Giáo trình nội bộ GDTC 1 | Thạc sỹ Bùi Minh Tuấn – mysite tuaf

LỜI NÓI ĐẦU

Giáo dục thể chất là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có tri thức, có đạo đức và hoàn thiện thể chất. Từ đó học sinh – sinh viên có sức khỏe dồi dào, có thể chất cường tráng, có dũng khí kiên cường để kế tục sự nghiệp của Đảng và nhân dân một cách đắc lực. Cùng với các mặt hoạt động khác, quá trình Giáo dục thể chất còn giúp cho học sinh – sinh viên hoàn thiện nhân cách và các phẩm chất khác, nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và nghiệp vụ chuyên môn. Giáo trình nội bộ môn Thể dục tay không – Điền kinh nằm trong hệ thống chương trình đào tạo của Bộ môn Giáo dục thể chất – thuộc Khoa Khoa học Cơ bản Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Giáo trình biên soạn dựa trên chương trình chuẩn đã được Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tế về tài liệu tham khảo, học tập và nghiên cứu môn Thể dục tay không – Điền kinh; Sự cần thiết của Giáo trình môn học để nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với nhu cầu thực tế; Mục đích của Giáo trình nhằm bổ sung những nội dung mới và hệ thống những nội dung cơ bản về lý luận, phương pháp giảng dạy, các bài tập mẫu và thang điểm đánh giá cho từng loại hình bài tập của môn Thể dục tay không – Điền kinh. Mặc dù tập thể giáo viên của Bộ môn Giáo dục thể chất của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trong quá trình biên soạn đã có nhiều cố gắng, song không thể tránh khỏi những thiếu sót. Do vậy, rất mong sự góp ý của quý Thầy, Cô và các bạn đọc để Giáo trình này ngày càng hoàn chỉnh hơn.

MỤC LỤC PHẦN I: GIÁO DỤC THỂ CHẤT 1 CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU 1 I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN TDTT VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 1 CHƯƠNG II: PHẦN CƠ BẢN 8 I. GIỚI THIỆU VÀ PHÂN TÍCH CÁC BÀI THỂ DỤC TAY KHÔNG. 8 1. Động tác vươn thở: 8 2. Động tác tay ngực: 8 3. Động tác nghiêng lườn 9 4. Động tác vặn mình 10 5. Động tác lưng bụng 10 6. Động tác đá chân 11 7. Động tác phối hợp (toàn thân) 12 8. Động tác nhảy. 13 PHẦN II: ĐIỀN KINH (CỰ LI 100M) 14 CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU 14 I . LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN. 14 II . Ý NGHĨA, TÁC DỤNG CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN 15 III . ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN 15 CHƯƠNG II: PHẦN CƠ BẢN 17 I. NGUYÊN LÝ KỸ THUẬT CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN 17 III. PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHẠY CỰ LI NGẮN 26 IV. MỘT SỐ ĐIỂM TRONG LUẬT ĐIỀN KINH (CHẠY CỰ LI NGẮN). 27 PHẦN I: GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN TDTT VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước vừa giành được độc lập dân tộc đã gặp phải biết bao khó khăn, trở lực bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn trở lực và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành TDTT của nước Việt Nam mới. Vào ngày 31 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành TDTT ngày nay. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới. Vào một buổi chiều cuối tháng 3 năm 1946, khi tập thể cán bộ của Nha đang thảo luận công tác, tìm cách phát động phong trào TDTT, Bộ trưởng Bộ Thanh niên kiêm Giám đốc Nha thể dục Trung ương đi vào, hồ hởi thông báo: “Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Ngườiviết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”. Anh em trong Nha Thể dục Trung ương vô cùng phấn khởi vì “Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ là ánh sáng dẫn đường, chỉ lối cho công tác TDTT cách mạng. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển. Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới. Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế. Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thư của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thư của Thủ tướng Phan Văn Khải… gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển. Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất coi trọng công tác đối ngoại của TDTT. Người cho rằng đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Ủy ban Thể dục thể thao đã lãnh đạo phong trào, lập ra các đội tuyển quốc gia các môn để tham gia thi đấu giao hữu và các giải quốc tế. TTVN Tham gia vào các kỳ Olympic, SEA Games, các giải bóng đá trong khu vực và quốc tế đều đạt được những thành tựu đáng kể. Với sự kiện được đăng cai SEA Games 22 vào tháng 12-2003 tại nước nhà, ngành Thể dục thể thao Việt Nam muốn khẳng định với toàn thế giới rằng, TTVN cũng có thể sánh vai cùng với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Qua đó, cũng muốn thể hiện rằng tiềm năng của TTVN là rất to lớn. Chúng ta đang ở thời điểm lịch sử trọng đại, bước vào thế kỷ XXI – mở đầu Thiên niên kỷ mới. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT tức là góp phần tích cực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện.Ngành TDTT Việt Nam dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định sẽ có sự phát triển rực rõ trong thời đại mới của lịch sử. * Ngày Thể thao Việt Nam 27-3 Cách đây tròn 10 năm, ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”. Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ. Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm. II. VAI TRÒ CỦA TDTT TRONG TRƯỜNG HỌC. Giáo dục thể chất là một trong mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước ta, và nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục thể chất được hiểu là: “Quá trình sư phạm nhằm giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, hoàn thiện về thể chất và nhân cách, nâng cao khả năng làm việc, và kéo dài tuổi thọ của con người”. Giáo dục thể chất cũng như các loại hình giáo dục khác, là quá trình sư phạm với đầy đủ đặc điểm của nó, có vai trò chủ đạo của nhà sư phạm, tổ chức hoạt động của nhà sư phạm phù hợp với học sinh với nguyên tắc sư phạm. Giáo dục thể chất chia thành hai mặt tương đối độc lập: Dạy học động tác (giáo dưỡng thể chất) và giáo dục tố chất thể lực. Trong hệ thống giáo dục nội dung đặc trưng của giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục, trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) xã hội với nhiệm vụ là: “Phát triển toàn diện các tố chất thể lực, và trên cơ sở đó phát triển các năng lực thể chất, bảo đảm hoàn thiện thể hình, củng cố sức khoẻ, hình thành theo hệ thống và tiến hành hoàn thiện đến mức cần thiết các kỹ năng và kỹ xảo quan trọng cho cuộc sống”. Đồng thời chương trình giáo dục thể chất trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dục đó là: “Trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện thể lực cho học sinh sinh viên”. Nội dung chương trình giáo dục thể chất trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp được tiến hành trong cả quá trình học tập của sinh viên trong nhà trường bằng các hình thức: * Giờ học thể dục thể thao chính khoá:Là hình thức cơ bản nhất của giáo dục thể chất được tiến hành trong kế hoạch học tập của nhà trường. Vì việc đào tạo cơ bản về thể chất, thể thao cho học sinh sinh viên là nhiệm vụ cần thiết, nên trước hết phải có nội dung thích hợp để phát triển các tố chất thể lực và phối hợp vận động cho học sinh sinh viên. Đồng thời, giúp các em có trình độ nhất định để tiếp thu được các kỹ thuật động tác TDTT.Với mục tiêu chính của việc đào tạo cơ bản về thể chất và thể thao trong trường học là: “Xúc tiến quá trình đào tạo năng lực đạt thành tích trong thể chất và thể thao của học sinh sinh viên, phát triển các tố chất thể lực, phát triển năng lực tâm lý, tạo ý thức tập luyện TDTT thường xuyên, giáo dục được đức tính cơ bản và lòng nhân đạo cho học sinh”.Bản thân giờ học TDTT có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt đối với việc quản lý và giáo dục con người trong xã hội. Việc học tập các bài tập thể dục, các kỹ thuật động tác là điều kiện cần thiết để con người phát triển cơ thể một cách hài hoà, bảo vệ và củng cố sức khoẻ, hình thành năng lực chung và chuyên môn. * Giờ học ngoại khoá – tự tập:Là nhu cầu và ham thích trong khi nhàn rỗi của 1 bộ phận học sinh sinh viên với mục đích và nhiệm vụ là góp phần phát triển năng lực, thể chất một cách toàn diện, đồng thời góp phần nâng cao thành tích thể thao của học sinh sinh viên. Giờ học ngoại khoá nhằm củng cố và hoàn thiện các bài học chính khoá và được tiến hành vào giờ tự học của học sinh sinh viên, hay dưới sự hướng dẫn của giáo viên TDTT, hướng dẫn viên. Ngoài ra còn các hoạt động thể thao quần chúng ngoài giờ học bao gồm: Luyện tập trong các câu lạc bộ, các giải thi đấu trong và ngoài trường được tổ chức hàng năm, các bài tập thể dục vệ sinh chống mệt mỏi hàng ngày, cũng như giờ tự luyện tập của học sinh sinh viên, phong trào tự tập luyện rèn luyện thân thể. Hoạt động ngoại khoá với chức năng là động viên lôi kéo nhiều người tham gia tập luyện các môn thể thao yêu thích, góp phần nâng cao sức khoẻ phục vụ học tập và sinh hoạt. Tác dụng của giáo dục thể chất và các hình thức sử dụng TDTT có chủ đích áp dụng trong các trường học là toàn diện, là phương tiện để hợp lý hoá chế độ hoạt động, nghỉ ngơi tích cực, giữ gìn và nâng cao năng lực hoạt động, học tập của học sinh sinh viên trong suốt thời kỳ học tập trong nhà trường, cũng như đảm bảo chuẩn bị thể lực chung và chuẩn bị thể lực chuyên môn phù hợp với những điều kiện của nghề nghiệp trong tương lai.

CHƯƠNG II. PHẦN CƠ BẢN

I. GIỚI THIỆU VÀ PHÂN TÍCH CÁC BÀI THỂ DỤC TAY KHÔNG. 1. Động tác vươn thở: a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước sang ngang, đồng thời vươn người, hai tay từ dưới sang ngang, lên cao chếch chữ V, lòng bàn tay hướng vào nhau, mặt ngửa và từ từ hít sâu vào bằng mũi. Nhịp2: Hai tay từ từ hạ xuống, sang ngang và vắt chéo trước bụng, đồng thở ra, thân người cúi. Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB. Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi chân. (Nhịp lên của động tác vươn thở thường chậm, nhịp hô kéo dài để phối hợp với thở) 2. Động tác tay ngực: a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước sang ngang, hai tay từ dưới lên chếch ngang, lòng bàn tay ngửa. Nhịp 2: Gập mạnh khửu tay về phía trước ngực, lòng bàn tay ngửa, ngực căng. Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Lưu ý đẩy căng ngực và giật mạnh khửu tay) 3. Động tác nghiêng lườn a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước sang ngang, hai tay từ dưới lên chếch ngang, lòng bàn tay ngửa. Nhịp 2: Nghiêng thân trên sang trái, đồng thời tay trái chống hông, tay phải đưa lên cao, ép sát mang tai, chân trái kiễng. Trọng tâm dồn lên chân phải. Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Tay duổi thẳng khi ép sát mang tai. Gối thẳng, không trùng) 4. Động tác vặn mình a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước sang ngang, hai tay từ dưới đưa ngang trước mặt, song song và lòng bàn tay úp. Nhịp 2: Xoay thân trên sang trái, hai tay theo thân, tay trái duỗi thẳng và ngửa, tay phải úp và gập vuông góc trước ngực Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Không dịch chuyển chân khi xoay thân trên) 5. Động tác lưng bụng a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước sang ngang, đồng thời vươn người, hai tay từ dưới sang ngang, lên cao chếch chữ V, lòng bàn tay hướng vào nhau, mặt nhìn theo tay. Nhịp 2: Gập thân trên xuống dưới, hai tay hạ xuống chạm mũi chân. Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Thẳng gối khi gập bụng) 6. Động tác đá chân a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Tì mũi chân trái ra phía sau, hai tay từ dưới sang ngang, lòng bàn tay ngửa Nhịp 2: Đá thẳng chân trái ra phía trước, hai tay duỗi thẳng ra trước song song với chân, lòng bàn tay úp Nhịp 3: Như nhịp 1 Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Động tác nhanh, biên độ rộng, chân đá cao, chạm mũi bàn tay) 7. Động tác phối hợp (toàn thân) a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Chân trái bước chếch 45 độ và vuông gối, dồn trọng tâm lên chân trái, hai tay từ dưới sang ngang lên chếch cao chữ V, mắt nhìn theo tay và hướng chân bước. Nhịp 2: Thu chân trái về, đồng thời gập bụng, hai tay hạ xuống chạm hai mũi chân. Nhịp 3: Trùng gối, thẳng người, hai tay sang ngang, lòng bàn tay ngửa. Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4 nhưng đổi bên (Động tác thực hiện liên hoàn, thẳng gối khi gập thân trên)

8. Động tác nhảy. a. TTCB: Đứng thẳng, hai tay duỗi sát người, mũi bàn chân mở chếch chữ V b. Thực hiện động tác: Nhịp 1: Thực hiện động tác nhún bật, tiếp đất với tư thế 2 chân sang ngang rộng bằng vai, hai tay sang ngang, lòng bàn tay úp. Nhịp 2: Nhún bật về TTCB Nhịp 3: Thực hiện động tác nhún bật, tiếp đất với tư thế 2 chân sang ngang rộng bằng vai, hai tay từ dưới sang ngang lên chếch cao, vỗ vào nhau ngay trên đỉnh đầu. Nhịp 4: Về TTCB Nhịp 5, 6, 7, 8: Như nhịp 1, 2, 3, 4. (Động tác đếm với nhịp nhanh để đảm bảo nhịp nhún và bật liên hoàn)

PHẦN II: ĐIỀN KINH (CỰ LI 100M) CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU I . LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN. • Năm 1851 lần đầu tiên các nội dung chạy tốc độ được tổ chức thi đấu tại các trường Đại học ở nước Anh . • Từ năm 1880 – 1890 các nội dung chạy cự ly ngắn phát triển mạnh và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới. • Năm 1896 Đại hội Olympic hiện đại đầu tiên tổ chức tại Hy lạp, chạy cự ly ngắn là một trong những môn thi đấu chính tại Đại hội và là những môn thi tạo ra sức hấp dẫn, có sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều VĐV, thu hút được nhiều khán giả quan tâm nhất. Kỷ lục Olympic đầu tiên của chạy cự ly ngắn là Vận động viên Tom Burke người Mỹ với thành tích 11’8 vào ngày 06/04/1896. • Kỷ lục chạy cự ly 100m đầu tiên của Thế giới được công nhận vào ngày 06/07/1912 với thành tích 10’6 của vận động viên Don Lippincott (Mỹ) thành tích bằng bấm tay tại Thụy điển. Kỷ lục đồng hồ điện tử đầu tiên được công nhận là 10’6 của VĐV Bob Hayes (Mỹ) vào ngày 15/10/1964 tại Nhật bản. • Kỷ lục chạy cự ly 200m đầu tiên của Thế giới được công nhận vào năm 1951 với thành tích 20’6. • Kỷ lục chạy cự ly 400m đầu tiên của Thế giới được công nhận vào năm 1864 với thành tích 56’’0 do VĐV Đerbisi người Anh sác lập. Tuy nhiên đây là thành tích chỉ tính bằng 440 Yat (402,25m). Đến năm 1950 kỷ lục chạy 400m được lập là 45’’8 do VĐV Đ.Rôđen (Jammaika). • Kỹ thuật chạy cự ly ngắn bao gồm từ cự ly 20m đến 400m, trong đó các cự ly 100m, 200m, 400m và các cự ly tiếp sức 4 x 100m, 4 x 400m ( nam, nữ ) là những cự ly thi đấu chính thức tai các Đại hội thể thao Olympíc. • Phụ nữ được thi đấu 100m tại Đại hội Olympíc là khá muộn năm 1928. Nữ VĐV về nhất đầu tiên là VĐV E.Rôbinsơn ( Mỹ ) với thành tích 12’’2. Hai mươi năm sau mới thêm chạy cự ly 200m. Còn cự ly 400m đến năm 1964 mới được tổ chức cho phụ nữ. • Đến năm 1968 thành tích chạy 100m nữ tính bằng đồng hồ điện tử, và kỷ lục đầu tiên được tính cho VĐV V.Taiec ( Mỹ ) ở Đại hội Olympíc tại Mêhicô. * Kỷ lục chạy cự ly ngắn: – Kỷ lục chạy 100m nam thế giới hiện nay là 9’’58 của VĐV Usain Bolt (Jammaika) năm 2009, 100m nữ 10’’49 PhG. Joyner ( Mỹ ) từ năm 1988 đến nay. – Kỷ lục chạy 200m nam thế giới hiện nay là 19’’19 của VĐV Usain Bolt (Jammaika) năm 2009, 200m nữ 21’’34 PhG. Joyner ( Mỹ ) từ năm 1988 đến nay. – Kỷ lục chạy 400m nam thế giới hiện nay là 43’’18 của VĐV M. Jonhson(Mỹ) năm 1999, 400m nữ 21’’34 của VĐV Mrita Kốc ( Cộng hòa dân chủ Đức ) từ năm 1985 đến nay. – Kỷ lục chạy 100m nam Việt Nam hiện nay là: 10’’47 của VĐV Nguyễn Văn Huynh ( Quân đội), 100m nữ là 11’’34 của VĐV Vũ Thj Hương ( An Giang). – Kỷ lục chạy 200m nam Việt Nam hiện nay là 21’’27 của VĐV Nguyễn Thanh Hải (Nghệ an ), 200m nữ 23’’37 của VĐV Vũ Thị Hương ( An Giang). – Kỷ lục chạy 400m nam Việt Nam hiện nay là 47’’46 của VĐV Quách Từ Phố (Hưng Yên), 400m nữ là 51’’83 của VĐV Nguyễn Thị Tĩnh (Hà Nội) II . Ý NGHĨA, TÁC DỤNG CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN – Chạy là phương pháp di chuyển tự nhiên của con người, là hoạt động có chu kỳ, là dạng phổ biến nhất trong các bài tập thể lực của các môn thể thao.Chạy tốc độ được áp dụng từ thời Hy Lạp cổ đại dùng để huấn luyện binh sĩ từ năm 776 trước công nguyên. Chạy ngắn giúp cho con người phát triển sự khéo léo, khả năng phối hợp vân động, mà đặt biệt là sức mạnh tốc độ, đây là một nội dung để phát triển thể lực rất cần thiết cho các môn thể thao khác. – Tập luyện chạy ngắn giúp cho cơ thể thích nghi với các hoạt động đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo. Đặc biệt giúp cho cơ thể con người trở nên săn chắc phát triển cân đối toàn diện. III . ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN 1. Chạy cự ly ngắn là một môn thể thao bắt buộc VĐV phải chạy theo ô chạy riêng, và phải xuất phát thấp có bàn đạp. 2. Trong chạy cự ly ngắn đòi hỏi vận động viên phải gắng sức tối đa , đồng thời còn phải có tính linh hoạt và phối hợp rất cao của các giai đoạn kỹ thuật trong một thời gian ngắn . Vì vậy thành tích của chạy cự ly ngắn phụ thuộc chủ yếu vào năng lực sức mạnh tốc độ. 3. Thành tích chạy cự ly ngắn phụ thuộc vào tốc độ phản xạ xuất phát, chạy lao và tăng tốc độ hợp lý và duy trì tốc độ cao cho đến hết cự ly. Muốn đạt thành tích cao trong thi đấu thì nhất thiết các VĐV phải đảm bảo phối hợp hoàn hảo các giai đoạn kỹ thuật của chạy cự ly ngắn. 4. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy, cũng như khả năng tiếp thu kỹ thuật, chạy cự ly ngắn được chia mọt cách theo quy ước thành 04 giai đoạn như sau :Xuất phát -> Chạy lao sau xuất phát ->Chạy giữa quãng -> Về đích.

CHƯƠNG II: PHẦN CƠ BẢN I. NGUYÊN LÝ KỸ THUẬT CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN • Cũng như đi bộ , chạy là hoạt động có chu kỳ, mỗi chu kỳ gồm 2 bước. Nhưng chạy khác với đi bộ ở chỗ trong 01 chu kỳ chạy có 02 thời kỳ bay, và trong chạy tốc độ, biên độ hoạt động lớn hơn đi bộ. • Mỗi bước chạy bao gồm 01giai đoạn chống tựa ( 01 giai đoạn chống tựa, 01 giai đoạn bay trên không) • Trong giai đoạn chống tựa, cơ thể người chạy giảm tốc độ (trước chống tựa), sau đó tăng vận tốc (đạp sau) • Để chống lại lực phản điểm tựa, kìm hãm tốc độ nằm ngang, VĐV cần đặt chân chống trước gần với điểm dọi trọng tâm cơ thể và thực hiện động tác miết bàn chân từ trước ra sau. • Trong lúc bay, người chạy không tăng được tốc độ vì cơ thể lúc này không tạo nên lực phản điểm chống. Do vậy càng rút ngắn thời gian bay trên không càng nhiều thì tốc độ chạy càng tăng. • Hoạt động chéo tay giữa tay và chân khi chạy làm cho trọng tâm cơ thể đỡ bị dao động sang 02 bên, giữ thăng bằng và kéo dài bước chạy . GIAI ĐOẠN CHỐNG TỰA GIAI ĐOẠN BAY II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT CỦA CHẠY CỰ LI NGẮN (XUẤT PHÁT THẤP)

• Kỹ thuật xuất phát thấp được chia thành 04giai đoạn: Vào chỗ – sẵn sàng – rời bàn đạp (chạy định hướng) – tăng tốc độ. • Tư thế vào chỗ: Người chạy đặt chân vào mặt bàn đạp (điểm tựa) để thiết lập tư thế ban đầu. • Tư thế sẵn sàng: Người chạy chuyển qua tư thế tối ưu nhất. • Người chạy tăng dần tốc độ và chuyển qua động tác chạy. Vị trí bàn đạp và chỉnh sửa Mục đích và cách thực hiện >Để đặt bàn đạp phù hợp với kích thước và khả năng của người chạy Tùy đặc điểm và trình độ người tập để bố trí bàn đạp cho phù hợp. Thông thường có 3 cách bố trí bàn đạp.

Cách “Phổ thông”( hình a): Bàn đạp trước đặt sau vạch xuất phát 1-1,5 độ dài bàn chân và bàn đạp sau cách bàn đạp trước một khoảng bằng độ đài cẳng chân ( gần 2 bàn chân của người chạy) Cách “Xa” ( hình b) Các bàn đạp được đặt xa vạch xuất phát hơn: Bàn đạp trước đặt sau vạch xuất phát gần 2 bàn chân và bàn đạp sau cách bàn đạp trước một bàn chân hoặc gần hơn. Cách này thường phù hợp với người cao, sức mạnh của chân và tay bình thường. Cách “Gần” ( hình c): Cả 2 bàn đạp được đặt gần vạch xuất phát hơn – bàn đạp trước đặt cách vạch xuất phát một bàn chân hoặc gần hơn, bàn đạp sau cách bàn đạp trước chỉ còn 1 – 1,5 bàn chân. Bằng cách này tận dụng được sức mạnh của cả 2 chân khi xuất phát nên xuất phát ra nhanh, nhưng thường phù hợp hơn với người thấp, có chân tay khỏe. Việc 2 chân rởi bàn đạp gần như đồng thời sẽ khó khi chuyển qua dùng sức đạp sau luân phiên từng chân ( ở trình độ kém) sẽ có hiện tường bị dừng sau bước rời bàn đạp. Dù theo cách nào trục dọc của 2 bàn đạp cũng phải song song với trục dọc của đường chạy. Khoảng cách giữa 2 bàn đạp theo chiều ngang thường là 10-15cm, sao cho hoạt động của 2 đùi không cản chở nhau ( do 2 bàn đạp gần nhau quá) cũng không mất bình thường ( hướng sang 2 bên do 2 bàn đạp xa nhau quá). Bàn đạp đặt trước dùng cho chân thuận chân khỏe hơn). Góc độ của mặt bàn đạp: Góc giữa mặt bàn đạp trước với đường chạy phía sau là 45-500 ; bàn đạp sau là 60-800. Đối với Sinh viên có thể lực kém thì lên sử dụng bàn đạp xa vạch xuất phát, có góc độ nhỏ hơn. Tư thế vào chỗ Sau lệnh “Vào chỗ!”, người chạy đứng thẳng trước bàn đạp của mình, ngồi xuống, chống hai tay trước vạch xuất phát; lần lượt đặt chân thuận vào bàn đạp trước, rồi chân kia vào bàn đạp sau, hai mũi chân đều phải chạm mặt đường chạy (để không phạm quy). Hai chân nên nhún trên bàn đạp kiểm tra có vững không, để chỉnh sửa kịp thời. Tiếp đó hạ đầu gối chân phía sau xuống đường chạy, thu hai tay về sau vạch xuất phát, chống trên các ngón tay như đo gang. Khoảng cách giữa hai bàn tay rộng bằng vai. Kết thúc, cơ thể ở tư thế quỳ trên gối chân phía sau (đùi chân đó vuông góc với mặt đường chạy), lưng thẳng tự nhiên, đầu thẳng, mắt nhìn phía trước, cách vạch xuất phát 40-50cm; trọng tâm cơ thể dồn lên hai tay, bàn chân trước và đầu gối chân sau. Ở tư thế ổn định đó, người chạy chú ý nghe lệnh tiếp. Tư thế sẵn sàng

Sau lệnh “Sẵn sàng !”, người chạy từ từ chuyển trọng tâm về trước, đồng thời từ từ nâng mông lên bằng hoặc cao hơn hai vai (từ 10cm trở lên, tuỳ khả năng mỗi người). Hai vai nhô về trước vạch xuất phát 5-10cm để cho trọng tâm cơ thể dồn về phía trước, mắt nhìn về trước cách vạch xuất phát 40-50cm. Cơ thể có 4 điểm chống trên mặt đường chạy là hai bàn tay và hai bàn chân. Giữ nguyên tư thế đó để sẵn sàng xuất phát khi nghe lệnh. Giai đoạn chạy lao (Xuất phát) Sau lệnh “Chạy !” (hoặc tiếng súng lệnh), xuất phát được bắt đầu bằng đạp mạnh hai chân. Đẩy hai tay rời mặt đường chạy, đồng thời đánh ngược chiều với chân (vừa để giữ thăng bằng, vừa để hỗ trợ lực đạp sau của hai chân). Chân sau không đạp hết, mà mau chóng đưa về trước để hoàn thành bước chạy thứ nhất. Chân phía trước phải đạp duỗi thẳng hết các khớp rồi mới rời khỏi bàn đạp, đưa nhanh về trước để thực hiện và hoàn thành bước chạy thứ hai

Giai đoạn chạy lao (tăng tốc) Khi hai tay rời khỏi mặt đường chạy là thời điểm bắt đầu chạy lao. Trong chạy lao, điểm đặt chân trước luôn ở sau điểm dọi của trọng tâm cơ thể (khoảng cách đó giảm dần sau mỗi bước) rồi tiến lên ngang và sau thì vượt trước. Cùng với việc tăng tốc độ chạy, độ ngã về trước của thân trên giảm dần, mức độ dùng sức trong đánh tay cũng giảm dần. Trong những bước đầu, hai chân đặt trên đường chạy hơi tách rộng rồi giảm dần cho tới kết thúc chạy lao mới ổn định gần thành một đường thẳng. Tốc độ chạy lao được tăng lên chủ yếu là nhờ tăng độ dài bước chạy. Bước sau nên dài hơn bước trước 1/2 bàn chân và sau 9-11 bước thì ổn định.

Giai đoạn chạy giữa quãng Tiếp sau chạy lao là chạy giữa quãng. Nhiệm vụ chủ yếu của chạy giữa quãng là duy trì tốc độ cao đã đạt được trong chạy lao. Trong giai đoạn này, kĩ thuật chạy khá ổn định. Kĩ thuật của chạy giữa quãng có một số đặc điểm sau: – Bàn chân đặt xuống mặt đường chạy có hoãn xung bằng cách đặt từ nửa trước của bàn chân. Điểm đặt chân thường ở phía trước của điểm dọi trọng tâm cơ thể 30-40cm tuỳ theo đốc độ chạy. Tiếp đó chân chống trước chuyển sang chống thẳng đứng rồi thành đạp sau. Đồng thời với động tác đạp sau là động tác đưa chân lăng về trước. Đùi chân lăng được nâng đủ cao – gần song song với mặt đất. Tốc độ chạy phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả đạp sau, nên động tác đố cần được thực hiện chủ động (nhanh, mạnh và đúng hướng). Để hỗ trợ cho đạp sau, chân lăng cũng phải đưa nhanh và đúng hướng. Đùi chân lăng về trước, chứ không phải là lên cao, để không giảm hiệu quả của lực đạp sau. – Ngay khi chân chống trước chạm mặt đường, vai và hông phải chủ động chuyển về trước (giúp cơ thể chuyển nhanh từ chống trước sang đạp sau). Chuyển động của vai so với hông cũng so le như của tay với chân. Thân trên ngã về trước khoảng 50. – Khi đánh tay, hai tay gập ở khuỷu, đánh so lo và phù hợp với nhịp điệu của hai chân. Hai vai thả lỏng, đánh về trước hơi khép vào trong, đánh ra sau hơi mở (nhưng không phải là đánh sang hai bên) để giữ thăng bằng cho cơ thể. Hai bàn tay nắm hờ (hoặc duỗi các ngón tay). – Khi chạy trên toàn cự li cần thở bình thường, chủ động nhưng không làm rối loạn kĩ thuật và nhịp điệu chạy. Về đích Khi cách đích khoảng 15 – 20m cần tập trung hết sức lực để duy trì tốc độ. Cố tăng độ ngã người về trước để tận dụng hiệu quả đạp sau. Người chạy hoàn thành cự li 100m khi có một bộ phận của thân trên (trừ đầu, tay) chạm vào mặt phẳng thẳng đứng, chứa vạch đích. Bởi vậy, ở bước chạy cuối cùng, người chạy phải chủ động gập thân trên về trước để chạm ngực vào dây đích (mặt phẳng đích) – đây là cách đánh đích bằng ngực. Cũng có thể kết hợp vừa gập thân trên về trước vừa xoay để một vai chạm đích – đây là cách đánh đích bằng vai. Không “nhảy” về đích, vì sẽ chậm – sau khi nhảy lên, cơ thể chuyển động (bay về trước) chỉ theo quán tính, nên tốc độ chạm dần đều. Sau khi về đích cần chạy tiếp vài bước theo quán tính và giữ thăng bằng để không ngã, không dừng đột ngột và không va chạm với những người cùng về đích. III. PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CHẠY CỰ LI NGẮN Trình tự các nhiệm vụ và các biện pháp giảng dạy được tiến hành như sau: >Nhiệm vụ 1: Xây dựng khái niệm kỹ thuật và tìm hiểu đặc điểm chạy của người học thông qua các biện pháp sau: + Giáo viên phân tích và làm mẫu kỹ thuật + Cho xem phim, ảnh kỹ thuật (đúng và sai, toàn bộ và chi tiết động tác) + Cho người học chạy lặp lại 30 – 50m, giáo viên nhận xét ưu nhược điểm của từng người > Nhiệm vụ 2: Dạy kỹ thuật chạy trên đường thẳng thông qua các biện pháp sau: + Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy tăng tốc độ ( tăng dần cự ly, tần số bước và độ dàibước chạy ) + Chạy tăng tốc độ sau đó chạy theo quán tính từ 60 – 80m + Tại chỗ tập dánh tay, tăng dần biên độ và tần số động tác + Chạy biến tốc các đoạn ngắn 40 – 60m >Nhiệm vụ 3: Dạy kỹ thuật chạy trên đường vòng thông qua các biện pháp sau: + Giáo viên phân tích và làm mẫu kỹ thuật + Chạy tăng tốc độ trên đường vòng có bán kính lớn (ô chạy thứ 5, 6) sau đó thu hẹp dần (ô chạy 3, 2, 1) với tốc độ khoảng 70 – 80% tốc độ tối đa + Chạy tăng tốc độ từ đường thẳng vào đường vòng từ 60 – 80m + Chạy tăng tốc độ từ đường vòng ra đường thẳng từ 60 – 80m + Chạy lặp lại 200m với tốc độ 70 – 80% tốc độ tối đa. IV. MỘT SỐ ĐIỂM TRONG LUẬT ĐIỀN KINH(CHẠY CỰ LI NGẮN). * Quy cách đường chạy và luật thi đấu. – Mỗi VĐV phải có 1 ô chạy riêng với độ rộng tối thiểu 1,22m và tối đa 1,25m. Vạch giới hạn ô chạy rộng 5cm, chỉ có vạch bên phải mỗi ô chạy là nằm trong độ rộng của mỗi ô chạy. Tất cả các ô chạy phải có độ rộng bằng nhau. Độ dốc theo hướng chạy của đường chạy không được vượt quá 1/1000. – Vạch xuất phát và vạch đích có màu trắng, rộng 5cm. Cự li thi đấu được đo từ mép sau vạch xuất phát đến mép trước vạch đích. – Số VĐV mỗi đợt tuỳ theo số ô có trên sân. Khi có đông VĐV thi thì phải tiến hành các cuộc thi loại (loại, bán kết, chung kết). Chọn VĐV vào vòng trong dựa vào thành tích. Cách chọn đó phải thông báo trước cho VĐV. – Việc bố trí đợt chạy và ô chạy cho VĐV là do Ban tổ chức quyết định trên cơ sở ưu tiên các VĐV xuất sắc: chạy ở các ô tốt, không bị loại sớm, không loại đồng đội… VĐV không được tự ý đổi ô chạy. – Sau khi có lệnh vào chỗ xuất phát, nếu VĐV không vào vị trí xuất phát thì bị cảnh cao. Nếu sau lần gọi thứ hai vẫn không vào thì bị loại khỏi cuộc thi… Xuất phát ở chạy 100m có 3 lệnh “Vào chỗ !”; “Sẵn sàng !”; và “Chạy!” (hoặc tiếng súng lệnh). Sau lệnh “Sẵn sàng !” hai mũi chân và hai tay phải chạm mặt đường chạy. – Cố tình kéo dài việc chuẩn bị là phạm quy sẽ bị cảnh cáo (tính là 1 lần phạm quy). Trước khi có lệnh chạy nếu rời tay khỏi đường chạy hoặc rời chân khỏi bàn đạp cũng là phạm quy. Trong mỗi đợt chạy, nếu đã có 1 VĐV phạm quy khi xuất phát (cướp xuất phát) thì bất kì VĐV nào phạm quy lần tiếp (dù với VĐV đó mới là lần đầu) đều bị loại, không được thi tiếp. – VĐV phải chạy đúng trong ô chạy của mình. – Xác định thời gian chạy: Hiện có 2 cách để xác định thời gian chạy, dùng đồng hồ bấm bằng tay và dùng thiết bị hoàn toàn tự động. Thành tích chạy là thời gian từ khi có tia lửa hoặc khói súng phát lệnh tới khi có một bộ phận bất kì của cơ thể (trừ đầu, cỏ, tay, chân, bàn chân, bàn tay) chạm vào mặt thẳng đứng chứa mép của vạch đích gần nhất. – Dùng 3 đồng hồ để xác định thành tích cho 1 VĐV: Nếu có 2 đồng hồ có thời gian giống nhau thì đó là thành tích của VĐV. Nếu 3 đồng hồ có thời gian khác nhau thì lấy thành tích theo đồng hồ trung gian. Nếu chỉ có 2 đồng hồ thì lấy thành tích theo đồng hồ cho thời gian dài hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu học tập : – Giáo trình nội bộ môn Thể dục tay không + Điền kinh – Bộ môn GDTC – Khoa Khoa học cơ bản – ĐHNLTN 2. Tài liệu tham khảo – Bộ Giáo dục và Đào tạo (1997), Tài liệu giảng dạy TDTT (dùng cho các trường Đại học, cao đẳng và THCN, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội – Bộ Giáo dục và Đào tạo (1992 ), Tạp chí giáo dục sức khỏe và thể chất trong các trường Đại học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. – Luật điền kinh (Ban hành theo quyết định224/QĐ-UBTDTT ngày 01 tháng 03 năm 2000 của Ủy ban Thể dục thể thao)

Duyệt của Khoa Duyệt của Bộ môn