Hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty: Bán hàng không rõ nguồn gốc?

Cam kết bằng… miệng

Chị V.K.Chi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Hôm trước, mình có mua 2 gói DHC trắng da tại hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty 28, Chùa Bộc, nhưng toàn thấy tiếng nước ngoài trên vỏ gói, chẳng thấy tiếng Việt đâu. Hỏi nhân viên thì họ nói đây là hàng xách tay từ Nhật về, còn công dụng thành phần ra sao, cũng đều do nhân viên bán hàng nói với mình. Cũng chẳng biết có phải hàng xách tay thật, nhân viên khẳng định thế nên mua vậy”.

Trong vai khách hàng, PV tìm đến một số địa chỉ cửa hàng mỹ phẩm LoveBeauty – được xem là hệ thống chuyên cung cấp mỹ phẩm chính hãng, giá rẻ giật mình và thường xuyên có những đợt sale sản phẩm về mức giá 6.000đ/1 sản phẩm. Theo thông tin, mỹ phẩm LoveBeauty hiện có hệ thống 2 cơ sở tại Hà Nội (28 Chùa Bộc; 218 Kim Mã) và 593 Lê Thánh Tông (Hạ Long, Quảng Ninh).

Hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty: Bán hàng không rõ nguồn gốc? - Hình 1

Cửa hàng mỹ phẩm Lovebeauty cơ sở 28 Chùa Bộc

Ghi nhận của PV, tại cơ sở LoveBeauty 28 Chùa Bộc, nhiều mỹ phẩm được bày bán trang trí khá đẹp mắt với nhiều chủng loại, nhân viên bán hàng giới thiệu các dòng mỹ phẩm được nhập từ Mỹ, Anh, Nhật, Hàn…

Đúng như những gì độc giả phản ánh, nhiều sản phẩm được bày trên kệ hàng, nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt và không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa. Điển hình như mẫu sản phẩm viên uống trắng da DHC, bên trên bao bì sản phẩm đều là tiếng nước ngoài; hàng loạt sản phẩm đắp mặt nạ giấy có giá siêu rẻ từ 6.000 – 25.000 đồng, chi chít chữ tiếng Anh, Hàn, Nhật…

Các dòng sản phẩm nước tẩy trang mắt môi Simple Eye Makeup Remover, có giá 170.000 đồng/sản phẩm; dòng nước tẩy trang Evoluderm size lớn, nhỏ giá 160.000 đồng; dòng nước tẩy trang Byphasse có giá 130.000 đồng; dòng nước tẩy trang Garnier có giá 180.000 đồng; dòng kem tẩy trang Herb Day Cleansing có giá 85.000 đồng, nhiều loại son, dưỡng tóc… cũng không hề được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty: Bán hàng không rõ nguồn gốc? - Hình 2

Người tiêu dùng nghi ngờ về xuất xứ của nhiều sản phẩm tại 2 cơ sở này

Tại cơ sở LoverBeauty 218 Kim Mã, nhiều mặt hàng như kem đánh răng Crest, giá 160.000 đồng; dòng tẩy da chết organic cà phê, miếng đắp mặt nạ, xịt khoáng, đắp mặt nạ đất sét… cũng trong tình trạng tương tự, được nhân viên bán hàng giới thiệu và cam kết “bằng miệng”.

Thắc mắc “trên những mỹ phẩm này toàn tiếng nước ngoài, khách hàng không biết gì về sản phẩm, thì liệu chất lượng sẽ như thế nào?”, nhân viên trấn an rằng “sản phẩm tại cửa hàng có hàng chính hãng và hàng xách tay, đã kinh doanh uy tín trên 10 năm tại Hà Nội, có cơ sở tại tỉnh, thành nên khách hàng hãy yên tâm”.

Chỉ dựa vào những lời cam kết “bằng miệng” của nhân viên tư vấn bán hàng tại hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty, liệu rằng, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm?

Hệ thống mỹ phẩm LoveBeauty: Bán hàng không rõ nguồn gốc? - Hình 3

Sản phẩm mỹ phẩm có giá 6.000 đồng được fanpage của mỹ phẩm Lovebeauty quảng cáo, khách hàng nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm

Hậu quả khôn lường

Cũng chẳng xa lạ với những trưởng hợp dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc mà da mặt bị bong chóc đáng sợ, cụ thể như trường hợp chị Trần Thị S. (22 tuổi, ở Tiền Giang) ngủ dậy, thấy da mặt đột nhiên xuất hiện vài mẩn đỏ kèm ngứa. Người bệnh đã tự ra cửa hàng mua các loại mỹ phẩm được người bán giới thiệu là dùng rất tốt cho da, chữa hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ kèm dưỡng da, làm trắng da. Hậu quả là sau 2 tuần sử dụng, da mặt người bệnh bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng.

Một người bệnh khác là Đào Anh T. (25 tuổi, ở TP.HCM) đến khám trong tình trạng da nổi mẩn đỏ, bong vảy, kèm mụn ở mặt sau khi dùng kem thoa da không rõ loại. Theo lời chị kể, trước giờ da mặt không bị nổi mụn. Một hôm đột nhiên thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, lo sợ nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên Google & Facebook tìm hiểu. “Em vào các trang quảng cáo và được một trang mạng giới thiệu một loại kem bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da, loại kem này không rõ xuất xứ và có giá 900 ngàn/ hộp”, bệnh nhân T. kể lại quá trình tìm mua mỹ phẩm chăm sóc da mặt.

Liên quan tới việc dán tem nhãn sản phẩm mỹ phẩm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết:

“Chủ cửa hàng hay DN phải thực hiện các quy định về tem nhãn mỹ phẩm. Đối với hàng nội địa, phải có giấy phép sản xuất, giấy phép đăng ký, số công bố mỹ phẩm và đáp ứng tất cả các tiêu chí về thông tin trên nhãn. Đối với hàng NK, phải có tem nhãn phụ ghi các thông tin đơn vị NK, đơn vị phân phối, hạn sử dụng. Một sản phẩm mỹ phẩm NK không có tem nhãn phụ, sẽ bị coi là hàng trôi nổi trên thị trường, có thể bị thu hồi và tiêu hủy”.

Cũng theo ông Phú, mỹ phẩm NK không có tem nhãn là thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Một DN, cá nhân có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn cho lô hàng của mình, thì không có lý gì họ lại không đáp ứng các yêu cầu tối thiếu về tem nhãn. Bởi tem nhãn đối với hàng NK, có thể tạm coi là một minh chứng cho hàng hóa đủ điều kiện pháp lý lưu hành. Có thể nói, thực trạng sản phẩm không có tem nhãn phụ thì ở đâu cũng có, “sờ” đâu cũng thấy.

Nói về những tác hại của việc sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, BS. Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM) cho biết, một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm có thể kể đến như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol… Các loại mỹ phẩm dỏm, mỹ phẩm không xuất xứ, không nhãn mác, có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide).

Các bác sỹ, chuyên gia cũng khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc, ưu tiên chọn lựa loại sản phẩm của những thương hiệu uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, các loại mỹ phẩm phải có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng và thành phần được ghi rõ ràng để người dùng nắm rõ.

Nhóm PV