Bước 1: Hiểu rõ làn da của chính mình
Bước quan trọng trong các bước chăm sóc da mặt đúng cách thì đầu tiên, bạn phải hiểu rõ làn da của chính mình. Mỗi làn da sẽ có những đặc điểm khác nhau, có vấn đề và nhu cầu chăm sóc riêng. Do đó, bạn phải xác định loại da cũng như tình trạng của làn da hiện tại. Đây chính là cơ sở để bạn có thể xây dựng các bước chăm sóc da mặt về sau sao cho phù hợp và hiệu quả.
Vậy làm thế nào để xác định làn da của mình thuộc loại nào? Có rất nhiều cách để xác định, bạn có thể dựa vào cảm giác của khô hoặc dầu của da mặt. Hoặc dựa vào độ nở của lỗ chân lông. Còn dưới đây là phương pháp phổ biến nhất mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Cụ thể như sau:
B1: Rửa mặt sạch sẽ với một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ rồi dùng khăn bông mềm, sạch thấm khô nhẹ nhàng.
B2: Để mặt không bôi thêm gì cả trong vòng hai tiếng để da có thể trở về trạng thái tự nhiên ban đầu.
B3: Sử dụng giấy thấm dầu hoặc theo dõi tình trạng da qua gương. Bạn hãy quan sát thật kỹ rồi đối chiếu với kết quả dưới đây nhé:
- Da thường:
-
- Da không cảm thấy khô căng hay đổ dầu nhiều ở vùng chữ T
- Lỗ chân lông nhỏ, ít mụn
- Da mịn màng và không gặp phải các vấn đề như thiếu nước hay thiếu dầu.
- Da dầu/ da nhờn:
-
- Da đổ dầu nhiều khiến mặt bóng lên
- Khi chạm vào da có cảm giác trơn nhẫy.
- Lỗ chân lông to
- Da dầu, nhờn thường dễ nổi mụn
- Da khô:
- Da có cảm giác căng chặt, khó chịu.
- Da có thể bong tróc vài nơi.
- Lỗ chân lông nhỏ, thường lộ rõ nếp nhăn,
- Da hỗn hợp:
-
- Da tiết nhiều dầu ở vùng chữ T, ở vùng da còn lại có thể bình thường hoặc bị khô.
- Da hỗn hợp được chia làm hai loại là hỗn hợp thiên dầu (dầu nhiều ở vùng chữ T, da thường ở vùng còn lại) và hỗn hợp thiên khô (dầu tương đối ở vùng chữ T, vùng còn lại da khô).
Thực tế, theo nhiều tài liệu cùng nghiên cứu của chuyên gia da liễu, chúng ta có tới 16 loại da khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng đều có xuất phát điểm từ 4 loại da cơ bản trên đây.
Đồng thời, tùy thuộc vào thời điểm kiểm tra mà kết quả cũng có thể có sự khác biệt nhẹ. Nguyên nhân là do lượng dầu tiết ra thường phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nơi bạn sinh sống cũng như tuổi tác của bạn. Thông thường, da bạn có thể dầu, nhờn vào mùa hè nhưng lại chuyển sang hỗn hợp thiên dầu khi vào đông. Và da có xu hướng khô dần khi càng lớn tuổi.
Một lưu ý nữa là da nhạy cảm không được xếp vào một loại da mà đúng hơn, nó là một tình trạng da. Phản ứng của da khi bị nhạy cảm cũng sẽ khác nhau và dù da bạn là da dầu, da khô hay da hỗn hợp thì đều có thể bị nhạy cảm cả.
Bước 2: Tẩy trang cho da mặt
Sau khi xác định được loại da của mình, chúng ta sẽ bắt tay vào việc xây dựng các bước chăm sóc da mặt với bước đầu tiên là tẩy trang. Tẩy trang giúp loại bỏ lớp trang điểm cũng như bụi bẩn, dầu thừa một cách nhanh chóng. Dù bạn có bôi kem chống nắng hay không, chỉ cần tiếp xúc với khói bụi ngoài đường thì vẫn nên dùng tẩy trang. Tẩy trang sẽ giúp làn da thông thoáng, tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông khiến các bước dưỡng sau không hiệu quả, thậm chí là gây mụn bọc, mụn cám, mụn đầu đen,…
Tần suất sử dụng: Hàng ngày.
Các dạng tẩy trang phổ biến
- Nước tẩy trang (Micellar water): Đây là dạng tẩy trang phổ biến nhất, phù hợp với các bạn không hoặc ít trang điểm, chỉ thoa kem chống nắng mỗi ngày. Mọi loại da đều có thể sử dụng nước tẩy trang, đặc biệt là da dầu và da hỗn hợp.
- Dầu tẩy trang (Cleansing Oil): Có khả năng làm sạch tốt hơn so với nước tẩy trang nên thường dành cho các cô nàng trang điểm thường xuyên. Do là dạng dầu nên phù hợp với làn da thường và da khô hơn. Da dầu và hỗn hợp vẫn có thể sử dụng được nhưng cần chú ý massage và nhũ hoá kỹ để tránh gây mụn ẩn.
- Sáp tẩy trang ( Cleansing Balm): Khả năng tẩy rửa cùng giữ ẩm cũng hiệu quả tương đương với dầu tẩy trang. Tuy nhiên, do ở dạng sáp nên bạn có thể dễ dàng kiểm soát lượng cần dùng tốt hơn so với hai dạng tẩy trang còn lại. Sáp tẩy trang cũng phù hợp với da khô, da thường hơn so với da dầu, nhờn.
- Ngoài ra, còn có tẩy trang dạng sữa cùng dạng kem vừa có công dụng làm sạch, vừa có công dụng cấp ẩm cho da thường tới khô.
Mẹo dùng tẩy trang hiệu quả
- Nếu dùng nước tẩy trang, hãy dùng bông tẩy trang lau nhẹ nhàng từ dưới lên trên, không miết để tránh gây xệ, lão hoá da.
- Với dầu và sáp tẩy trang, chú ý rửa sạch tay trước khi tẩy trang. Nên sử dụng nước ẩm để quá trình nhũ hoá được hiệu quả hơn.
- Vùng da mắt cùng môi thường khá nhạy cảm. Do đó, nếu trang điểm với các loại sản phẩm mascara chống nước hay son tint, son lì, bạn có thể cần sử dụng một loại tẩy trang chuyên biệt để đảm bảo tẩy sạch mà vẫn nhẹ dịu, không gây kích ứng cho vùng da đó.
Bước 3: Sữa rửa mặt
Sau khi dùng tẩy trang, bạn vẫn nên dùng sữa rửa mặt để làm sạch mặt một lần nữa. Điều này sẽ đảm bảo bụi bẩn, dầu thừa cùng lớp trang điểm đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi làn da của bạn, trả lại sự thông thoáng cho lỗ chân lông.
Tần suất sử dụng: 2 – 3 lần/ ngày vào sáng và tối.
Các dạng sữa rửa mặt phổ biến
- Sữa rửa mặt dạng kem: Có chứa thành phần dầu pha trộn với nước giúp cấp ẩm tốt cho da. Sữa rửa mặt dạng này thường có dạng kem đặc do có nhiều dưỡng chất nhưng mức độ tẩy rửa kém hơn so với các loại khác. Phù hợp với da khô và ít trang điểm.
- Sữa rửa mặt dạng gel: Có tỷ lệ nước cao nhất giúp làm sạch sâu, tạo cảm giác mát da mà không làm mất độ ẩm tự nhiên của làn da. Đây là dạng sữa rửa mặt phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là da khô, da đang mất nước, nhạy cảm.
- Sữa rửa mặt dạng bọt: Giúp làm sạch sâu do các bọt li ti có thể đi sâu vào lỗ chân lông. Các bạn da dầu, mụn, hỗn hợp thiên dầu thường ưa thích sữa rửa mặt tạo bọt bởi cảm giác khô thoáng mà nó đem lại. Tuy nhiên, loại sữa rửa mặt này thường có tính kiềm cao gây căng da, thậm chí là rát da. Do đó, da khô không nên sử dụng.
- Sữa rửa mặt dạng hạt: Đây là dạng sữa rửa mặt có thêm những hạt nhỏ được xay nhuyễn giúp tẩy da chết nhẹ nhàng. Phù hợp với da dầu, có lỗ chân lông to, da khoẻ. Không nên lạm dụng loại sữa rửa mặt này vì nó có thể gây bào mòn da.
Mẹo sử dụng sữa rửa mặt hiệu quả
- Nên lựa chọn các loại sữa rửa mặt có độ pH từ 5.5 – 6.5 và không có SLS, SLES.
- Không nên rửa mặt quá nhiều lần và quá lâu.
- Rửa tay sạch trước khi dùng sữa rửa mặt.
- Sử dụng nước ấm khi rửa mặt.
- Có thể kết hợp với pad rửa mặt hoặc máy rửa mặt để tăng hiệu quả làm sạch.
- Rửa mặt theo hướng từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài để không làm xệ, lão hoá da.
Bước 4: Mặt nạ không thể thiếu trong các bước chăm sóc da mặt
Đắp mặt nạ là một bước bổ sung trong chu trình chăm sóc da. Các loại mặt nạ rửa (Wash-off Mask) thường có vai trò làm sạch sâu cũng như cấp ẩm cùng nhiều dưỡng chất cho da.
Tần suất sử dụng: 1 -2 lần/ tuần
Các loại mặt nạ phổ biến
- Mặt nạ làm sạch: Thường có thành phần là cao lanh, đất sét Bentonite hoặc bùn. Các loại mặt nạ làm sạch có tác dụng loại bỏ các tạp chất tích tụ bên trong lỗ chân lông, từ đó làm sạch sâu. Do có khả năng hút dầu nhiều nên nó thường được dùng cho da dầu, hỗn hợp thiên dầu. Da khô và da thường nên hạn chế sử dụng và lựa chọn sản phẩm chứa thành phần đất sét trắng hoặc có thêm các thành phần cấp ẩm nhẹ nhàng.
- Mặt nạ cấp ẩm: Có tác dụng cung cấp độ ẩm cùng chất dinh dưỡng cho da. Mọi loại da đều có thể sử dụng mặt nạ cấp ẩm, nhất là khi bạn đang sống ở nơi có khí hậu lạnh. Nó giúp cho da dầu có thể điều tiết được lượng dầu tốt hơn, từ đó da ít đổ dầu hơn. Còn với da khô, nó giúp cải thiện tình trạng căng khô, dịu da và hạn chế tình trạng bong tróc.
- Mặt nạ lột: Có dạng đặc sệt, khi thoa lên đợi khô sẽ tạo thành một lớp màng mỏng có thể lột ra. Mặt nạ lột có tác dụng làm sạch sâu và làm mịn da. Tuy nhiên, da khô, da đang bị nhạy cảm, da có mụn sưng, viêm không nên sử dụng bởi nó có thể gây đỏ rát, kích ứng nghiêm trọng.
Mẹo sử dụng mặt nạ hiệu quả
- Với các loại mặt nạ làm sạch, không để mặt nạ khô hoàn toàn. Đối với da dầu là 10 -15 phút và da khô là 5 – 10 phút rồi rửa lại.
- Với mặt nạ dưỡng ẩm, chỉ nên đắp 15 – 20 phút tránh để lâu gây ra hiện tượng hút ẩm ngược.
- Có thể đắp nhiều mặt nạ cùng một lúc trên các vùng da có nhu cầu khác nhau (Multi Masking). Ví dụ vùng chữ T đắp mặt nạ làm sạch, vùng còn lại đắp mặt nạ dưỡng ẩm.
- Có thể áp dụng phương pháp Double Mask, tức là đắp 2 loại mặt nạ khác nhau (mặt nạ làm sạch trước rồi mặt nạ dưỡng ẩm sau) để tối ưu hiệu quả của mặt nạ.
Bước 5: Tẩy da chết cơ học
Trung bình mỗi 28 ngày, các tế bào hoá sừng tại bề mặt da của chúng ta sẽ chết đi và hình thành các lớp tế bào mới. Tuy nhiên, nếu các lớp da cũ không được loại bỏ có thể khiến cho làn da trở nên sạm màu, sần sùi, bít tắc lỗ chân lông dẫn tới nổi mụn. Do đó, sử dụng tẩy da chết cơ học sẽ giúp chúng ta loại bỏ lớp sừng này. Từ đó giúp làn da luôn sáng mịn, hạn chế nổi mụn.
Tần suất sử dụng: 1 -2 / tuần.
Các dạng tẩy da chết cơ học phổ biến
- Tẩy da chết dạng hạt: Là dạng tẩy da chết chứa những hạt mịn. Thường là yến mạch, đường, cà phê, hạnh nhân,… được xay nhuyễn. Các loại hạt này khi được massage trên da sẽ tạo ra ma sát và loại bỏ đi lớp tế bào chết ở tầng thượng bì của da. Đây là loại tẩy da chết phù hợp với da thường, khoẻ mạnh và không gặp bất cứ vấn đề gì như nhạy cảm hay mụn.
- Tẩy da chết dạng gel: Loại sản phẩm này thường nhẹ dịu hơn so với tẩy da chết dạng hạt nên phù hợp với mọi loại da. Gel lỏng sau khi massage trên da sẽ vón cục màu trắng rồi dần ngả màu. Cơ chế hoạt động của tẩy da chết dạng gel là ứng dụng phản ứng hoá học kết dính của các sợi polymer trong sản phẩm cùng lượng dầu trong sản phẩm và lượng dầu tự nhiên trên da. Chuyển động massage lăn tròn sẽ giúp bụi bẩn, cặn trang điểm, dầu thừa bị lấy đi.
Mẹo sử dụng tẩy da chết hiệu quả
- Sử dụng nước cân bằng da ngay sau khi tẩy da chết để tránh da bị khô.
- Nên massage một cách nhẹ nhàng để tránh các hạt gây xước da.
- Massage từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài để da không bị chảy xệ, lão hoá.
- Đừng quên tẩy da chết cho môi để đôi môi luôn căng mọng, hồng hào và đánh son lên được đẹp.
Bước 6: Nước cân bằng
Nước cân bằng hay toner/ nước hoa hồng là một bước đệm giữa các bước làm sạch cùng các bước dưỡng da về sau. Vai trò của nước cân bằng cân bằng lại độ pH trên da, làm mềm da và se khít lỗ chân lông. Đồng thời, giúp làm sạch da một lần nữa để đảm bảo không còn bụi bẩn hay vệt trang điểm còn sót lại sau các bước làm sạch.
Tần suất sử dụng: 1 -2 lần/ ngày
Các dạng nước cân bằng phổ biến
- Toner chứa cồn: Thường chứa các thành phần làm se da như chiết xuất của cây Phỉ (Witch Hazel). Cồn có tác dụng tẩy sạch bụi bẩn và dầu thừa đọng lại ở lỗ chân lông, sát khuẩn, kháng viêm tốt nên thường thích hợp với các làn da dầu nhờn, có mụn. Tuy nhiên, cồn rất dễ bay hơi, gây khô da nên các bạn da dầu mụn nên lựa chọn các loại toner có phần trăm cồn hợp lý, tránh gây kích ứng cho da.
- Toner thân glycol: Thường chứa thành phần gồm nước và glycerin hoặc các công thức thân “glycol” với chiết xuất từ hoa hồng hoặc các loại quả chi cam chanh (Citrus). Đây là loại nước cân bằng phù hợp với hầu hết các loại da, trừ các loại da bị nhảy cảm với hương liệu (Parfume).
- Toner gốc thân nước: Hầu hết các sản phẩm hiện nay đều có nền nước và khá lỏng nên phù hợp với mọi loại da. Các sản phẩm toner này thường chứa rất nhiều dưỡng chất giúp cấp ẩm, cấp nước, làm mềm da như Hyaluronic Acid, Niacinamide,…
Mẹo sử dụng nước cân bằng hiệu quả
- Có thể sử dụng bông cotton để thấm toner rồi lau lên mặt nếu muốn tăng hiệu quả làm sạch.
- Sử dụng tay massage và vỗ nhẹ lên mặt nếu muốn tăng hiệu quả cấp ẩm.
- Có thể áp dụng phương pháp lotion mask để cấp ẩm sâu cho da: Sử dụng toner có khả năng cấp ẩm thấm đẫm vào mặt nạ giấy dạng nén hoặc bông cotton đắp lên mặt từ 3 – 5 phút rồi tiếp tục các bước dưỡng da sau.
- Hoặc áp dụng phương pháp toner 7 bước ( 7 Skin Method) với các loại toner cấp ẩm sâu để làn da luôn mềm mịn vào những ngày hanh khô.
Bước 7: Các sản phẩm đặc trị cho da mặt
Các sản phẩm đặc trị có thành phần hoạt chất mạnh có tác dụng sửa chữa và khắc phục các vấn đề của da (thường là mụn). Tuỳ vào tình trạng và vấn đề da đang gặp phải mà sẽ có các sản phẩm đặc trị riêng biệt.
Tần suất sử dụng: Linh hoạt
Mẹo sử dụng các sản phẩm đặc trị hiệu quả
- Sau khi thoa các sản phẩm đặc trị, cần đợi từ 15 – 20 phút rồi mới tiếp tục các bước dưỡng tiếp theo.
- Nên sử dụng vào buổi tối để da có thời gian thích nghi và thẩm thấu.
- Bắt buộc sử dụng kem chống nắng nếu sử dụng các sản phẩm đặc trị vì da lúc này rất yếu, dễ bắt nắng và bị tổn thương.
- Nếu sử dụng nhiều sản phẩm đặc trị với hoạt chất khác nhau thì nên chia ra sử dụng chứ không nên dùng cùng một lúc. Ví dụ sử dụng Vitamin C vào buổi sáng và BHA vào buổi tối. Hoặc vitamin C vào tối thứ 2 và BHA vào tối thứ 3.
- Một số hoạt chất KHÔNG NÊN kết hợp: Benzoyl Peroxide và Retinol; Vitamin C + AHA; Vitamin C + Niacinamide; AHA + Niacinamide; BHA/AHA + Retinol…
Bước 8: Tinh chất
Tinh chất thường có kết cấu là các phân tử có kích thước rất nhỏ. Do đó, chúng có thể dễ dàng đi sâu vào tận lớp hạ bì của da và trực tiếp cung cấp dưỡng chất cho các tế bào của da. Tuỳ vào các thành phần dưỡng chất tác động mạnh (active ingredients) mà công dụng của tinh chất cũng sẽ khác nhau, bao gồm:
- Kháng viêm, trị mụn
- Cấp ẩm, cấp nước cho da
- Sáng da, mờ thâm
- Chống lão hoá
- Dịu da, phục hồi, tái tạo da
Tần suất sử dụng: 1 -2 lần/ ngày
Các dạng tinh chất phổ biến
- Serum: Có kết cấu dạng gel lỏng nhưng đặc hơn Essence, lỏng hơn Ampoule. Các thành phần hoạt tính thường ở nồng độ cao nên có thể giải quyết các vấn đề trên da một cách nhanh chóng.
- Ampoule: Kết cấu đậm đặc nhất, thường được gọi là tinh chất cô đặc có khả năng thẩm thấu sâu nhất và tác dụng lên da nhanh hơn so với 2 loại tinh chất còn lại.
- Essence: Lỏng nhất trong ba loại. Các thành phần hoạt tính thường khá thấp do đó chỉ có tác dụng sửa chữa, cải thiện da một cách nhẹ nhàng.
Mẹo sử dụng tinh chất hiệu quả
- Có thể kết hợp nhiều loại tinh chất trong cùng một chu trình dưỡng da theo thứ tự lỏng trước đặc sau.
- Với các loại tinh chất chứa vitamin C nồng độ cao thì nên bảo quản trong lọ tối, tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng trong tối đa 3 tháng để tránh vitamin C bị oxi hoá.
- Cho tinh chất vào lòng bàn tay, xoa đều rồi vỗ nhẹ lên da sẽ giúp tinh chất thẩm thấu vào da tốt hơn.
Bước 9: Mặt nạ giấy
Trong những năm gần đây, sử dụng mặt nạ giấy trở thành một xu hướng làm đẹp mà chị em vô cùng ưa chuộng. Có thể hiểu đơn giản thì đây là một tấm mặt nạ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau (vải tơ tằm, sợi len không dệt, hydro gel, giấy bạc,…) được thấm đẫm tinh chất. Tác dụng chủ yếu của mặt nạ giấy là bổ sung dưỡng chất cho da giúp da được cấp ẩm, cấp nước tức thời, giúp da căng bóng, mềm mại. Trong các bước chăm sóc da mặt thì việc sử dụng mặt nạ giấy dần trở thành một công việc quen thuộc của chị em.
Tần suất sử dụng: 1 – 2 lần/ tuần
Mẹo sử dụng mặt nạ giấy hiệu quả
- Nếu tinh chất của mặt nạ giấy quá nhiều, bạn có tận dụng để bôi lên vùng da cổ, cùi chỏ, gót chân,.. sẽ giúp làm mềm những vùng da này.
- Chỉ nên đắp mặt nạ từ 15 – 20 phút. Nếu có quá nhiều tinh chất thì có thể đắp lâu hơn (~30 phút). Không nên đắp quá lâu gây ra hiện tượng hút ẩm ngược.
- Sau khi sử dụng mặt nạ giấy, không nên rửa lại mà hãy massage nhẹ nhàng để các tinh chất được thẩm thấu hết vào da.
- Có thể kết hợp thêm các thiết bị làm đẹp giúp tinh chất thấm sâu vào da hơn.
Bước 10: Kem dưỡng
Kem dưỡng da có vai trò chính là cấp ẩm và làm mềm da. Đồng thời, do có cấu tạo phân tử to hơn tinh chất nên kem dưỡng còn được dùng để khoá ẩm cùng các dưỡng chất trước đó. Nhờ có kem dưỡng ẩm, làn da luôn mềm mịn, đủ ẩm, đủ nước.
Tần suất sử dụng: 2 lần/ ngày.
Các dạng kem dưỡng phổ biến
- Kem dưỡng da dạng gel: Có cấu tạo trong suốt, thường có màu trong, kết cấu dạng lỏng hoặc hơi sệt sệt giống thạch. Khả năng dưỡng ẩm thấp nhất nhưng nhẹ, ít dính, thấm nhanh nên phù hợp dùng vào mùa hè, dành cho da dầu, hỗn hợp thiên dầu.
- Kem dưỡng da dạng sữa: Thường có màu trắng đục, đặc hơn dạng gel và lỏng hơn dạng kem. Khả năng dưỡng ẩm vừa phải, thấm cũng khá nhanh nên phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là da thường. Có thể sử dụng vào mùa hè hoặc mùa thu.
- Kem dưỡng da dạng kem: Kết cấu của sản phẩm dưỡng da dạng kem là đặc nhất với khả năng cấp ẩm cực tốt nhưng thấm lâu và có thể gây bóng nhờn cho da dầu, da hỗn hợp. Phù hợp với da từ khô tới rất khô khi ở khí hậu lạnh, hanh khô.
Mẹo sử dụng kem dưỡng hiệu quả
- Nên sử dụng các sản phẩm kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ vào buổi sáng và đặc hơn vào buổi tối.
- Cần linh hoạt sử dụng kem dưỡng theo tuổi tác và khí hậu
- Để tăng hiệu quả dưỡng ẩm, có thể mix kem dưỡng với 1 – 2 giọt dầu dưỡng.
- Đừng quên kem dưỡng riêng cho vùng mắt.
Bước 11: Mặt nạ ngủ
Công dụng nổi bật nhất của mặt nạ ngủ là cấp nước cùng bổ sung dưỡng chất cho da. Đây là bước cuối cùng trong một chu trình dưỡng da vào buổi tối. Khác với các dạng mặt nạ khác, mặt nạ ngủ thường để qua đêm và rửa sạch vào sáng ngày mai. Tuy có khả năng cấp nước và dưỡng chất tốt nhưng kết cấu của mặt nạ ngủ không quá dày, thấm nhanh và không gây nhờn rít. Mặt nạ ngủ thường được sử dụng thời tiết vào thu và đông, dành cho da thường tới khô và rất khô.
Tần suất sử dụng: 2 -3 lần / tuần.
Mẹo sử dụng mặt nạ ngủ hiệu quả
- Sử dụng ở bước chăm sóc da cuối cùng của ngày.
- Chỉ nên bôi một lớp mỏng, massage và vỗ nhẹ để mặt nạ thấm đều trên mặt rồi đi ngủ là bước quan trọng trong các bước chăm sóc da mặt.
- Nếu sử dụng mặt nạ ngủ thì nên sử dụng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ dành cho buổi sáng.
- Ngoài ra, có một số loại mặt nạ ngủ riêng cho vùng môi giúp môi luôn hồng hào, mịn màng.
Bước 12: Chống nắng
Chống nắng là một bước quan trọng bậc nhất trong các bước chăm sóc da mặt. Với các bước trước đó, bạn có thể bỏ qua, thêm bớt tuỳ theo loại da và tình trạng da, nhưng kem chống nắng thì không thể bỏ, dù là da bạn là da nào đi chăng nữa.
Có thể nói, nếu không thoa kem chống nắng thì bạn có chú tâm vào việc chăm sóc da đến mấy thì nó cũng trở nên vô ích. Chưa kể đến là các tác hại của tia UV đến làn da con người như: thúc đẩy quá trình lão hoá của da, gây xỉn da, thâm nám. tàn nhang, thậm chí là ung thư da.
Tần suất sử dụng: 1 lần/ ngày vào buổi sáng. Thoa lại sau mỗi 2 – 3 tiếng/lần nếu thường xuyên làm việc dưới ánh nắng mặt trời.
Các dạng kem chống nắng phổ biến
- Kem chống nắng vật lý: Thường chứa 2 thành phần nổi bật là Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Kem chống nắng vật lý có cơ chế hoạt động như một tấm màng chắn nằm trên bề mặt da và bật ngược trở lại khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do không thấm vào da nên kem chống nắng này thường hợp với da nhạy cảm. Đây không phải sự lựa chọn hoàn hảo cho da dầu cùng da hỗn hợp thiên dầu bởi nó gây bóng nhờn cũng như có khả năng bị chảy.
- Kem chống nắng hoá học: Đây là sản phẩm chứa các thành phần chống nắng như octinoxate, octisalate, octocrylene tinosorb, oxybenzone, avobenzone, mexoryl…. Kem chống nắng hoá học thẩm thấu vào da chứ không bọc bên ngoài nên không để lại vệt trắng như kem chống nắng vật lý nhưng độ bền kém và phải thoa lại nhiều lần trong ngày. Do đó, đây là loại kem chống nắng phù hợp với mọi loại da, ngoại trừ da đang nhạy cảm.
- Kem chống nắng hoá học lai vật lý: Đây là loại kem chống nắng tích hợp được ưu điểm của cả dạng vật lý và hóa học nên có khả năng bảo vệ làn da một cách tối ưu. Đây cũng là sản phẩm chống nắng phổ biến hiện nay do vừa có tính thẩm mỹ cao, không tạo vệt trắng trên da, không gây bí bách khó chịu lại giúp sản phẩm bền vững và giảm bớt tần suất thoa lại nhiều lần.
Mẹo sử dụng kem chống nắng hiệu quả
- Kem chống nắng được sử dụng ở bước dưỡng da sau cùng vào buổi sáng và trước khi trang điểm (nếu có).
- Thoa kem chống nắng ít nhất 20 – 30 phút trước khi ra ngoài.
- Nên vỗ nhẹ thay vì thoa theo chuyển động tròn đều làm giảm tác dụng chống nắng.
- Nếu có cảm giác bóng nhờn, bạn có thể đợi 10 – 15 phút sau khi thoa rồi lấy giấy thấm dầu thấm toàn bộ mặt sẽ giúp da khô thoáng hơn.
- Dù là mùa hè hay mùa đông, chỉ cần có ánh nắng mặt trời thì đều cần phải sử dụng kem chống nắng.
Lưu ý: Nguyên tắc thực hiện các bước chăm sóc da
- Dùng các sản phẩm theo thứ tự lỏng trước, đặc sau
- Sử dụng các sản phẩm đặc trị theo thứ tự từ pH thấp tới pH cao. Các sản phẩm đặc trị không phụ thuộc pH có thể sử dụng sau bước kem dưỡng ẩm.
- Không nên sử dụng các sản phẩm đặc trị vào buổi sáng. Nếu sử dụng phải chống nắng thật kỹ càng.
- Khoảng cách để sử dụng các sản phẩm đặc trị là 15-20 phút.
- Nên thay đổi linh hoạt chu trình dưỡng da theo khí hậu cũng như độ tuổi.
Nếu bạn yêu thích chăm sóc da và muốn thử sức trong lĩnh vực làm đẹp đừng ngần ngại mà hãy đăng ký ngay một khóa học spa chăm sóc da với học phí cực kỳ ưu đãi.
Có thể bạn quan tâm: Khóa học spa chăm sóc da
Hy vọng bạn sau bài viết này bạn đã có thể nắm được 12 bước thần kỳ trong các bước chăm sóc da mặt với 12 bước thần kỳ. Học viện thẩm mỹ SCI các bạn luôn xinh đẹp và rạng rỡ mỗi ngày!