Dù cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta đã đi vào quá vãng, nhưng những ấn tượng về chiến tranh đối với nhiều thế hệ nhà văn không dễ phai mờ. Chiến tranh. Vâng! Đấy là những thời đoạn vô cùng hào hùng và khốc liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến tranh đã tạo ra cho con người một cuộc sống khác, khiến bất kỳ ai đã từng trải qua sẽ chẳng thể nào quên được những thời đoạn lịch sử ấy.
Văn học thời kỳ chống Pháp
Văn học Cách mạng thời kỳ chống Pháp phần lớn được tạo nên từ đề tài chiến tranh và người lính. Thật ít có người quan tâm đến văn học Cách mạng thời kỳ chống Pháp lại có thể quên được các các phẩm có tính chất kinh điển của văn học thời kỳ này như: tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu; bài thơ Đất nước và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan; trường ca Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; các bài thơ Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng; tập bút ký Phiên chợ Trung du của Ngô Tất Tố; các tác phẩm Nhật ký ở rừng, Mò sâm banh, Đôi mắt của Nam Cao; truyện ký Đất nước yêu dấu vàtruyện vừa Đêm giải phóng của Nguyên Hồng; các vở kịch Bắc Sơn, Những người ở lại và Ký sự Cao Lạng, Nhật ký chiến tranh của Nguyễn Huy Tưởng… Đấy thực sự là những tác phẩm bất hủ của dòng văn học Cách mạng thời kỳ chống Pháp, mà trong đó lúc gần khi xa, trực tiếp hay gián tiếp bóng hình người lính và khung cảnh chiến tranh.
Hình tượng người lính trong văn chương giai đoạn này hiện lên thật thà, chất phác và rất hồn nhiên. Người nông dân và tri thức đi đánh đuổi giặc thù cứu nước trong gian khổ, hy sinh mà mà đầy ắp tiếng cười như một chuyến đi xa dài ngày. Hình ảnh người lính thể hiện rõ nhất trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn, quen nhau. Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/…/ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính./ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,/ Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi./ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!/ Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo.
Có thể nói cuộc chiến tranh chống Pháp là một cuộc chiến tranh nhân dân mà ở đó người dân vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc cùng với đồng bào cả nước là chủ thể của cuộc kháng chiến ấy dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng kính yêu và Bác Hồ vĩ đại, từng bước đã đi đến thắng lợi cuối cùng kết thúc bằng “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Trong bức tranh toàn bích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ấy, hình ảnh “anh Bộ đội Cụ Hồ” là một điểm nhấn vô cùng quan trong, và được nổi lên như một hình tượng trung tâm của văn học giai đoạn này. Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhà thơ Tố Hữu đã có một bài tổng kết bằng thơ mang tên Việt Bắc.Ở bài thơ này hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại đã được khái quát hóa cao độ. Không chỉ có bộ đội, dân quân, du kích và đồng bào các dân tộc thiểu số luôn sẵn sàng cầm súng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, sự trường tồn của giống nòi, mà ngay cả rừng núi Tây Bắc và Việt Bắc cũng tham gia đánh giặc cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu: Nhớ khi giặc đến giặc lùng/ Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây/ Núi giăng thành luỹ sắt dày/ Rừng che bộ đội rừng vây quân thù/ Mênh mông bốn mặt sương mù/ Ðất trời ta cả chiến khu một lòng/…/ Những đường Việt Bắc của ta/ Ðêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay./ Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên…
Và hình tượng người chỉ huy tối cao cuộc chiến tranh nhân dân này chính là Bác Hồ kính yêu được nhà thơ Tố Hữu vẽ nên thật sinh động với vẻ đẹp lạ thường trên đường đi chiến dịch. Khi kết thúc thắng lợi, Bác và Chính phủ trở về Thủ đô yêu dấu, để lại bao lưu luyến nhớ thương cho đồng bào: Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người/ Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người…
Các nhà văn tại chiến trường Khu V (từ trái sang): Nguyễn Khắc Phục, Dương Đức Quảng, Thanh Quế, Trần Vũ Mai (ảnh vanvn.net)
Văn học thời kỳ chống Mỹ
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nền văn học cách mạng trở nên bề thế hơn cả về số lượng tác phẩm và đội ngũ tác giả- nhà văn. Các nhà văn đã làm rạng danh nền văn học thời kỳ chống Pháp như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… đều đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ công chúng cả nước. Trong số họ nhiều người là lính trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường hoặc tham gia kháng chiến bằng văn chương. Chỉ tiếc là số người chọn văn chương để lập nghiệp như các anh ấy còn ít, số lượng tác phẩm họ viết ra chưa thật nhiều.
Đến thời kỳ chống Mỹ, những cây bút từ thời kỳ chống Pháp dần bước vào độ chín, viết nên nhiều tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật, góp phần tích cực vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một điều nữa không thể không nói tới là, giai đoạn chống Mỹ, lực lượng các nhà văn trẻ được bổ sung đáng kể, chẳng hạn như: Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu… Đội ngũ các nhà văn mặc áo lính trở nên hùng hậu hơn và tác chiến trên nhiều binh chủng khác nhau như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…
Tiểu thuyết được coi là những cỗ trọng pháo của một thời kỳ, giai đoạn hay nền văn chương hiện đại. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã sản sinh ra nhiều tiểu thuyết có giá trị như: Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi; Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (bút danh khác của Nguyễn Văn Báu- Nguyên Ngọc); Hòn Đất của Anh Đức; Con đường xuyên rừng của Lê Văn Thảo… Đặc biệt bộ tiểu thuyết Đường thời đại của nhà văn Đặng Đình Loan gồm 17 tập dày 8.046 trang. Đây là một trong những bộ tiểu thuyết tư liệu lịch sử viết về đề tài chiến tranh nhân dân mang đậm chất sử thi hoành tráng nhất của văn học Việt Nam viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Tác giả Đặng Đình Loan từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Với cái nhìn của người trong cuộc, thông qua các sự kiện lịch sử, tác giả đã tái hiện lại một cách đầy đủ và chi tiết nhất về cuộc kháng chiến ấy cũng như về số phận những con người đã từng đi tới và bước ra từ cuộc chiến ấy quả thật không dễ dàng chút nào.
Thể loại trường ca ở thời kỳ văn học chống Mỹ cứu nước đã gặt hái được nhiều thành công. Trường ca Bài ca chim Chơ Rao của nhà thơ Thu Bồn mang đậm chất sử thi hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên, cái nôi của những trường ca cổ đại như: Đam San, Xing Nhã, Đam- ti- ông… đã được cả thế giới biết đến. Trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh; Những người đi tới biển của nhà thơ Thanh Thảo; Sông núi trên vai của nhà thơ Anh Ngọc; Lửa mùa hong áo của nhà thơ Lê Thị Mây. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết trong Đường tới thành phố: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Còn nhà thơ Thanh Thảo thì: Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc (Những người đi tới biển). Lê Thị Mây trong Lửa mùa hong áo lại viết: Xin các chị cho em nén giữ trong lòng/ Làn hương sả bắt đầu từ ký ức/ Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi ai không náo nức/ Mong được rời nách áo mẹ ra đi/ Tiếng núi sông thăm thẳm rầm rì/ Phía mặt trận trai làng hành quân lũ lượt/ Mười sáu tuổi cởi khăn quàng mơ ước/ Mũ tai bèo đỏng đảnh bím đuôi sam.
Chỉ tính riêng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học qua bốn đợt (1996, 2000, 2007 và 2012) phong và truy phong gồm 35 người, hầu hết là các nhà văn đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc đã từng kinh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Một số nhà văn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đánh Mỹ như Nguyễn Thi và có người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong… Ngay cả số các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về Văn học trong ba đợt (2000, 2007 và 2012) với trên 140 người cũng hấu hết là các nhà văn mặc áo lính trực tiếp chiến đấu trên trận tuyến chống quân thù.
*
Có thể nói cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc ta chống lại hai kẻ thù xâm lược là Pháp và Mỹ cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây – Nam, biên giới phía Bắc và trên biển Đông là nguồn cội vô tận sản sinh ra nhiều thế hệ nhà văn tài ba vừa tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, vừa hết lòng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Thật sự có lý khi nhóm biên soạn Tổng tập Nhà văn Quân đội do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2000, đã viết trong lời giới thiệu: “…Quân đội đã đào tạo và rèn luyện những thế hệ văn nghệ sĩ thực sự có tài, với nhiều tác phẩm mang đậm tính sử thi, nồng nàn lòng yêu nước. Ấy là một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc đã được văn chương hóa, nghệ thuật hóa với những tài nghệ đặc biệt. Đội ngũ những người cầm bút trong quân đội, nếu được tập hợp lại đã có thể thành một binh đoàn. Đây là một binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt, cùng với các loại hình nghệ thuật khác đã làm nên sức mạnh tinh thần hào hùng trong suốt nửa thế kỷ qua. Điều ấy có thể chứng minh được một cách thuyết phục khi nhìn lại đội ngũ nhà văn kháng chiến với những tác phẩm của họ. Viết về chiến tranh cách mạng và người lính là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của phần lớn các nhà văn thời đó…”.