Da mụn cần tránh sử dụng sản phẩm có chứa những thành phần này

Nếu bạn là người sở hữu làn da mụn hoặc da dễ nổi mụn, và với tất cả nỗ lực của bản thân, bạn đã thiết lập một chế độ chăm sóc da nghiêm ngặt, không bao giờ sờ tay lên mặt hay táy máy vào nốt mụn, cũng không bao giờ đi ngủ mà chưa tẩy trang da sạch sẽ.

Nhưng sau tất cả, da bạn vẫn bị tắc nghẽn, mụn vẫn cứ thi nhau nổi lên, vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Rất có thể là do những thành phần gây bí tắc lỗ chân lông có trong mỹ phẩm mà bạn đang dùng!

Thông thường thì khi chọn mua mỹ phẩm, đặc biệt là cho da mụn, mọi người thường hay tìm đến các sản phẩm có dòng chữ “oil-free” (không chứa dầu), hoặc “non-comedogenic” (không gây tắc nghẽn lỗ chân lông). Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào có những dòng chữ đó cũng thân thiện với da mụn và không gây bít tắc da như quảng cáo.

Đối với khái niệm “oil-free”, đây là khái niệm thường gắn liền với những sản phẩm giúp giữ cho lỗ chân lông thông thoáng và ngăn chặn phát sinh mụn. Nhưng sản phẩm không chứa dầu lại thường có chứa các thành phần giúp làm da mềm, mịn mượt, và các thành phần này chính là nguyên nhân gây bí tắc lỗ chân lông. Mặc khác thì sản phẩm có chức năng kiềm dầu, hút dầu trên da thường dẫn đến khô da, từ đó lại càng làm da trở nên bí tắc và sinh mụn nhiều hơn do mất cân bằng độ ẩm.

Đối với khái niệm “non-comedogenic”, đây là khái niệm gắn với mỹ phẩm không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông. Tuy nhiên, đây cũng là một khái niệm khá lập lờ, không được đảm bảo tuyệt đối. Các loại mỹ phẩm đề nhãn “non-comedogenic” nghĩa là đã qua thử nghiệm của hãng và không gây mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng trên da, hoặc ít nguy cơ gây mụn. Nhưng không hề có một cơ quan thẩm quyền, tổ chức nào nghiên cứu và xác nhận, cung cấp các chứng nhận khách quan là mỹ phẩm đó có “non-comedogenic” hay không. Tất cả chỉ là khái niệm đánh tráo, marketing từ các nhãn hàng mỹ phẩm mà thôi.

Da-mun-can-tranh-su-dung-san-pham-co-chua-nhung-thanh-phan-nay-1

Vì vậy, khi lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc da hay makeup, không nên quá tin tưởng vào những dòng quảng cáo được ghi trên bao bì. Bạn nên tập tìm hiểu và đọc bảng thành phần của sản phẩm, để tìm ra được những thành phần nào có thể gây kích ứng hoặc bí tắc lỗ chân lông, từ đó tránh được việc làm da nổi thêm mụn. Và bên dưới đây, Happy Skin đã tổng hợp lại những thành phần có trong mỹ phẩm thường gây mụn mà da mụn cần nên tránh. Lưu ý, tất cả chỉ mang tính chất tương đối vì làn da mỗi người mỗi khác, không áp dụng hoàn toàn cho tất cả mọi người bạn nhé!

Silicones

Mỹ phẩm không chứa dầu “oil-free” hay có các thành phần tạo độ mịn mượt và làm mềm da, và thành phần đó thường là gốc silicones. Silicones thường được dùng trong sản phẩm dành cho mặt hay chăm sóc tóc để tạo cảm giác trơn mượt và ngăn chặn sự thất thoát độ ẩm ra bên ngoài, nhưng lại chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn.

Da-mun-can-tranh-su-dung-san-pham-co-chua-nhung-thanh-phan-nay-3

Silicones tạo một lớp màng che phủ trên bề mặt da, khiến cho bụi bẩn và vi khuẩn bị mắc kẹt ở bên dưới lỗ chân lông. Nếu bạn không làm sạch da tốt mà bôi các sản phẩm chứa Silicones lên da sẽ rất dễ làm gia tăng mụn, mụn đầu đen và thậm chí là nổi mụn diện rộng (break-out).

Một số ví dụ về các gốc silicones thường gặp trong mỹ phẩm:

  • Dimethicone: dầu silicone
  • Cetearyl Methicone: silicone không tan trong nước
  • Cyclomethicone: dầu silicone tổng hợp

Thay vì sử dụng mỹ phẩm chứa silicones, bạn có thể chọn sử dụng các loại dầu tự nhiên có công dụng dưỡng ẩm, khóa ẩm và tạo độ mịn mượt cho da (như dầu tầm xuân hay dầu jojoba).

Dầu khoáng (Mineral Oil) và Petrolatum

Cũng tương tự như Silicones, dầu khoáng (Mineral Oil) hay các thành phần thuộc gốc dầu hỏa (Petrolatum) giúp tạo lớp màng che phủ trên bề mặt da, ngăn chặn sự mất nước và độ ẩm từ bên trong da ra môi trường bên ngoài.

Nhưng chính lớp màng này cũng giữ luôn tất cả vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn dư thừa… ở lại lỗ chân lông mà không thoát ra được. Nên mặc dù đây là thành phần hay được gắn mác “non-comedogenic” thì nó vẫn làm da dễ nổi mụn như thường!

Tên thường gặp: Mineral Oil, Petrolatum, Petrolatum Jelly.

Thành phần thay thế: dầu Jojoba hoặc Vitamin E, giúp cấp ẩm nhẹ nhàng, thích hợp cho làn da dầu hoặc dễ bị mụn.

Dầu dưỡng có tỉ lệ Oleic Acid cao

Như đã nêu ở trên thì không phải cứ da dầu hay da mụn là phải chọn mỹ phẩm “oil-free”. Các loại dầu dưỡng từ thiên nhiên vẫn hoàn toàn có thể sử dụng được cho da mụn mà không gây bí tắc, mà còn dưỡng ẩm, khóa ẩm đồng thời chống oxi hóa cực tốt nữa nếu như bạn chọn loại phù hợp.

Yếu tố quan trọng nhất khiến cho một loại dầu có hợp hay không hợp với da dầu/dễ nổi mụn hay không là tỉ lệ linoleic acid và oleic acid trong thành phần của dầu.

  • Oleic Acid (omega-9 fatty acid): Loại acid béo làm cho dầu có kết cấu dày, đặc và cho độ dưỡng ẩm cao. Nhưng acid này sẽ gây mụn cho những loại da dầu bẩm sinh, dầu thiếu nước và hỗn hợp thiên dầu.
  • Linoleic Acid (omega-6 fatty acid): Khi thiếu hụt Linoleic Acid, dầu trên da chúng ta sẽ trở nên dày, dính do tỉ lệ Oleic Acid tăng cao, dẫn đến mụn và bí tắc lỗ chân lông. Nên các loại dầu chứa hàm lượng Linoleic Acid cao là một sự lựa chọn tối ưu cho những ai da dầu và mụn.