Tiêm tan mỡ và những sự thật không phải ai cũng biết

Nọng và mỡ thừa là nổi ám ánh của rất nhiều chị em phụ nữ. Nhiều người trong chúng ta luôn mong muốn có một gương mặt thon gọn và cơ thể cân đối. Trước đây, chúng ta chỉ biết tới phương pháp hút mỡ là một phẫu thuật giúp loại bỏ mỡ thừa. Bên cạnh phương pháp này còn có các phương pháp ít xâm lấn hơn đó là tiêm tan mỡ. Vậy tiêm tan mỡ có thật sự có hiệu quả hay không? Nó có tiềm ẩn nguy hiểm gì hay không? Mời bạn đọc hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé!

Tiêm tan mỡ là gì?

Hút mỡ là một phẫu thuật thẩm mỹ thường gặp giúp loại bỏ mỡ thừa dưới da. Tuy nhiên, vì là phẫu thuật nên nó đòi hỏi gây mê toàn thân và chi phí khá cao. Ngoài ra nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng. Từ đó nhiều phương pháp giảm mỡ không phẫu thuật được ra đời nhằm hạn chế rủi ro thấp nhất có thể. Trong đó, tiêm vi điểm tan mỡ là kỹ thuật được ứng dụng và chứng minh có hiệu quả.

Tiêm tan mỡ chính là phương pháp mesotherapy hay còn được gọi là tiêm meso, là một kỹ thuật tiêm vi điểm. Tiêm vi điểm tan mỡ sử dụng một lượng thuốc hay dưỡng chất có tác dụng tiêu hủy các tế bào mỡ tiêm trực tiếp vào vùng mỡ thừa.

Quy trình tiêm vi điểm tan mỡ thực hiện rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần sử dụng một cây kim tiêm để tiêm thuốc vào trong vùng mỡ thừa. Vì vậy phương pháp này ít gây xâm lấn đến khách hàng và ít gây nguy hiểm như phẫu thuật thông thường. Ngoài ra hiệu quả của phương pháp này đã được kiểm chứng và ứng dụng khá nhiều trong chỉ định loại bỏ mỡ thừa trên cơ thể.

Trong những năm gần đây, mesotherapy là phương pháp làm đẹp rất phổ biến do ít xâm lấn và ít gây đau. Mesotherapy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt là trong chăm sóc sắc đẹp. Vậy mesotherapy là gì và thực sự có hiệu quả hay không? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời với bài viết: “Mesotherapy (tiêm vi điểm) : Tác dụng của tiêm vi điểm“

Tiêm tan mỡ có hiệu quả hay không?

Kỹ thuật tiêm tan mỡ đã được thực hiện trên nhiều đối tượng và rút ra được kết quả như sau:

  • Khách hàng được điều trị tiêm tiêu mỡ để giảm tình trạng nọng cằm cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được.
  • Kỹ thuật tiêm vi điểm HA còn giúp giảm mỡ vùng bụng, đùi khoảng 3-4 cm và cánh tay khoảng 1-2 cm.

Như vậy, phương pháp tiêm tan mỡ thật sự đem lại hiệu quả giảm mỡ thừa giúp thon gọn cơ thể. Phương pháp tiêm được áp dụng trong loại bỏ mỡ thừa ở nhiều vùng trên cơ thể như dưới cằm, cánh tay, bụng, đùi và bắp chân…

Tiêm tan mỡ có hiệu quả hay không?
Tiêm tan mỡ bụng hoặc tiêm giảm béo có mang lại hiệu quả nếu chúng ta dùng đúng cách

Có nhiều hoạt chất được sử dụng để tiêm vào vùng có mỡ thừa như Phosphatidylcholine, Deoxycholic acid, Melilotus… Cơ chế hoạt động của các hoạt chất này đó là gây viêm mô mỡ, từ đó ly giải và hủy tế bào mỡ. Ngoài ra dưỡng chất trong dung dịch tan mỡ còn có chức năng kích thích tạo collagen giúp săn chắc và giảm chảy xệ.

Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp tiêm tan mỡ phụ thuộc vào chất lượng của dưỡng chất và kỹ thuật tiêm vì:

  • Có rất nhiều dưỡng chất, hoạt chất được quảng cáo có tác dụng tan mỡ thần kỳ; nhưng không rõ hiệu quả hay không. Bạn nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; và đọc kỹ thành phần trong dưỡng chất xem có đúng hoạt chất làm tan mỡ hay không.
  • Dưỡng chất phải được đưa vào ngay vị trí của mô mỡ. Tiêm quá nông hay không đủ độ sâu sẽ không đưa được thuốc vào nơi cần tác dụng. Khi đó sẽ không đem đến hiệu quả điều trị như mong muốn.

Tiêm tan mỡ có thể gặp rủi ro gì?

Tiêm vi điểm tan mỡ là phương pháp ít xâm lấn, vì vậy nó khá an toàn. Tuy nhiên chúng ta có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:

Đau, sưng

Là tác dụng phụ thường gặp nhất, tuy nhiên nó sẽ giảm dần theo thời gian. Cảm giác đau và sưng phù tại vùng tiêm có thể kéo dài 1-2 tuần sau khi tiêm tan mỡ.

Đau, sưng là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi tiêm tan mỡ
Đau, sưng là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi tiêm tan mỡ

Kích ứng

Hoạt chất trong tiêm tan mỡ có nguồn gốc sinh học nên có thể gây dị ứng. Triệu chứng kích ứng là cảm giác châm chích, đỏ da hay ngứa sau khi tiêm. Để phòng ngừa bạn nên sử dụng các dưỡng chất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị nếu bạn có cơ địa dễ dị ứng.

Bầm tím

Bầm máu có thể xảy ra sau khi tiêm nhưng thường rất nhẹ. Tác dụng phụ này là do kim tiêm chạm phải các mạch máu nhỏ dưới da. Vết bầm có thể tự hết tự nhiên hoặc dùng thuốc để vết bầm máu nhanh tan hơn.

Nhiễm trùng

Việc tiêm thuốc tạo nhiều vết hở trên da nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để phòng ngừa nhiễm trùng xảy ra, bạn nên thực hiện ở cơ sở uy tín. Kết hợp với đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm thuốc.

Loét da

Xảy ra khi tiêm nông ở trên bề mặt da. Lúc này các hoạt chất sẽ làm loét vùng da tại vị trí tiêm.

Toàn thân

Ngoài ra còn có tác dụng phụ lên toàn thân; như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn kinh nguyệt và ngất do tiêm liều cao. Để phòng ngừa biến chứng này cần tiêm đúng và đủ liều lượng thuốc.

Tiêm tan mỡ cũng có những chống chỉ định mà bạn cần lưu ý
Tiêm tan mỡ cũng có những chống chỉ định mà bạn cần lưu ý

Những ai không nên tiêm tan mỡ?

Để hạn chế những rủi ro xảy ra, không nên thực hiện tiêm tan mỡ cho các đối tượng sau:

  • Dưới 18 tuổi không nên thực hiện tiêm tan mỡ mà nên giảm mỡ bằng các phương pháp ăn kiêng, tập luyện.
  • Da đang bị nhiễm trùng sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng hơn khi tạo các vết thương hở trên da. Tốt nhất, bạn nên điều trị cho da khỏi hẳn rồi hãy thực hiện tiêm.
  • Bệnh lý rối loạn đông máu sẽ làm tăng thời gian chảy máu tại các điểm tiêm. Chảy máu sau tiêm sẽ khó cầm nếu khách hàng có bệnh lý rối loạn đông máu.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho cho con bú không nên thực hiện phương pháp này.

Có thể bạn quan tâm: “Thuốc giảm cân có an toàn để sử dụng?“

Phương pháp tiêm vi điểm tan mỡ hay tiêm tan mỡ đem lại lợi ích làm đẹp và tương đối an toàn. Tuy nhiên, bạn nên kết hợp ăn uống và tập luyện phù hợp giúp tăng hiệu quả thon gọn cơ thể. Ngoài ra, bạn nên đến các cơ sở uy tin tín để được tiêm đúng kỹ thuật. Việc này giúp hạn chế tai biến có thể xảy ra.