Rối loạn tiền đình tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại mang nhiều triệu chứng phiền toái, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống. Chúng ta có thể giảm thiểu các cơn chóng mặt, hoa mắt đáng ghét ấy bằng những bài tập chữa rối loạn tiền đình đơn giản tại nhà.
So sánh chóng mặt do thiếu máu não và do rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não khó phân biệt do cả hai đều có những biểu hiện rất giống nhau bao gồm các triệu chứng của hệ thống tiền đình: hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa… Tuy nhiên người bệnh cần hiểu rõ sự khác biệt lớn về bản chất giữa thiếu máu não và rối loạn tiền đình để lựa chọn phương pháp điều trị đúng đắn.
1. Nguyên nhân
Rối loạn tiền đình: Tình trạng xảy ra khi dây thần kinh số 8 bị tổn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch làm cho cơ thể mất khả năng kiểm soát thăng bằng. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, chẳng hạn: tuần hoàn kém (rối loạn tuần hoàn), rối loạn tuần hoàn não, nhiễm trùng não, viêm tai giữa cấp và còn có thể xảy ra do thay đổi thời tiết.
Thiếu máu não: Trạng thái lưu lượng máu đến nuôi não bị suy giảm làm ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng của não. Nguyên nhân thường do các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, các bệnh van tim, suy thận mạn… Một số yếu tố khác cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu não, điển hình là nghiện bia rượu, thuốc lá, căng thẳng thần kinh, thừa cân, béo phì, lười vận động…
Có thể nói, thiếu máu não cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
2. Triệu chứng
Rối loạn tiền đình: Chóng mặt đi kèm với hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng, buồn nôn… Bệnh lặp đi lặp lại và thường tiến triển thành mạn tính. Các triệu chứng theo đó cũng nặng dần lên, ban đầu biểu hiện chỉ là một cơn chóng mặt đột ngột rồi biến mất nên người bệnh không để ý, sau đó tần suất xuất hiện các dấu hiệu này càng tăng lên.
Thiếu máu não: Chóng mặt, buồn nôn, nặng đầu khi thay đổi tư thế và người bệnh không có biểu hiện đi đứng lảo đảo. Ngoài ra, khi cơn thiếu máu não cấp tính xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy khó tập trung, giảm khả năng tư duy, hay quên… Thiếu máu não nếu không điều trị sớm để lâu dài có thể dẫn đến biến chứng tai biến mạch máu não rất nguy hiểm.
6 bài tập chữa rối loạn tiền đình giúp giảm chóng mặt hiệu quả
Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý cùng với lối sống lành mạnh, tập thể dục cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để làm giảm các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt. Cùng Iron Woman tham khảo 6 bài tập chữa rối loạn tiền đình dưới đây nhé!
1. Bài tập mắt giúp chữa rối loạn tiền đình
Bài tập chữa rối loạn tiền đình này sẽ giúp bạn cải thiện tầm nhìn và khả năng tập trung vào một vật thể đứng yên trong khi đầu đang di chuyển.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Nhìn thẳng về phía trước và tập trung vào một vật ở ngang tầm mắt bạn.
Bước 2: Di chuyển đầu từ bên này sang bên kia nhưng vẫn phải giữ mắt nhìn vào vật thể đã được xác định ban đầu. Nếu cảm thấy chóng mặt và nhức đầu, bạn nên làm chậm lại.
Bước 3: Bạn cố gắng tiếp tục tối đa 1 phút vì não bộ cần có thời gian để thích ứng. Bạn nên luyện tập từ từ để có thể lặp lại 3 – 5 lần trong 1 ngày.
2. Bài tập Romberg chữa rối loạn tiền đình
Bài tập Romberg giúp bạn dần thích nghi với cách giữ cho cơ thể thăng bằng, giảm chóng mắt. Với bài tập cho người rối loạn tiền đình này, bạn nên đứng vào gần vách tường do nhiều người có thể bị ngã.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đứng thẳng, hai chân chụm sát, hai tay buông thẳng sát vào người. Hai mắt nhắm. Giữ tư thế này trong 30 giây.
Bước 2: Lặp lại động tác.
Có thể nâng nâng mức độ khó cho bài tập này bằng cách giữ nguyên các bước nhưng đưa hai tay đưa thẳng về phía trước và song song với mặt đất.
3. Bài tập lắc lư trước sau
Bài tập chữa rối loạn tiền đình này giúp hệ tiền đình dần lấy lại khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai, hai tay buông thẳng
Bước 2: Nhẹ nhàng ngã người ra trước rồi ra sau, sao cho trọng lực dồn xuống ngón chân và gót chân. Không được giở ngón chân hoặc gót lên. Cố gắng sao cho cả vai và hông di chuyển cùng với nhau. Không khom lưng. Giữ một lát thì trở về tư thế chuẩn bị.
Bước 3: Lặp lại mỗi lần 20 nhịp. Lúc đầu nên cố gắng thực hiện một cách chầm chậm, rồi sau đó mới nâng dần lên theo biên độ và tốc độ di chuyển. Ban đầu mở mắt, sau đó nhắm mắt.
4. Bài tập lắc lư hai bên
Cũng giống như bài tập trước đó, việc lắc lư nhẹ hai bên cũng rất phù hợp để chữa rối loạn tiền đình.
Bước 1: Đứng thẳng người, hai chân giang chân rộng bằng vai, tay buông thẳng.
Bước 2: Di chuyển cả thân mình (cả vai và hông cùng di chuyển) sang trái, sao cho toàn thân trụ trên chân trái, rồi sang phải, trụ lên chân phải. Không được nhấc gót và ngón chân lên.
Bước 2: Lặp lại 20 nhịp.
Thực hiện động tác thật chậm rãi, một khi đã quen với tốc độ bạn có thể nâng dần lên theo biên độ cũng như là tốc độ di chuyển. Ban đầu mở mắt, sau đó nhắm mắt.
5. Bài tập dậm chân tại chỗ
Bài tập cho người rối loạn tiền đình này dù rất đơn giản nhưng lại có thể giúp bạn thích nghi với cảm giác cơ thể chuyển động và giữ thăng bằng tốt hơn.
Bước 1: Thực hiện động tác dậm chân tại chỗ như người đi hành quân. lặp đi lặp lại khoảng 3 phút.
Bước 2: Kết thúc bài tập và thả lỏng cơ thể.
6. Bài tập nằm nghiêng 45 độ (Brandt – Daroff)
Đây là dạng bài tập chữa rối loạn tiền đình hiệu quả do có tác dụng giúp cơ thể bạn quen với các tín hiệu gây nhầm lẫn tạo nên cơn chóng mặt thông qua các chuyển động được lặp đi lặp lại.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Bắt đầu ở vị trí ngồi thẳng người.
Bước 2: Quay đầu 45 độ sang một bên.
Bước 3: Sau đó từ từ nằm xuống phía đối diện của bạn (nghĩa là sang trái nếu bạn quay đầu sang phải và ngược lại) sao cho vị trí phía sau tai trên đầu bạn chạm giường.
Bước 4: Giữ vị trí này trong khoảng 30 giây hoặc cho đến khi các triệu chứng chóng mặt chấm dứt.
Bước 5: Quay trở lại tư thế ngồi, đổi bên và lặp lại bài tập đối với phía bên kia. Thực hiện bài tập cho đến khi bạn hoàn thành 6 lần lặp lại ở mỗi bên.
Lưu ý khi thực hiện các bài tập chữa rối loạn tiền đình:
Khi thực hiện các bài tập chữa rối loạn tiền đình, bạn cần lưu ý đến cường độ, không nên tập luyện quá sức hay tập với mức độ cao ngay từ khi bắt đầu.
Bên cạnh việc tập luyện, bạn cũng nên lưu ý chế độ ăn uống đa dạng và ăn đủ chất để có thể trị dứt tình trạng chóng mặt. Ngoài ra, mất ngủ và stress cũng có thể khiến bạn bị chóng mặt. Do đó, chú ý giữ lối sống lành mạnh cũng là một phương pháp hiệu quả để tránh xa rối loạn tiền đình.
Nguồn tham khảo:
What Are Vestibular Disorders? – https://www.webmd.com/brain/vestibular-disorders-facts
Loss of balance: Everything you need to know – https://www.medicalnewstoday.com/articles/325215.php
Phân biệt rối loạn tiền đình với thiểu năng tuần hoàn não – https://suckhoedoisong.vn/phan-biet-roi-loan-tien-dinh-voi-thieu-nang-tuan-hoan-nao-n144432.html