Các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu

Mình tìm hiểu về các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu khi còn học Đại học. Lúc ấy, mình đã rất bối rối khi đứng giữa một “rừng” thông tin trên Internet. Mình hy vọng bài viết dưới đây của mình có thể giúp các bạn mới dưỡng da không phải bối rối như mình ngày xưa. Quan trọng nhất là bạn xác định được phong cách dưỡng da phù hợp với bản thân.

Loại da của bạn là gì?

Trước khi áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, bạn cần xác định loại da của mình. Nếu xác định sai loại da, bạn rất dễ chọn sai sản phẩm. Điều này sẽ khiến bạn vừa tốn tiến vừa tốn thời gian mà dưỡng da không hiệu quả.

Loại da cơ bản có 5 loại là da thường, da dầu, da khô, da hỗn hợp, da nhạy cảm. Đây là cách phân loại cơ bản nhất. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về các loại da, bạn nên tham khảo cuốn sách “Các liệu pháp chăm sóc da hoàn hảo”. Mình đã từng giới thiệu về cuốn sách này trong bài viết “Học cách chăm sóc da từ 6 cuốn sách dạy làm đẹp”.

Với cuốn sách này, bạn sẽ biết được loại da của mình một cách cụ thể hơn. Ví như da của mình là da OSPT – hơi dầu, hơi nhạy cảm, nhiễm sắc tố, căng. Từ đó, khi áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, mình sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phù hợp với loại da đó.

Việc xác định đúng loại da và tình trạng da sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng được các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Ảnh: Internet

Tình trạng da hiện tại của bạn

Không phải bỗng nhiên mình thêm chữ “hiện tại” khi nói đến tình trạng da. Tình trạng da của mỗi người có thể liên tục thay đổi. Điều này phụ thuộc vào môi trường xung quanh, tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng… Ví dụ, loại da của mình là da dầu nhạy cảm. Nhưng trong mùa đông, tình trạng da của mình có thể là da khô nứt nẻ. Hoặc khi đi biển, tình trạng da của mình có thể là cháy nắng bong tróc.

Khi áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, bạn cần linh động sử dụng mỹ phẩm sao cho phù hợp với tình trạng da ở từng thời điểm.

Bạn có thể bỏ qua bước này. Tuy vậy, sau nhiều năm dưỡng da theo “phong cách hữu cơ”, mình thấy việc xác định phong cách dưỡng da đã đem lại cho mình rất nhiều lợi ích. Vì vậy, mình quyết định viết thêm phần này trước khi chia sẻ các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu.

Cá nhân mình luôn ưu tiên các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ trong quy trình dưỡng da hàng ngày. Ảnh: Internet
Cá nhân mình luôn ưu tiên các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ trong quy trình dưỡng da hàng ngày. Ảnh: Internet

Phong cách dưỡng da của một người có thể được thiết lập dựa trên một hoặc nhiều yếu tố:

  • Quy trình dưỡng da: Ví như có bạn dưỡng da theo phong cách “lớp chồng lớp” của người Hàn. Có bạn lại dưỡng da theo phong cách tối giản của người Nhật…
  • Xuất xứ sản phẩm: Bạn có thể là một “tín đồ” của mỹ phẩm Pháp đầy tinh tế. Bạn cũng có thể đắm mình trong thế giới của các loại thảo mộc Ấn Độ…
  • Ngân sách của bạn: Với các bạn dư dả, bạn có thể chỉ dưỡng da với mỹ phẩm high-end, nghĩa là sản phẩm cao cấp. Ngược lại, với các bạn muốn tiết kiệm, bạn có thể chỉ sử dụng mỹ phẩm với giá 300.000đ hoặc 500.000đ cho mỗi sản phẩm
  • Thành phần sản phẩm: Nếu “dễ tính”, bạn có thể sử dụng mọi loại mỹ phẩm mà không cần quan tâm tới thành phần là gì (nhưng điều này rất không nên). Nếu kỹ tính, bạn có thể chỉ dùng mỹ phẩm có thành phần tự nhiên. Hoặc nếu là một “bà già khó tính” giống mình, bạn có thể chọn mỹ phẩm hữu cơ.

Để hiểu hơn về điều này, bạn có thể đọc bài viết “Mỹ phẩm hữu cơ là gì? Làm sao để mua được mỹ phẩm thực sự hữu cơ?”

Đầu tiên là ở các showroom, các cửa hàng bán mỹ phẩm chính hãng. Ngoài ra, thỉnh thoảng mình nhờ người quen ở nước ngoài mua hộ.

Nếu mua online mình thường mua qua Tiki, Adayroi. Với sản phẩm chưa có hàng chính hãng tại Việt Nam, mình thường mua trên Amazon thông qua Fado. Một số mặt hàng mua qua Fado phải trả thêm thuế phí khá cao nên bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua.

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ với các bạn 3 quy trình dưỡng da từ đơn giản đến phức tạp. Đó là dưỡng da tối giản, dưỡng da cơ bản và dưỡng da nâng cao.

Các bước dưỡng da tối giản

Trước khi chia sẻ với bạn các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, mình muốn nói về dưỡng da tối giản. Dưỡng da tối giản là các bước dưỡng da còn ngắn gọn hơn cả các bước cơ bản. Một số bạn rất tôn sùng quy trình dưỡng da tối giản vì nhanh – gọn – nhẹ. Khi phong cách sống tối giản của người Nhật trở nên phổ biến tại Việt Nam, phong cách dưỡng da tối giản cũng theo đó thịnh hành hơn. Tuy nhiên, phong cách này sẽ khó giúp đặc trị các nhược điểm trên da. Bạn nên cân nhắc khi áp dụng phong cách dưỡng da tối giản.

Khi nào nên dưỡng da tối giản?

Khi bạn quá bận rộn như đi làm, đi học, đi du lịch… Đó là những thời điểm bạn nên áp dụng dưỡng da tối giản để tiết kiệm thời gian và công sức. Như mình đã nói ở trên, phương pháp này khó đặc trị các vấn đề cho da như mụn thâm, lão hóa, nếp nhăn, đốm màu… Vì vậy, bạn cần tùy theo tình trạng da thực tế ở từng thời điểm để có quy trình dưỡng da phù hợp.

Dưỡng da tối giản buổi sáng

  1. Làm sạch
  2. Dưỡng ẩm
  3. Chống nắng

Dưỡng da tối giản buổi tối

  1. Làm sạch
  2. Cân bằng
  3. Dưỡng ẩm

Bạn có thể tham khảo thêm các bước dưỡng da tối giản mình từng chia sẻ trong bài “Các bước dưỡng da cơ bản cho mẹ bỉm sữa”.

Các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu

Đối với mình, các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu dưới đây là quy trình lý tưởng nhất ở đa số thời điểm. Quy trình này không quá ngắn như dưỡng da tối giản, không quá dài như dưỡng da nâng cao.

Khi nào nên dưỡng da cơ bản?

Khi bạn đã 25 tuổi. Khi mới dưỡng da, để đỡ bị “ngợp” giữa một rừng thông tin và mỹ phẩm, bạn có thể dưỡng da tối giản trước. Sau đó dần dần bạn chuyển sang dưỡng da cơ bản. Nhưng nếu có thể, bạn nên dưỡng da cơ bản ngay từ đầu bởi quy trình này sẽ cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho da hơn. Quy trình cơ bản này cũng giúp chống lão hóa cho da tốt hơn.

Bạn có thể sẽ thắc mắc rằng 25 tuổi còn khá trẻ, da bạn không cần chăm sóc mà vẫn đẹp. Đúng vậy. Khi 25 tuổi, da bạn có thể vẫn đẹp tự nhiên không cần chăm sóc. Nhưng nếu tiếp tục không được chăm sóc, tới 30 tuổi, da bạn có thể sẽ lão hóa nhanh hơn. Tới 40, 50 tuổi, da bạn có thể “lao dốc” với nhiều dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, chảy xệ, nhợt nhạt, thô ráp… Riêng về chống lão hóa, đây là việc cần làm ngay hôm nay “cho tương lai ngày mai” 😀

Dưới đây là các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu:

Dưỡng da cơ bản buổi sáng

  1. Rửa mặt
  2. Toner
  3. Serum
  4. Dưỡng ẩm
  5. Chống nắng

Dưỡng da cơ bản buổi tối

  1. Tẩy trang
  2. Rửa mặt
  3. Toner
  4. Serum
  5. Kem dưỡng
Quy trình dưỡng da nâng cao với khoảng 10 bước giúp đặc trị tốt các vấn đề của da. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Internet

Các bước dưỡng da nâng cao

Sau khi đã quen với các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, bạn nên tìm hiểu các bước dưỡng da nâng cao. Đây thực chất là các bước dưỡng da kiểu Hàn Quốc với phong cách “lớp chồng lớp”.

Khi nào nên dưỡng da nâng cao?

Khi da bạn có nhiều vấn đề cần đặc trị. Ưu điểm của quy trình dưỡng da nâng cao là da được hấp thu dưỡng chất một cách “dần dần và từ từ”.

Khi bạn dưỡng da tối giản, sau khi rửa mặt, bạn có thể bôi kem dưỡng luôn. Da mặt sau khi rửa có thể sẽ hơi khô, ngay lập tức được khóa ẩm luôn bằng kem dưỡng.

Nhưng khi bạn dưỡng da nâng cao, sau khi rửa mặt, da sẽ được cân bằng với toner. Tiếp đó là các lớp tinh chất, serum rồi mới đến kem dưỡng. Nhờ đó, da sẽ được “ẩm dần đều”, được cấp nước và cấp ẩm từ từ từng bước một. Chính các bước ở giữa như tinh chất, serum sẽ có tác dụng đặc trị các nhược điểm trên da như thâm mụn, nám sạm, lão hóa… Đây là lý do các cô gái Hàn Quốc không ngại bỏ nhiều thời gian và công sức để dưỡng da nâng cao.

Thường ngày, bạn có thể áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu như mình đã giới thiệu ở phần trên. Nhưng những khi có thời gian, hoặc khi có vấn đề về da cần đặc trị, bạn hãy tham khảo các bước dưỡng da nâng cao dưới đây:

Dưỡng da nâng cao buổi sáng

  1. Tẩy trang
  2. Rửa mặt
  3. Toner
  4. Tinh chất
  5. Serum/ Ampoule
  6. Kem mắt
  7. Kem dưỡng
  8. Kem chống nắng

Dưỡng da nâng cao buổi tối

  1. Tẩy trang
  2. Rửa mặt
  3. Tẩy da chết
  4. Mặt nạ
  5. Toner
  6. Tinh chất
  7. Serum/ Ampoule
  8. Kem mắt
  9. Kem dưỡng
  10. Dầu dưỡng/ Mặt nạ ngủ

Khi áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, ngoài việc lựa chọn sản phẩm phù hợp, bạn cần quan tâm tới cả tần suất sử dụng sản phẩm đó. Với 2 quy trình tối giản và cơ bản như trên, bạn có thể dùng các sản phẩm đều đặn tất cả các ngày trong tuần. Nhưng với quy trình nâng cao, một số sản phẩm chỉ nên dùng 1 – 2 lần mỗi tuần.

Bước Tần suất Tẩy trang 1 – 2 lần/ngày Rửa mặt 2 lần/ngày Toner 2 lần/ngày Tinh chất/Serum/Ampoule 2 lần/ngày Kem mắt 2 lần/ngày Lotion/Emulsion/Kem dưỡng 2 lần/ngày Dầu dưỡng 1 lần/ngày Xịt khoáng 2 lần/ngày Tẩy da chết 1 – 2 lần/tuần Mặt nạ 1 – 7 lần/tuần Mặt nạ ngủ 1 – 2 lần/tuần Kem chống nắng 1 lần/ngày

Tẩy trang

“Chỉ trang điểm mới cần phải tẩy trang”. Đây là quan điểm không đúng nhé các bạn. Tẩy trang không chỉ để làm sạch mỹ phẩm mà còn làm sạch vi khuẩn, bụi bẩn và chính dầu thừa do da chúng ta tự tiết ra. Vì vậy, ngay cả khi không trang điểm, bạn vẫn nên tẩy trang mỗi ngày. Tẩy trang giúp da được “làm sạch nông” trước khi “làm sạch sâu” với sữa rửa mặt. Tẩy trang là bước không nên thiếu trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu.

Buổi sáng, bạn không bắt buộc dùng các sản phẩm tẩy trang chuyên dụng. Bạn có thể căn cứ vào tình trạng da thực tế của mình. Trong một số trường hợp, nếu da mặt buổi sáng của bạn láng sạch, không có dầu thừa, bạn thậm chí có thể bỏ qua tẩy trang. Nếu da có dầu, bạn có thể tẩy trang nhẹ với nha đam, mật ong, dầu thực vật… Mình luôn ưu tiên sản phẩm thiên nhiên.

Rửa mặt

Rửa mặt chắc chắc là bước không thể thiếu dù bạn áp dụng các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu hay dưỡng da nâng cao với nhiều bước phức tạp. bạn lưu ý chọn sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ và không gây khô căng da sau khi dùng.

Vào buổi sáng, mình thường pha mật ong nguyên chất với nước ấm để rửa mặt. Đây là công thức nhanh gọn và hiệu quả mình rất thích. Buổi sáng da mặt không bị bụi bẩn hay vi khuẩn nên bạn có thể rửa mặt nhẹ nhàng, không bắt buộc phải dùng sản phẩm rửa mặt có các chất hoạt động bề mặt.

Buổi tối bạn cần dùng các sản phẩm rửa mặt chuyên dụng. Sản phẩm rửa mặt có nhiều dạng như dạng sữa, dạng kem, dạng bọt, dạng gel… Bạn có thể chọn loại phù hợp

Toner

Toner hay còn được gọi là nước hoa hồng. Đây là bước 3 trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Toner giúp cân bằng độ pH cho da sau khi rửa mặt. Ngoài ra, nhiều loại toner còn có tác dụng “cao cấp” hơn như làm sạch, dưỡng ẩm, trị thâm, cấp nước…

Cách dùng toner truyền thống là sau rửa mặt – trước kem dưỡng. Nhưng thực tế, bạn có thể dùng toner xen giữa các bước dưỡng da, tức là sau mỗi lần dùng tinh chất, serum, kem dưỡng… bạn vẫn có thể “vỗ” thêm toner để da mặt được dưỡng ẩm tốt hơn.

Ngoài các loại toner đến từ các thương hiệu uy tín, bạn có thể tự làm toner tại nhà với nước hoa hồng, nước trà xanh, nước nha đam…

Tinh chất

Tinh chất là bước số 4 trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Với tinh chất, bạn có thể dùng 2 lần mỗi ngày sáng tối, sau toner.

Tinh chất là một trong số các sản phẩm “đệm” giúp đặc trị tốt các vấn đề cho da. Tùy vào loại da và tình trạng da ở từng thời điểm, bạn có thể chọn loại phù hợp. Hôm trước mình đã giới thiệu tinh chất đặc trị bã nhờn hữu cơ Whamisa Organic Flowers Sebum Treatment chuyên dành cho da dầu.

Serum/Ampoule

So với tinh chất hay ampoule, serum là sản phẩm phổ biến hơn với đa dạng lựa chọn. Đây là bước số 5 trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Bạn có thể dùng serum sau tinh chất hoặc toner, và dùng trước kem dưỡng.

Bạn cũng có thể dùng nhiều loại serum trong một quy trình dưỡng da. Khi đó, bạn cần lưu ý tới thành phần của sản phẩm, độ pH và chia ra các sản phẩm dùng cho sáng và tối. Ví dụ, serum C nên dùng buổi tối để tránh tác động của ánh nắng mặt trời.

Serum hữu cơ Précieux Argan của SO’ Bio Etic đã được chứng nhận Cosmebio
Serum hữu cơ Précieux Argan của SO’ Bio Etic đã được chứng nhận Cosmebio

Serum thường có kết cấu đặc hơn tinh chất. Một số loại serum có kết cấu đặc với nhiều chất khóa ẩm có thể thay thế cho cả kem dưỡng. Bạn có thể tham khảo serum hữu cơ chống lão hóa Précieux Argan Sérum fermeté Anti-Âge mình đã từng giới thiệu

Kem mắt

Trong số các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, kem mắt là sản phẩm nhiều bạn thường “ngại chi” vì chi phí đắt đỏ. Kem mắt thường có dung tích nhỏ và giá thành cao. Đây cũng là sản phẩm gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng kem mắt có thành phần không khác gì kem dưỡng thông thường, không đem lại hiệu quả đặc biệt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng kem mắt là sản phẩm không thể thiếu nhằm chống lão hóa.

Ngoài việc sử dụng kem mắt từ các thương hiệu uy tín, bạn có thể dùng các loại dầu thực vật nguyên chất thay thế. Một số loại dầu mình yêu thích là dầu jojoba, dầu dừa, dầu hạt nho…

Kem dưỡng

Trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, kem dưỡng có vai trò khóa ẩm. Cá nhân mình thường dùng ít nhất 4 hũ kem cho 4 mùa xuân hạ thu đông của Hà Nội. Việc này sẽ giúp mình chọn được loại kem phù hợp nhất với thời tiết và tình trạng da ở thời điểm đó. Dĩ nhiên, bạn chỉ nên dùng hũ kem mới sau khi đã dùng hết hũ cũ để tránh lãng phí. Trong trường hợp kem bạn dùng không hợp với da, bạn nên đổi loại mới luôn. Bạn không nên cố dùng kem cũ vì có thể gây ảnh hưởng xấu về lâu dài cho da.

Cá nhân mình luôn ưu tiên sử dụng kem dưỡng da hữu cơ đã được chứng nhận. Bạn có thể tham khảo kem dưỡng ẩm cho da dầu CHOBS Apple Aqua Moisture Cream hoặc kem dưỡng trắng da So’BiO Etic Pour Une Peau Parfaite mình đã từng giới thiệu.

Bạn lưu ý trong trường hợp kem dưỡng da ban ngày của bạn có chứa hoạt chất chống nắng, kem vẫn không thể thay thế hoàn toàn cho kem chống nắng. Bạn cần dùng sản phẩm chống nắng chuyên biệt.

Dầu dưỡng

Đây là bước không bắt buộc trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Tuy vậy mình vẫn đưa thêm vào vì mình dùng dầu dưỡng da mỗi ngày. Dầu dưỡng đặc biệt giúp cung cấp các axit béo cho da, giúp làm lành các tổn thương trên da, giúp bề mặt da luôn căng mọng. Hơn nữa, nếu bạn muốn massage da mặt lâu, bạn nên dùng vài giọt dầu dưỡng vì kem dưỡng có thể không đủ độ trơn để bạn massage.

Thế giới dầu dưỡng da rất phong phú. Dùng loại dầu nào cho da sẽ phụ thuộc vào oleic acid, linoleic acid, kết cấu, tính chất… của mỗi loại dầu.

Bạn có thể dùng dầu dưỡng da trước hoặc sau kem dưỡng, tùy vào kết cấu của kem. Cá nhân mình không bao giờ trộn dầu vào kem mà sẽ dùng riêng biệt từng sản phẩm.

Xịt khoáng

Xịt khoáng là sản phẩm dễ dùng nhất trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu. Mình nhớ ngày còn đi học, khi chưa biết về dưỡng da, mình và hội bạn đã dùng xịt khoáng.

Với đất nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, xịt khoáng là sản phẩm lý tưởng giúp làm mát, làm dịu, cấp nước hiệu quả cho da.

Bạn có thể dùng xịt khoáng 2 lần sáng tối (hoặc nhiều hơn) mỗi ngày. Bạn cũng có thể dùng vào các thời điểm khác trong ngày để làm dịu da. Tuy vậy, khi da mặt bẩn, bạn nên cân nhắc. Việc xịt khoáng rồi vỗ tay lên mặt để dưỡng chất thẩm thấu có thể khiến vi khuẩn và chất bẩn ngấm sâu gây hại cho da.

Tẩy da chết

“Không tẩy da chết là lãng phí mỹ phẩm”. Mỗi khi lười tẩy da chết, bạn hãy đọc “câu thần chú” này để nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của tẩy da chết. Trong số các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, tẩy da chết không phải bước bắt buộc làm mỗi ngày, nhưng bạn nên làm mỗi tuần.

Tẩy da chết là sản phẩm bạn có thể tự làm tại nhà một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bạn có thể tham khảo những công thức mình đã từng hướng dẫn:

Cách tẩy tế bào chết cho da mặt tại nhà bằng hạt vừng

Cách tẩy tế bào chết cho da mặt nhờn bằng đường nâu

Mặt nạ

Có thể bạn sẽ thắc mắc khi mình nói tần suất đắp mặt nạ là 1 – 7 lần mỗi tuần. Tần suất này sẽ phụ thuộc vào loại mặt nạ bạn đắp. Nếu bạn đắp mặt nạ tự nhiên từ bột trà xanh, tinh bột nghệ, bột yến mạch… bạn nên đắp 1 – 2 lần mỗi tuần; mỗi lần 20 – 30 phút. Nhưng nếu mặt nạ bạn đắp là lotion mask, bạn nên đắp mỗi ngày từ 3 – 5 phút.

Để hiểu rõ hơn về việc này, bạn hãy đọc bài “Cách đắp mặt nạ theo chiếu thuật 4 – 2 – 1 cho da trắng mịn

Nếu bạn đang tìm hiểu các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, đừng quên tìm hiểu về cách đắp mặt nạ nhé!

Mặt nạ ngủ

Trong các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu, mặt nạ ngủ không phải bước bắt buộc. Sản phẩm này có thể còn khá xa lạ với một số bạn. Mặt nạ ngủ khác với mặt nạ thông thường ở chỗ mặt nạ này sẽ hoạt động tích cực trong lúc bạn ngủ, giúp nuôi dưỡng và hồi phục da qua đêm. Dĩ nhiên, với tính chất đó, mặt nạ ngủ không cần chúng ta rửa lại mặt sau khi sử dụng.

Bạn có thể sử dụng mặt nạ ngủ thay thế kem dưỡng da, cũng có thể bổ sung thêm sau khi đã dùng kem dưỡng da. Cá nhân mình hiếm dùng mặt nạ ngủ vì mình “chuộng” kem dưỡng và dầu dưỡng hơn. Việc dùng thêm mặt nạ ngủ có thể khiến mặt “quá tải”. Tần suất mình dùng mặt nạ ngủ chỉ 1 lần/tuần và thường vào mùa đông để giúp da được dưỡng ẩm tốt hơn.

Cuối cùng, dù bạn áp dụng các bước dưỡng da nào, điều quan trọng là da bạn phù hợp và được cải thiện tốt hơn. Không cần dưỡng nhiều, nhưng hãy dưỡng đều. Đó là quy tắc chăm sóc da hiệu quả và bền vững nhất.

Hy vọng bài viết “Các bước dưỡng da cơ bản cho người mới bắt đầu” của mình sẽ giúp các bạn đỡ bối rối phần nào trên con đường tìm hiểu về dưỡng da tại nhà.

Mộc Tâm Phương