Chăm sóc da – Bệnh viện Quân Y 103

1. Đại cương

1.1 Sự cần thiết chăm sóc da:

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ ưa chuộng vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết hơn là vẻ đẹp mang nặng tính nhân tạo. Vì vậy, việc chăm sóc da phù hợp với đặc điểm của từng làn da là rất cần thiết. Điều đó không chỉ dựa vào từng loại da mà còn cần phải biết phương pháp chăm sóc da hiệu quả, để có thể cải thiện và gìn giữ lâu dài vẻ đẹp tự nhiên đáng tự hào của mình. Để có được một làn da trẻ đẹp, việc đầu tiên là cần có một cơ thể khỏe mạnh, cả về sức khỏe về cơ thể và tinh thần. Muốn vậy, luyện tập thể dục thể thao là một liệu pháp rất tốt để duy trì sự trẻ khỏe của làn da, giúp chúng ta trẻ hơn, khỏe mạnh hơn, và giúp giảm thiểu những tác nhân gây hại cho da. Điều tiếp theo là nên sử dụng những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, và một điều đặc biệt quan trọng để giúp duy trì và hồi phục làn da trẻ khỏe là lựa chọn một chương trình chăm sóc da phù hợp với những sản phẩm dưỡng da tuyệt vời mà ngày nay có thể có được.

1.2 Mục đích của việc chăm sóc da:

+ Giúp duy trì vẻ đẹp bản chất của làn da.

+ Duy trì sự mềm mại và bổ xung độ ẩm, dưỡng chất

+ Thúc đẩy quá trình thay da diễn ra bình thường

+ Bảo vệ và duy trì làn da khoẻ mạnh

1.3 Những yếu tố để có làn da đẹp

+ Ngủ đủ giấc.

+ Uống đủ nước

+ Hoạt động thể dục thể thao, thúc đẩy quá trình tuần hoàn và đảm bảo cơ thể giữ được vẻ đẹp.

+ Không nên uống cà phê, rượu, bia là những chất gây khô và xạm da

+ Vui vẻ, thư giãn, tránh Stress

+ Không nên rửa mặt, tắm bằng nước quá nóng

2.Cách phân biệt các loại da: Có 5 loại da cơ bản:

Da nhờn, da khô, da hỗn hợp, da thường và da nhạy cảm.

2.1. Da nhờn

Do tuyến bã hoạt động mạnh nên thường cảm thấy da mặt bị nhờn, da có vẻ dày, lỗ chân lông to (nhất là hai bên cánh mũi). Thường vào giữa ngày hoặc vài giờ sau khi rửa mặt da hay bị căng bóng. Các tuyến nhờn một mặt giúp da mềm mại nhưng lại khiến da dễ bị bám bụi, ngoài ra chất nhờn dư thừa còn làm tắc lỗ chân lông, là nguyên nhân chính khiến da dễ bị nổi mụn trứng cá và mụn bọc.

2.2 Da khô

Thường cảm thấy làn da khô, ráp, hơi sần sùi, hơi rát khi rửa mặt, vào giữa ngày da có thể xuất hiện vảy nhỏ. Vì tuyến nhờn hoạt động kém nên da thiếu khả năng giữ ẩm tự nhiên, dễ bị nứt nẻ (nhất là khi trời lạnh). Da khô ít bị nổi mụn và lỗ chân lông rất nhỏ, nhưng lại rất dễ xuất hiện nếp nhăn khi cười.

2.3. Da thường

Đây là loại da khá lý tưởng, không khô và cũng không bị nhờn, thường luôn mềm mại, mịn màng, lỗ chân lông nhỏ, co giãn tốt, ít nếp nhăn, ít bị mụn.

2.4 Da hỗn hợp Vùng chữ T

Nhiều người có loại da hỗn hợp. Da có chỗ thì khô, chỗ thì nhờn, thường là khô ở hai bên má, nhưng lại bị nhờn ở vùng trán, mũi và cằm (vùng chữ T). Vào giữa ngày vùng T hay bị bóng. Da hỗn hợp cũng dễ bị mụn và lỗ chân lông to. 2.5 Da nhạy cảm

Da mỏng, dễ bị kích ứng, hay ngứa, nổi mẩn đỏ khi tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như mỹ phẩm, môi trường ô nhiễm v.v.

3. Các bước chung trong kỹ năng chăm sóc da mặt.

3.1 Bước 1: Làm sạch da mặt

Quy trình làm sạch da mặt nhằm mục đích loại bỏ lớp bụi bẩn, phần còn lại sau trang điểm đã trộn lẫn với chất bài tiết, mồ hôi và tế bào chết. Chúng ta cần sử dụng sản phẩm làm sạch da mặt thích hợp với từng loại da. Nên tránh dùng xà phòng, nước chứa cồn, những thành phần này thường làm thay đổi sự cân bằng cơ bản của da. Để làm sạch da và tẩy trang, phải dùng các loại sữa tẩy trang và nước Tonic phù hợp với từng loại da. Nên dùng sản phẩm làm sạch dưới dạng: hỗn dịch, dầu, bọt, Cream và sữa.

3.2 Bước 2: Chăm sóc cơ bản

Là bước chăm sóc với mục đích dưỡng ẩm cho da, những sản phẩm sử dụng cho mục đích này là kem dưỡng ẩm và các chất dưỡng ẩm. Các sản phẩm này đều có tác dụng phủ lên bề mặt da một lớp màng mỏng nhằm tránh sự mất nước qua da, đồng thời chất dưỡng ẩm còn làm mềm lớp da biểu bì vì vậy da mặt dường như có vẻ mịn màng. Những sản phẩm dưỡng ẩm khác nhau có tỷ lệ nước và mỡ khác nhau, tỷ lệ này làm nên tính chất riêng của từng sản phẩm. Những sản phẩm có chất chứa nhiều mỡ thường được khuyên dùng dưỡng ẩm vào ban đêm, sản phẩm chứa ít mỡ hơn được sử dụng vào ban ngày.

Các sản phẩm dưỡng ẩm không khắc phục được quá trình hình thành nếp nhăn hay da bị lão hoá, mà nhiệm vụ chỉ là bảo vệ da trước sự mất nước trong quá trình hoạt động của hệ tuần hoàn và tuyến mồ hôi. Da tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ hệ tuần hoàn.

3.3 Chăm sóc đặc biệt

Đây là bước chăm sóc đặc biệt và tích cực đối với da trưởng thành. Cùng với thời gian xảy ra những biến đổi sinh lý các tế bào da và dẫn đến sự thay đổi về diện mạo bên ngoài. Nguyên nhân có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi da là tia cực tím, tác nhân này chiếm 80 – 90% tất cả những biến đổi xảy ra với da theo thời gian, lớp da biểu bì ngày càng trở lên mỏng hơn, ngược lại lớp tế bào sừng lại dày lên dẫn đến tìng trạng da khô và sần.

Sợi Collagen và Elastyn là sợi làm nên độ săn chắc và tính đàn hồi cho da, theo thời gian sợi này cũng bị lão hoá dưới tác động của ASMT và thời gian dẫn đến hình thành các nếp nhăn trên da. Thực chất chúng ta không thể ngăn cản được quá trình lão hoá da, nhưng chúng ta có thể chăm sóc da, bảo vệ da để làm quá trình lão hoá xảy ra chậm hơn.

4. Quy trình chăm sóc các loại da

4.1 Quy trình chăm sóc da thường, hỗn hợp

– Làm sạch da mặt bằng gel cho da thường hoặc hỗn hợp

– Tẩy tế bào chết 1tuần/lần

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rửa mặt cho da thường và hỗn hợp

– Massage mặt bằng Cream

– Đắp mặt nạ dưỡng ẩm

– Bóc mặt nạ

– Bôi nước hoa hồng

– Bôi kem dưỡng da cho da thường và hỗn hợp

4.2 Quy trình chăm sóc da khô

– Làm sạch da mặt bằng gel

– Tẩy tế bào chết 1lần/tháng

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rửa mặt cho da khô

– Massage mặt bằng Cream

– Đắp mặt nạ giữ ẩm

– Bóc mặt nạ

– Bôi nước hoa hồng

– Điện di Collagen

– Bôi kem dưỡng da cho da khô

4.3 Quy trình chăm sóc da dầu

– Làm sạch da mặt bằng gel

– Tẩy tế bào chết 2lần/tuần

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rửa mặt cho da dầu

– Massage mặt bằng Cream

– Đắp mặt nạ

– Bóc mặt nạ

– Bôi nước hoa hồng

– Bôi kem dưỡng da cho da dầu

– Kết hợp uống thuốc để giảm bài tiết bã nhờn

4.4 Quy trình chăm sóc da mụn

– Làm sạch da mặt bằng gel rửa mặt trị mụn

– Tẩy tế bào chết 2lần/tuần

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rủa mặt trị mụn

– Trích các nhân trứng cá thông thường hoặc trứng cá bọc khi các tổn thương có thể lấy nhân

– Đắp mặt nạ điều trị chống viêm

– Bóc mặt nạ

– Điện di thuốc chống viêm

– Bôi thuốc điều trị trứng cá

– Kết hợp uống thuốc điều trị toàn thân

4.5 Quy trình làm sạch da kích ứng

– Làm sạch da mặt bằng sữa rửa mặt dành cho da nhạy cảm

– Điện di thuốc điều trị chống kích ứng

– Bôi và uống thuốc

4.6 Quy trình chăm sóc da lão hoá, da chảy xệ, kém đàn hồi

– Làm sạch da bằng gel

– Tẩy tế bào chết

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rửa mặt để tái tạo da

– Massage bằng Cream

– Đắp mặt nạ dưỡng chất, Vit C, Collagen…

– Điện di Collagen

– Bôi nước hoa hồng

– Bôi kem dưỡng da dành cho da lão hoá

– Uống Collagen và các Vitamin nhóm B, A, C, E…

4.7 Quy trình phục hồi da thâm sau trứng cá

– Làm sạch da mặt bằng gel

– Tẩy tế bào chết

– Làm sạch lỗ chân lông bằng sữa rửa mặt (tuỳ từng loại da)

– Massage mặt bằng Cream

– Đắp mặt nạ tẩy thâm

– Bóc mặt nạ

– Điện di Collagen, Vitamin C

– Bôi nước hoa hồng

– Bôi sản phẩm có Vitamin C và các sản phẩm điều trị thâm da

– Chế độ ăn: hạn chế ăn dầu mỡ, cay, ngọt…

5. Qui trình chăm sóc mắt.

– Làm sạch da bằng gel và sữa rửa mặt

– Massage mắt

– Điện di vùng mắt bằng Collagen hoặc Vitamin

– Bôi kem vùng mắt để: + Chống nhăn

+ Chống thâm

+ Chống quầng

+ Hạn chế xuất hiện bọng mỡ

6. Qui trình phục hồi da sau Laser, phục hồi sẹo, vết thâm sau viêm.

6.1 Sau điều trị Laser

– Tạo vảy trong thời gian khoảng 10 – 15 ngày

– Bôi kem tái tạo tổ chức hạt (tái tạo sẹo)

– Bôi kem chống nắng

– Không bôi nghệ vào tổn thương

– Không bóc vảy, để vảy tự bong

– Kết hợp uống thuốc

6.2 Sau khi bong hết vảy

– Làm sạch da bằng sữa rửa mặt phù hợp cho từng loại da

– Điện di nhẹ nhàng Collagen

– Đắp mặt nạ tái tạo da

– Bôi kem tái tạo sẹo và kem chống nắng, sản phẩm có Vitamin C

– Kết hợp uống thuốc chống thâm da.

7. Chăm sóc tóc

– Lựa chọn dầu gội phù hợp cho từng loại tóc

– Ra ngoài nhà đội mũ, nón để hạn chế tóc tiếp xúc với tia tử ngoại

– Ăn uống đủ chất

– Hạn chế ép, nhuộm tóc

– Ngủ đủ giấc

8. Qui trình chăm sóc da toàn thân

– Loại bỏ tế bào sừng chết bằng các sản phẩm tẩy tế bào chết 1 – 2lần/tuần

– Dùng xà phòng hoặc sữa tắm phù hợp với loại da

– Không tắm nước quá nóng, tắm xong nên dội lại nước lạnh

– Bôi kem dưỡng tay, chân, toàn thân.

9. Đặc điểm cần chú ý với với 4 vùng da trên mặt

Chăm sóc da mặt, cần chú ý thêm đặc điểm của 4 vùng trên mặt:

4 vùng da T – C – U – O

+ Vùng chữ T: Là vùng trán và dọc sống mũi – nơi này thường tập trung nhiều chất nhờn nhất trên gương mặt.

+ Vùng chữ C: Là vùng bao quanh mắt – sắc tố da nơi này thường không đồng đều và là nơi dễ xuất hiện nếp nhăn.

+ Vùng chữ U:Là vùng nối giữa má và cằm – nơi này thường tập trung nhiều vết bẩn và dễ gây nổi mụn.

+ Vùng chữ O: Là vùng bao quanh miệng – nơi này thường xảy ra sự biến động liên tục của các cơ khi nói, ngoài ra do liên quan đến vấn đề ăn uống nên nó cũng rất dễ nổi mụn.