Để tìm hiểu thực hư chất lượng sản phẩm có như quảng cáo, PV đã vào vai làm người mua hàng, để xin được tư vấn, cũng như tìm hiểu sự thật bộ sản phẩm đang được quảng cáo. Tại đây, khi mua bộ sản phẩm đang “hot” có tên – Bộ Hoàng Cung cao cấp YHL” có giá 6.900.000 đồng gồm: Serum tinh chất dưỡng có giá 1.800.000 đồng, kem dưỡng vùng mắt có giá 1.500.000 đồng, kem dưỡng ẩm ngày & đêm có giá 1.800.000 đồng, kết hợp cùng kem trị nám chuyên sâu có giá 1.800.000 đồng và nước cân bằng đa năng (được quảng cáo là nước thần) có giá 1.500.000 đồng. Tất cả được quảng cáo là hàng có xuất xứ tại nước ngoài như YHL Hàn Quốc (made in Korea), YHL Nhật Bản (made in Japan), YHL Mỹ (made in USA)…. Người bán sẽ giảm ngay 50% nếu mua trọn bộ
Trên thân bào bì sản phẩm chỉ toàn chữ nước ngoài, nhãn phụ ghi nội dung xem trên vỏ hộp?
Khi nhận được các sản phẩm do đơn vị YHL chuyển đến. Điều đầu tiên nhận biết là các sản phẩm được ghi bằng tiếng nước ngoài, được bao bọc bởi lớp màng co bằng ni lon phủ bên ngoài khá sơ sài. Trên nắp vỏ hộp được dán tấm tem ghi “tem chống hàng giả” mang thương hiệu YHL được đơn vị này dán vào. Có sản phẩm có tem nhãn phụ theo quy định, có sản phẩm thì không. Kèm theo đó, bên hông vỏ hộp là nhãn phụ, được ghi nội dung giới thiệu tên sản phẩm và công dụng, tên đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu (không có số điện thoại liên hệ khi cần), còn lại tất cả thành phần, chỉ tiêu kích ứng… đều được ghi là xem trên vỏ hộp (trong khi trên vỏ hộp đều là chữ nước ngoài? Như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…).
Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế cũng có quy định ngoài những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thì: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mỹ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm”.
Chỉ là một sản phẩm mặt nạ thông thường mà có chức năng Kháng viêm – giảm sưng như dược phẩm
Cũng căn cứ theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì trường hợp “mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm” sẽ bị đình chỉ lưu hành và thu hồi. Và cho dù đã được cấp số công bố mỹ phẩm, nhưng một khi nhãn ghi sai lệch bản chất, tính năng vốn có của sản phẩm thì cũng có thể bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định trường hợp quảng cáo sai, nhãn mỹ phẩm ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm, thì ngoài bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy mỹ phẩm.
Được biết, người sáng lập thương hiệu YHL có tên là Hằng Lê. Theo như thông tin từ vị CEO Hằng Lê này, khi đăng đàn chia sẻ trên các kênh truyền thông báo chí. “Hằng Lê với niềm tin và khát khao về cái đẹp đã thôi thúc chị bôn ba từ Hàn Quốc, Nhật Bản sang Úc, Mỹ, … để học hỏi, tìm kiếm những tinh hoa về mỹ phẩm các nước. Hằng Lê nhận ra ‘mỗi đất nước đều có một thế mạnh riêng, nếu tập hợp để mang về Việt Nam thì quá tuyệt vời!’. Nghĩ là làm, Hằng Lê bắt đầu ‘thâm nhập’ vào các nhà máy lớn, làm việc với các chuyên gia tại đây, để sản xuất các dòng sản phẩm dành riêng cho phụ nữ Việt. YHL chính thức được ‘khai sinh’.
Thực phẩm chức năng lại có chức năng “Đặc trị” như thuốc, không biết giấy phép quảng cáo này do cơ quan nào cấp?
Điều đặc biệt quan trọng là, khi giới thiệu các dòng sản phẩm mang thương hiệu YHL, công ty Hằng Lê khẳng định đều do vị CEO này nghiên cứu và phối hợp với các nhà máy tại các nước bào chế ra.“Hằng Lê tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của các chị em.
Đến nay, YHL hầu hết giải quyết được nhiều vấn đề da, trang điểm, chăm sóc toàn thân và sức khỏe cho phụ nữ. Không chỉ được hàng triệu khách hàng mê mẩn, YHL còn lan tỏa đến giới nghệ sĩ Việt trong nước lẫn hải ngoại.” Theo như chia sẻ của CEO Hằng Lê, người sáng lập ra thương hiệu YHL, có thể hiểu chị là một chuyên gia trong nghành bào chế thuốc, một dược sĩ, hay có thể là một bác sĩ chuyên nghành làm đẹp. Các công thức đều do chị tự nghiên cứu, sáng chế và các nhà máy sản xuất tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc hay Nhật Bản chỉ là đơn vị gia công cho thương hiệu YHL mà thôi.
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành sản xuất dược mỹ phẩm cho biết: “Đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người Việt. Đặc biệt là mặt hàng làm đẹp, nên rất nhiều đơn vị thay vì gia công hay sản xuất hàng trong nước, thì lại liên hệ với một đơn vị trung gian, nhờ sản xuất tại nước ngoài. Sau khi gắn một thương hiệu do mình tự đặt ra .Sau đó. sản phẩm sẽ được nhập vào Việt Nam và bán với giá rất cao, vì chúng đã được gắn mác hàng ngoại. Còn chất lượng, hay các thành phần bên trong như thế nào, chỉ có nhà sản xuất, người sáng chế ra thương hiệu YHL mới biết. Vì theo quy định người nhập khẩu và phân phối tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình khi có sự cố.
Người tiêu dùng đang muốn biết “nước thần YHL” là loại nước thần thánh gì? do “ông Tiên” nào bào chế ra?
Thực tế cho thấy, trên thị trường không ít doanh nghiệp gian dối chỉ vì lợi nhuận mà lừa dối khách hàng bằng cách quảng cáo, ghi nhãn “thổi phồng” công dụng, tính năng của sản phẩm. Hàng được sản xuất chui, lậu rất nhiều, rồi theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam.
Gần đây nhất là vụ việc đoàn liên ngành thành phố Hà Nội đã phá được nhiều kho hàng, với hàng triệu sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, được tuồn vào Việt Nam dưới mác hàng Nhật Bản, Hàn Quốc… với thương hiệu là BI Bop. Với đầy đủ tem, nhãn, phiếu công bố… và cứ thế oang oang quảng cáo là vì người tiêu dùng Việt, sản phẩm dành cho người Việt, đã đổ công nhọc sức “bôn ba” tìm hướng đi mới, sau khi bán hàng thời trang Quảng Châu kiếm được một số vốn như bà chủ của thương hiệu YHL…
Đặc biệt, vì lợi nhuận gian thương bất chấp tất cả sức khoẻ của người tiêu dùng, cứ thần thánh hoá công dụng của sản phẩm là thuốc đặt trị, là sản phẩm siêu thần thánh, xuất xứ Mỹ, Nhật… Điều này, có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và ngộ nhận về mỹ phẩm là dược phẩm, thức phẩm chức năng là thuốc có các chức năng về điều trị, rồi sập bẫy.
Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào những lời quảng cáo “có cánh” mà không tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, thì người tiêu dùng nhất là những người mắc bệnh về da lâu năm rất dễ nhầm tưởng và … Kết quả là chưa chắc đã khỏi mà còn đối mặt với nguy cơ “tiền mất, tật mang”. Như vậy YHL “nổ” thương hiệu của mình là thương hiệu quốc dân liệu có đúng? Người tiêu dùng muốn biết YHL vì cái gì của người dân? vì sức khoẻ, vì sắc đẹp, hay vì lợi nhuận của bản thân mà bất chấp?
Từ những việc làm có dấu hiệu “không trung thực” trong quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nêu trên của Công ty cổ phần Star Hằng Lê và thương hiệu mỹ phẩm YHL, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm thì xử lí nghiêm để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc
Kỳ 3: Nghệ sĩ Việt tiếp tay “Thần thánh hoá” mỹ phẩm Quốc dân YHL họ có biết họ đang làm sai?
Phú Quốc