Bát nháo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Hà Nội thu giữ gần 4 tấn hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc Thu giữ gần 1 tấn kem, hóa chất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Quảng Bình

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị xử lý nghiêm tình trạng mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng bán tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng và những cơ sở kinh doanh chân chính.

Bắt giữ nhiều lô hàng số lượng lớn

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) kiểm tra kho chứa hàng hóa tại Khu Hòa Đình (phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn chai nước hoa gắn mác như Chanel, Gucci, Dior, Versace, Victoria secrect, Lancome… cùng lượng lớn mỹ phẩm mang nhãn mác của các thương hiệu đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay… Lực lượng chức năng nhận định, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Số hàng trên đã bị niêm phong toàn bộ để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Thu giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Tại Quảng Bình, Cục Quản lý thị trường kiểm tra xe ôtô đầu kéo BKS số 86H-4139, rơ moóc số 51R-003.06 do ông Nguyễn Xuân Lộc (có địa chỉ tại Khu phố 2, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) điều khiển. Kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 19.000 đơn vị sản phẩm kính áp tròng; 9.809 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 2.520 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng và 2.314 đơn vị sản phẩm dược phẩm sản xuất tại Thái Lan, Đức, Ý, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan và Hàn Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ hàng hóa nêu trên. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1,8 tỷ đồng.

Mạnh tay hơn với các hành động buôn bán hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, ngày 22/7, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Công an quận Thanh Xuân giám sát buộc tiêu hủy gần 8 tấn hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu, không đảm bảo lưu thông trên thị trường. Lô hàng trên thuộc sở hữu của Phạm Quốc Hưng, hộ khẩu thường trú tại 241 Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Cầu Giấy).

Cục Quản lý Dược ra công văn “tuýt còi”

Trước tình hình mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp. Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 7261 /QLD-MP gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo trên sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Nhiều sản phẩm quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm…

Để chấn chỉnh tình trạng này, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý…

Cục Quản lý Dược đề nghị xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.