Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể thực hiện những bài tập thể dục chữa gai cột sống để cải thiện triệu chứng và ngăn chặn tiến triển tiêu cực của bệnh.
Lợi ích của việc luyện tập đối với bệnh nhân gai cột sống
Gai cột sống là sự hình thành xương bất thường ở cột sống. Tình trạng này thường là hệ quả của thoái hóa cột sống.
Gai xương chèn ép lên các cột sống, dây thần kinh và đĩa đệm xung quanh, gây đau đớn, tê bì và giảm phạm vi vận động. Để cải thiện các triệu chứng của bệnh lý này, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, giãn cơ hoặc yêu cầu bạn áp dụng liệu pháp nhiệt, laser,…
Bên cạnh những phương pháp này, bạn có thể thực hiện một số bài tập để cải thiện cơn đau, tăng cường sức khỏe, ổn định cấu trúc cột sống và ngăn chặn sự phát triển của gai xương.
So với những phương pháp điều trị, việc luyện tập không gây ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào. Ngược lại biện pháp này còn cải thiện sức khỏe và tăng khả năng chống chịu của cơ thể với những cơn đau do gai cột sống gây ra.
Tuy nhiên bệnh nhân bị gai cột sống cần thực hiện những bài tập có cường độ thích hợp để đạt được kết quả như mong đợi. Thực hiện những bài tập không phù hợp có thể khiến cơn đau và các triệu chứng bùng phát.
7 bài tập thể dục chữa gai cột sống đơn giản
Những bài tập được cung cấp trong bài viết chỉ thích hợp với bệnh nhân có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp gai xương đã phát triển gây chèn ép nặng nề đến những cơ quan lân cận, bạn nên trao đổi trực tiếp với chuyên viên vật lý trị liệu để được hướng dẫn những bài tập chuyên sâu.
1. Bài tập căng cổ
Bài tập căng cổ có tác dụng kéo giãn cột sống cổ và các dây thần kinh nhằm giảm chèn ép lên đốt sống bị tổn thương.
Thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng, mắt hướng về phía trước.
- Đẩy nhẹ cằm về phía trước và cố gắng kéo căng phần cổ.
- Duy trì tư thế trong vòng 5 giây.
- Trở lại vị trí ban đầu.
- Tiếp tục thực hiện tương tự trong khoảng 5 – 10 lần.
2. Bài tập cúi gập cổ
Tương tự như động tác căng cổ, bài tập cúi gập cổ cũng có tác dụng làm giảm áp lực lên đốt sống và gai xương. Thực hiện đều đặn sẽ giúp cải thiện cơn đau và triệu chứng tê bì.
Thực hiện:
- Cúi đầu về phía trước sao cho cằm chạm vào phần ngực.
- Duy trì tư thế trong khoảng 5 giây.
- Trở lại vị trí ban đầu.
- Thực hiện khoảng 5 lần.
3. Bài tập nghiêng cổ
Bài tập nghiêng cổ có tác dụng cải thiện dây thần kinh từ cột sống đến vai. Thường xuyên luyện tập bài tập này sẽ làm giảm triệu chứng đau nhức và tê bì ở cánh tay do dây thần kinh bị gai xương chèn ép.
Thực hiện:
- Nghiêng đầu về phía vai trái sao cho tai chạm sát xương vai.
- Nhẹ nhàng kéo căng cơ cổ.
- Duy trì động tác trong vòng 5 giây.
- Trở lại vị trí ban đầu và thực hiện với vai còn lại.
- Lặp lại động tác trong khoảng 5 lần.
4. Bài tập xoay cổ
Bài tập xoay cổ tác động đến toàn bộ vùng đốt sống và dây thần kinh ở cổ. Bài tập này nên được thực hiện sau những động tác trên nhằm tránh tình trạng cứng cổ và đau nhức.
Thực hiện:
- Ngồi thoải mái, mắt hướng về phía trước.
- Xoay cổ nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ.
- Thực hiện xoay 1 vòng sau đó xoay theo chiều ngược lại.
- Lặp lại khoảng 5 lần.
Những bài tập thể dục cho cổ rất dễ thực hiện, bạn nên áp dụng khi cổ có dấu hiệu nhức mỏi và tê bì. Hoặc luyện tập đều đặn mỗi ngày ngày 2 – 3 lần để cải thiện cấu trúc của cột sống.
5. Bài tập co cơ
Bài tập này có tác dụng tăng cường cơ bắp dưới và kéo giãn đốt sống thắt lưng.
Thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn nhà.
- Khi bạn thở ra, hóp bụng vào trong khoảng 5 giây.
- Thở ra nhẹ nhàng và thả lỏng cơ bụng.
- Lặp lại động tác khoảng 10 lần.
6. Bài tập co gập đầu gối
Bài tập co gập đầu gối có khả năng cải thiện mức độ dẻo dai của đốt sống cùng.
Thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, đầu gối hơi co và bàn chân tiếp xúc với sàn.
- Co đầu gối lên cao, đồng thời nâng cao phần mông.
- Duy trì động tác trong 5 giây, kết hợp với việc thở nhịp nhàng.
- Lặp lại bài tập khoảng 10 lần.
7. Bài tập Curl-up
Mục đích của bài tập này là củng cố và ổn định cấu trúc cột sống. Đồng thời tăng độ dẻo dai và cải thiện phạm vi chuyển động.
Thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, đầu gối cong và bàn chân tiếp xúc với mặt sàn.
- Bắt chéo hai tay ở trước ngực.
- Từ từ nâng cao đầu, cổ, vai và lưng.
- Khi nâng cao bạn nên thở ra và hít vào khi hạ xuống.
- Thực hiện động tác trong 10 lần.
Những bài tập dành riêng cho cột sống thắt lưng nên được thực hiện vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Thực hiện vào những thời điểm này sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng cứng cột sống và tê bì sau khi ngủ dậy.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện bài tập thể dục chữa gai cột sống
Để tránh những rủi ro khi luyện tập, đồng thời tác động tích cực đến quá trình điều trị, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Chế độ luyện tập chỉ đóng vai trò hỗ trợ điều trị, không thể thay thế cho những biện pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
- Nên kết hợp với việc dùng thuốc hợp lý để kiểm soát tối đa cơn đau và những triệu chứng của bệnh.
- Nếu bạn bị đau nhức khi đang tập luyện, cần ngưng tập và nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau thuyên giảm.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý, đồng thời thiết lập chế độ ăn uống khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!