Cách chăm sóc da bị eczema

Nội dung chính của bài viết

  • Bệnh chàm hay eczema cũng còn được gọi là viêm da cơ địa.
  • Bệnh chàm, nguyên nhân chủ yếu là do di truyền, có các dấu hiệu bao gồm da bị ngứa, khô, đỏ, dày lên hoặc sẫm màu và nhiễm trùng da.
  • Những người bị chàm nên tránh các chất tẩy rửa dạng bọt, ngâm nước quá lâu, sử dụng chất liệu quần áo không phù hợp…
  • Nếu như bạn bị tình trạng phát ban tái phát nhiều lần, hãy đi khám da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
  • Việc điều trị chàm từ sớm có thể giúp ngăn ngừa dị ứng thức ăn, nhiễm trùng và các biến chứng khác do viêm kéo dài.

Chàm (eczema) là gì?

Chàm hay eczema là một từ mà nhiều người thường sử dụng cho bất kỳ loại viêm da nào. Tuy nhiên, không phải lúc nào da nổi mẩn đỏ, ngứa và bong tróc đều là triệu chứng của bệnh chàm. Bệnh chàm cũng còn được gọi là viêm da cơ địa. Bệnh chàm, nguyên nhân chủ yếu là do di truyền, có các dấu hiệu bao gồm da bị ngứa, khô, đỏ, dày lên hoặc sẫm màu và nhiễm trùng da.

Làm thế nào để biết có bị bệnh chàm hay không?

Cách tốt nhất là tìm đến bác sĩ da liễu. Các bác sĩ da liễu sẽ nhận biết được sự khác biệt giữa bệnh chàm và các bệnh về da nghiêm trọng khác có các triệu chứng giống như bệnh chàm, ví dụ như một loại ung thư có tên là u da lympho tế bào T. Mặc dù căn bệnh này rất hiếm gặp nhưng tốt hơn hết, bạn vẫn nên đi khám da liễu khi gặp phải bất kỳ vấn đề về da nào.

Triệu chứng của bệnh chàm

Eczema được chẩn đoán bằng cách kiểm tra da và xem vị trí của những vùng mẩn đỏ. Ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chàm. Những vùng da “bị viêm” trông sẽ khác so với những vùng không bị. Các triệu chứng còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, thời gian bạn bị bệnh, chủng tộc và những phương pháp đã được sử dụng để điều trị. Đó là lý do tại sao bạn cần đến khám bác sĩ trực tiếp. Bài viết này sẽ đưa ra các dấu hiệu của bệnh chàm một cáchchi tiết nhất có thể, nhưng bạn vẫn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Ở người có da trắng, sáng, những vùng bị viêm sẽ có màu hồng và khô ở giai đoạn đầu. Khi tình trạng nặng hơn, da trở nên dày và đỏ hơn. Nếu bạn gãi nhiều, da có thể sẽ đóng vảy.

Ở những người có da tối màu, các dấu hiệu ban đầu thường ít được chú ý hơn vì các vùng màu hồng không nổi rõ. Dấu hiệu chính để nhận biết da bị khô và dày lên. Dần dần, những vùng da bị bệnh sẽ trở nên tối màu hơn (tăng sắc tố) do viêm.

Ở các giai đoạn sau của bệnh chàm, da dày lên trông giống như vỏ cây với những đường rãnh rõ rệt. Hiện tượng chảy mủ, đóng vảy vàng nâu là dấu hiệu cho thấy da bị nhiễm trùng.

Bệnh chàm xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể?

Bệnh chàm thường xuất hiện ở mặt và cổ, cổ tay, mu bàn tay, bên trong căng tay, đằng sau đầu gối và quanh mắt cá chân. Ở những người mắc bệnh chàm, da ở lòng bàn tay thường có rất nhiều rãnh và quầng thâm quanh mắt. Bệnh chàm thường đi kèm với bệnh hen suyễn và dị ứng.

Nguyên nhân của bệnh chàm?

Các nghiên cứu về di truyền đã tìm ra nguyên nhân gốc rễ của bệnh chàm. Nhiều người mắc bệnh chàm thường có khiếm khuyết ở loại gen chịu trách nhiệm sản xuất protein filaggrin – loại protein do các tế bào da tạo ra. Loại protein cấu trúc này có ở các lớp bên dưới của da và được chuyển thành yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF) ở các lớp trên của da. Yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên này kết hợp với nước và giúp giữ độ ẩm bên trong các tế bào. Khi DNA bị lỗi tạo ra protein filaggrin khiếm khuyết, da sẽ có ít yếu tố dưỡng ẩm hơn, dẫn đến các mảng da khô.

Không phải tất cả các thể bệnh chàm đều là do di truyền. Nguyên nhân có thể là do sự tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường dẫn đến sự phá hủy hàng rào bảo vệ da hoặc các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm vệ sinh da không phù hợp, tiếp xúc với chất gây dị ứng và chất kích thích, nhiễm khuẩn, thiếu axit béo trong chế độ ăn uống, cọ xát và rối loạn hệ miễn dịch cũng có thể dẫn đến bệnh chàm. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh rất quan trọng đối với việc điều trị.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng có thể là nguyên nhân. Nhiều người thường nghĩ rằng hiện tượng dị ứng với đồ ăn gây bệnh chàm nhưng khả năng cao lại là do sự dị ứng với các chất tiếp xúc trên da như nước hoa trong bột giặt hoặc giấy ủ thơm quần áo, các sản phẩm tạo bọt bồn tắm, nước hoa, xịt phòng hoặc nến thơm.

Cách điều trị bệnh chàm

Quá trình điều trị chàm gồm có hai phần: điều trị và duy trì. Phần điều trị gồm có bước dùng các sản phẩm vệ sinh da có công dụng làm dịu da, kem dưỡng ẩm phục hồi lớp bảo vệ da và kết hợp với các loại thuốc theo đơn của bác sĩ để làm dịu hệ miễn dịch, ví dụ như tacrolimus, pimecrolimus và các loại thuốc bôi steroid như triamcinolone. Những vùng da bị nhiễm trùng cần được điều trị với thuốc kháng sinh kê đơn ví dụ như mupirocin bởi các loại thuốc kháng sinh không kê đơn hầu như không có hiệu quả, vi khuẩn sẽ có khả năng kháng thuốc.

Mục đích của giai đoạn duy trì là để ngăn không cho bệnh tái phát. Giai đoạn này gồm có bước dùng các sản phẩm dạng kem mịn để vệ sinh da mà không làm tổn thương lớp bảo vệ da kết hợp bôi kem dưỡng ẩm phục hồi hàng rào da hai lần mỗi ngày.

Về chế độ ăn uống, những người dễ bị chàm nên bổ sung thêm axit béo omega 3 và các axit béo chống viêm khác trong chế độ ăn hàng ngày. Các loại axit béo này có trong cá hồi, dầu cá và dầu hạt lanh. Không nên tắm bằng nước nóng và tránh ngâm nước quá lâu. Nếu bạn phải tắm lâu, hãy thêm một loại dầu chống viêm như dầu Argan vào bồn tắm và bôi lên da sau khi tắm để bảo vệ da và cung cấp thêm axit béo cho da. Ngay sau khi tắm và bôi dầu, hãy khóa ẩm cho da bằng một lớp kem dưỡng phục hồi lớp bảo vệ da Atopalm. Bạn phải cố gắng không được gãi và có thể bôi Benadryl vào ban đêm có thể làm giảm ngứa. Nếu đang sống ở nơi có khí hậu khô, bạn nên đặt một máy tạo độ ẩm trong phòng.

Những điều cần tránh khi bị chàm?

Những người bị chàm nên tránh các chất tẩy rửa dạng bọt, sản phẩm tạo bọt bồn tắm, tránh cọ xát trên da, dùng tế bào chết dạng hạt hoặc siêu mài da; tránh ngâm nước kéo dài và dùng nước quá nóng; không nên mặc quần áo len và các loại vải có thể khiến da trầy xước, kích ứng; tránh các sản phẩm chăm sóc cơ thể, giặt quần áo có hương liệu, nước hoa. Nếu bạn sống ở nơi có nước cứng (nước có chứa nhiều ion canxi và magie), ban nên lắp một bộ máy lọc nước trong phòng tắm.

Tại sao hàng rào bảo vệ da lại quan trọng?

Hàng rào bảo vệ da là một lớp cholesterol, axit béo và ceramide bao quanh các tế bào da. Lớp này đóng vài trò là rào cản giúp da giữ nước và ngăn các chất gây dị ứng, chất kích thích xâm nhập vào trong, điều này giúp ngăn ngừa bệnh chàm.

Mối liên hệ giữa dị ứng thức ăn và bệnh chàm

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người bị viêm da dị ứng có nguy cơ bị dị ứng thức ăn cao hơn. Nguyên nhân là bởi vì lớp hàng rào bảo vệ da ở bệnh nhân eczema bị suy yếu, cho phép các chất gây dị ứng có thể dễ dàng xâm nhập vào da và kích thích hệ miễn dịch.