Sau lăn kim bạn cần chăm sóc da như thế nào?

Công nghệ lăn kim là một trong những công nghệ làm đẹp phổ biến hàng đầu hiện nay. Rất nhiều chị em tìm đến công nghệ lăn kim để giải quyết những vấn đề da của mình. Tuy vậy, thủ thuật nào cũng có tính hai mặt và có tai biến có thể xảy ra. Vậy bạn đã biết gì về lăn kim, cũng như cách chăm sóc da sau lăn kim. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin này nhé.

>> Lăn kim là một phương pháp làm đẹp ít xâm lấn, đơn giản, an toàn và hiệu quả. Phương pháp làm đẹp này có rất nhiều ứng dụng trong điều trị da như trẻ hóa, trị sẹo, sạm da…

1. Những thông tin chung về lăn kim bạn cần biết

Lăn kim là một thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu có thể điều trị các vấn đề như:

  • Mụn
  • Rụng tóc
  • Các bệnh lí về sắc tố da
  • Sẹo
  • Rạn da
  • Tổn thương do ánh sáng
  • Các nếp nhăn

Khi tiến hành một thủ thuật lăn kim trên thực tế cần mất vài giờ để chuẩn bị và thực hiện. Thủ thuật thường thực hiện khoảng 10-20 phút. Thời gian tiến hành tùy thuộc vào diện tích lớn như thế nào. Hầu hết mọi người cần 4 -6 lần điều trị để thấy sự khác biệt.

Đây là thủ thuật được gây tê để giảm cảm giác đau cho bạn. Người thực hiện lăn kim sẽ di chuyển một công cụ dạng cây bút hoặc bàn lăn có cán với những mũi kim nhỏ trên khuôn mặt của bạn. Các kim tạo ra những vết đâm nhỏ trên da của bạn. Thủ thuật có thể gây ra một chút chảy máu. Sau cùng, bác sĩ có thể phủ một loại kem hoặc huyết thanh trên khuôn mặt của bạn.

Mục tiêu của thủ thuật là thông qua các vết thương nhỏ, kích thích phản ứng lành thương tại chỗ. Từ đó kích thích sinh tổng hợp collagen và elastin giúp phục hồi các khuyết điểm của da. Các collagen mới giúp làm đầy và làm mờ nếp nhăn, các vết sẹo.

Lăn kim là một thủ thuật xâm lấn vào da. Vì vậy, bạn cần thực hiện các bước để bảo vệ hàng rào bảo vệ da của bạn khi nó đang lành thương. Ngay cả khi bạn lăn kim tại nhà, bạn vẫn cần chăm sóc thêm cho làn da của mình sau những ngày điều trị.

2. Những vấn đề bạn có thể gặp phải sau lăn kim

Sau khi bạn được lăn kim, một số tác dụng phụ có thể sẽ xảy ra. Sau khi hoàn thành thủ thuật lăn kim, làn da của bạn có thể đỏ ửng hoặc đỏ tươi. Nhìn làn da như thể bạn đã dành cả ngày ra ngoài nắng và bị cháy nắng nhẹ đến trung bình. Tuy vậy, các vết đỏ và sưng thường thoáng qua, chúng thường hết sau 24 giờ hoặc lâu hơn một chút. Do đó, bạn đừng cố gắng để loại bỏ tình trạng đỏ da sau khi làm lăn kim. Che phủ vết đỏ bằng trang điểm là một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm. Bởi vì lớp trang điểm sẽ chặn lỗ chân lông trên làn da mới lăn kim của bạn. Điều này thậm chí có thể gây ra mụn trên da của bạn.

Bạn cần phải có một chút kiên nhẫn để chờ vết đỏ tự giảm đi. Và trong thời gian đó, bạn vẫn có thể áp dụng các sản phẩm nhẹ nhàng, không mùi với các thành phần tự nhiên để giảm cảm giác khó chịu. Sưng và một vài chỗ bong tróc da đều được coi là trong phạm vi bình thường lên đến 48 giờ sau khi làm thủ thuật. Các tác dụng phụ khác, như nổi da gà, mụn trứng cá và da khô, cũng nằm trong những triệu chứng bạn có thể gặp sau lăn kim. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, không phải ai làm lăn kim cũng gặp những triệu chứng này.

Chăm sóc da bằng kem dưỡng ẩm và sữa rửa mặt nhẹ nhàng có thể làm cho tác dụng phụ của bạn thấp nhất có thể.

3. Những hướng dẫn chăm sóc da sau khi lăn kim

Bác sĩ thực hiện thủ thuật nên cung cấp hướng dẫn chi tiết về những việc cần làm sau khi lăn kim. Các hướng dẫn có thể dựa trên tiền sử của bạn hoặc loại da của bạn, vì vậy hãy đảm bảo tuân theo chúng một cách cẩn thận.

3.1 Tránh nắng

Trong cách chăm sóc da của người Nhật, kem chống nắng luôn là bước không thể thiếu

Theo một hướng dẫn chung dành cho mọi người, bạn nên dùng kem chống nắng liên tục trong hai tuần đầu sau khi lăn kim. Hãy chắc chắn sử dụng kem chống nắng bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài trong những ngày sau khi điều trị. Đừng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng quá nhiều trong tuần đầu tiên sau thủ thuật lăn kim. Bởi vì bạn sẽ dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời hơn bình thường. Ưu tiên sử dụng kem chống nắng vật lý không màu.

3.2 Chống nhiễm trùng

Sử dụng một loại kem kháng sinh tại chỗ nếu được bác sĩ kê toa để tránh nhiễm trùng.

Nhớ rửa tay trước khi chạm vào mặt.

Tạm ngừng trang điểm, đặc biệt là với một cây cọ trang điểm đã được sử dụng trước đó, trong 24 giờ sau lăn kim.

Bạn cũng cần tránh đi bơi, đi phòng tắm hơi và các tình huống mà bạn có thể đổ mồ hôi nhiều. Và kể cả tập luyện cường độ cao tại phòng tập thể dục, để bảo vệ làn da mới được điều trị của bạn. Sau 72 giờ trôi qua, bạn có thể tiếp tục các hoạt động này.

3.3 Những loại sản phẩm bạn nên dùng và cần tránh sau lăn kim

Trong vài ngày đầu tiên sau thủ thuật lăn kim, bạn sẽ cần tránh mọi sản phẩm chăm sóc da có chứa hóa chất có hại. Những loại hóa chất có tính chất tẩy tế bào chết. Tránh dùng bất cứ thứ gì có hương liệu. Thêm nữa không sử dụng acid beta hydroxy hoặc acid alpha hydroxy.

Retinol A và vitamin C huyết thanh cũng nên tránh tối thiểu trong 48 giờ đầu tiên sau khi lăn kim. Sau khi 2 ngày trôi qua, bạn có thể dần dần sử dụng thêm các sản phẩm vào lịch chăm sóc da hàng ngày thay vì thực hiện chế độ thông thường. Đặc biệt là các dưỡng chất nuôi dưỡng làn da.

Hãy sử dụng các chất rửa mặt dịu nhẹ mà bạn biết chắc nguồn gốc cũng như thành phần. Điều này để đảm bảo các thành phần sử dụng không gây tác dụng phụ tồi tệ hơn.

Hyaluronic acid có thể được sử dụng sau lăn kim. Hơn nữa, nó thậm chí còn được khuyên dùng trong một số trường hợp để giúp kích thích sản xuất collagen sau khi làm thủ thuật.

Nếu da bạn cảm thấy khô, hãy sử dụng các loại kem chuyên dụng cho dưỡng ẩm để làm mềm và cấp nước cho da bạn. Ưu tiên sử dụng các thành phần thiên nhiên, dịu nhẹ mà bạn đã từng dùng trước đó.

4. Hồi phục sau thủ thuật

Tình trạng đỏ da sau lăn kim sẽ giảm dần trong vòng 48 giờ. Các triệu chứng khác, chẳng hạn như bong tróc và nổi mụn, có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết.

Hầu hết sự phục hồi có thể nhìn thấy từ sau lăn kim xảy ra trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi điều trị. Và quá trình lành vết thương vẫn sẽ diễn ra dưới bề mặt da của bạn trong tối đa 2 tháng.

5. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ lại ngay

Lăn kim thường được coi là một thủ thuật có rủi ro rất thấp. Tuy nhiên đôi khi, tác dụng phụ có thể tăng lên và yêu cầu cần sự chăm sóc y tế. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm:

  • Sốt trên 100,4 ° F (38 ° C)
  • Buồn nôn
  • Mề đay
  • Tiêu chảy phân vàng hoặc xanh
  • Chảy máu
  • Đau đầu

Nhiễm trùng gây ra bởi lăn kim thường là khi các dụng cụ được khử trùng không đúng cách được sử dụng trên da của bạn. Phản ứng dị ứng với kim được sử dụng cho lăn kim cũng có thể xảy ra.

Thủ thuật lăn kim giúp kích thích tăng sinh collagen và tái tạo da từ những vi tổn thương. Từ đó, các khuyết điểm trên da của bạn có thể dc khắc phục. Tuy nhiên, một thủ thuật xâm lấn luôn có những tác dụng phụ có thể xảy ra. Qua bài viết, YouMed hi vọng bạn đã có những hiểu biết cho mình. Từ đó, bạn có thể tự tin chăm sóc làn da của mình sau lăn kim. Hãy trao đổi ngay với Bác sĩ nếu bạn còn những thắc mắc muốn giải đáp.

>> Hiện nay xu hướng chăm sóc da bằng các sản phẩm và nguyên liệu thiên nhiên đang được nhiều người yêu thích. Thế nhưng cũng nhiều người tự hỏi: Liệu cách chăm sóc da mặt tự nhiên có thực sự hiệu quả?

Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ