Các thành phần có tính sinh nhân mụn trong mỹ phẩm

Nhiều thành phần hiện diện trong mỹ phẩm (hoạt chất hoặc tá dược) có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nặng hơn hoặc góp phần vào quá trình hình thành nhân mụn mới. Thuật ngữ y khoa gọi đó là tính sinh nhân mụn – comedogenicity. Dựa trên khoa học chứng cứ, Bác sĩ Da liễu Phòng khám Doctor Acnes sẽ cung cấp cho bạn các thông tin liên quan vấn đề này ngay sau đây.

Đặc tính nào ảnh hưởng đến tính sinh nhân mụn của các thành phần trong mỹ phẩm?

  • Khả năng thấm qua nang lông: một thành phần có thể hòa tan tốt trong dầu nước thì có tính sinh nhân mụn ít hơn một thành phần chỉ có thể tan tốt trong dầu hoặc nước.
  • Kích thước của phân tử: các thành phần có kích thước nhỏ với trọng lượng phân tử 200 – 300 gram/mol có tính sinh nhân mụn ít hơn so với các phân tử kích thước lớn.
  • Hình dạng của phân tử: các acid béo phân nhánh có tính sinh nhân mụn cao hơn các phân tử thẳng, không phân nhánh.
  • Nồng độ của thành phần trong mỹ phẩm: một số các thành phần được xác định có tính sinh nhân mụn nhưng ở nồng độ thấp chúng lại không có tính sinh nhân mụn. Ví dụ, octyl palmitate 100% có điểm sinh nhân mụn là 3, trong khi đó octyl palmitate 50% chỉ có điểm sinh nhân mụn là 1.
  • Tá dược, dung môi để hòa tan thành phần hoạt tính: với cùng thành phần chính, các tá dược và dung môi khác nhau sẽ dẫn đến tính sinh nhân mụn của sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn như một số acid béo nhất định có điểm sinh nhân mụn là 2 khi tan trong dầu hướng dương, nhưng khi tan trong acetone thì điểm sinh nhân mụn xuống bằng 0. Vì vậy, việc xác định tính sinh nhân mụn của một thành phần nhất định nên được đánh giá trong thành phẩm cuối cùng để biết được tính sinh nhân mụn thật sự của thành phần đó.

Tính sinh nhân mụn của một số nhóm thành phần thường gặp trong mỹ phẩm

  • Các thành phần gốc rượu có kích thước phân tử lớn hoặc có nhánh có khả năng sinh nhân mụn cao, ví dụ như isocetyl alcohol hay oleyl alcohol.
  • Các phân tử acid béo kích thước lớn và có nhánh có xu hướng dễ sinh nhân mụn hơn, chẳng hạn như acid lauric và acid myristic.
  • Chất làm đặc như silicates, cellulosic polymers và carbomers thường không có tính sinh nhân mụn.
  • Thành phần từ khoáng chất nhìn chung không sinh nhân mụn, có thể kể đến như đất sét, bentonite, kaolin, talc, oxide sắt, chromium hydroxide và titanium dioxide.
Bơ cacao và dầu dừa
Bơ cacao và dầu dừa là những thành phần có tính sinh nhân mụn nhiều nhất

Dầu có tính sinh nhân mụn thay đổi tùy loại:

  • Dầu có tính sinh nhân mụn nhiều nhất là bơ cacao và dầu dừa.
  • Dầu có tính sinh nhân mụn mức độ trung bình gồm dầu mè, dầu bắp, dầu quả bơ, dầu cây anh thảo, dầu chồn (mink oil), dầu đậu nành và dầu hạt bông.
  • Dầu ít sinh nhân mụn gồm dầu olive, dầu hạt đàn hương (sandalwood seed oil), dầu hạnh nhân, dầu hạt quả mơ và một số loại dầu khoáng.
  • Dầu không sinh nhân mụn gồm dầu hoa rum (safflower oil), dầu hoa hướng dương và dầu khoáng.
  • Các loại dầu khoáng trước đây được xếp vào nhóm có tính sinh nhân mụn từ 0 – 2. Tuy nhiên, ngày nay với công nghệ sản xuất hiện đại, dầu khoáng nguyên chất không có tính sinh nhân mụn.
  • Màu khoáng đỏ (D&C red pigments) có tính sinh nhân mụn thay đổi phụ thuộc vào dung môi hòa tan chúng. Chúng không sinh nhân mụn khi hòa tan trong volatile propylene glycol nhưng lại có tính sinh nhân mụn khi hòa tan trong dầu khoáng.
  • Vitamin E và A có mức độ sinh nhân mụn thay đổi.

Một số thành phần có tính sinh nhân mụn cao thường gặp trong mỹ phẩm

Cách lựa chọn dược mỹ phẩm chăm sóc da mụn

  • Lựa chọn sản phẩm được bào chế dành cho da mụn, có nhãn non-comedogenic trên bao bì.
  • Kiểm tra danh mục thành phần được liệt kê trên nhãn sản phẩm, tránh dùng các sản phẩm chứa các hoạt chất có tính sinh nhân mụn cao, đặc biệt là 7 thành phần được liệt kê đầu tiên theo thứ tự (đây là những thành phần chiếm tỉ lệ cao nhất trong sản phẩm).
  • Quá trình sinh nhân mụn cần thời gian để xuất hiện, đặc biệt là những thành phần có tính sinh nhân mụn thấp cần thời gian dài hơn để thấy rõ (có thể lên đến 6 tháng). Với các tình trạng diễn tiến nặng hoặc đột ngột, hãy đến các Bác sĩ chuyên khoa uy tín để được khám và tư vấn sản phẩm phù hợp do da.

Chúng tôi hy vọng các kiến thức trên là hữu ích, giúp các bạn có thêm hiểu biết để lựa chọn được sản phẩm chăm sóc da mụn cho mình. Cũng cần lưu ý rằng, chỉ nên mua và sử dụng các dược mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng của các nhãn hãng danh tiếng và uy tín trên thế giới, có thành phần hoạt chất và tá dược được liệt kê đầy đủ trên bao bì nhằm tránh rơi vào cạm bẫy của kem trộn và rượu thuốc, dẫn đến hậu quả nặng nề về lâu dài cho làn da.

Trong trường hợp bạn cần tư vấn thêm về liệu trình chăm sóc da mụn của mình, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Da liễu và Dược sĩ chuyên sâu về dược mỹ phẩm tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn liên quan đến việc điều trị mụn.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyen, S. H., Dang, T. P. & Maibach, H. I. “Handbook of Cosmetic Science and Technology, 3rd Edition”. Informa Healthcare. 583 – 586 (2009).
  2. Fulton, J. E. “Comedogenicity and irritancy of commonly used ingredients in skin care products”. J Soc Cosmet Chem 43, 321 – 333 (1989).
  3. Lanzet, M. “Comedogenic effects of cosmetic raw materials”. Cosmet Toilet 101, 63 – 72.