Tập thể dục vào ngày đèn đỏ: Những điều cần lưu ý

“Tôi có nên tập thể dục khi có kinh nguyệt?” Nếu bạn lo lắng về việc những ngày “đèn đỏ” sẽ ảnh hưởng đến thói quen tập thể dục, có thể bạn sẽ suy nghĩ lại khi biết rằng các hoạt động thể chất sẽ mang lại vô số lợi ích cơ thể trong giai đoạn này.

Lợi ích của việc tập thể dục khi có kinh nguyệt

Lợi ích của việc tập thể dục khi có kinh nguyệt

==> Có nên tập thể dục khi hành kinh? Câu trả lời là: Có!

Cả hai loại hormone progesterone và estrogen đều ở mức thấp nhất trong những ngày “đèn đỏ”, điều này có thể khiến đa số bạn nữ cảm thấy mệt mỏi và ít năng lượng hơn. Tuy nhiên, việc ngừng tập thể dục sẽ không giúp bạn tiết kiệm năng lượng hoặc cảm thấy tốt hơn. Thay vì hạn chế tập thể dục khi có kinh nguyệt, bạn hãy tận dụng khoảng thời gian này như một cơ hội để thử một số bài tập mới.

Dưới đây là 5 lợi ích của việc tập thể dục trong những ngày kinh nguyệt.

1. Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và dễ thay đổi tâm trạng trong những ngày sắp có kinh, hãy tập thể dục. Luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

2. Cải thiện lượng endorphin trong cơ thể

Endorphin là chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, endorphin cũng là một chất giảm đau tự nhiên, nó sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác mệt mỏi trong thời kỳ “đèn đỏ”.

Tập thể dục giúp cải thiện hàm lượng endorphin tự nhiên nên nó giúp tâm trạng của bạn khá hơn, khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng, một trong những lợi ích chính của việc tập thể dục khi có kinh nguyệt là giải phóng endorphin.

3. Tăng sức mạnh

Một nghiên cứu cho thấy, 2 tuần đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt (ngày đầu tiên của chu kỳ là ngày thứ nhất hành kinh) là khoảng thời gian bạn đạt được mức sức mạnh và sức bền lớn hơn thường ngày do mức độ hormone nữ trở nên thấp đi.

4. Cải thiện tâm trạng

Tập thể dục khi có kinh nguyệt sẽ cải thiện tâm trạng của bạn và tăng lưu thông máu. Luyện tập cũng có xu hướng giúp giảm bớt chuột rút, đau đầu hoặc đau lưng do kinh nguyệt.

5. Giảm đau bụng kinh

Nếu bạn trải qua tình trạng kinh khủng nhất của kỳ kinh nguyệt: đau bụng kinh, bạn sẽ biết khoảng thời gian này khó chịu đến mức nào. Nhưng may mắn là các bài tập đi bộ nhẹ có thể giúp bạn giảm các triệu chứng này.

Những bài tập phù hợp trong ngày “đèn đỏ”

Đâu là những bài tập thể dục phù hợp khi có kinh nguyệt? Hãy lựa chọn các động tác kéo giãn (stretching), điển hình là pilates, cardio, chạy bộ… chúng rất thích hợp để luyện tập vào những ngày “đèn đỏ”.

1. Các bài tập co giãn cơ

Các bài tập co giãn cơ phù hợp cho bạn nữ đang có kinh nguyệt

Các bài tập co giãn cơ giúp xoa dịu cơn đau bụng kinh, hạn chế tối việc đau cơ, mỏi cơ. Đặc biệt, giãn cơ giúp bạn có một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, mở rộng phạm vi chuyển động và độ linh hoạt của cơ thể.

Bạn có thể thử các bài tập yoga như tư thế con mèo, tư thế phục hồi, tư thế đầu gối chạm ngực để thả lỏng cơ bụng.

2. Các bài tập cardio nhẹ nhàng

Cardio nhẹ nhàng phù hợp cho bạn nữ đang trong ngày đèn đỏ

Trong những ngày “đèn đỏ”, bạn có thể thực hiện các bài cardio nhẹ nhàng như chạy bộ trên máy hoặc đi bộ nhanh khoảng 30 phút.

Trong khi tập luyện, bạn nên tránh nghỉ ngơi nhiều và nên duy trì tốc độ nhẹ nhàng đều, liên tục. Sau khi hoàn tất bài tập, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhưng không tốn nhiều sức lực.

3. Động tác nâng tạ

Nâng tạ nhẹ cũng giúp bạn nữ khỏe mạnh hơn khi có kinh nguyệt

Một trong những ảnh hưởng tích cực của ngày kinh nguyệt chính là tăng khả năng chịu đựng của cơ thể. Do đó, một số bài nâng tạ bình thường bạn cảm thấy khó khăn nhưng có thể sẽ dễ dàng thực hiện hơn trong những ngày này.

Bạn nên thực hiện tương tự như những bài nâng tạ hằng ngày, không nên tập nặng hơn bình thường. Hãy tận dụng khả năng chịu đau để tập phần tay, chân. Tránh các bài nâng tạ sử dụng cơ bụng và lưng dưới vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu.

4. Chạy bộ đúng cách

Chạy bộ giúp tăng cường sức khỏe ngày đèn đỏ

Sức khỏe, độ linh hoạt và khả năng phản ứng của chị em trong ngày “đèn đỏ” sẽ giảm đi rất nhiều so với ngày thường. Vì thế, chạy bộ là cách làm tăng tính linh hoạt cho cơ thể. Tuy nhiên trong những ngày kinh nguyệt, bạn cần giảm cường độ tập luyện xuống.

Thay vì chạy với tốc độ cao trong 1 giờ, bạn có thể giảm xuống 30 phút với tốc độ bình thường. Bạn nên chạy chậm lại và chia nhỏ thời gian luyện tập để phù hợp với thể trạng của bản thân.

Đây là bài tập khá an toàn và hiệu quả, hơn nữa lại tác động đến tất cả các cơ của cơ thể.

Các cơ sẽ được vận động hiệu quả, cân bằng, giúp chị em cải thiện thể lực và sức khỏe.

Tìm hiểu: Bài tập thể dục nâng cao sức khỏe

5. Đi bộ

Đi bộ phù hợp cho bạn nữ đang có kinh nguyệt

Đi bộ là một hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp để tập thể dục khi có kinh nguyệt. Quá trình đi bộ phần nào giúp máu kinh nguyệt mau chóng được đào thải, hạn chế cục máu đông hay máu đen.

Bài tập này phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, do động tác nhẹ nhàng nên hiệu quả chưa cao, lượng calo đốt cháy khá thấp.

6. Yoga và pilates

Yoga và pilates cải thiện sức khỏe và tâm trạng cho bạn nữ đang hành kinh

2-3 ngày trước thời kỳ kinh nguyệt sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để tham gia vào các hoạt động như yoga và pilates. Những bài tập này có thể giúp thư giãn cơ thể và có khả năng giảm các triệu chứng như chuột rút, đau vú và mệt mỏi cơ bắp và đau nhức.

Nếu bạn không gặp phải bất cứ dấu hiệu khó chịu nào trong những ngày hành kinh, hãy tiếp tục thực hiện thói quen tập thể dục thường xuyên của mình. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý đến việc điều chỉnh cơ thể khi thực hiện bài tập thể dục khi có kinh nguyệt. Nếu bạn thấy rằng cơ thể không ổn như mọi ngày, hãy cho bản thân nghỉ ngơi và giảm bớt cường độ tập luyện.

Mời bạn tham khảo thêm: Dấu hiệu có kinh trước 1 tuần bạn gái cần chuẩn bị gì?

Những bài tập nên hạn chế khi có kinh nguyệt

Không nên thực hiện các bài tập mạnh trong những ngày này, hạn chế thực hiện các động tác nhào lộn, chống ngược (trong yoga).

Không ép buộc bản thân phải chạy bộ, nâng tạ nếu bạn cảm thấy cơ thể không muốn.

Các bài tập cường độ cao như vận động viên chuyên nghiệp có thể dẫn đến hiện tượng tắc kinh hoặc mất kinh. Nhưng bạn cũng không nên lo lắng vì tình trạng này chỉ tạm thời và sẽ hết khi bạn tập luyện cường độ nhẹ nhàng hơn.

Tập quá nhiều hoặc quá sức cũng làm trì hoãn ngày hành kinh ở các bạn gái trẻ. Vì có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mất kinh nên bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước nếu có sự bất thường của kinh nguyệt thay vì cho rằng là do tập luyện mà ra.

Xem thêm:

Những biểu hiện kinh nguyệt bất thường không nên bỏ qua

6 cách đơn giản giúp bạn gái đánh bay cơn đau bụng kinh nhanh chóng

Màu sắc kinh nguyệt nói lên điều gì về cơ thể của bạn?

Nguồn tham khảo:

Can You Exercise on Your Period? – https://www.healthline.com/health/exercise-during-period

Premenstrual syndrome (PMS) – https://www.acog.org/en/Patient%20Resources/FAQs