là một trong những nguyên nhân gây khô, xơ rối cho tóc.
Để an toàn hơn, bạn nên chọn các loại dầu gội không chứa thành phần sulfate hoặc nếu không thể tìm được, hãy chọn các loại dầu gội có sodium lauryl sulfoacetate để thay thế, chất này là một thành phần có tác động nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn có tác dụng tương tự với sodium sulfate.