Điểm danh 4 dạng bào chế cơ bản của mỹ phẩm

Khi sử dụng mỹ phẩm đa số chúng ta sẽ quan tâm đến chất lượng, hiệu quả cũng như giá tiền chứ ít khi tìm hiểu xem sản phẩm được sản xuất như thế nào!

Tuy nhiên, nếu đào sâu nghiên cứu hơn một chút bạn sẽ thấy rằng thực ra hàng triệu sản phẩm trên thị trường đều được sản xuất dưới những nguyên tắc nhất định, nắm được những nguyên tắc này việc đọc vị thành phần, hiệu quả, mức độ an toàn cũng như tính phù hợp sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Và để bắt đầu, chúng ta nên tìm hiểu các dạng bào chế mỹ phẩm qua bài viết dưới đây cùng Hello!Pháiđẹp nhé!

Mỹ phẩm dạng dung dịch

Đây là dạng bào chế mỹ phẩm đơn giản nhất, khi mà tất cả các thành phần đều có thể hòa tan hoàn toàn vào một loại dung môi hoặc một hỗn hợp dung môi nào đó, trở thành một dung dịch đồng nhất.

Với những thành phần là các chất phân cực sẽ tan trong những loại dung môi phân cực mà điển hình là nước, đây cũng là dung môi được sử dụng nhiều bởi tính phổ biến và an toàn của nó.

Với những thành phần không tan trong nước, thì những chất dung môi kém hoặc hoặc dung môi không phân cực sẽ được sử dụng làm môi trường hòa tan.

Mỹ phẩm dạng nhũ tương (emulsion)

Mỹ phẩm dạng nhũ tương: Cream - Lotion - Gel
Mỹ phẩm dạng nhũ tương: Cream – Lotion – Gel

Để dễ sử dụng và thẩm thấu, đa phần mỹ phẩm, nhất là các dòng dưỡng cho tất cả các loại da, chăm sóc tóc, móng đều được hòa tan và bào chế ở dạng lỏng với thành phần có thể chứa tới hàng chục chất khác nhau, vấn đề là trong số đó có rất nhiều thành phần không thể hòa tan vào nhau dù bạn có cố gắng trộn như thế nào, sau một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng tách lớp.

Để giải quyết hiện tượng này này chất nhũ hóa và khái niệm nhũ tương ra đời, để hiểu được vấn đề này bạn cần nắm được thông tin dưới đây.

Đầu tiên, dựa vào tính chất phân cực của dung môi, chúng ta sẽ chia các thành phần trong mỹ phẩm ra làm 2 pha:

+ Pha nước: Bao gồm những chất phân cực và tan trong những dung môi phân cực như nước, cồn, Glycerin, Polyethylene glycol, hay còn được gọi là thân nước.

+ Pha dầu: gồm các chất ít hoặc không phân cực, tan được trong các dung môi không phân cực như paraffin, vaseline, dầu, tinh dầu nên được gọi là thân dầu.

Và một thành phần quan trọng khác chính là chất nhũ hóa, đây là những chất chứa cả đầu ưa nước và đầu ưa dầu, tùy theo từng loại mà sẽ hoạt động theo 1 trong 2 cơ chế dưới đây:

+ Phần đầu ưa dầu sẽ bao quanh những thành phần thuộc pha dầu, phần còn lại sẽ kết hợp với nước, đây được gọi là hệ dầu nước, nghĩa là dầu được bao quanh bởi nước, khi thoa trên da nước sẽ tác động trước sau đó đến da, tạo cảm giác ẩm, ít bóng nhờn, khi hấp thụ sẽ không tạo cảm giác còn cặn dầu.

Đa số các sản phẩm mỹ phẩm dạng nhũ tương đều dùng hệ này. Chất nhũ tương được sử dụng ở dạng này là là Sáp nhũ hóa (Emylsifying Wax – sáp + sodium dodecyl sulfate hoặc polysorbates sẽ làm bền hệ dầu nước, tạo ra nhũ tương mịn)

+ Phần đầu ưa nước sẽ bao quanh những thành phần thuộc pha nước, phần còn lại sẽ kết hợp với dầu, đây được gọi là hệ nước dầu, nghĩa là nước được bao quanh bởi dầu, khi thoa trên da dầu sẽ tác động trước sau đó đến nước, những sản phẩm có nền dầu thường ở dạng này.

Thực tế hiện tại ngày càng có nhiều chất nhũ hóa được phát triển, không chỉ có tác dụng đồng nhất nhũ tương, những chất này còn mang tới hiệu quả làm đẹp rất tuyệt vời và giúp các nhà khoa học có thể tạo ra nhiều sản phẩm có dạng khác nhau. Dựa vào thành phần tính chất của sản phẩm tạo thành mà chia thành cream(kem), lotion, gel, suspension (hỗn dịch), ointment(mỡ).

  • Dạng kem (Cream)

Đây là dạng nhũ tương bán rắn có thành phần tương đối cân bằng giữa pha nước và pha dầu, có độ nhớt trung bình, mềm.

Đặc điểm của dạng kem là hấp thụ nhanh, dễ rửa sạch, khả năng dưỡng ẩm hợp lý, đây là dạng bào chế phổ biến cho các sản phẩm dưỡng da. Đặc biệt da khô, da hỗn hợp thiên khô rất thích hợp để sử dụng sản phẩm này!

  • Dạng Lotion

Dạng Lotion có thể chất gần với dạng dung dịch linh động hơn dạng kem, hấp thu rất nhanh và tạo cảm giác nhẹ nhàng trên da hơn. Việc bào chế dạng lotion cũng đơn giản hơn do nồng độ các thành phần nhỏ và không cần quá lo lắng về hiện tượng tách lớp.

  • Dạng Gel

Đây là dạng nhũ tương kiểu dầu trong nước với thành phần chính là pha nước, thường chứa các ancohol.

Đặc điểm của gel là thẩm thấu nhanh, khô nhanh, tạo thành lớp màng mỏng nên mang tới cảm giác dịu nhẹ, không gây bí hay nhờn rít trên da, rất hợp cho các sản phẩm cho da dầu.

  • Dạng mỡ (ointment)

Thành phần chủ yếu của dạng này là dầu, mỡ hay chính là dạng nước trong dầu. Nhược điểm của dạng này là thường tạo cảm giác nhờn, bết dính khi sử dụng trên da.

Dạng bào chế này thường hấp thu chậm hơn do pha dầu tác dụng trước, pha nước tác dụng sau như lại thúc đẩy quá trình hấp thu tốt hơn, bởi vậy thường được dùng trong các sản phẩm điều trị như trị mụn, nám, lão hóa da.

  • Dạng hỗn dịch(suspension)

Đây là dạng ít phổ biến hơn khi pha phân tán không phải chất lỏng mà là chất rắn không hòa tan được, phân tán đều dưới dạng rất nhỏ (thường chỉ ở kích cỡ micromet) trong môi trường phân tán có thể là dầu, nước hoặc một hệ nhũ tương.

Thường hỗn dịch chỉ áp dụng khi thành phần sản phẩm có lượng quá lớn, độ tan thấp hoặc có những tính chất đặc biệt, khó hoặc không thể tạo được dạng nhũ tương ổn định.

Cũng vì điều này hỗn dịch thường kém bền vững mà thường tách lớp nên bạn sẽ phải lắc trước khi sử dụng, điển hình là một số dòng kem chống nắng hoặc sữa rửa mặt.

ĐỌC TIẾP: Điểm danh 9 thành phần nhất định phải có trong mỹ phẩm

Mỹ phẩm dạng rắn(solid)

Mỹ phẩm trang điểm
Mỹ phẩm trang điểm thường ở dạng rắn

Bên cạnh những sản phẩm dạng dung dịch, nhũ tương thì mỹ phẩm dạng rắn cũng rất phổ biến, nhất là mỹ phẩm trang điểm, như phấn rôm, phấn trang điểm, kẻ mắt, son môi.

Để bào chế, thành phần của sản phẩm này thường được làm mịn trộn đồng nhất và định hình trong các khuôn mẫu dựa trên tác dụng của thành phần kết dính hoặc đặc tính nóng chảy ở nhiệt độ cao đông đặc ở nhiệt độ thường hoặc sử dụng phương pháp cơ học như nén, ép.

Dạng sol khí (Aerosol)

Thực ra thì đây không phải là một dạng bào chế mà là cách thức đong gói đặc biệt của sản phẩm. Thành phần của sản phẩm có thể dạng dung dịch hoặc dạng nhũ tương được đóng kín và được phun, đẩy ra bằng áp suất dưới tác dụng của khí nén hoặc khí hóa lỏng.

Tuy nhiên những sản phẩm này thường ít được sử dụng.

Trên đây là những thông tin về chung về các dạng bào chế của mỹ phẩm, đây là những kiến thức về mặt kỹ thuật và giúp bạn hiểu phần nào nguyên tắc sản xuất và mục đích sử dụng, của sản phẩm. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả, mức độ phù hợp và an toàn còn phụ thuộc rất nhiều vào thành phần của mỹ phẩm.

Còn rất nhiều thông tin bổ ích khác về làm đẹp khoa học đang chờ đợi bạn khám phá cùng Hello!Pháiđẹp. Và đừng quên share để lan tỏa kiến thức bổ ích để mỗi phụ nữ Việt trẻ hơn, đẹp hơn và tự tin hơn mỗi ngày nhé!