Skincare routine chuẩn xác và chi tiết từng bước cho người mới

Vì vậy, trong bài viết này, Seun xin chia sẻ tất tần tật về cách layer các sản phẩm dưỡng da sao cho đúng nhé.

1. Skincare routine “chuẩn” sẽ như thế nào ?

Buổi sáng: Sữa rửa mặt – Toner (làm sạch/cấp ẩm) – Dưỡng ẩm – Kem chống nắng.

Buổi tối: Tẩy trang – Sữa rửa mặt – Toner (làm sạch/cấp ẩm) – Treatment – Dưỡng ẩm.

Chắc sau khi xem xong 2 chu trình skincare trên, bạn sẽ thắc mắc vì sao Seun chỉ ghi chung chung là treatment và dưỡng ẩm ? Câu trả lời chính là vì treatment cũng có nhiều hoạt chất khác nhau, texture lỏng/đặc tùy loại và độ pH cũng khác, dưỡng ẩm cũng chia thành nhiều kết cấu khác nhau. Nếu không biết cách layer sao cho đúng nên các sản phẩm bạn dùng sẽ giảm hẳn hiệu quả trên da đó.

2. Các nguyên tắc layer sản phẩm mà bạn cần “nằm lòng”

2.1 Nguyên tắc lỏng trước đặc sau:

Đây là nguyên tắc thường áp dụng với các sản phẩm dưỡng ẩm, khi trên thị trường có quá nhiều loại dưỡng ẩm khác nhau khiến chị em loạn cả mắt.

Thứ tự skincare routine

Thứ tự skincare routine

Với kiểu dưỡng da của Châu Âu thì các sản phẩm dưỡng ẩm hầu như chỉ xuất hiện với một vài tên gọi như toner, serum dưỡng ẩm,.. nhưng ở Châu Á, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản thì có vô vàn các loại như essence, lotion, first serum,…

Một số “style” sản phẩm dưỡng ẩm trên thị trường như:

  • Toner: Kết cấu thường lỏng như nước, cấp ẩm vừa phải, thấm cực nhanh trên da nên thường được apply ngay sau bước làm sạch da.
  • Lotion/Sữa dưỡng/Emulsion: Kết cấu thường sánh hơn toner một chút, thường hay có màu trắng đục giống sữa, cấp ẩm tốt hơn hẳn toner và có 1 vài loại cho da khô thì sẽ để lại lớp màng ẩm hoặc làm da căng bóng.
  • Essence: Kết cấu cũng khá tương tự lotion nhưng tùy vào hãng và tùy công nghệ thì essence sẽ có thiên hướng “ngậm” nhiều dưỡng chất hơn.
  • Serum: Một dạng thức dưỡng da “cô đặc” khi hội tụ rất nhiều hoạt chất tinh túy với nồng độ cao lỳ tưởng, giúp giải quyết được các vấn đề trên da. Seun lấy ví dụ như serum ceramide nhà Lucenbase sẽ có hàm lượng ceramide cao hơn toner củng dòng, cùng hãng.
  • Ampoule: Có “bề ngoài” giống serum nhưng lượng dưỡng chất cô đặc trong đó cao hơn serum một chút (tùy brand), sẽ có thiên hướng cấp ẩm nhiều hơn serum và giải quyết được các vấn đề trên da nhanh hơn serum thông thường. Seun ví dụ như các dòng ampoule của Teana, hiệu quả giảm đỏ da, giảm sưng mụn cực kì nhanh.
  • Kem dưỡng da: Thường “xuất hiện” dưới 3 loại texture chính là gel, gel cream và cream đặc. Gel thấm nhanh nhất, sau đó đến gel cream và cuối cùng dạng cream đặc là thấm lâu nhất. Chính vì vậy, bạn thường nghe những người có chuyên môn về skincare khuyên là da dầu thì nên xài kem dưỡng dạng gel/gel cream còn da khô thì xài dạng cream đặc, là vì khả năng cấp ẩm khác nhau đó.
  • Dầu dưỡng: Việc dùng dầu dưỡng thường không quá phổ biến ở Việt Nam vì đa số da người Việt Nam thường là kiểu da dầu/da hỗn hợp. Nhưng ở phương Tây, da khô rất ưa chuộng các loại dầu dưỡng vì khả năng cấp ẩm lẫn khóa ẩm “thượng thừa”, cũng chính vì thế, dầu dưỡng luôn là bước cuối cùng trong skincare routine. Nếu bạn apply dầu dưỡng trước các bước kia thì chắc chắn các sản phẩm sau đó sẽ không thể thấm nổi.

Bên cạnh các sản phẩm dưỡng ẩm khác nhau Seun vừa liệt kê bên trên, còn rất nhiều loại khác như first serum, first essence, nước thần,.. thì tùy vào texture mà bạn apply nhé.

Bạn nên nhớ rằng nhiều khi tiền serum vẫn có thể dùng để khóa ẩm chứ không nhất thiết phải có tên là “kem dưỡng” thì mới khóa ẩm được đâu nhe.

Vậy: Bạn hãy chú ý đến tên gọi, texture của sản phẩm cũng như HDSD để apply đúng thứ tự nhé: Kết cấu lỏng apply trước, dày thì apply sau.

2.2 Nguyên tắc độ pH từ thấp đến cao:

Nguyên tắc này thường áp dụng với các sản phẩm mang tính đặc trị nhiều hơn, vì các sản phẩm treatment hoạt động vô cùng mạnh mẽ và khả năng gây kích ứng cao hơn các sản phẩm dưỡng ẩm thông thường nên cần thứ tự apply chính xác để không làm mất hiệu quả và gây kích ứng da.

Skincare routine theo PH

Skincare routine theo PH

Tuy nhiên, một vài sản phẩm chấm mụn như benzyl peroxide, chấm mụn 2 tầng (drying lotion) và tea tree oil sẽ không phụ thuộc vào độ pH nên bạn cứ “mặc định” thoa các sản phẩm này ở cuối chu trình dưỡng da ban đêm.

2,3 Một số hoạt chất khi kết hợp với nhau bạn cần lưu ý thứ tự apply:

BHA + Niacinamide:

Mụn giảm rõ rệt khi skincare routine đúng

Mụn giảm rõ rệt khi skincare routine đúng

  • Đây là combo “vàng ngọc” giúp giải quyết triệt để mụn, nhất là mụn ẩn, mụn đầu đen và mụn cám. BHA sẽ giúp thông tắc lỗ chân lông, giảm tiết dầu và bã nhờn, trong khi đó Niacinamide sẽ kiềm dầu, làm sáng thâm mụn và điều tiết dầu thừa cực hiệu quả.
  • BHA thường có độ pH xấp xỉ 4.0 và Niacinamide sẽ ‘quanh quẩn” khoảng 5.0-6.0 nên bạn hãy apply BHA trước nhé.
  • Thứ tự apply cụ thể như sau: Làm sạch da – (toner) – BHA – sau ít nhất 20’ – Niacinamide – Dưỡng ẩm.

AHA + Niacinamide:

Kết hợp routine mờ thâm mụn

Hiệu quả mờ thâm giảm mụn rõ rệt

  • 2 hoạt chất này cực kì phù hợp cho bạn nào vừa muốn chống lão hóa, sáng da và trị mụn dạng nhẹ vì bản thân AHA đã có khả năng giảm thâm mụn, sáng da đỉnh cao, tăng sinh collagen và Niacinamide thì kiềm dầu, làm sáng da tốt.
  • AHA cũng có độ pH tương tự BHA, tầm khoảng 3.5-4.0 và Niacinamide rơi vào khoảng 5.0-6.0 nên bạn hãy apply AHA trước nhé.
  • Thứ tự apply cụ thể như sau: Làm sạch da – (toner) – AHA – sau ít nhất 20’ – Niacinamide – Dưỡng ẩm.

Niacinamide + Retinol:

  • Retinol vốn là chất chống oxy hóa cực mạnh, kiêm giảm dầu, giảm mụn và tăng sinh collagen cực hiệu quả, còn Niacinamide thì vừa điều tiết bã nhờn, vừa làm sáng da nên combo này quá phù hợp để chống lão hóa và làm sáng da.
  • Nhóm Retinoids thường có độ pH tầm 5.0-8.0 và Niaciamide lại cũng vào khoảng 5.0-6.0, thì tốt nhất bạn nên apply Niacinamide trước, và chờ ít nhất 30’ để độ pH của lớp màng ẩm trên da khôi phục lại trạng thái cân bằng rồi hãy tiếp tục thoa retinol nhé.
  • Thật ra, bạn có thể dựa vào texture của Niacinamide và Retinol để quyết định thoa em nào trước. Nhưng thông thường, Niacinamide nồng độ cao (trên 5%, thường dùng như 1 chất đặc trị) thì hay được bào chế dưới dạng serum, còn Retinol thì thường ở dạng kem nên Seun mới khuyên bạn nên thoa Niacinamide trước.

AHA + BHA:

  • Vấn đề xảy ra khi BHA và cả AHA đều có độ pH xấp xỉ dưới 4.0 một chút, vậy mình nên thoa loại nào trước ?
  • Lúc này mình sẽ dựa vào độ ưa nước/dầu để layer nhé:
  • BHA (Salicylic Acid) thuộc team ưa dầu (bởi vậy mới có câu “Da dầu nên dùng BHA”) nên bạn sẽ apply trước vì BHA sẽ “dọn dẹp” dầu thừa sạch sẽ, giúp mở đường cho AHA thấm sâu hơn.
  • AHA gồm 3 loại phổ biến: Mandelic Acid, Glycolic Acid và Lactic Acid. Theo nhiều nghiên cứu, Mandelic Acid vừa tan được trong dầu, vừa tan được trong nước nên sẽ thoa em này trước. Còn giữa Glycolic Acid và Lactic Acid thì Glycolic Acid có phân tử bé hơn nên sẽ thấm tốt hơn, kết quả là thoa Glycolic Acid trước Lactic Acid nhé.
  • Thự tự routine như sau: Làm sạch da – (toner) – BHA – nhóm AHAs – Dưỡng ẩm.

AHA + Vitamin C:

  • Combo chống lão hóa và làm sáng đều màu da tuyệt cú mèo. Như bạn đã biết, cả AHA và Vitamin C đều có khả năng tăng sinh collagen và làm sáng da, hơn thế nữa, việc tẩy da chết với AHA còn thúc đẩy vitamin C thấm sâu hơn vào da khi không phải “gặp gỡ” các lớp da chết “ngán đường”.
  • Vitamin C chia ra nhiều loại và đương nhiên độ pH cũng khác nhau: L-Ascorbic Acid thì có pH xấp xỉ 2.5-3.5, còn các dạng vitamin C khác như SAP, MAP rơi vào khoảng 6.0. AHA chung quy lại độ pH cũng tầm 3.5-4.
  • Rõ ràng, L-AA và AHA có xấp xỉ độ pH, nhưng nếu chọn apply chất nào trước thì Seun khuyên là tẩy da chết với AHA trước rồi mới dùng serum vitamin C nhé, vì hiểu đơn giản hơn, việc tẩy da chết sẽ giúp “mở đường” cho các chất dưỡng phía sau thấm tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
  • Thứ tự routine như sau: Làm sạch da – AHA – Vitamin C – Dưỡng ẩm.

AHA + Retinol:

  • Việc kết hợp AHA với Retinol sẽ giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa cho da, và làm sáng ra rất tốt, thậm chí có thể cải thiện cả tình trạng nám.
  • Nhóm AHAs với độ pH tầm 3.5-4.0 và Retinoids nói chung có pH tầm 6.0 nên dĩ nhiên, bạn sẽ thoa AHA trước, sau đó mới đến lượt Retinol.
  • Thứ tự apply như sau: Làm sạch da – AHA – Retinol – Dưỡng ẩm.

Chu trình skincare routine đơn giản nhất

Chu trình skincare routine đơn giản nhất

Seun không mention Hydroquinone và Tretinoin ở đây vì 2 chất đó cực kì mạnh và cũng gây kích ứng trên da cao, bạn nào skincare ở level cao lắm mới nên dùng 2 em đó nhé.

3. Một số lưu ý khi layer các sản phẩm skincare

  • Không nên layer quá nhiều bước dưỡng ẩm trong cùng 1 routine, sẽ gây bí da và dễ lên mụn.
  • Không nên lạm dùng layer quá nhiều active mạnh trong cùng 1 buổi dưỡng da, ví dụ buổi tối có thể kết hợp 2 hoạt chất để tăng hiệu quả trị liệu nhưng buổi sáng chỉ nên dùng 1 chất thôi, Seun khuyến khích dùng vitamin C hoặc Niacinamide buổi sáng nhé.
  • Nên chú ý thời gian cho da rest khi thoa liên tiếp 2 hoạt chất đặc trị, vì bạn nên biết, theo nhiều nghiên cứu thì da chúng ta cần ít nhất 2 tiếng để trở về trạng thái cân bằng. Nhưng thực sự không ai thoa AHA xong chờ 2 tiếng rồi thoa Retinol cả, nên bạn cần thoa 2 em ấy cách nhau ít nhất 30 phút nhé.
  • Trong 1 routine có sử dụng thành phần active, không nên dưỡng ẩm quá nhiều trước bước active vì các chất dưỡng ẩm sẽ vô tình cản trở các chất active hoạt động tối đa trên da.
  • Tuy nói là không nên dưỡng ẩm quá nhiều nhưng việc dưỡng ẩm ở mức vừa phải sau bước treatment là cực kì quan trọng. Tùy vào làn da mình mà bạn hãy chọn sản phẩm dưỡng với texture phù hợp nhé.
  • Cuối cùng là đừng bao giờ quên chống nắng nha.

Mong là những chia sẻ vừa rồi của Seun sẽ giúp bạn sớm đạt được “cảnh giới” thượng thừa trong skincare và luôn có làn da đẹp như mong muốn.