14 loại cồn phổ biến trong mỹ phẩm nên biết. Phân loại cồn (alcohol)

Khi bạn nghe đến cồn trong một sản phẩm thì bạn đều nghĩ rằng sản phẩm đó là không tốt ? Cồn trong mỹ phẩm luôn luôn xấu ? Để giải đáp cho các bạn thì Zunnie sẽ phân loại cồn trong mỹ phẩm và giải thích tại sao cồn lại được đưa vào trong mỹ phẩm.

1 Phân loại cồn trong mỹ phẩm

Cồn trong mỹ phẩm được phân làm 2 loại phổ biến:

1.1 Emollient alcohol, Fatty alcohol (Cồn tốt, cồn béo)

Cồn béo là dạng chất có nhóm -OH nhưng có mạch phân tử dài, không bay hơi, cho cảm giác trơn trượt, bảo vệ và làm mềm da của chúng ta. Phần lớn các cồn béo này được lấy từ các nguồn thực vật như dầu dừa hoặc dầu cọ, hoặc từ dầu mỏ.

Đây là một trong những thành phần tốt cho da khô, đặc điểm chung của cồn béo là làm mềm da, và một chất nhũ hoá tốt, làm đặc, cải thiện độ nhớt, giúp cân bằng các thành phần trong sản phẩm. Dưới đây là các loại cồn tốt bạn có thể thấy trong sản phẩm mỹ phẩm:

  • Myristyl Alcohol
  • Cetyl Alcohol
  • Stearyl Alcohol
  • Cetearyl Alcohol (hỗn hợp cetyl alcohol và stearyl alcohol)
  • Behenyl Alcohol
  • Lanolin Alcohol
  • Acetylated Lanolin Alcohol
  • Arachidyl Alcohol

1.2 Solvent alcohol, Drying alcohol ( Cồn xấu, cồn khô)

Cồn này có hại cho làn da của bạn vì nó làm khô và gây kích ứng. Drying alcohol có tính chất kháng khuẩn, sát trùng, được biết như một chất giúp bảo quản, tăng tuổi thọ sản phẩm và làm se khít lỗ chân lông tạm thời. Danh sách sau đây là những loại cồn có hại cho da của bạn:

  • Ethanol (Ethyl Alcohol, Alcohol, etanol)
  • IPA Alcohol ( Isopropyl Alcohol, Isopropanol )
  • Methanol (Methyl Alcohol)
  • Denatured Alcohol (Alcohol Denat, SD Alcohol)
  • Polyvinyl Alcohol
  • Benzyl alcohol

Tuy nhiên, Benzyl alcohol thường được sử dụng như chất bảo quản, nếu bạn nhìn thấy nó ở cuối danh sách các thành phần thì ok nhé.

  • Nếu bạn đọc thấy thành phần có “alcohol” nằm lẻ trong bảng thành phần trong mỹ phẩm chính là loại cồn khô này nhé.

2 Cồn xấu tác động thế nào đến da

Như phân loại ở trên thì dạng cồn khô drying alcohol sẽ có tác động xấu đến da của bạn.

Những loại cồn drying alcohol này dễ bay hơi mang đến cho làn da chúng ta một cảm giác khô thoáng và se khít lỗ chân lông tạm thời. Tuy nhiên, các loại này làm khô da khi sử dụng, làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, gây ảnh hưởng đến lớp màng dưỡng ẩm của da và khiến da bạn dẫn đến tình trạng khô căng khó chịu, kích ứng với sản phẩm.

3 Tại sao nhà sản xuất lại đưa cồn vào toner và mỹ phẩm

  • Tăng tuổi thọ sản phẩm vì cồn có công dụng khử trùng hiệu quả , nó giúp bảo quản và tăng tuổi thọ sản phẩm hơn, hòa tan các chất và ngăn sự kết tinh của các thành phần.
  • Có tác dụng đặc trị cho da dầu mụn

4 Có nên dùng sản phẩm có cồn không ?

  • Nếu các bạn sở hữu một làn khô, nhạy cảm thì tuyệt đối nên tránh các sản phẩm có drying alcohol xuất hiện ở bảng thành phần
  • Đối với các bạn da dầu, khi sử dụng các sản phẩm chứa alcohol nếu cảm thấy bề mặt da thoáng, dễ chịu, kiềm dầu, trong thời gian dài da vẫn ổn thì đừng nên lo lắng về sản phẩm đó quá, vì nồng độ cồn trong sản phẩm đó không đủ để khiến da bạn cảm thấy khó chịu hay làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da của bạn
  • Đối với Zunnie thì vẫn khuyên các bạn nên chọn các sản phẩm không cồn Alcohol free nhé.

5 Cách đọc thứ tự thành phần và chọn sản phẩm mỹ phẩm an toàn

Sau khi phân loại cồn trong mỹ phẩm, Zunnie sẽ hướng dẫn các bạn đọc thứ tự thành phần mỹ phẩm như bên dưới nhé.

Theo quy định liệt kê các thành phần, những thành phần chiếm nồng độ cao nhất trong sản phẩm sẽ được ưu tiên ghi trước và theo thứ tự giảm dần. Tuy nhiên, những chất có hàm lượng dưới 1% thì có thể ghi trước hoặc sau. Điều này có nghĩa là chất có 0.01% cũng có thể được ghi trước chất có 0.9% trong bảng thành phần sản phẩm.

  • Ví dụ như những thành phần nào đi sau chữ fragrance (nằm gần cuối hoặc cuối ingredients list) hoặc thành phần bảo quản đều xem như bằng con số không và nó chả có tác dụng gì ngoài làm đẹp thêm cho ingredient list vì thường chỉ chiếm dưới 1% trong sản phẩm.
  • Thường công thức đọc thành phần sẽ đi theo thứ tự từ nhiều nhất đến ít nhất như sau: Thành phần chính chủ đạo chiếm tỉ lệ cao nhất – Active ingredients – Chất nhũ hoá – Hương liệu (fragrances) – Chất bảo quản (preservatives)

Đối với các sản phẩm dầu gội, sữa rửa mặt, bạn nên chú ý 3 đến 5 thành phần đầu tiên xuất hiện trong list, đối với các sản phẩm như cream, serum, toner … bạn nên chú ý 8 đến 10 thành phần đầu tiên của sản phẩm.

Hy vọng các bạn tìm được kiến thức hữu ích nhé.