Sự thật về cồn trong mỹ phẩm bạn cần phải biết

Chào cả nhà!

Đã từ lâu các bạn nghe đến cồn trong mỹ phẩm tuy nhiên liệu các bạn có để ý đến nó hay không hay đã thật sự hiểu về cồn trong mỹ phẩm hay chưa.

Đệ Nhất Sắc đã đọc nhiều bài viết trên mạng, nhưng hầu hết các bài viết đều nói một cách chung chung, và sự thật rõ ràng về tác hại của cồn trong mỹ phẩm lại không đề cập sâu khiến nhiều bạn lầm tưởng rằng cồn trong mỹ phẩm không có nhiều tác hại. Đệ Nhất Sắc nhận thấy rằng nhiều bạn dùng mỹ phẩm tại sao mãi không hiệu quả mà lại làm da thêm tệ đi, bong tróc, khô hơn, và đặc biệt nổi mụn. Nhiều bạn không ngại chi tiền cho việc thử các loại mỹ phẩm kể cả của các hãng lớn nhưng vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tất cả những lý do đó khiến cho Đệ Nhất Sắc cảm thấy cần phải viết bài viết này để hỗ trợ cho các bạn có cái nhìn đúng nhất về cồn trong mỹ phẩm. Và, Đệ Nhất Sắc muốn khẳng định rằng bài viết không có ý kêu gọi các bạn “tẩy chay” mỹ phẩm có cồn mà mục đích duy nhất là giúp các bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho bản thân.

Cồn trong mỹ phẩm

Sử dụng mỹ phẩm thì cần phải biết về cồn trong mỹ phẩm

Đệ Nhất Sắc đã tìm hiểu đến nhiều người am hiểu trong lĩnh vực hóa phẩm, điều chế mỹ phẩm (Các bạn tốt nghiệp từ trường đại học khoa học tự nhiên, đại học nông nghiệp, người làm trong lĩnh vực hóa chất,…). Đồng thời các khái niệm, phân loại thì mình sử dụng wikipedia, và một số trang khác. Kết hợp với kinh nghiệm của bản thân, tựu chung lại để viết nên bài viết này.

Cồn là gì?

Cồn là một nhóm hóa chất với rất nhiều chất khác nhau, mỗi chất lại có một tác dụng lên da khác nhau. Bạn có biết rằng những loại mỹ phẩm được dán nhãn “alcohol-free” vẫn có thể chứa những loại cồn khác như cetyl, stearyl, cetearyl, hoặc lanolin alcohol.

Tóm lại, Alcohol hay dân gian ta gọi nôm na là rượu là cồn, tuy nhiên không phải loại rượu nào cũng uống được. Alcohol Mesthylique (Methanol) có thể gây ra mù mắt, hay chết người. Alcohol Denat thường thấy trong mỹ phẩm với liều lượng quá nhiều cũng gây hại cho da.

Cồn tốt và cồn xấu là gì?

Thực ra, cồn được chia làm 2 loại: cồn béo (fatty alcohol) và cồn khô (drying alcohol).

1. CỒN TỐT: EMOLLIENT ALCOHOLS (FATTY ALCOHOLS)

Cồn tốt được cho là có hiệu quả tốt với làn da, được gọi là: cồn béo, được điều chế từ các loại dầu và chất béo tự nhiên như dầu dừa, dầu cọ. Chúng được tìm thấy trong thiên nhiên dưới dạng sáp, giàu axit béo tốt cho da. Chúng còn có thể được điều chế từ nguồn gốc dầu mỏ trong phòng thí nghiệm.

Vì thế, loại cồn này an toàn và có ích trong mỹ phẩm. Nó ít thậm chí không hề gây ra kích ứng với da mà đặc biệt có lợi cho da: giúp da mềm mịn, làm dịu và duy trì độ ẩm cần thiết (nhờ tác dụng của axit béo). Đóng vai trò là chất nhũ hóa (giúp hòa lẫn nước và dầu để tạo ra hỗn hợp kem và lotion mềm mượt), chất làm đặc mỹ phẩm và là chất giúp làm dịu, mềm da.

Nhìn qua bảng thành phần của các loại mỹ phẩm, bạn dễ dàng phát hiện được loại cồn béo này những cái tên khác nhau như:

    • Cetyl Alcohol
    • Stearyl Alcohol
    • Cetearyl Alcohol
    • Arachidyl Alcohol
    • Lanolin Alcohol
    • Acetylated Lanolin Alcohol
    • Behenyl Alcohol
    • Myristyl Alcohol

2. CỒN XẤU: SOLVENT ALCOHOLS (DRYING ALCOHOLS)

Trái ngược với cồn béo là cồn khô, rất giống với loại cồn có trong bia rượu. Điều đáng quan tâm khi thấy sự hiện diện của cồn khôl trong các sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm trang điểm, bạn sẽ nghe đến và dễ dàng phát hiện ra nó dưới các tên như:

  • Alcohol: tên chung, vẫn chỉ các loại cồn khô – cồn xấu
  • Isopropyl Alcohol
  • SD Alcohol
  • Denatured Alcohol
  • Alcohol Denat
  • Ethanol
  • Methanol
  • Ethyl Alcohol
  • Methyl Alcohol
  • Polyvinyl Alcohol
  • Benzyl Alcohol

Chú ý: Các tên này rất nhiều, nếu bạn không thể nhớ hết hãy học cách sau: cố gắng nhớ tên cồn xấu và lưu ý trong 6 thành phần đầu tiên của bất cứ loại mỹ phẩm nào bạn mua. Đặc biệt các loại cồn xấu có một tên chung là: “alcohol” và tên này hay được các nhà sản xuất sử dụng in lên nhãn thành phần.

Tại sao Đệ Nhất Sắc lại khuyên các bạn nhớ tên cồn khô, đơn giản nó là thành phần được các nhà sản xuất cho vào mỹ phẩm nhiều nhất. Đặc biệt trong các sản phẩm Toner và Kem chống nắng.

cồn trong toner

Tại sao sử dụng cồn khô trong mỹ phẩm?

Không phải không có nguyên do gì mà các nhà sản xuất lại sử dụng cồn khô trong việc sản xuất mỹ phẩm. Nguyên nhân đầu tiên đó là do cồn khô có khả năng chống khuẩn, khử trùng hiệu quả, nhờ vậy mà mỹ phẩm sẽ được bảo quản tốt hơn. Hiện nay vẫn chưa có đối thủ nào “địch” nổi cồn trong việc sát trùng, chống khuẩn.

Thứ hai, cồn khô còn là một dung môi hoàn hảo giúp hòa tan các chất và ngăn ngừa sự kết tinh của thành phần. Khả năng này của cồn khô khiến kết cấu sản phẩm trở nên nhẹ hơn, đồng thời giúp các dưỡng chất quan trọng thấm nhanh và sâu hơn.

Bạn có thể tìm thấy thành phần cồn khô trong rất nhiều loại mỹ phẩm mà điển hình là kem chống nắng hay toner. Nhờ có thành phần cồn khô mà các loại kem, dung dịch sẽ thẩm thấu quá da nhanh hơn, giúp làm khô dầu trên bề mặt da tốt hơn. Vì vậy, cồn khô có tác dụng rất lớn trong việc thẩm mỹ, đặc biệt là với các bạn gái có làn da dầu.

Và đây, dòng in đậm cuối là điều khiến nhiều bạn ngộ nhận rằng cồn khô nhưng lại có tác dụng khá tốt chỉ là giúp chất thẩm thấu nhanh hơn. Thật là sai lầm!

Nếu bạn tin vào những gì nhà sản xuất nói với chúng ta thì bạn thật là ngây thơ. Bạn thử nghĩ xem, nếu bạn sản xuất ra một sản phẩm bạn có muốn nói với khách hàng về khuyết điểm của sản phẩm không. Dĩ nhiên là không, và nhà sản xuất mỹ phẩm cũng vậy, họ sẽ kín như bưng về sự nguy hại của cồn khô trong mỹ phẩm mà họ bán cho bạn.

Tỉnh ngộ về cồn trong mỹ phẩm

Cồn khô luôn gây hại cho da

Những loại cồn khô bay hơi nhanh khiến da khô thoáng, cảm giác lỗ chân lông se lại, bởi vậy trở thành lựa chọn sử dụng cho bạn da dầu nhờn. Nhưng những lợi ích chóng vánh này lại để lại hậu quả lâu dài cho da. Các bạn gái có để ý thấy rằng bạn sẽ thích toner hay kem chống nắng thẩm thấu nhanh vào da mà không để lại nhờn rít không. Nó khác hẳn so với một số loại serium đặc trị hay đơn giản một số loại kem chúng ta dùng vào ban đêm dễ khiến các bạn cảm thấy nhờn rít, khó chịu khi mới bôi lên. Các nhà sản xuất đã lợi dụng đặc tính khô dễ bay hơi để tạo cảm giác thích thú, ấn tượng với sản phẩm ngay từ đầu, từ lúc dùng thử, và thế là bạn quyết định mua không ngần ngại.

Luôn luôn phải nhớ rằng, cồn khô gây hại cho bất kỳ làn da nào, nó khiến da khô, nhanh bào mòn, da mỏng dễ kích ứng, dễ viêm nhiễm, trong thời gian ngắn da được bào mòn bạn sẽ nhìn thấy da mịn màng tươi mới hơn, nhưng hậu quả về sau là mọi chức năng của da đều sẽ bị suy yếu. Bạn cứ thử hình dung cồn người ta tẩy trùng trong bệnh viện, với cồn dùng trong sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của các bạn nằm cũng một bảng xếp loại cồn khô thì sẽ biết điều Đệ Nhất Sắc nói là đúng hay sai.

=> Đây chính là sự ngộ nhận mới đầu của bạn về chất lượng của mỹ phẩm. Bạn tưởng như đã kiếm được sản phẩm phù hợp với da của mình, bạn thấy da tươi sáng, mịn hơn chỉ sau một lần sử dụng nhưng lại không hiểu vì sao sau 1, 2, 3,…nhiều tháng sử dụng da bạn bắt đầu có mụn ẩn, da khô hơn nhưng lại rất dễ đổ dầu, đổ dầu nhiều và đậm ở vùng chữ T, lỗ chân lông to ra, mụn đầu đen, mụn trứng cá xuất hiện. Bạn nghi ngờ do thời tiết? Do nội tiết tố thay đổi? Đó cũng có thể là nguyên nhân nhưng hãy kiểm tra lại da của bạn trước đã, có phải da bạn mỏng hơn, dễ bắt nắng hơn, sạm hơn, vết thâm lâu lành hơn,… tất cả đều có thể do mỹ phẩm của bạn chứa lượng cồn khô quá lớn.

Có thể bạn đã từng nghe, alcohol là một thành phần tốt giúp các thành phần khác như: retinol và vitamin C hấp thụ vào da một cách hiệu quả hơn. Đây là sự thật, alcohol giúp tăng cường sự hấp thụ các thành phần, nhưng quá trình làm việc của alcohol lại phá hủy bề mặt da, phá vỡ hàng rào bảo vệ da giúp làn da khỏe mạnh. Bạn nên tìm một phương pháp khác, có thể đưa các thành phần tốt vào trong da mà không làm tổn thương lớp bên ngoài, vì dùng alcohol để thúc đẩy da hấp thụ chất chung quy tác hại lâu dài nguy hiểm hơn hiệu quả tạm thời nhiều.

Alcohol ngăn cản tiền vitamin A (beta-carotene và retinol) không cho chúng chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Điều này dẫn đến da bạn thiếu hụt các chất để duy trì sự trẻ trung của làn da. Điều này cũng giải thích vì sao người nghiện rượu già đi rất nhanh. Và bạn dùng mỹ phẩm chứa cồn khô một thời gian sẽ thấy da xấu đi rất nhiều.

Mỹ phẩm có cồn khô thích hợp với bạn da dầu???

Đối với da dầu nhờn, sản phẩm chứa alcohol làm tan chất dầu tự nhiên trên bề mặt da, khiến da khô thoáng, dẫn đến việc bạn ngộ nhận rằng nó tốt cho da.

Các nhà sản xuất nói rằng sản phẩm có chứa cồn khô của họ giúp kiểm soát lượng dầu nhờn tiết ra trên da bạn, hạn chế nhờn da, bí lỗ chân lông. Thật trớ trêu, nó hoàn toàn sai.

Bạn phải hiểu khi lớp dầu tự nhiên trên da mất đi, da sẽ phải tiết lượng dầu ra nhiều hơn để cân bằng lại lượng dầu và nước trên da, tránh trường hợp thiếu hụt dầu khiến da mất nước, thiếu ẩm. Chất dầu tự nhiên trên bề mặt da rất cần thiết để ngăn sự bay hơi của nước trong da, duy trì độ ẩm cần thiết cho da và bảo vệ da khỏi hư tổn do các chất gây kích ứng.

Sau khi làm bốc hơi chất dầu bảo vệ và lớp nước giữ ẩm của da, cồn làm cho da rất dễ bị thâm nhập do hàng rào cản bảo vệ da đã bị phá vỡ. Có thể bạn nghĩ điều này rất tốt cho các chất thâm nhập vào sâu da hơn, nhưng hãy nhớ rằng các chất tốt xâm nhập được thì chất xấu cũng dễ dàng xâm nhập thôi. Chưa một hãng mỹ phẩm nào trên thế giới sản xuất ra sản phẩm mà dám đảm bảo rằng nó chỉ thẩm thấu chất tốt, loại bỏ chất xấu. Các hóa chất độc hại và thành phần bảo quản khi thâm nhập sâu vào trong da, chỉ khiến tình trạng da bạn tệ hơn, tình trạng mụn nghiêm trọng hơn chứ không hề thuyên giảm. Đặc biệt, alcohol làm cho dầu trên da còn tiết ra nhiều hơn, gây ra bệnh da gà, lỗ chân lông to hơn nữa.

Cồn trong mỹ phẩm có thật sự cần tẩy chay?

Như Đệ Nhất Sắc đã nói từ đầu, không phải tự nhiên mà một chất gây hại lại được đưa vào mỹ phẩm, nếu không có cồn trong mỹ phẩm cũng là một nguy cơ đáng lo ngại về độ bảo quản mỹ phẩm. Vậy thì, các nhà sản xuất có cách nào để hạn chế tác hại của cồn trong mỹ phẩm?

Câu trả lời là có.

Các nhà sản xuất đã thêm vào bảng thành phần những chất cấp ẩm, tái tạo da, chống lão hóa để hạn chế bớt tác hại của cồn. Điển hình như: Kem chống nắng Cle de peau UV Protection Cream SPF 50 PA++++ có Alcohol Denat đứng thứ 5 nhưng được bổ sung nhiều thành phần cấp và giữ ẩm, chống lão hóa nên da vẫn ẩm mượt. Dưới đây, Đệ Nhất Sắc cầm trên tay sản phẩm quen thuộc bán nhiều trong siêu thị. Tuy nhiên, Đệ Nhất Sắc cũng nói thêm rằng alcohol đứng thứ 4 là nồng độ cao rồi, không thích hợp da bạn nào bị mụn đâu nhé.

Vì thế, tẩy chay các sản phẩm chứa cồn không phải là sự lựa chọn thông minh mà bạn phải biết cồn trong loại mỹ phẩm bạn dùng có nồng độ như thế nào, có được bổ sung các hợp chất tốt khác để hạn chế tác hại của cồn hay không.

Lựa chọn mỹ phẩm có cồn sao cho đúng?

Thứ nhất, nếu bạn trong tình trạng da nhờn, mụn quá nặng lời khuyên Đệ Nhất Sắc đưa ra là hãy đi khám đi, đến các trung tâm thẩm mỹ uy tín hoặc các bệnh viện để điều trị, các bác sĩ sẽ khám, và nói chính xác da bạn đang cần làm gì?. Đừng cố chấp tin rằng bạn sẽ khỏi thôi, bạn sẽ tìm được một sản phẩm trị dứt điểm nó thồi, không sao cả. Đừng ngụy biện như vậy, nếu để da bạn bị viêm nhiễm quá lâu sẽ kéo dài sự tổn thương lên các tế bào tốt khác của da, làm vết thương khó chữa, lâu lành hơn. Hãy đến bẹnh viện đi! Nhớ nhé!

Thứ hai, bạn có làn da khô, nhạy cảm hoặc có tiền sử kích ứng với cồn nên lựa chọn sản phẩm alcohol-free (hoàn toàn không chứa cồn) để sử dụng. Đừng nghĩ cồn với lượng nhỏ không làm ảnh hưởng da của bạn.

san_pham_khong_chua_con_trong_my_pham

Thứ ba, cách nhận biết nồng độ cồn trong sản phẩm sử dụng rất đơn giản, nếu cồn được liệt kê ở gần cuối chứng tỏ nồng độ cồn trong sản phẩm thấp. Nếu cồn xuất hiện trong 6 thành phần đầu tiên, có thể coi nồng độ cồn trong sản phẩm là cao. Ngược lại, tẩy chay các sản phẩm chứa cồn khô đứng thứ 1 bảng thành phần vì nồng độ rất cao, nồng độ cồn cao như vậy dẫn đến vỡ thành collagen của da, rất khó khắc phục về sau.

Thứ tư, các loại cồn béo (fatty alcohols) có lợi cho da nhưng với liều lượng nhiều, những loại cồn béo này có thể gây bít tắc lỗ chân lông gây ra mụn ẩn, hãy cân nhắc khi chọn mỹ phẩm chứa nó. Ví dụ: Myristyl Alcohol và Lanolin Alcohol đều nằm trong bảng những thành phần dễ gây bít tắc lỗ chân, gây ra mụn ẩn.

Thứ năm, hãy tìm đến các sản phẩm dưỡng da chứa những thành phần có lợi cho da dầu hoặc mụn như salicylic acid (tẩy da chết và loại bỏ dầu thừa), benzoyl peroxide (giảm dầu, diệt vi khuẩn gây mụn), kaolin (có trong các loại mặt nạ đất sét hút dầu), hyaluronic acid (dưỡng ẩm mà không gây nhờn, bí da) hay silica hoặc dimethicone (các khoáng chất họ silicones có khả năng kiềm dầu, không làm tắc lỗ chân lông, thường thấy trong những sản phẩm primer hoặc serum)….

Ví dụ Kem chống nắng Kanebo Allie EX UV protector chứa hyalurolic acid và chiết xuất tảo biển giữ ẩm cho da, mát lạnh, thoáng da.

Lời cảnh báo quan trọng nhất về lựa chọn mỹ phẩm

Tập trung vào bảng thành phần của bất cứ một loại mỹ phẩm nào

Hãy tránh xa các lời quảng cáo có cánh về sản phẩm của họ tốt như thế nào, kiềm dầu ra sao, làm trắng sáng tức thì, thay vào đó hãy tập trung vào list thành phần mỹ phẩm mà bạn có ý định chọn. Hãy xem alcohol đứng thứ mấy, hãy xem các hợp chất khác có tốt không, phù hợp với da bạn không. Làm thế nào để biết: Tìm hiểu thật kỹ trên mạng, đọc review của các blogger đã từng dùng sản phẩm, tham khảo bạn bè người thân đã từng dùng sản phẩm. Đừng nói với Đệ Nhất Sắc rằng bạn lười, bạn có thể bỏ ra vài trăm ngàn đến vài triệu để chi cho sản phẩm dưỡng da nhưng lại lười bỏ ra 30p tìm hiểu các thông tin về sản phẩm và rồi bạn bỏ ra vài tháng, hay vài năm để đi chữa lại tình trạng thậm tệ về da do bạn lười bỏ ra 30p kia. Xin đừng nói với mình như vậy, vì đó là điều thật đau lòng!

Đừng tin vào cảm giác đầu khi sử dụng sản phẩm

Giống như người ta thường nói “tình yêu sét đánh” thì thường không bền lâu. Nhớ nhé, ấn tượng ban đầu không phải trường tồn mãi về sau.

Hãy khoan phàn nàn với một số sản phẩm đắt tiền, được đánh giá tốt, hiệu quả thực sự nhưng khi dùng lên da bạn lại thấy bết dính, nhờn. Thay vào đó, hãy cảm nhận xem 15p-1h sau thì da của bạn có thật sự bị nhờn như ban đầu. Đệ Nhất Sắc lấy ví dụ về sản phẩm Tinh chất trị nám mụn cc melano, nhiều bạn than với Đệ Nhất Sắc nó gây nhờn rít kinh khủng khi mới bôi, Đệ Nhất Sắc im lặng và khoảng 3h sau Đệ Nhất Sắc hỏi lại, thì các bạn hoàn toàn ngạc nhiên khi đưa tay lên mặt, không hề bết dính, lượng dầu đổ ít hơn so với thường ngày.

Ở Việt Nam chúng ta óc một thực tế đau buồn là các em PG sản phẩm được tuyển ngoài luồng rất nhiều, cho nên các em không thể hiểu sâu các thành phần trong mỹ phẩm mà chính các em PR, các em chỉ có mục đihcs là truyền tải những thông điệp mà người dùng muốn nghe. Đó chính là những điều các bạn mong muốn, nó thúc đẩy các bạn mua hàng, và thế là các em ấy được hưởng lương. Ngoài ra, còn một số kiểu làm ăn chộp giật bằng cách, cho các bạn thử hàng tốt, nhưng lại bán hàng đểu cho các bạn.

Kết: Vì thế, đừng có ngây thơ mà tin 100% vào điều đã được PR. Không gì là tốt nhất bằng tự mình tìm hiểu. Bạn muốn đẹp bạn phải chịu khó, không ai có thể giúp bạn tốt bằng bản thân bạn. Hãy yêu lấy bản thân mình.

Đệ Nhất Sắc bán hàng Nhật nhưng không có nghĩa Đệ Nhất Sắc chỉ có kinh nghiệm xài hàng Nhật, Đệ Nhất Sắc cũng là tín đồ của mỹ phẩm Pháp và Mỹ, Úc. Vì vậy đừng ngại comment chia sẻ thắc mắc của bạn, hoặc muốn biết thêm thông tin nào về sản phẩm bạn quan tâm, Đệ Nhất Sắc sẽ giải đáp trong khả năng cho phép.