Có rất nhiều phụ nữ Việt thích mua và sử dụng mỹ phẩm của Nhật, các bạn có thể sẽ nhận thấy rằng hầu hết mỹ phẩm Nhật không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, liệu có phải là mỹ phẩm của Nhật có thể sử dụng vô thời hạn được hay không?
Hoàn toàn không phải! Nguyên nhân của việc không có ngày sản xuất và hạn sử dụng là vì nước Nhật có quy định và nhận thức chung về mỹ phẩm.
Mỹ phẩm nội địa của Nhật khác với các sản phẩm cùng loại của Pháp và Hàn Quốc, mỹ phẩm của các quốc gia này đều có ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tuy trên bao bì và hướng dẫn sử dụng của mỹ phẩm Nhật không có ngày sản xuất và hạn sử dụng (ngoại trừ một số thương hiệu), nhưng lại có mã số lô sản xuất, người dùng có thể dựa theo mã số này để kiểm tra này sản xuất tương ứng trên trang web của hãng sản xuất.
Thông thường hạn sử dụng của mỹ phẩm là 3 năm, điều này đã trở thành nhận thức chung trên thị trường trong suy nghĩ của người tiêu dùng ở Nhật. Nếu một sản phẩm nào đó thật sự gặp vấn đề giảm lượng tiêu thụ trên thị trường, nhà sản xuất sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm sau 2 năm hoặc các cửa hàng kinh doanh sẽ tự tiêu hủy.
Dưới đây là phản hồi của hãng mỹ phẩm Shiseido Nhật Bản:
“Quý khách hàng thân mến,
Xin cảm ơn bạn đã liên hệ với Shiseido Nhật Bản. Chúng tôi xin thông báo rằng chúng tôi không in ngày sản xuất hay ngày hết hạn lên mỗi sản phẩm. Tất cả hàng hoá của chúng tôi đều được sử dụng tốt trong vòng 3-4 năm, với điều kiện không mở nắp hộp và được giữ trong chỗ mát. Khi mở hộp thì nên giữ sản phẩm nơi mát tránh ánh nắng trực tiếp và luôn đậy nắp.
Trân trọng, Trung tâm Giải đáp khách hàng Shiseido, Tokyo, Nhật Bản”
Vấn đề sản phẩm tiêu thụ chậm là điều mà ngành nghề nào cũng sẽ gặp phải, đương nhiên ngành mỹ phẩm của Nhật cũng không ngoại lệ. Vì vậy, các nhà sản xuất mỹ phẩm của Nhật sẽ không cho ra quá nhiều sản phẩm trong một lần sản xuất, hơn nữa họ sẽ dựa theo ý kiến phản hồi của thị trường để cải thiện bao bì sản phẩm và sản xuất ra những sản phẩm mới.
Sau 2 năm tung ra thị trường mà vẫn chưa bán hết sẽ bị xếp vào dạng sản phẩm tiêu thụ kém, các nhà sản xuất sẽ thu hồi toàn bộ để thay bằng sản phẩm mới.
Sự tự giác, tính tự kiểm soát của xã hội Nhật cùng với sự nghiêm túc của các nhà sản xuất sẽ không để cho những sản phẩm gần hết hạn sử dụng được bán ra trên thị trường. Vì vậy tuy mỹ phẩm của Nhật không có ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, nhưng người tiêu dùng cũng không cần phải lo lắng, có thể yên tâm sử dụng. Nếu người sử dụng rất muốn biết ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm thì có thể tra thông tin từ các tài liệu và trang web có liên quan dựa theo mã số sản xuất ghi chú trên sản phẩm.
Đương nhiên cũng có những nhãn hàng ghi chú ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, ví dụ như hãng mỹ phẩm FANCL được biết đến với những sản phẩm hoàn toàn được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào.
Tính tự kỷ luật của các nhà sản xuất Nhật được hình thành từ đâu? Đương nhiên là từ việc tự giác chấp hành dưới sự giám sát và thực thi pháp luật nghiêm ngặt của chính phủ Nhật Bản. Theo quy định số 6, Điều 83 trong bộ luật của Nhật đối với mỹ phẩm, các nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý bán các sản phẩm quá hạn sử dụng do yêu cầu hoặc hối lộ sẽ bị lãnh án tù 5 năm (trường hợp nặng có thể lên đến 7 năm) và đóng khoản tiền phạt tương ứng.
Luật pháp Nhật quy định các sản phẩm mỹ phẩm thường “biến chất sau 3 năm” mới bị yêu cầu phải ghi rõ hạn sử dụng. Nếu không có ghi chú thì có nghĩa là hạn sử dụng của sản phẩm là 3 năm với điều kiện chưa mở nắp, điều này đã trở thành quy tắc ngầm trong ngành mỹ phẩm nước này. Nhưng đôi khi trên bao bì mỹ phẩm của Nhật sẽ có xuất hiện những kí hiệu như 6M hoặc 12M thì có nghĩa là gì? Thông thường sau khi mở nắp, tốt nhất là nên dùng hết trong vòng 6-12 tháng. Vì vậy kí hiệu 6M và 12M được xem là hạn sử dụng sau khi mở nắp.
Sự đảm bảo của pháp luật và sự liêm chính của cơ quan chấp pháp Nhật Bản khiến cho các sản phẩm đã hoặc sắp quá hạn không thể xuất hiện trên thị trường. Nhưng các nhà sản xuất mỹ phẩm của Nhật sẽ liên tục thay đổi bao bì và làm mới sản phẩm, đây cũng là chính sách kích cầu thị trường của các nhà sản xuất.
Minh Ngọc
Xem thêm: