Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc hạ mỡ máu

1. Rối loạn mỡ máu và vai trò của các thuốc hạ mỡ máu

Lipid máu hay còn được gọi là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Trong thực tế, lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Cholesterol là một chất quan trọng có mặt ở nhiều cơ quan, bộ phận, trong các hormon của cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường, khỏe mạnh. Vấn đề đặt ra là khi cơ thể bị mất cân bằng giữa các loại cholesterol dẫn đến bệnh lý – rối loạn lipid máu.

Rối loạn lipid máu có nguy cơ gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu, là nguyên nhân gây hẹp và tắc hệ thống mạch máu dẫn tới tình trạng thiếu máu các cơ quan và nguy hiểm hơn, có thể gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não.

Sự ra đời của các thuốc hạ mỡ máu là một cuộc cách mạng trong y học, giúp kiểm soát dự phòng và điều trị các bệnh lý tim mạch xơ vữa, giúp giảm các biến cố và tử vong do tim mạch.

2. Tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu

Bên cạnh vai trò của các thuốc kiểm soát mỡ máu đặc biệt statin đã được chứng minh và sử dụng ngày càng rộng rãi, thì các nghiên cứu cũng ghi nhận những tác dụng phụ của nó (SAS) từ nhẹ đến nặng.

2.1.Đối với hệ cơ xương khớp:

Các triệu chứng cơ liên quan đến statin ( SMAS) là tác dụng phụ phổ biến nhất, chiếm 10% đến 25% các trường hợp sử dụng statin ở các nghiên cứu được báo cáo:

  • Các tác dụng phụ liên quan đến cơ bao gồm: đau cơ, tăng CK, tiêu cơ vân và nặng nề là hoại tử cơ vân tự miễn ( hiếm gặp) tỉ lệ: 1-3/100000 trường hợp.
  • Triệu chứng lâm sàng có thể gặp: mệt mỏi, đau nhức, chuột rút, biểu hiện viêm (sưng, nóng, đỏ, đau).
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán tiêu cơ vân do thuốc hạ mỡ máu: CK > 10 lần giới hạn trên mức bình thường (ULN) # 2000 U/L và không có nguyên nhân gây tiêu cơ khác (tiêu chuẩn này đã được Các hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, hiệp hội tim mạch Canada đồng thuận)
  • Hậu quả:

– Quá trình tổn thương cơ và giải phóng myoglobin có thể tắc ống thận và gây suy thận cấp. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không chỉ phụ thuộc vào nồng độ CK mà còn phụ thuộc vào tình trạng hydrat hoá và sức khoẻ chung của người bệnh.

– Cretine cơ giải phóng từ quá trình tiêu cơ vân được chyển hoá thành Creatine làm tăng nồng độ Creatine huyết thanh mà không nhất thiết có tổn thương thận.

* Bao lâu thì nên đo CK ở bệnh nhân dùng thuốc hạ lipid?

– Xét nghiệm trước khi bắt đầu trị liệu:

  • Nếu CK ban đầu> 4 ULN, thì không dùng thuốc và kiểm tra lại.
  • Nếu < 4 lần có thể dùng thuốc và không cần thiết phải theo dõi CK định kỳ. Kiểm tra CK nếu bệnh nhân bị đau cơ.

Cảnh giác về bệnh cơ và tăng CK ở những bệnh nhân có nguy cơ, chẳng hạn như: bệnh nhân cao tuổi, những người đang điều trị đồng thời can thiệp, dùng nhiều loại thuốc, bệnh gan hoặc thận, hoặc vận động viên.

*Điều gì sẽ xảy ra nếu CK tăng cao ở một người dùng thuốc hạ lipid?

– Đánh giá lại chỉ định điều trị bằng statin nếu CK > 4 lần:

  • Nếu CK > 10 lần: ngừng điều trị, kiểm tra chức năng thận, theo dõi CK 2 tuần một lần.
  • Nếu CK <10 lần: nếu không có triệu chứng, tiếp tục điều trị hạ lipid máu trong khi theo dõi CK từ 2 đến 6 tuần.
  • Nếu CK <10 lần: nếu có triệu chứng, ngừng statin và theo dõi sự bình thường hóa CK, trước khi điều trị lại bằng liều statin thấp hơn.

– Đánh giá lại chỉ định điều trị bằng statin nếu < 4 lần:

  • Nếu không có triệu chứng về cơ, tiếp tục statin (bệnh nhân nên được thông báo để báo cáo các triệu chứng; kiểm tra CK).
  • Nếu các triệu chứng về cơ à phải theo dõi các triệu chứng và CK thường xuyên.

Khi các triệu chứng vẫn tiếp diễn, ngừng statin và đánh giá lại các triệu chứng sau 6 tuần. Cân nhắc sử dụng lại cùng một loại statin hoặc một loại statin khác.

Cân nhắc dùng statin liều thấp, cách ngày thay thế hoặc chế độ dùng thuốc, hoặc liệu pháp phối hợp.

2.2 Đối với gan mật:

  • Các tác dụng phụ liên quan đến gan mật bao gồm: rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan SGOT/SGPT, dẫn tới hoại tử tế bào gan. Bệnh nhân bị mệt mỏi, chán ăn, đau bụng trên, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,…
  • Xét nghiệm men gan nên được tiến hành trước khi điều trị và nhắc lại một lần, 8-12 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc hoặc sau khi tăng liều.
  • Việc xét nghiệm men gan thường quy sau đó không được khuyến cáo trong quá trình điều trị bằng statin, trừ khi các triệu chứng cho thấy bệnh gan tiến triển.

*** Khi men gan tăng cao ở một người dùng thuốc hạ lipid?

  • Nếu ALT < 3 lần: Tiếp tục trị liệu và kiểm tra lại men gan sau 4-6 tuần.
  • Nếu ALT tăng lên > 3 lần:
  • Ngừng liệu pháp hạ lipid máu hoặc giảm liều và kiểm tra lại men gan trong vòng 4-6 tuần. Có thể cân nhắc thận trọng việc áp dụng lại liều ban đầu sau khi ALT đã trở lại bình thường. Nếu ALT vẫn tăng, hãy kiểm tra các lý do khác.

*** Những trường hợp bị viêm gan cấp hoặc mãn tính, có men gan tăng kéo dài chống chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu.

2.3Đối với hệ tiêu hóa:

  • Thuốc hạ mỡ máu có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón khi dùng thuốc nhóm fibrat; đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn khi dùng thuốc nhóm statin, …

2.4 Đối với hệ thần kinh

  • Khi dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, một số người có thể bị giảm trí nhớ, nhầm lẫn, phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên, …

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu

Tác dụng phụ liên quan thuốc hạ mỡ máu có nguy cơ gia tăng ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi đặc biệt > 65 tuổi, khi dùng statin liều cao hoặc phối hợp nhiều nhóm thuốc hạ mỡ máu (ví dụ statin+ fibrate).

  • Việc kiểm soát mỡ máu phải kết hợp duy trì chế độ ăn lành mạnh và vận động thể dục thể thao. Những trường hợp rối loạn lipid máu nhẹ và phân tầng nguy cơ tim mạch thấp phương pháp trên là ưu tiên hàng đầu (chưa đặt ra vấn đề dùng thuốc).
  • Người bệnh cần hạn chế mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol, nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá,…
  • Nghỉ ngơi đợt ngắn khi áp dụng liệu pháp dùng thuốc nhóm statin để cải thiện sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, cải thiện dần cường độ tập luyện để tránh đau cơ bắp.
  • Không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá.
  • Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc nhóm statin, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ gồm: amiodarone, clarithromycin, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir… Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về bệnh mình đang mắc và đưa danh sách các thuốc đã, đang dùng để bác sĩ tư vấn sử dụng loại thuốc hạ mỡ máu phù hợp.

Tóm lại, các thuốc hạ mỡ máu (đặt biệt là các Statin) đóng vai trò quan trọng trong các bệnh lý tim mạch xơ vữa- tim mạch chuyển hoá. Tuy nhiên chỉ định dùng thuốc không chỉ phụ thuộc vào nồng độ mỡ máu mà còn dựa phân tầng nguy cơ tim mạch và bệnh lý đi kèm. Ngoài ra các thuốc hạ mỡ máu đều có khả năng gặp tác dụng phụ. Vì vậy để đạt hiệu quả điều trị cao và hạn chế được những biến chứng không mong muốn quý bệnh nhân cần có sự tham vấn của bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị và theo dõi theo hướng dẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Hội tim mạch Việt Nam: Rối loạn lipid máu và nguy cơ tim mạch
  • https://www.researchgate.net/publication/303293478_Statin-Associated_Side_Effects
  • 2019 ESC/EAS Guidelines for the management of dyslipidaemias: lipid modification to reduce cardiovascular risk: The Task Force for the management of dyslipidaemias of the European Society of Cardiology (ESC) and European Atherosclerosis Society (EAS)